Nhân vật văn học là một khái niệm với phạm vi rất rộng: đó không chỉ là con người mà còn có thể là những sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách của con người, không chỉ là những con người, sự vật cụ thể mà còn là một hiện tượng về con người, có liên quan đến con người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm. Nhân vật không phải là sự sao chụp mà chỉ giữ lai những đặc điểm bản chất, do đó có thể nói nhân vật là một hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ. Trong tác phẩm tự sự, nhân vật được chia thành nhiều loại khác nhau theo tiêu chí về vai trò và quan hệ với tư tưởng của tác giả và thời đại. Theo quan niệm truyền thống, một nhân vật được thể hiện với một chất lượng tư tưởng và nghệ thuật cao phải gắn với vấn đề tính cách. Đó là bản sắc riêng, độc đáo của một con người cá biệt, cụ thể, nhưng lại mang những nét chung tiêu biểu cho nhiều người khác ở một mức độ nhất định, đồng thời nó có một quá trình phát triển hợp với logic cuộc sống. Tính riêng, tính chung và tính logic ấy của tính cách có thể quy vào những đặc tính quan trọng nhất : tính chất cá biệt của các trạng thái tâm lí (quyết định bản sắc cá nhân), tính chung về mặt giai cấp (quyết định bản chất xã hội), sự phát triển theo những quy
luật tất yếu của đời sống (liên quan mật thiết đến hoàn cảnh). Nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực phê phán đã thể hiện rất rõ những đặc tính đó và chúng không chỉ dừng lại ở những tính cách đó mà còn đạt đến chất lượng trở thành những
tính cách điển hình.
M.Gorki có lần khuyên một nhà văn trẻ: “Anh hãy bỏ nghề viết đi. Đó không phải là việc của anh, có thể thấy rõ như thế. Anh hoàn toàn không có khả năng miêu tả con người cho sinh động mà đấy lại là điều chủ yếu” [9; 126]. Miêu tả con người chính là việc nhà văn xây dựng nhân vật trong tác phẩm. Bởi nhân vật chính là linh hồn của tác phẩm văn xuôi nói chung và của tiểu thuyết nói riêng. Nó là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Đó cũng là phương tiện thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Với tiểu thuyết, nhân vật lại đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nguyễn Đình Thi quan niệm vấn đề trung tâm của nghệ thuật viết tiểu thuyết là miêu tả những con người, và tìm hiểu con đường đi của họ trong xã hội. Người viết tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề đều phải thông qua nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là từ sự việc. Có thể nói nhân vật là hạt nhân của sự sáng tạo nghệ thuật, là trọng điểm để nhà văn lí giải mọi vấn đề của cuộc sống. Nhân vật tiểu thuyết có thể chỉ là sự hóa thân, là hình bóng, là mộng tưởng của chính tác giả trong tiểu thuyết lãng mạn; cũng có thể được xây dựng từ những nguyên mẫu của đời sống kết hợp với năng lực hư cấu của tác giả như trong tiểu thuyết hiện thực. Với vai trò, ý nghĩa quan trọng như vậy, nên những nhà tiểu thuyết lớn xưa nay đều bộc lộ tài năng của mình rõ rệt nhất trong việc xây dựng nhân vật như Xecvăngtet, Bandăc, Lỗ Tấn…
Với Tô Hoài, ông quan niệm “con người là con người” nên ông coi trọng việc xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết : “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Người ta thường nói Tô Hoài là nhà văn của chuyện đời thường, do đó nhân vật trong tác phẩm của ông thường được xây dựng ở mặt đời thường nhất, đặt nhân vật trong môi trường sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày với những phẩm chất tốt đẹp lẫn những thói xấu; không tô hồng lí tưởng hóa nhân vật. Nhà văn thể hiện con người như vốn có của nó, do đó người đọc cảm thấy gần
gũi với chính mình. Với một quan niệm giản dị như vậy, Tô Hoài đã tạo nên một cách thức riêng biểu hiện thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Nhân vật của ông thường hiện lên với đầy đủ mọi mặt từ ngoại hình, hành động, đến nội tâm và ngôn ngữ; đặc biệt ông rất xuất sắc trong việc khắc họa nhân vật qua các chi tiết.