Có cốt truyện chỉ là những diễn biến bình thường, thầm lặng của đời sống, khó mà kể lại cho hấp dẫn, nhưng đa số các cốt truyện đều đi sâu khai thác những xung đột khác nhau của đời sống. Và do đó nhìn vào cốt truyện người ta có thể tìm ra các bước diễn biến của cốt truyện. Đó là một quá trình tương đối hoàn chỉnh giống như quá trình vận động của một xung đột, nghĩa là có mở đầu, thắt nút, phát triển và kết thúc. Tiểu thuyết của Tô Hoài chủ yếu sử dụng loại cốt truyện sự kiện nên diễn biến của cốt truyện cũng được nhà văn tổ chức theo mô hình vận động của một câu chuyện hoàn chỉnh.
Phần trình bày thường có nhiệm vụ giới thiệu một cách khái quát hoàn cảnh nảy sinh xung đột chính của tác phẩm, đồng thời giới thiệu một cách sơ lược lai lịch của các nhân vật về lứa tuổi, nghề nghiệp, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội. Các
nhân vật lúc đó chưa có sự vận động trong tính cách, trong hoàn cảnh xung đột. Phần trình bày có thể ở đầu, có thể ở giữa, và có thể ở kết thúc tác phẩm chứ không nhất thiết phải ở phần đầu của văn bản. Phần trình bày ở vị trí nào là một thủ pháp kĩ thuật, là sự lựa chọn có “chiến lược” theo ý đồ thẩm mỹ của nhà văn.
Phần trình bày mang tính truyền thống thường là câu chuyện được bắt đầu bằng một giới thiệu tóm tắt về nhân vật và bối cảnh của câu chuyện. Một số tiểu thuyết của Tô Hoài có phần trình bày như vậy. Ta có thể nhận thấy điều đó qua tiểu thuyết Miền Tây và Ba người khác. Trong tiểu thuyết Miền Tây, sau khi giới thiệu về đoàn lái buôn mang hàng lên vùng cao, là những lời giới thiệu về gia đình bà Giàng Súa, một cách bài bản về gia cảnh, về cuộc sống và số phận hiện tại của bà: “Bà Giàng Súa bỗng sợ hãi nghĩ đến các con…Đời bà con ngựa chỉ mang tai họa đến mà thôi. Năm ấy, đương vụ làm nương xuân, chồng bà Giàng Súa phải bỏ cày. Mùa nương nhà dân sao bằng mùa thuốc nhà quan, ông Giàng Súa đành cắm cái cày giữa nương đi tải thuốc phiện cho nhà thống lý. Con ngựa tải thuốc phiện chuyến ấy chẳng may tuột chân xuống vách đá”. Có rất nhiều lời đồn thổi về cái chết của chồng bà, chẳng biết thực hư thế nào nhưng sau đó cả làng đồn thổi nhau “Giàng Súa là con ma”, rồi họ tìm cách giết mẹ con bà, cả nhà phải dắt díu nhau chạy trốn vào trong rừng sâu và sống cuộc sống tách biệt với cộng đồng. Như vậy, ngay ở phần mở đầu của tác phẩm, tác giả đã trình bày bối cảnh diễn ra câu chuyện là ở vùng cao miền Tây, bắt đầu từ những phiên chợ Phiềng Sa, rồi số phận của gia đình bà Giàng Súa để sau này thấy được sự thay đổi do cách mạng mang lại. Phần trình bày trong tiểu thuyết Ba người khác cũng là những lời giới thiệu sơ lược về bối cảnh nảy sinh câu chuyện và lai lịch của anh đội Bối – nhân vật “tôi”. Đó là hội nghị tổng kết công tác cải cách ở các huyện lị với câu chuyện chảy nước mắt về một cố nông, và sau đó là sự ra đi rầm rộ của các đội cải cách mới. Trong đó có những dòng giới thiệu về việc đội cải cách mới của anh Bối cùng đội với đội trưởng Cự và anh đội Đình: “Tổng kết xong các đội lại đi đợt mới. Cuộc ra quân rầm rộ có xếp hàng nghe mệnh lệnh xuất kích như chiến dịch thời kháng chiên. Đợt này khu vực làm bao trùm cả Hải Dương, Kiến An, cải cách thẳng không qua giảm tô”. Tiếp sau
hành trình về làng làm cải cách của đội cải cách mười hai người là phần giới thiệu sơ lược về tiểu sử của nhân vật “tôi”: “Năm ấy, tôi ngót ba mươi. Từ tấm bé chỉ ở thành phố. Đến tuổi đi làm kiếm được chân giữ cửa trông kẻ cắp cho hiệu thịt bò “Sáp phăng giông” phố Tràng Tiền. Cách mạng thì vào tự vệ phố, đến lúc kháng chiến không còn đội tự vệ nữa, nhưng tự cho mình đã là Việt Minh, tôi đi theo kháng chiến lên Việt Bắc. ..” Tác giả đã để cho anh đội Bối tự giới thiệu về phần đời trước của mình từ lúc còn bé, đến khi bắt đầu đi làm, rồi tham gia cách mạng, trốn tự vệ tìm mọi cách để trốn khỏi trạm kiểm soát đi tìm vợ và con gái, rồi sau đó lại quanh quẩn đi hết vùng này đến vùng kia và trở về Hà Nội lấy vợ, sinh con, sau đó tham gia đội cải cách. Cách giới thiệu ở phần đầu mang tính truyền thống này dự báo phần diễn biến sau đó là các lớp sự kiện, chi tiết tập trung làm nổi bật tính cách nhân vật và môi trường hoạt động của nhân vật đó.
Cùng với cách thể hiện phần trình bày mang tính truyền thống, Tô Hoài cũng sử dụng cách thức tổ chức phần trình bày linh hoạt với phần mở đầu bằng những dòng miêu tả về thiên nhiên – mùi hương hồi của đất Lạng Sơn : “Rõ ràng trong bóng tối mà mắt trông thấy được, cuồn cuộn thành luống qua những khe tường đất bên nách cửa, có một mùi ấm và thơm lạ lùng. Chả mấy chốc mùi thơm đã đầy nhà, nồng nàn đến tận chân tóc (…). Buổi sáng mọi người đều đổ ra đường. Ai cũng đứng ngửng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt. Rừng hồi ngào ngạt xanh thẫm trên các quả đồi quanh làng. Những cơn gió sớm đẫm mùi hồ, từ các đồi trọc Lộc Bình xôn xao xuống, tràn vào cánh đồng Thất Khê, ùa lên những hang đá Văn Uyên, Thoát Lãng trên biên giới xuống Cao Lộc, Chi Lăng, qua những vùng hồi mà một mảnh lá gãy cũng dậy mùi thơm, gió cang thơm ngát (…). Và cứ khi mùi hồi chín lại thấy cơ man người đi trèo hồi, hái thuê…” (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ). Đọc phần đầu người đọc dường như tự thắc mắc tại sao kể về cuộc đời Hoàng Văn Thụ mà lại mở đầu bằng hương hồi và cuộc sống của người dân với hồi, chẳng có sự móc nối nào. Nhưng Tô Hoài không giới thiệu về Hoàng Văn Thụ như cách trình bày thông thường bởi nó đã quá đủ đầy trong những tư liệu lịch sử, và sẽ là thừa nếu giới thiệu trong tiểu thuyết này. Tác giả đã lựa chọn hương hồi là hương vị của
thiên nhiên vùng biên giới Tổ quốc để mở đầu, để giới thiệu nhằm ẩn ý hướng tới hành trình cách mạng của nhân vật. Ở đây, ta thấy có nét tương đồng với truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, cũng mở đầu bằng hình ảnh rừng xà nu bạt ngàn, hùng vĩ nhưng đau thương như chính con người Tây Nguyên vậy. Ở tiểu thuyết này hương hồi vô tình hay hữu ý đã trở thành một nhân vật tượng trưng. Hồi là sản phẩm, hương liệu là sự giàu có của đất nước. Nhưng hồi cũng là nguồn gốc đau khổ, chết chóc khi cả đất nước là một nhà tù, cả dân tộc còn là nô lệ. Mùi hồi có vị và có sắc phảng phất suốt tập truyện khiến ta có cảm giác có sự hoạt động của Đảng thông qua nhân vật Hoàng Văn Thụ - gắn chặt với mùi thơm của hương hồi có hình, có sắc ẩn hiện đậm đà và say mê như trong không khí thơ ca. Xuyên qua mùi hương hồi bát ngát, Thụ và Chi lên đường cách mạng ngây thơ và hào hứng như đi vào một cuộc phiêu lưu của tuổi trẻ: “Trong mùi hồi bốc lên mặt nước vẫn âm tiếng bom nổ thật kích động, thật lạ lùng. Muốn làm cách mệnh, cứu đất nước, phải đứng lên đánh thằng Tây như thế mới được. Trông khóe mắt cháy rực của hai người thanh niên cùng sôi nổi một khát vọng” [1; 13]. Dạng thức trình bày này khiến cho tiểu thuyết lịch sử mang đậm phong vị trữ tình, khiến cho câu chuyện có nhiều ý nghĩa khi soi chiếu vào một nhân vật có thực.
Bên cạnh hai cách trình bày trên, trong tiểu thuyết Đảo hoang ta còn bắt gặp một kiểu trình bày nữa đó là cách khởi đầu ở chính giữa hành động truyện. Cốt truyện bắt đầu ở “khúc giữa” của câu chuyện, một lát cắt trong cuộc sống của nhân vật – thường là một hành động của nhân vật sau đó mới làm rõ dần lí lịch, tình cảnh của họ. Đọc Đảo hoang, ta thấy khởi đầu là những sự kiện: Mai An Tiêm lập công khi đi mở vùng đất mới Bãi Lở, trở về kinh tham dự hội thi và giành được thắng lợi, sau đó vua Hùng nghe lời dèm pha của mưu sĩ mà đầy gia đình Mai An Tiêm ra đảo hoang. Trên hành trình ra đảo tác giả mới để cho nhân vật kể về lai lịch, giới thiệu về bản thân mình: “Mới sinh ra, An Tiêm ở bờ biển. Những đợt sóng cao lù lù từ ngoài khơi chạy vào, vừa chạy vừa gào, ập xuống, muốn lôi ngay thằng bé ra khơi. Nhưng thằng bé vẫn bám được vào đất. Thằng bé vẫn lang thang sống trên dọc biển Đông. An Tiêm lớn lên, cha mẹ mất từ lúc ẵm ngửa, không biết mình là ai. Những
chòm xóm ven biển đã chuyền tay nhau nuôi thằng bé. Mới đầu thì ai cũng có lòng thương. Nhưng sau vì mỗi người đều phải đêm ngày mải miết đi đâm cá, đi gõ hà, gõ ngao kiếm miếng ăn, thế là thằng bé cứ bò đi vơ vẩn, người phải đổi tay nuôi, người này vứt cho người khác. Có người không muốn nuôi, đem bỏ nó ra bãi cho sóng liếm đi. Có người thương, lại ra ẵm về. Bồng bềnh giữa cái sống cái chết như thế, thằng bé trải gian truân từng ngày, vừa lớn lên, vừa lưu lạc, đi nhiều quá đến nỗi trí nhớ mỏng manh của nó không còn nhớ được hôm qua, năm qua ở đâu nữa. Quãng mười tuổi, trạc như Mon, như Gái - như tuổi các con bây giờ, bằng tuổi ấy, bé An Tiêm đã dày dạn lắm, khắp mình đã trổ chàm vằn vèo, xám xịt, để hằng ngày xuống mò cái ăn dưới nước thì cá mập, cá trình khó nhìn thấy mà đuổi bắt ăn thịt(…). An Tiêm lớn lên giữa những hiểm nghèo ấy. Trong cái chết mà không chết, thì cái sống phải mạnh(…). Đến một ngày kia, vua cha xuống bộ Ninh Hải mở hội thi cày(…). An Tiêm cày vừa nhanh vừa chắc, được nhà vua thưởng lụa, cho đứng ngang hàng những người cày giỏi. Sau đó, nhà vua gọi An Tiêm đến, rồi cho theo về kinh đô”. Cách mở đầu như thế tạo sự tự nhiên, “giống như thực” của cốt truyện. Đó cũng là cách mà tác phẩm tự sự hiện đại hay sử dụng.
Với cách thức tổ chức phần trình bày như trên ta thấy nhà văn luôn cố gắng để làm đa dạng, phong phú các cách thức tổ chức diễn biến cốt truyện trong tác phẩm của mình. Đó là một cố gắng đáng ghi nhận.
Với cốt truyện, phần vận động là phần quan trọng nhất, ở đó các nhân vật được bộc lộ tính cách, các xung đột xã hội bắt đầu nảy sinh và theo đó được đẩy lên đỉnh điểm rồi đưa ra cách giải quyết; hoàn cảnh, môi trường nhân vật hoạt động cũng không còn là tĩnh tại, mà là hoàn cảnh xung đột. Phần vận động có thể chia làm ba giai đoạn là: sự kiện thắt nút, sự kiện phát triển và sự kiện mở nút. Sự kiện thắt nút là giai đoạn đánh dấu sự bắt đầu của diễn biến đời sống, mở đầu cho sự vận động của xung đột. Sự kiện này có tác dụng đưa các nhân vật tham gia vào xung đột, qua đó sẽ bộc lộ những nét bản chất, những đặc điểm cơ bản. Và theo đó, nhân vật, hoàn cảnh, tính cách cũng bắt đầu vận động. Trong toàn bộ cốt truyện thì phần dài nhất là phần phát triển, phần này miêu tả cụ thể quá trình diễn biến của hiện
thực, nó bao gồm một chuỗi các sự kiện hoặc biến cố nối tiếp nhau để làm cho xung đột được đẩy lên đến mức căng thẳng hơn, gay gắt hơn, qua đó khẳng định bản chất của các nhân vật, các tính cách một cách rõ ràng trong những tình huống khác nhau. Nối tiếp phần phát triển, đưa sự kiện lên cao trào là giai đoạn căng thẳng nhất - sự kiện đỉnh điểm. Ngay sau sự kiện này là sự kiện mở nút, nó cho thấy cách giải quyết của nhà văn đối với xung đột đã được miêu tả, hoặc cho thấy những khả năng trong việc giải quyết xung đột đó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh có một nhận xét: “Có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của người thường, của chuyện thường, của đời thường” [16; 45]. Đúng thế, Tô Hoài không viết về những đôi lứa lá ngọc cành vàng, không thi vị hóa đời sống, không vẽ vời, lý tưởng hóa các chân dung. Ông chỉ viết về những điều mà ông đã nhìn thấy: “Tôi đã miêu tả tâm trạng của tôi, gia đình tôi, làng tôi, mọi cái của mình, quanh mình” (Tự truyện). Chính vì cái sở trường đó mà tác phẩm của Tô Hoài tuy có cốt truyện sự kiện nhưng diễn trình vận động của nó lại ít khi tuân theo nguyên tắc là được xây dựng trên sự vận động của một xung đột đầy đủ. Tiểu thuyết của ông có những tác phẩm có cốt truyện sự kiện mang dáng dấp sự vận động của một xung đột, còn đa phần là các sự kiện vận động một cách linh hoạt y như sự việc diễn ra trong đời sống hàng ngày.
Sự vận động trong tiểu thuyết Đảo hoang không giống với mô hình phát triển một xung đột như ta thường thấy mà nó vận động theo diễn biến của đời sống hàng ngày. Câu chuyện Đảo hoang chỉ thực sự bắt đầu khi gia đình An Tiêm bị đầy ra đảo. Các sự kiện, chi tiết, tình tiết nhỏ nhất đều tập trung miêu tả diễn biến cuộc sống của gia đình An Tiêm ngoài đảo. Đó là những ngày đi tìm chỗ trú ẩn trên những vách đá; rồi cả nhà chia nhau vào rừng đi tìm nước uống; tìm chỗ làm nhà, tìm cách giữ nước, lấy thức ăn; và rồi “trận rồng cuốn nước” khiến cả nhà li tán; họ vừa tìm cách sống sót vừa đi tìm nhau; Mon trồng được giống dưa hấu và họ thả dưa hấu ra biển mong có ngày đến được đất liền. Cả chuỗi sự kiện, chi tiết chỉ nhằm miêu tả, kể về hành trình tìm cách thích nghi với cuộc sống ngoài đảo. Đó là những diễn biến của cuộc sống hàng ngày với cái ăn, cái mặc, sự sống, cái chết, những
khám phá về cuộc sống, về thực động vật, tình yêu thương của con người. Ở tiểu thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ và Miền Tây ta thấy diễn trình vận động của các sự kiện cũng là những sự kiện của cuộc sống, của nhịp sống hàng ngày song nó lại dựa trên nền của xung đột lịch sử có trước là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, là mâu thuẫn giai cấp giữa người lao động và địa chủ phong kiến. Đối với tiểu thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Tô Hoài đã viết nên câu chuyện về người chiến sĩ trẻ tuổi Hoàng Văn Thụ trên con đường đến với cách mạng. Tô Hoài miêu tả hành trình đi tìm đường của Hoàng Văn Thụ theo các sự kiện lịch sử mà nhân vật có thực đã trải qua. Có điều đọc kĩ ta sẽ thấy các chi tiết, tình tiết trong truyện chủ yếu kể về những khó khăn gian khổ, những vấp váp, hi sinh, những chuyện của cuộc sống hàng ngày, chứ không nhấn mạnh đến những sự kiện lớn, đặc biệt là tác giả không kể về những ngày ở trong xà lim, và sự hi sinh cao đẹp của nhân vật. Kể về một nhân vật lịch sử, sự kiện sẽ nương theo các hoạt động có thực của nhân vật do đó nó có sự phát triển theo một lộ trình có trước gắn bó với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, nên có thể nói cốt truyện vận động theo sự kiện lịch sử. Song Tô Hoài ý thức rất rõ sự khô khan của sự kiện lịch sử nên ông