Khắc họa nhân vật qua ngoại hình và hành động

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài (Trang 47)

Ngoại hình là một khái niệm chỉ tất cả những gì tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật, đó là hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong…Ngoại hình của nhân vật có thể được khắc họa trực tiếp thông qua ngôn ngữ của người kể chuyện, cũng có thể được miêu tả qua cái nhìn, sự đánh giá của các nhân vật khác trong tác phẩm. Nhà văn có thể tập trung miêu tả ngoại hình của nhân vật trong một đoạn văn, cũng có thể miêu tả rải rác ở các chương, các đoạn, các tình huống và hoàn cảnh khác nhau của nhân vật. Để nêu bật đặc điểm tính cách, thần thái của nhân vật và giúp cá biệt hóa các nhân vật, nhà văn phải chọn được các chi tiết tiêu biểu về ngoại hình.

Nếu Nam Cao, Thạch Lam thường đi sâu miêu tả thế giới bên trong của nhân vật thì Tô Hoài lại có biệt tài miêu tả ngoại hình nhân vật. Sở trường ấy được thể hiện rất rõ trong truyện ngắn, và nó được tiếp nối trong tiểu thuyết của ông. Khi miêu tả ngoại hình của các nhân vật, Tô Hoài đã quan sát rất kĩ, tìm ra đặc điểm riêng và vận dụng vốn ngôn ngữ đời sống phong phú của mình để lột tả nhân vật. Dù tác phẩm ít hay nhiều nhân vật, đối tượng nhân vật giống hay khác nhau thì ta đều tìm thấy bộ mặt riêng của mỗi nhân vật.

Nhà văn có khi miêu tả ngoại hình nhân vật chỉ bằng vài chi tiết thoáng qua khi nhân vật đó “ngẫu nhiên xuất hiện” như trường hợp của vị thường trực đoàn ủy trong tác phẩm Ba người khác: “Một người nhỏ nhắn, bộ áo nâu son mới sáng sủa, mặt trắng trẻo đeo kính trắng như học sinh mắt cận thị”, hay với ông cán bộ cấp trên về sửa sai: “đã đứng tuổi, mép để hàng ria con kiến, đằng lưng áo gồ hẳn lên chuôi khẩu súng lục to”. Nhưng cũng có khi tác giả để tâm, “chăm chút” cho vẻ bề ngoài của nhân vật ngay từ khi giới thiệu về họ, như trường hợp của nhân vật Cự trong Ba người khác “không uống rượu nhưng mặt lúc nào cũng đỏ găng, Cự lườm một cái lộn lòng trắng mắt, ai đương nói cũng phải nghẹn lời, đợi nghe Cự, mỗi tiếng Cự ném ra cục cằn như ném gạch”, hay Mai An Tiêm trong Đảo hoang “Mình lẳn mình trắm. Đôi mày dựng ngược. Con mắt sắc. Nước da đỏ lịm như đồng hun. Một trang quắc thước, hiên ngang lạ lùng”.

Có khi nhân vật hiện lên dưới con mắt và giọng điệu của người kể chuyện cũng có khi người kể chuyện đóng vai trò là nhân vật miêu tả về nhân vật khác trong truyện. Mai An Tiêm dưới cái nhìn của người kể chuyện là một trang anh hùng, một người có sức khỏe vô song, thần thái hiên ngang, từ bé “đã dày dạn lắm, khắp mình đã trổ chàm vằn vèo, xám xịt”, lớn lên Mai An Tiêm trở thành người có chí khí, sống độc lập và luôn tin vào khả năng của mình, nhưng chàng cũng là một người giàu tình cảm, yêu thương và che chở cho vợ con hết mực “An Tiêm cười, quen tay xoa mớ tóc đuôi bò nhỏ mướt, lưa thưa trên đầu con gái”. Trải qua gian truân, gia đình thất lạc nhau, tấm lòng, tình yêu dành cho nhau không thay đổi, nhưng ngoại hình thì có nhiều nét khác và để thấy rõ sự thay đổi về diện mạo ấy,

nhà văn miêu tả qua con mắt của các nhân vật. Khi gặp lại nhau, bố con An Tiêm mừng khôn xiết, trong nỗi mừng vui ngày gặp lại ấy, An Tiêm đã để ý thấy Mon đã lớn “ngoài mười lăm, mười bảy rồi”, và đã “cao bằng bố”, “tóc nó đen nhánh, rối một nắm dài xuống quá lưng” rồi ở chàng trai lưu lạc ấy còn có “Lông mày lông má trổ ra vàng xuộm như mặt con đười ươi”; trong cái khố trần, “bắp chân nó nổi chão”; An Tiêm cũng nhận ra qua cái dáng ấy, Mon “tinh nhanh, tháo vát” hơn nhiều, thực thụ là một chàng trai khỏe mạnh. Trong niềm hân hoan vui mừng cùng bố trở về gặp mẹ con nàng Hoa, Mon cũng đã để ý tới bố, Mon thấy “bố đã già thật rồi”, sự già nua ấy thể hiện rõ nhất qua mái tóc, và bộ râu “tóc bố dài xõa giữa lưng, ngày trước dày đen một đệp, bây giờ chỉ thấy lơ thơ lốm đốm bạc. Hai bên tóc mai đã bạc hẳn như bong” rồi “râu ria mọc kín mặt, cả đến hai bên lông mày cũng đã có như giắt bông. Sự thay đổi đó chứng tỏ quãng thời gian bố con xa cách đã rất lâu, song Mon cũng nhìn thấy bên cạnh đó, bố vẫn khỏe mạnh như xưa “khắp mình các bắp tay, lốt xăm chàm mới vẫn vằn lên và răng bố đen nhoáng” và Mon biết “hằng ngày bố vẫn xuống biển săn cá, bước bố đi còn khỏe lắm, nhanh như vượn

Ngoại hình là vẻ bên ngoài của nhân vật, nhưng nó cũng thể hiện thần thái, tính cách của nhân vật, do đó Tô Hoài đã chọn lọc các chi tiết rất nhỏ, rất cụ thể để chỉ bằng mấy dòng có thể làm cho nhân vật đó hiện lên sắc nét, sinh động như thực. Trong Ba người khác, cùng là miêu tả anh đội nhưng mỗi anh đội dưới con mắt của Bối lại hiện lên với đặc điểm nhận dạng khác nhau. Anh đội Cự là đội trưởng đội cải cách, ít học, ăn nói thô thiển “mỗi tiếng cự ném ra cục cằn như ném gạch” nhưng thích “đao to búa lớn”, “không uống rượu nhưng mặt lúc nào cũng đỏ găng”, thích quát nạt người khác để ra oai, hay tỏ ra quyền thế và sống gian giảo, cơ hội “cười nhếch mép, cười nhẹ nhàng”. Với Đình thì tác giả chú ý đến cái “dáng lêu nghêu, cái mũi đỏ, đuôi mắt có ve, lúc nói nháy lia lịa, bộ râu xồm xoàm tuổi tác và con mắt ốc nhồi”. Đúng là diện mạo của một kẻ luôn ảo tưởng, sống gian giảo, thích nói hơn thích làm. Còn Bối thì tác giả không miêu tả nhiều, chỉ qua mấy chữ ở phần cuối “tôi béo tốt hẳn hoi, râu mọc um tùm đen mỡ ra”, cộng với cái lí lịch dày đặc những mánh khóe, những gian lận và những chuyện đểu giả khiến người đọc thấy

ghê sợ một con người đội lốt tri thức, “lọt lưới” lên anh đội. Đặc biệt chỉ trong vài chi tiết ngắn gọn nhưng hình ảnh người nông dân hiện lên méo mó, dị dạng, trông thảm hại, ghê sợ. Cố nông Vách với “Cái mặt người này dại dại, mắt trơ tráo, không biết nó dở hay nó là thằng địch trắng trợn ra đặt bẫy”, hay khi miêu tả người đàn bà tật nguyền “Hai con mắt cùi nhãn ngước ra. Người đàn bà như con cóc ngồi gậm giường, bàn tay vêu vao khô đét, đen như đất, rờ lên lỗ hổng miếng cái cối” rồi “Hai con mắt đục mờ, hai đầu gối, cái khoeo teo lại như cái sống tàu lá chuối héo”. Với dụng ý nghệ thuật rõ ràng nhà văn đã tô vẽ cho vẻ bề ngoài của nhân vật những chi tiết hết sức cụ thể, đầy ấn tượng, ám ảnh, để lại trong trí nhớ người đọc những “chứng minh thư” riêng biệt.

Trong khi miêu tả ngoại hình của nhân vật, Tô Hoài thường ít khi miêu tả hình dáng chung chung, mà thường chú ý đến khuôn mặt nhiều hơn. Trong khuôn mặt, Tô Hoài hay miêu tả đôi mắt bởi “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Tác giả nhìn thấy ở Đơm - cô gái tuổi dậy thì không chỉ “nét mặt xanh xao bỗng đỏ hồng xinh hẳn” mà còn ở “con mắt thì ngon như củ khoai lùi ăn được”, rồi khi khóc thì “con mắt ướt tình”. Khi miêu tả hai người vợ của Vách và Diệc tác giả cũng chú ý đến đôi mắt, người thì “Hai con mắt cùi nhãn ngước ra”, người kia thì “Hai con mắt đục mờ,” Vách hiện ra với cũng “mắt trơ tráo”. Và An Tiêm rất ít được miêu tả, nhưng khi miêu tả đến chàng, Tô Hoài cũng chú ý đến “ đôi mày dựng ngược. Con mắt sắc” rồi, khi gặp Mon, Mon thấy bố “chỉ còn hai con mắt lay láy giữa bộ râu quai nón lốm đốm bạc mọc trùm lên cả đuôi mắt” Còn với Mon thì ánh mắt được miêu tả với nhiều sắc thái khác nhau, khi thì “mắt Mon rưng rưng”, lúc lại “mắt mở choàng, rồi khép như chờ đợi”. Cái gái thì “mặt nó trắng hồng, hai mắt sáng tươi cười”. Đặc biệt khi miêu tả về anh thợ chài chết đuối được gia đình Mai An Tiêm vớt lên, Tô Hoài đã tập trung miêu tả con mắt, thể hiện tất cả những cảm giác khác nhau của người này khi nhìn thấy gia đình An Tiêm. Khi người ấy dần dần tỉnh lại thì “hai mắt từ từ mở. Con mắt nhợt nhạt mở ra. Rồi lơ láo nhìn quanh”; rồi mấy ngày sau, “người này đờ đẫn, mặt trắng bệch ra như mặt nạ gỗ”, đặc biệt liên tiếp tác giả chú ý đến miêu tả con mắt người này khi họ dần dần tỉnh “hai con mắt hôm qua lim him

nhắm, bây giờ cứ mở tráo trâng, không biết nhắm nữa. Mí mắt đã cứng lại, con ngươi dại đi, hai tròng mắt cứ trô trố muốn long ra. Suốt ngày, người ấy ngồi rục đầu một xó. Hai mí mắt lúc nãy căng rách, muốn rơi con ngươi xuống, bây giờ mới sụp lại, đóng khít lại”. Qua các chi tiết miêu tả về khuôn mặt, đôi mắt như trên, ta biết được vốn ngôn ngữ phong phú của tác giả, tài quan sát, khả năng liên tưởng tuyệt vời. Chỉ đôi mắt, nhưng ở mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh, mỗi tình huống ta lại bắt gặp một đôi mắt khác nhau. Tác giả miêu tả những đôi mắt như “biết nói”, chúng thể hiện được hết thần thái, tính tình của nhân vật, đúng là một “cánh rừng hoa đủ màu sắc, đủ chủng loại” mà không loài nào lẫn với loài nào.

Bên cạnh việc chú ý chọn lựa các chi tiết đặc sắc để miêu tả khuôn mặt và đôi mắt của các nhân vật, Tô Hoài cũng thường quan sát và khoác lên các nhân vật những bộ trang phục khác nhau, qua đó người đọc vừa nhận dạng nhân vật, vừa thấy được những nét bản sắc của từng vùng miền, từng thời kì. Lúc đầu người đọc nhận diện các anh đội qua “quần áo nâu bàng bạc”, còn vị thường trực đoàn thì “bộ áo nâu non mới sáng sủa”; với người nông dân thì vẫn trang phục nâu nhưng “ cố nông Diệc - quần nâu bạc đã tuông cả gấu” và cô Duyên người con gái nông thôn nhanh nhẹn tuổi dậy thì với “áo vải phin nâu”. Trang phục “nâu” đó là dấu hiệu để ta biết về thời kì cải cách, nhưng mỗi màu “nâu” cũ, mới khác nhau đó cho ta biết về cấp bậc, tầng lớp của nhân vật và đồng thời qua cách ăn mặc ta cũng một phần hiểu được tính tình của nhân vật. Khi miêu tả gia đình An Tiêm ở ngoài đảo, điều Tô Hoài quan tâm miêu tả vẻ bề ngoài cũng là ngoại hình với trang phục “rách lướp tướp”; rồi thì như những con “ma rừng trần truồng, đóng khố, cái khố cỏ vàng sạm”; dưới con mắt của người trai chài lưới thì mẹ con nàng Hoa hiện ra với trang phục “Những người đàn bà trần trùng trục, da đen nhánh, không giống da người. Những cái váy bùng nhùng, váy da dê núi hay da trăn”; và Gái sau bao năm xa cách anh Mon, giờ đây thể hiện vẻ dậy thì của mình qua “cái váy khép vạt cồng kềnh từng nan nâu nan mây vồng trước vồng sau”. Ngoài đảo, gia đình An Tiêm chỉ mong sao có cái ăn, có cái mặc, và trang phục là cái mà nàng Hoa luôn mang bên mình, coi nó là thứ “tối quan trọng”, trang phục ấy chẳng có gì nổi bật về màu sắc,

về hình dáng mà nó chủ yếu được mô tả ở chất liệu và cách ăn mặc. Ở Miền Tây, Tô Hoài tả không nhiều nhưng mỗi lần tả hầu như đều có những chi tiết về trang phục. Với bà Giàng Súa diện mạo không được mô tả kĩ nhưng tác giả đã mô tả bà với nỗi sợ hãi, nỗi đau khổ qua vạt áo khi người ta bắt Thào Nhìa đi : “ Bà khép hai mảnh vạt áo đã rách mòn hở đến ngang ngực”. Với Mỵ, cô gái người Mèo đẹp nhất, tác giả cũng sử dụng các chi tiết về trang phục, cô đẹp ngay cả khi “vẫn bộ váy áo ấy từ khi ở khu du kích, đã cũ, bạc trắng” và cô trở nên một cô gái xinh xắn, đáng yêu qua cái nhìn của Nghĩa khi cô mặc “áo trắng, quần đen”. Thào Khay, người y tá của bản làng thì hiện lên với trang phục “mặc quần áo dạ đen, kín cổ”, và khi anh tiêm thuốc thì mặc áo “lui” (blu); trưởng thôn Pàng lại có “quần áo vải thô không nhuộm, đen xỉn như trát đất”. Tô Hoài còn sử dụng chi tiết miêu tả trang phục để nhận diện nhân vật. Một người phản cách mạng, dụ dỗ nhân dân vượt biên được Tô Hoài miêu tả qua bộ quần áo hắn mặc mà không có thêm chi tiết miêu tả về những đặc điểm khác “Thằng áo đen lại đến, cái lưng áo lúc nãy còn lành, giờ đã rách trống hốc”. Thào Nhìa khi mới xuất hiện, cái nổi bật để mọi người biết hắn là biệt kích đó là bộ quần áo và túi vải hắn đem theo “quần áo tay chân nó loang lổ như con trăn đang lột” (…), “những cái túi màu da con tắc kè xanh xám lẫn màu cỏ. Bộ quần áo dù xám ngoét”. Quả đúng là nhìn vào bộ quần áo đó, Thào Nhìa trông khác biệt với tất cả những người ở Phìn Sa. Quan sát kĩ nên Tô Hoài đã làm nổi bật sự khác nhau giữa các dân tộc, người con gái Mèo thì “mặc áo chàm, chít khăn đen, về sau đổi ra mặc áo váy thêu”; ông cụ người Xá thì “cởi trần, khăn quấn quanh, búi tóc cao”; còn người Dao với “chiếc áo chàm dài có hai hàng khuy mở suốt lồng ngực vạm vỡ”. Khi miêu tả một đoàn người bị dụ dỗ vượt biên, Tô Hoài cũng chỉ chú ý lột tả họ qua trang phục họ có trên người. Lúc chuẩn bị vượt biên thì “họ mặc áo nẹp đỏ, lưng thêu dấu áo quán và áo quản mán, có người áo thầy cúng vạt dài, Có người quần chàm quấn vải mộc, rách toang”; còn khi họ bị bắt lại thì “Cả bọn vẫn lòng thòng nguyên những quần áo thống lý, quản mán. Nẹp viền sặc sỡ, tua ngũ sắc đeo cổ, dấu vuông đỏ đóng lưng áo”. Tuyệt nhiên không có chi tiết nào thể hiện tính cách của họ, nhưng qua trang phục họ mặc ta hiểu họ là những người còn mê

tín, còn tin vào vua, vào sự tuyên truyền giả dối của địch, họ nhốn nháo, đủ “màu sắc”, chứ chưa vững vàng về một phía. Tô Hoài không tập trung tả trong một đoạn mà tả xen kẽ với sự xuất hiện của mỗi nhân vật, và ông cũng không dài dòng, không cầu kì miên man vào tả trang phục của họ, chỉ mấy câu văn ngắn gọn, vài chi tiết nhỏ nhưng nó góp phần làm cho nhân vật trở nên sống động, khắc họa được một số nét tính cách của nhân vật.

Cách miêu tả của Tô Hoài có lúc cảm tưởng như thoáng qua, nhưng những nét vẽ đó gọn gàng ít khi thừa, đúng là có dụng ý nghệ thuật. Cách miêu tả ngoại hình của Tô Hoài chứng tỏ thế mạnh của ông trong việc khắc họa nhân vật. Và sở trường ấy có được là bởi ông luôn quan sát không ngừng nghỉ, lắng nghe không mệt mỏi, chăm chỉ học hỏi để hoàn thiện văn phong của mình.

Cùng với việc tập trung khắc họa nhân vật ở ngoại hình, Tô Hoài cũng thường miêu tả hành động của các nhân vật. Tần số nhân vật hành động trong truyện là tương đối nhiều, đủ để nhân vật bộc lộ được nét tính cách của mình. Không chỉ là yếu tố cần thiết để nhân vật bộc lộ tính cách, hành động còn là yếu tố thúc đẩy diễn biến của cốt truyện. Nó là mối dây liên kết các nhân vật trong cốt truyện. Đó là những việc làm cụ thể của nhân vật trong quan hệ ứng xử với các nhân vật khác và

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)