Ngôn ngữ giàu tính tạo hình

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài (Trang 90)

Bức tranh thiên nhiên, đời sống và thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Tô Hoài được tái hiện qua lời người kể chuyện chân thưc, sinh động là bởi thứ ngôn ngữ giàu chất tạo hình bắt nguồn từ tiếng nói dân dã của nhân dân.

Nhờ việc sử dụng đa dạng, phong phú các từ láy mà chân dung các nhân vật qua lời của người kể chuyện trở nên sống động và có hồn. Tô Hoài đặc biệt sử dụng nhiều từ láy để miêu tả ngoại hình và hành động của nhân vật. Mai An Tiêm khi còn thanh niên được miêu tả với đôi mắt “long lanh”, lưng và lườn, chân tay chàm “vằn vèo” hình thủy quái, còn khi đã trải qua bao gian khổ ở đảo, bộ râu quai nón “lốm đốm” , tóc thì “lơ thơ bạc” nhưng hai mắt vẫn “lay láy”. Mon thì được chú ý ở mái tóc “cun cún”, nét mặt oai “chắm chắm” và “lụ khụ” như ông già khi mặc áo sui để chuẩn bị lên đấu vật.(Đảo hoang). Trong Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, khi Thụ mải ngắm nhìn cái buồng xưởng máy, anh thấy “nó vừa quan trọng nó vừa xơ xác” nhưng mọi người đều “làm việc chăm chú, thận trọng, loay hoay và im lặng”. Bạn Thụ là Chi thì “ngồi lúi húi góc trong. Khuôn mặt còn xanh rớt và cái đầu rụng tóc

trọc loang lổ như đắp nhọ cháo”. Điều đó cho thấy sự đối lập giữa thực tế xưởng máy và sự nhiệt tình của mọi người nhưng qua đó thể hiện được mong ước thiết tha của Thụ và của anh em là dựng được một cái xưởng – đó là bước đầu của cách mạng. Đình hiện lên với cái dáng “lêu nghêu, đuôi mắt có ve lúc nói nháy lia lịa, bộ râu xồm xoàm tuổi tác”. Chỉ ba từ láy miêu tả hình dáng, đôi mắt và bộ râu mà gợi cho ta hình dung được hình ảnh một anh đội không đứng đắn. Anh đội Bối thì hiện rõ là một người hèn nhát, cơ hội ở chi tiết trốn tự vệ “tôi chít sùm sụp cái khăn vuông mỏ quạ, giả làm bà già”. Từ sùm sụp vừa gợi được cái dáng cố tình che giấu, vừa gợi cho người ta về tính cách của một người không đàng hoàng. Một loạt các từ láy kế tiếp nhau được xuất hiện để mô tả hành động, trạng thái của nhân vật : “Đội trưởng Cự nói đến đoạn hăng, bắt đầu băm bổ bàn tay liên liến, hai con mắt trợn trừng như muốn bật ra. Tôi luồn tay dưới ba lô thó luôn cả gói bỏ nhẹm vào túi xách của tôi. Rồi lại vờ lơ láo nhìn mọi người. Ai nấy vẫn đăm đăm. Người hí hoáy ghi sổ tay. Người chăm chú vừa thờ ơ nhìn đội trưởng” (Ba người khác). Những từ láy này được sử dụng đúng chỗ, giúp người đọc hình dung ra điệu bộ giả tạo, đáng cười của các anh đội khi họp một cách hình thức. Đặc biệt ta cảm thấy ám ảnh ghê rợn trước cảnh tượng Đình bị tra tấn. Nó được miêu tả bằng một loạt các từ láy “xù xì”, “há hốc”, “lênh láng”, “sằng sặc”, “thình thịch”, “vun vút”, “chan chát” kết hợp với một chuỗi các động từ “đập”, “văng ra”, “tuôn”, “giáng”, “chọc”, “bốp” vừa gợi hình ảnh ghê rợn, vừa tạo nên âm thanh khô khốc, rùng rợn, dã man. Những từ láy được dùng để diễn tả nỗi khổ, số phận của bà Giàng Súa là những từ bản thân nó đã gợi cho người ta cảm được tăm tối, sự thấp thỏm không sáng sủa gì “Đàn ngựa thấp thoáng lên qua khúc đường còn sót một chút nắng loang lổ. Bà Giàng Súa không đếm được từng con. Bà chỉ thấy mờ mờ lố nhố”. Ở trong rừng lâu quá, con người thèm được nghe âm thanh của cuộc sống và cái thèm ấy được diễn tả qua hành động, trạng thái của Mỵ khi nghe tiếng ngựa lên núi: “Bé Mỵ cũng lật đật chạy ra khỏi đám lửa lom đom. Bé Mỵ run rẩy, lập cập hàm răng, hỏi anh”.

Các nhân vật trong tiểu thuyết của Tô Hoài thường “làm” nhiều hơn “nghĩ” nên qua lời người kể chuyện hành động của các nhân vật thường được xâu chuỗi từ

một loạt các động từ. Đó là một loạt động từ miêu tả cảnh An Tiêm vùng vẫy trốn khỏi cá mập An Tiêm “quẫy”, rồi “vừa bơi lùi, vừa giơ xĩa lên chống đỡ”, “ đâm”, “co chân, quay xĩa lại, đâm suốt”, “vùng vẫy” “lùi vào”, “lóp ngóp bò vào bờ. ”. Hay cảnh An Tiêm phải quay lại lấy tay nải khi gặp cơn bão, các động từ cũng được sử dụng hết “tần suất”: “An Tiêm “vớ”, An Tiêm “vác”, “ré chân trèo thốc lên”, “nắm hai cái tay nải”, “sờ”, “nắn thấy”,“vừa hú vừa nhô khỏi gờ đá”. Khi miêu tả cuộc sống lưu lạc của Mon sau trận rồng cuốn, ta thấy một loạt các động từ được sử dụng để làm nổi bật hành động tìm kiếm thức ăn, nước uống, dựng nhà cửa của Mon, để chứng mình cho câu nói “Trong rừng dưới bể, con người ở đâu mà biết chịu khó cũng tìm ra cái nuôi sống mình". Chủ thể hành động là Mon với một loạt các động từ miêu tả hoạt động: “Mon nằm nghiêng trong hốc, chân duỗi thò ra ngoài. Mon đứng dậy. Mon nhìn ra cửa cái lỗ. Mon vào rừng tre. Mon trở lại chỗ cây thông. Mon cặm cụi ngồi tước mo nang thành sợi. Mon xách dao đá sang rừng tre(...) Mon lại mài đá nữa(…) Mon chọn mấy cây tre to, đẽo hai đốt một làm ống đựng nước, vác ra suối, vục nước đem về. Thế là Mon đi(.. .) Mon quay lại(…)

Mon xếp đá cao lên. Mon đẵn về một đống tre, trúc(…)Mon đẽo những con dao đá sắc hơn(…)Mon dựng sáu cái cột sàn to(…)Mon lội qua suối về(…)Mon ra gỡ

mạng lá dứa (…)Mon lấy dao đá đập dẹt. (Đảo hoang). Hành động ăn cắp của Bối được thuật lại với sự nối tiếp nhau một cách liên tục của các động từ: “Tôi duỗi

chân đụng vào đít cái ba lô trước mặt để đặt bản đồ. Ngón chân hình như vướng vào mảnh lá chuối. Tôi con mắt dương hoa vàng mờ, cũng nhận ra cái lá chuối lòi ở góc mảnh bạt nắp ba lô. Bấm thấy mềm mềm. Tôi quờ tay. Ôi chao, tôi nhận ra cái lá bánh đúc ngô ở chợ. Tôi ngước mắt. Đội trưởng đương nói đến đoạn hăng, bắt đầu băm bổ bàn tay liên liến, hai con mắt trợn trừng như muốn bật ra. Tôi luồn tay

dưới ba lô, thó luôn cả gói, bỏ nhẹm vào cái túi xách của tôi” (Ba người khác). Không chỉ con người mà thiên nhiên và con vật cũng được miêu tả rất sinh động nhờ hàng loạt các từ láy gợi hình, gợi cảm. Mùa hạ trên vùng núi Tây Bắc được mô tả có hình, có khối, có hương, có sắc và có cả tâm trạng với “Nắng sớm

núi long lánh sáng.”, rồi khi chiều xuống: “Đôi khi mặt trời buổi chiều tưởng đã chìm hẳn lại rầu rĩ nhô ra” và đêm đến “Đêm đầu mùa hạ trên núi, hiu hiu lạnh như đêm tháng mười dưới vùng thấp (Miền Tây). Trời khuya có trăng là vật duy nhất tỏa sáng và trăng cũng được mô tả bằng các từ láy gợi hình “ông trăng ngoài rằm

thảnh thơi tỏa ánh sáng nhạt xuống” và “Rõ ràng mắt chúng tôi đã trông thấy nửa đêm trăng vằng vặc sáng”, và những đêm “trăng hè trong leo lẻo, trắng rợn trên khe lá” (Đảo hoang). Rồi “trăng mùng mười lơ lửng xuống sau rặng tre bên kia” (Ba người khác). Và tiếng mưa cũng được miêu tả với những âm thanh khác nhau “Những hạt mưa lẹt đẹt trên bàn tay”, “Mưa lộp bộp trên cái nải”, “Tiếng rào rào liên miên đan khít hai bên tai”. Âm thanh, hoạt động của những con chim trên đảo được mô tả qua cái nhìn của Mon “Lạ quá, nghe lao xao như tiếng người cãi nhau trong hốc đá. Tiếng người? Tiếng người cãi nhau to. Không, tiếng gì lào xào. Như tiếng gió quết trên bụi mía, bụi ngô. Rồi lại phảng phất xa (...). Đàn chim đương

xúm xít vộc đuôi, châu mỏ dưới chân tảng đá. Chúng lại tranh ăn dưới ấy. Tiếng lầm rầm nghe là tiếng đạp, tiếng xô cánh, tiếng kêu, tiếng mỏ chọi nhau của những con chim cướp cái ăn, như lúc nãy ở trên trời. Bây giờ chim mới chịu lả tả bay tản ra, thế nhưng vẫn chới với tiếc rẻ liệng quanh” (Đảo hoang). Với các từ láy đó cảnh đàn chim tranh mồi hiện lên thực sự sinh động, giống như hoạt động của con người. Tô Hoài thường tỏ ra rất tinh tế trong những quan sát và mô tả như vậy.

Tô Hoài từng thổ lộ: “Trước tiên, khi viết văn, bao giờ tôi cũng nghĩ là mỗi câu văn là do từng hình ảnh xuất hiện liên tiếp, từng chữ mang hình ảnh nối vào nhau. Chữ của câu văn phải như gõ vào, nó kêu được. Chữ phải làm nổi hình ảnh liên tiếp. Cho nên tôi cố gắng, một là chỉ cho người đọc thấy được dáng câu, chứ không thấy được kiến trúc câu; hai là cách cấu tạo câu phải là hình ảnh, hình ảnh liên tiếp. Người ta đọc bằng mắt, chữ vào trong óc, bao giờ cũng trở thành hình ảnh trước, tôi cố gắng làm theo những cách trên” [6; 51]. Với quan niệm như vậy, trong tác phẩm của mình Tô Hoài rất chú ý đưa vào các hình ảnh so sánh ví von, có thể nói nó là một đặc trưng quan trọng của việc sử dụng ngôn ngữ trong tác phẩm của riêng nhà văn. Hầu như trang nào ta cũng có thể bắt gặp những hình ảnh so sánh từ

đơn giản đến tinh tế, từ giản dị, dễ hiểu đến độc đáo, thú vị. Ta bắt gặp những so sánh rất đời thường, vế được đem ra so sánh rất đỗi gần gũi, bình dị trong cuộc sống hàng ngày nên đọc đến ta có thể hình dung, tưởng tượng ra ngay “Miếng màu năm thước ruộng bé như lỗ mũi trâu”, “Người đem trẻ con đi bán như quảy quả mít”, “Những gốc lúa nóng hầm hập như bắp ngô luộc”, “thửa ruộng chon von ngả màu đỏ úa như cái lò gạch nung đã chín”. (Ba người khác). Sự vật, con người được miêu tả một cách sinh động và gần gũi với hình ảnh “Con người mắc vào đá như

những hòn sỏi, như những con chuột bị lắc đi lắc lại trong ống”, và “rêu đá chất đống cao như gò rơm”. Cái rét được miêu tả bằng cảm giác như “gai châm”. Và trong cái rét ấy “thì xống áo vợ chồng con cái bạc và rách như xơ mướp” (Đảo hoang). Cái chết của người trèo hồi cũng được so sánh với những vật vô cùng gần gũi, nhỏ mọn như cái bao tải và cành cây nhưng nó lại diễn tả đúng trạng thái của một người đang hấp hối, cái dáng của họ đúng là chỉ còn như những vật vô tri vô giác, khô khốc không một chút sức sống “Người trèo hồi nằm trong đống bao tải thừa, cũng xám ngắt như cái bao tải (…). Cái hình người bây giờ dẹp đét, mỏng dính lại kênh lên như một cành cây” (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ). Khi bé Mỵ và Thào Nhìa xuống chợ vì tò mò, thích thú sau bao năm phải chui lủi trong rừng, hình ảnh hai đứa trẻ ngây thơ, tội nghiệp được so sánh: “Mỗi đứa che lưng một cái tết đệp đay móc đen, tóc xõa bết kết xuống hai vai. Chẳng khác hai con gấu nhỏ vừa chui từ trong rừng kín ra chỗ núi tranh trống…”; hình ảnh bà Giàng Súa và các con đốt đống lửa khi trốn trong rừng được so sánh với hình ảnh của gà mái ấp con: “mọi người mẹ đều tựa gà mái ấp, muốn được các con mình ở cạnh”. Hình ảnh đó thật gần gũi, ấm áp, thân thương mà gợi cho ta cảm giác thương cảm với mẹ con bà Giàng Súa trong cảnh đời cũ (Miền Tây). Một loạt các sự vật rất đỗi bình thường, giản dị, nhỏ bé và có mặt khắp trong đời sống của chúng ta, không cần dụng công, “vắt óc” cho những hình ảnh “mĩ miều”, các so sánh của Tô Hoài hết sức sinh động và có hồn, chính xác nó như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân. Đó là một nét riêng biệt tạo nên phong cách của Tô Hoài – nhà văn của đời thường.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài (Trang 90)