0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

Điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT TÔ HOÀI (Trang 77 -77 )

Người ta không thể miêu tả nếu không có người miêu tả và không bắt đầu từ một điểm nhìn nào. Trần thuật bắt đầu từ điểm nhìn nên xem xét nghệ thuật trần thuật trong một tác phẩm cũng phải bắt đầu từ điểm nhìn trần thuật và vai trò của người kể chuyện. Khi nói đến trần thuật thì điểm nhìn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó là cái vị trí dùng để quan sát, cảm nhận, đánh giá bao gồm cả khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, cả phương diện vật lý, tâm lý, văn hóa. Điểm nhìn trần thuật thể hiện tư tưởng, dụng ý nghệ thuật của nhà văn, xuất phát từ nhân vật nào đó sẽ tạo nên tính chất chủ quan, độ tin cậy ở sự thật được nói đến trong tác phẩm. Nếu là điểm nhìn bên ngoài sẽ tạo được sự khách quan, chỉ nhìn thấy cái bề ngoài, không đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Còn điểm nhìn “biết tuốt” thì nhà văn là người “toàn tri” kể lại toàn bộ câu chuyện.

Trong tiểu thuyết của mình, Tô Hoài đã lựa chọn điểm nhìn từ nhiều vị trí. Có khi là điểm nhìn bên trong từ một nhân vật trong truyện, cũng có khi là điểm nhìn bên ngoài từ người kể chuyện ngôi thứ ba, và trong đó, ta nhận thấy có sự di chuyển điểm nhìn, cũng như sự kết hợp linh hoạt điểm nhìn bên trong và bên ngoài.

Điểm nhìn trong Đảo hoang cơ bản là điểm nhìn của người kể chuyện. Mọi sự việc, chi tiết, hoạt động, trạng thái, tình cảm của các nhân vật đều được đặt dưới điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba. Từ điểm nhìn bên ngoài đó, người kể chuyện kể lại toàn bộ sự việc diễn ra từ lúc Mai An Tiêm còn bé, sống nhờ mọi người bên bờ biến, đến lúc lớn lên gặp vua rồi theo vua về kinh đô, và sau đó là chuỗi những năm tháng dài gia đình An Tiêm sống ngoài đảo. Nó được bắt đầu từ sự kiện Mai An Tiêm và dân Bãi Lở giành chiến thắng tuyệt đối ở tất cả các phần thi trong hội thi Vua Hùng tổ chức. Dưới điểm nhìn bên ngoài đó, người dân Bãi Lở

và Mai An Tiêm đã thi đấu hết mình, công bằng, dù gặp phải khó khăn khi đội vật của cõi Ất dở trò nhưng họ vẫn vượt qua để giành về vinh quang chưa đội nào giành được trong ngần ấy năm tổ chức ngoài cõi Ất ra. Tuy nhiên, chính sự công tâm và chính trực, ngay thẳng của An Tiêm và người dân Bãi Lở đã khiến những kẻ xu nịnh ghen ghét và tìm cách đẩy gia đình An Tiêm ra đảo. Cuộc sống ngoài đảo vô cùng gian nan, nhưng bằng sức khỏe và ý chí, gia đình An Tiêm đã vượt qua. Những khó khăn đó được kể một cách rất hiển nhiên, rất khách quan như thực, như là người kể chuyện đang sống ngoài đảo, được chứng kiến tất cả. Đó là những ngày đi tìm chỗ trú ẩn trên những vách đá; rồi cả nhà chia nhau vào rừng đi tìm nước uống; tìm chỗ làm nhà, tìm cách giữ nước, lấy thức ăn; và rồi “trận rồng cuốn nước” khiến cả nhà li tán; họ vừa tìm cách sống sót vừa đi tìm nhau; Mon trồng được giống dưa hấu và họ thả dưa hấu ra biển mong có ngày đến được đất liền. Với ngôi kể thứ ba, điểm nhìn bên ngoài, Tô Hoài đã thành công khi miêu tả đầy đủ hành trình gian nan của con người chiến đấu chống lại thiên nhiên, chứng minh cho mọi người thấy sức mạnh của “bàn tay con người”. Không chỉ sử dụng một điểm nhìn, trong tiểu thuyết mặc dù không nhiều nhưng tác giả cũng đã có sự kết hợp điểm nhìn bên ngoài và bên trong ngay trong một đoạn văn. Khi gặp trận rồng cuốn nước, Mon thất lạc gia đình, cả nhà đều nhớ Mon, nhất là nàng Hoa. Người kể chuyện kể: “Nàng Hoa vào trong lều, nét mặt Nàng Hoa lặng lẽ và nghiêm. An Tiêm biết câu nói của mình đã thấm ý nghĩa. Nàng Hoa nghe ra rồi”; sau khi nghe An Tiêm khuyên nhủ, tâm trạng nàng Hoa đã bớt đau buồn và lúc này người kể chuyện di chuyển điểm nhìn khiến ta nhận ra nàng đang tự nhủ thầm: “Khóc thương không thể làm gì. Chỉ có mạnh chân khỏe tay mới có hy vọng tìm lại được người”. Sự di chuyển từ điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện đến điểm nhìn bên trong của nhân vật đã làm rõ tâm trạng nhớ con, đau khổ vì không biết con đang ở đâu của vợ An Tiêm, qua đó ta cũng thấy được tình yêu và sức mạnh ý chí của con người có thể vượt qua hết thảy mọi xa cách. Sự di chuyển điểm nhìn còn được thể hiện rõ qua chi tiết bố con An Tiêm gặp nhau. Lúc này nỗi nhớ con, niềm xúc động, vui sướng của An Tiêm không thể kiềm chế mà bật thành những câu hỏi, tưởng như khi vui

quá chỉ có thể hỏi mà không thể làm gì khác được nữa: “Mon đấy ư? Thằng Mon đấy ư? Thằng này là thằng Mon ư? Thằng Mon lạc nhà bao nhiêu năm nay, bây giờ nó đây, nó là người thế này đây ư?”. Một loạt câu hỏi tu từ nối tiếp nhau thể hiện tâm trạng của một người cha và qua đó ta nhận bên cạnh sự mạnh mẽ tưởng như chỉ có ý chí ấy ở An Tiêm thì trong chàng còn tình yêu thương con, nỗi nhớ con của một người cha giản dị như bao người khác.

Đọc Miền Tây, ta nhận thấy câu chuyện cũng được kể ở ngôi thứ ba điểm nhìn bên ngoài. Với điểm nhìn đó, toàn bộ cảnh đời ở Phiềng Sa trước và sau cách mạng đều được mô tả một cách chi tiết, đầy đủ với cái nhìn bao quát, khách quan. Từ những đau khổ của người dân đồng bào miền núi được thể hiện chủ yếu qua phiên chợ Phiềng Sa cho đến những sinh hoạt cộng đồng, những số phận thay đổi trong cuộc đời mới. Người kể chuyện cứ lần lượt kể tự nhiên, tuần tự các sự kiện xảy ra với vùng núi Miền Tây để người đọc thấy được sự đổi đời do cách mạng mang lại, thấy được các vấn đề khi tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở vùng núi. Tô Hoài cũng đã kết hợp điểm nhìn bên ngoài và bên trong trong đoạn văn kể lại cảnh bà Giàng Súa mua muối. Khi chủ tịch Tỏa bán muối cho bà Giàng Súa, người kể chuyện đang kể ở ngôi thứ ba điểm nhìn bên ngoài: “Rồi bà cúi đầu, nhắm mắt, ngồi yên” để nhớ lại, tưởng đến con suối “Nậm Ngù mù mịt” – một thời quá khứ đau khổ của mẹ con bà thì ngay sau đó người kể chuyện đã thâm nhập vào nội tâm nhân vật với điểm nhìn bên trong để thể hiện tâm trạng bất ngờ, vui mừng của bà khi nhận được cân muối: “Hạt muối, hạt muối trắng hơn sợi lanh đập rồi” và lại kể ở điểm nhìn bên ngoài: “Lúc xúc động là lúc im lặng. Người ta nhắm mắt lại mà chiêm bao thì ngẫm ra nhiều điều” thì ngay sau đó lại là lời độc thoại của bà Giàng Súa tự nhớ lại câu nói của cán bộ Nghĩa bằng điểm nhìn bên trong: “Cán bộ Nghĩa vừa nói: Thằng Khay học giỏi lắm” và tự nhủ mình: “Khay sẽ về, Khay sắp về”. Sự kết hợp điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện với điểm nhìn bên trong của nhân vật bà Giàng Súa đã cho thấy rõ tâm trạng vui mừng, phấn khởi của số phận con người trong cuộc sống mới. Không chỉ kết hợp điểm nhìn mà tác giả còn di chuyển điểm nhìn. Đọc đoạn Thào Khay đi học trở về bản ta nhận thấy vẫn là ngôi kể thứ

ba nhưng đã có sự sự di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang người đi làm nương. Đây là đoạn người kể chuyện kể: “Một hôm, người đi làm nương sớm nhìn thấy từ dưới núi đi lên một đốm trăng trắng. Rồi sau mỗi lúc trông một rõ ra đây là một người cưỡi ngựa (…). Người trên nương không đoán được ai quen”; và điểm nhìn được chuyển sang những người đi làm nương một cách rất tự nhiên qua cách gọi Thào Khay là: “đồng chí bộ đội” và sự thắc mắc, không biết ai qua cách lí giải, đoán mò: “Có lẽ bộ đội dưới châu lên. Bộ đội thật, vì đồng chí ấy đội cái mũ lạ và có chiếc túi da đeo lưng”, rồi sau đó là các câu hỏi: “Ai mà thổi sáo khéo đến thế?”, “Hay là lại có người trở về”, “thế thì ai đây?” và những câu đối thoại khi Thào Khay hỏi có biết anh ta không: “Nhớ lắm”, “là đồng chí bộ đội”. Sự di chuyển điểm nhìn này cho phép người đi làm nương cùng tham gia câu chuyện, nó càng thể hiện sự đổi thay trong nếp nghĩ, sự bất ngờ, vui mừng trước vẻ bề ngoài đẹp đẽ, trước con người Thào Khay khi anh đã trở thành cán bộ cách mạng. Anh trở về trong sự thay đổi đó, trong sự đón chào ngạc nhiên, vui mừng của đồng bào như chính cách mạng trở về để làm thay đổi cuộc sống của họ.

Bên cạnh điểm nhìn bên ngoài từ người kể chuyện ngôi thứ ba ở các tiểu thuyết trên, Tô Hoài còn sử dụng điểm nhìn bên trong từ một nhân vật trong truyện xưng “tôi”. Điểm nhìn trong Ba người khác đặt trong điểm nhìn của anh đội Bối khi Bối kể và nhận xét về các nhân vật khác. Dưới điểm nhìn của Bối các anh đội đều tham ăn, dâm dục, dốt nát. Chân dung của họ hiện lên chân thực, sinh động. Đi làm cải cách, phải thực hiện “ba cùng” với người nông dân, bên ngoài thì họ tỏ ra kỉ luật, đứng đắn nhưng thực chất thì ăn vụng bánh đúc, “hủ hóa” với các nữ dân quân, sợ phải đi làm đồng, hô hào quần chúng cấy lúa trong khi không biết gì về nông nghiệp, xử địa chủ một cách tàn ác trong khi cũng để lọt địa chủ thực sự. Trong các việc làm bỉ ổi, sai trái đó, chuyện “hủ hóa” được kể chi tiết với những cảnh “sinh hoạt như gà”. Điểm nhìn bên trong đó đã khiến cho sự thật về một thời cải cách được phơi bày trần trụi và sống động. Đó là một bức tranh xã hội với gam màu xám chủ đạo bởi những anh đội mang phẩm chất “cải cách” đi cải cách mọi nhà song lại không cải cách được chính mình. Điểm nhìn của Bối có khi lại ẩn dưới điểm nhìn

của người khác, của ngôi thứ ba. Cái nhìn của “tôi” vừa mang tính cá nhân lại vừa mang tính đại chúng khiến cho điểm nhìn di chuyển linh hoạt đa dạng. Câu chuyện được kể vừa mang tính chủ quan của người trong cuộc lại có tính khách quan của người ngoài cuộc. Cụ thể về sự di chuyển điểm nhìn đó qua đoạn kể của Bối: “Đương nhiên khi nông nhàn, đồng áng lơ xơ, xa xa mấy người lúi húi cào cỏ. Thấy người lội đồng, đội mũ, quần xoe trên gối, người ta ngẩng lên rồi lại cúi xuống quờ tay quanh gốc lúa. Anh đội, anh đội thăm đồng đấy à”. Lúc đầu điểm nhìn là của Bối nhưng ở câu cuối điểm đã di chuyển sang phía bà con làm đồng. Sự di chuyển điểm nhìn như vậy tạo nên tính chân thực cho sự việc được kể. Điểm nhìn của Bối còn được di chuyển sang điểm nhìn của ngôi kể thứ ba khi tác giả kể về việc Đình bị bắt giam và xử. Bối chỉ được nghe Cự kể là Đình bị ô tô bắt đi đêm qua, như vậy nhân vật “tôi” không được chứng kiến cảnh Đình bị bắt, cũng không được tham gia xét xử nhưng từ lúc Đình bị bắt đến cuộc sống tù ngục và cái án tử hình Bối đều kể rất rành rọt. Cái nhìn của “tôi” lúc ấy có khi ẩn dưới điểm nhìn của người xem xử :“Ối giời ơi, cái áo kẻ ca rô mà tháng trước…Thằng cu nhà Đình! Thằng cu nhà Đình! Mẹ nó xốc nó lên cho Đình trông thấy”, có khi là của bọn cai tù: “Dây bìm bám rêu trùm lên lù lù tựa quả đồi xanh om, bên trong các xà lim, các buồng giam lồi lõm như hang hốc, núi đá,…”; có lúc lại của cán bộ xử án: “Toà hỏi lại, trả lời cho rõ: mày vào đảng phản động bao giờ, ai đưa vào, ai tổ chức cho mày trá hình chui vào Việt Minh, ai ra lệnh cho mày tập trung người, giết người. Không chỉ di chuyển điểm nhìn mà Tô Hoài còn kết hợp linh hoạt điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài. Bối với điểm nhìn bên trong đi sâu vào tâm lí, nội tâm của mình và của mọi người. Bối tự thể hiện mình là anh đội dốt nát, tham ăn, dâm dục. Tính cách ấy được Bối thuật lại rõ ràng qua tiểu sử của mình và qua đợt cải cách Bối đi xuống vùng “200 ngày”. Sự dốt nát được bộc lộ qua trình độ chưa hêt bậc sơ cấp chỉ có “đôi ba chữ”; tính tham ăn thể hiện qua việc ăn cắp bánh đúc; và sự dâm dục: “Tôi rình xem Đơm có về. Tôi nhớ cái vú nây nây.Con mèo đợi vồ chuột”. Điểm nhìn bên trong còn được thể hiện ở việc Đình bị tra tấn, đánh đập trong tù và Bối không có trong tù nhưng vẫn đưa ra nhận xét về tâm lý của Đình: “Tuy đau, những

nuốt được vào bụng của ngọc thực, Đình cũng tinh tỉnh đôi chút. Càng tỉnh càng thấy sợ, có lúc muốn đập đầu chết ngay, cũng có lúc tự dưng muốn tắt thở. Làm sao nên nông nỗi này? Làm sao cái trại đại đồng lại lên trại Quốc Dân đảng? Những người ở dưới xuôi tản cư lên không quen thung thổ ốm sốt rét ngã nước, cả vùng ai cũng biết. Thế là thế nào? bí thư, chủ tịch còn cả đấy, ở huyện, ở trên tỉnh à.. à…”. Những câu hỏi, những câu văn nửa trực tiếp như chính lời độc thoại nội tâm của Đình. Tâm lý của Đình được phân tích một cách rõ nét do có điểm nhìn bên trong , người kể chuyện – Bối như thấu hiểu trong lòng nhân vật nghĩ gì để kể lại do đó câu chuyện có độ sâu, có độ tin cậy. Điểm nhìn bên ngoài được thể hiện với cách nhìn nhận của Bối về cuộc cải cách ruộng đất. Đó là một phong trào lật đổ địa chủ, chia ruộng đất cho nông dân, thiết lập lại bộ máy chính quyền thôn xã. Là một nhân chứng, cũng là một nạn nhân người kể chuyện không né tránh những sai phạm, hạn chế của cuộc cải cách mà nói thẳng, nói thực tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Đó là những cách bắt rễ, xâu chuỗi một cách cảm tính, chủ quan, dập khuôn; là những cuộc đấu tố, xử án dã man, rùng rợn; là cảnh người nông dân nhếch nhác, đói khổ mà đầy tham lam…Tất cả đều được kể với cái nhìn khách quan, dửng dưng, lạnh lùng càng phơi bày rõ nét hiện trạng của cuộc cải cách. Như vậy, trong điểm nhìn của “tôi” có cả điểm nhìn bên trong lẫn điểm nhìn bên ngoài. Việc sử dụng kết hợp đó góp phần giúp người đọc cảm nhận bức tranh cải cách chân thực mà không phải sự dối tránh né. Điều này còn giúp tạo ra giọng điệu đa thanh cho tác phẩm.

Không có một điểm nhìn nào là lý tưởng cho mọi chuyện, do đó việc kết hợp điểm nhìn và di chuyển điểm nhìn là một trong những yếu tố quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện. Tô Hoài đã nắm bắt được điều này để tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện mà ông viết.

Một phần của tài liệu NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT TÔ HOÀI (Trang 77 -77 )

×