2. Lịch sử vấn đề
2.2.1. Cái tôi – người tình đam mê, mãnh liệt
Tình yêu là chủ đề lớn gần như bao trùm toàn bộ sáng tác của Đoàn Thị Lam Luyến, tình yêu như là cội nguồn, lại cũng là động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy cảm hứng sáng tạo và cũng là sông lớn, là biển cả, là ốc đảo, là miền đất hứa cho trái tim hạn hán của chị hướng vế. Bốn tập thơ đã in thì có tới 3 tập có nhan đề liên quan trực tiếp đến tình yêu: Lỡ một thì con gái, Chồng chị chồng em, Dại yêu. Lam Luyến yêu ghét không bao giờ là nửa vời, mạnh bạo cả quyết đến liều lĩnh bản năng. Với chị, chưa yêu là chưa sống: “Con tim em hạn hán – Tình anh là mưa bay”. Cứ thế, yêu thơ tạo nên lời. Yêu mà viết, viết để thêm yêu. Yêu thành một giá trị, thành lý tưởng để sống chết vì nó: “Suốt cuộc đời tôi tìm kiếm tình yêu”
Chàng trai Xuân Diệu ngày xưa hăm hở yêu, giục giã yêu, nhưng thấy
“yêu là chết ở trong lòng một ít”. Với Lam Luyến, yêu là để giàu có, để phồn thực,
để sinh sôi với sức mạnh kỳ diệu “Tình yêu hôm nay là hạt. Sớm mai đã hóa thành rừng” (Tình yêu). Yêu đồng nghĩa với dâng hiến, một sự dâng hiến thiêng liêng không phải chỉ cho bạn tình, mà còn cho đời mình, cho nghệ thuật, cho thơ ca: “Yêu
đến nát cuộc đời cho thơ” (Yêu để cho thơ).
Tình yêu bắt đầu từ nỗi nhớ, những rung động của đôi tim yêu khiến nhà thơ không ngần ngại mà bộc lộ lòng mình với bạn tình:
Cứ mong anh đến nhà Dù một lần ít ỏi
Chẳng cần nghe anh nói Chỉ nhìn nhau nhìn nhau…
(Mong anh)
Nỗi nhớ mong khắc khoải ấy dệt từ niềm tin, tình yêu và chỉ bấy nhiêu đó thôi đủ cho một trái tim yêu thấy “Chỉ được nhìn nhau thôi/ Đủ làm ta no ấm”. Yêu và nhớ là hai mặt của tình yêu, yêu càng say đắm thì nỗi nhớ càng da diết. Lam Luyến cũng thừa nhận thế, nhưng nỗi nhớ của Lam Luyến không phải là nỗi nhớ thường trực được gửi vào những cảm nhận đời thường như của Ý Nhi.
Mà nỗi nhớ chói lòng như lửa Những con đường hàng cây Những dòng người xe cộ
Nào có gì không nhắc nhớ về anh?
(Tháng 3 -1977, Ý Nhi)
Cũng chẳng giống nỗi nhớ mà Xuân Quỳnh gửi vào con Sóng với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc của nỗi nhớ, rất mạnh liệt nhưng cũng đầy tinh tế của một trái tim rao rực khao khát yêu đương.
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
(Sóng – Xuân Quỳnh)
Cũng chẳng phải nỗi nhớ giống Lâm Thị Mỹ Dạ in trên muôn lá trong một thoáng sững sờ khi chị đứng dưới vòm cây xanh lá – nơi thủa nào họ hẹn hò để gửi một nụ hôn lên trời cao.
Tôi đi giữa mùa lá non Sững sờ bao dáng lá Nhớ ai
Tôi gửi nụ hôn lên trời…
(Như lá – Lâm Thị Mỹ Dạ)
Với Lam Luyến thì tình yêu phải gắn liền với những cảm xúc cồn cào của nỗi nhớ, và nỗi nhớ của chị rất bạo liệt nhưng cũng đầy nét khác lạ:
Một ngày xa anh
Bằng một năm thương thương nhớ Ba ngày qua
Bốn ngày qua Xâu lại thời gian
Thành chuỗi ngày đáng sợ
(Châm nỗi nhớ)
Thời gian là kẻ thù không đội trời chung với tình yêu, nhất là những kẻ đang sống và chờ đợi tình yêu. Ở đây thời gian đã được siêu hình hóa bằng nỗi nhớ
của người đang yêu. Tất cả tình yêu, nỗi nhớ của Lam Luyến được cộng dồn lại trong một ngày mà bằng nỗi nhớ một năm. Chủ thể trữ tình đã xâu lại thành chuỗi ngày mong nhớ - hữu hình hóa cái vô hình. Nỗi nhớ mong ấy bộc lộ một trái tim yêu nồng nàn, mãnh liệt, đầy sắt son chung thủy của chị. Nỗi nhớ ấy nó khiến cho “em” phải thức suốt năm canh:
Mở cửa Chờ anh Châm nỗi nhớ
Em thắp vàng suốt cả năm canh
(Giận chị mà giận mãi)
Nó giống như tàn than được thổi bùng bởi cơn gió tình yêu:
Than vùi từ ấy trong gió
Cháy lên một nỗi mong chờ khôn nguôi
(Cơn mưa tình yêu)
Tình yêu là nỗi nhớ mong da diết, đếm từng ngày, đếm từng đêm, đếm từng khoảnh khắc để mong chờ. Nỗi nhớ ấy được châm bởi tình yêu cháy bỏng và đầy bản năng của người đàn bà “dại yêu”. Đã mấy ai dám bộc lộ ra như Lam Luyến?
Ba ngày rồi anh ơi Bốn ngày rồi anh ơi Tim em thắt lại Ruột em rối bời Vui đâu?
Ở đâu?
Hãy về với em một chốc…
(Châm nỗi nhớ)
Phải chăng với chị phép đếm thời gian trong tình yêu quả là quá khó khăn với nỗi nhớ cứ chất đầy theo nhịp đếm. Mong ước chỉ mong manh và giản dị “hãy
về với em một chốc” cũng sẽ phần nào khỏa lấp những yêu thương đang chất đầy
Em vẫn đợi Vẫn chờ
Dẫu chỉ là một huyền thoại trong tình yêu
(Huyền thoại)
Bằng một trái tim yêu như điên, như dại, cùng một con tim yêu nhạy cảm, một hồn yêu mê dại và một trái tim từng trải qua những đắng đót, ngọt ngào của ái tình, chị đã bộc lộ cho độc giả thấy những sắc thái yêu đặc sắc:
Nếu hạnh phúc không thể là vĩnh viễn Điên – cũng cần cho xứng với đam mê
(Gọi Thúy Kiều)
Chỉ có thể là điên điên chẳng thể một lần Điên để thế gian này không bắt chước Điên để trắng và đen không hiểu được …
Để muôn đời cười trách Xúy Vân tôi
(Vân dại)
Chẳng mấy ai như Lam Luyến, để lột tả các sắc thái yêu của mình điên cuồng đến như thế, chị đã dùng từđiên để thể hiện những cuồng si, mạnh liệt của kẻ đang si mê với tình yêu. Cũng chẳng ai như chị tự nhận mình điên khi yêu cả, bởi
điên là một trạng thái không bình thường, hay là bất thường của những người không có khả năng kiểm soát được cảm xúc cá nhân. Phải điên cuồng yêu đến độ si mê, điên cuồng mới dám bộc lộ ra thành sắc thái không bình thường ấy. Có lẽ khi trái tim thật lòng yêu ai đó thì điên một chút âu cũng là lẽ thường của những kẻ đang được sống trong tình yêu. Và bởi ai cũng biết điên là trạng thái cao nhất của tình yêu, yêu đến si mê ngây dại, yêu đến quên mọi thứ quanh mình, yêu đến độ trắng đen cũng không hiểu nổi. Đó là khao khát, là đam mê của một con người đang muốn kiếm tìm hạnh phúc:
Tôi đang khao khát đi tìm
Một tình yêu chỉ riêng của mình
Chỉ vì tin và yêu đến độ cháy bỏng mà nửa đời người rồi vẫn cả tin, dại khờ, nông nổi tin vào những lời yêu thương, vẫn hài lòng bởi những lời yêu thương ngọt ngào ấy:
Nửa đời rồi em vẫn cứ mộng mơ
Nên rất chi hài lòng với lời yêu được ví von như thế
(Đừng hứa sẽ cho nhau)
Quả đúng không sai khi người ta nói con gái yêu bằng tai, và chị cũng thế chị tin và yêu người đàn ông của đời mình cũng chỉ vì những “lời yêu” ngọt ngào như thế mà thôi.
Lam Luyến đã lỡ mang trong mình trái tim đa đoan mang tên đàn bà, nên việc cháy hết mình khi yêu là một lẽ thường tình:
Lỡ thì tim cô gái Càng dữ dội tình yêu
(Tre già)
Bên anh em cháy hết rồi
(Sao đổi ngôi)
Và để có được tình yêu cháy bỏng và khao khát như thế quả là không dễ dàng gì, nó được đánh đổi bằng một cuộc chiến dữ dội và đầy thương tích:
Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia
Như người đàn bà kia đoạt anh từ tay người đàn bà khác
(Chiến tranh)
Cuộc chiến tranh tình ái giữa nhừng người đàn bà cũng không kém phần khốc liệt và dữ dội, sức công phá của nó vẫn luôn dai dẳng và ẩm ỉ trong những trái tim đàn bà vốn đầy ngờ vực và đa cảm. Niềm vui sẽ dễ khiến con người ta quên nhanh hơn là nỗi buồn, và bản chất của người đàn bà khi yêu thường ích kỷ và hẳn những nỗi đau do chiến tranh tình yêu mang lại thường không dễ quên. Hạnh phúc không dễ dàng đến đối với những người đàn bà đi đấu tranh để giành giật đàn ông, cuộc chiến giành lại tình yêu của đàn ông không hề dễ dàng. Và hẳn người đàn bà ấy cũng ý thức được rằng hạnh phúc mà mình vừa giành giật được cũng rất mong manh, dễ vỡ. Bởi thế không bao giờ được ngủ quên trên chiến thắng mà họ phải
luôn tự nhắc nhở mình phải thật mạnh mẽ và tỉnh táo trong cuộc chiến tranh này. Và hẳn nhiên ông trời luôn thiên phú cho người đàn bà thêm giác quan nhạy cảm trước những biến động khó lường trong tình yêu, chính Lam Luyến cũng đã thừa nhận điều ấy:
Anh vốn yếu mềm và biếng nhác
Miếng mồi của chiến tranh man rợ diệu kỳ Em sửng sốt nghĩ tới một ngày anh lại bỏ ra đi
(Chiến tranh)
Bởi thế cho nên hạnh phúc tình yêu với Lam Luyến phải được xây dựng trên một cơ sở vững chắc chứ không phải là thứ tranh giành hay vay mượn. Hạnh phúc đâu phải cứ đi giành giật mới có được, đôi khi cũng chỉ đơn giản như cái cách anh và em trao gửi yêu thương. Dù có phải chịu mất mát, thiệt thòi đi chăng nữa thì yêu với Lam Luyến không bao giờ là đủ đầy: “Lại yêu, yêu đến kiếp sau với hồn”
(Yêu đến kiếp sau). Do đó mà Lam Luyến chẳng bao giờ phải giấu diếm lòng mình
với ai cả, chị táo bạo và thẳng thắn bộc lộ cách yêu của mình qua những vần thơ. Trong thơ chị, những đôi lứa yêu nhau phải là một cá thể không thể tách rời được, mà phải hòa quyện vào nhau:
Khi yêu nhau hai ta như là một Ta với mình đâu dễ xẻ làm đôi
(Hai nửa)
Mấy ai dám yêu và thổ lộ mạnh bạo như Lam Luyến:
Em yêu thương một người Với cồn cào bão tuyết
(Vầng trăng bỏ quên)
“Cồn cào” là một động từ thể hiện một trạng thái tâm lý con người khi
đam mê một điều gì đó. Và với chị thì đam mê ấy chính là “yêu thương một người”. Bởi vì đam mê ấy mà đã có lúc không đủ minh mẫn và tỉnh táo để nhận ra những đắng đót trong tình yêu và cái “ngộ nhận” của em chính là sự mù quáng khi yêu:
Em đầy ngộ nhận như tôi
(Em gái)
Đâu phải riêng mình “em” mà có cả một Lam Luyến cũng có lúc phải rơi vào trạng thái không tỉnh táo trong tình yêu, đôi khi lý trí cũng chẳng còn có ý nghĩa một khi trái tim đã si mê, cuồng dại vì tình yêu. Và bao giờ cũng vậy, khi yêu người ta luôn mong muốn có một tình yêu lý tưởng, hoàn hảo đó phải là một tình yêu ấm áp: “Anh đằm thắm, anh bao dung/ Anh là đốm lửa cuối cùng đời em”; một tình yêu khiến trái tim phải thao thức: “Anh chênh chếch mảnh trăng tà/ Để em xao xác tiếng
gà thâu đêm”; nhưng đôi lúc tình yêu ấy cũng mang triết lý:
Em không muốn như Xúy Vân cả một đời trót dại Thề làm chi phải giữ câu thề
Nếu hạnh phúc không thể là vĩnh viễn Điên cũng cần cho xứng với đam mê
(Gọi Thúy Kiếu)
Nhưng mà mấy khi yêu mà tỉnh táo và sắc lạnh như thế đâu. Đàn bà thường cả tin và mềm yếu, bởi thế hậu lụy của tình yêu mù quáng đó là “lỡ một thì
con gái”, “lỡ cả mười phương lấy chồng”, “dại yêu” nên mới thế. Như Thị Mầu
thuở xưa mà thôi:
Cha thường mắng em dại dột Có bao cột nhà cũng đem đi
(Hát theo Thị Mầu)
Lam Luyến yêu đến mù quáng, yêu đến độ lúc nào cũng tôn thờ và đề cao người tình – người làm cho mình say mê, đắm đuối. Trong con mắt nhà thơ – người đang yêu bằng một tình yêu cháy bỏng – người ấy luôn được lý tưởng hóa đến hoàn mỹ với những đức tính tuyệt vời và cả những quyền hành cao nhất:
Anh có trong tay tất cả
Tài danh, sức lực, quyền hành Em là kẻ ăn mày sang trọng Một chiều bén ngõ qua nhà anh
(Khách mời)
Khao khát tình yêu, đắm đuối trong những ảo tưởng tự tô vẽ, ở Lam Luyến hình ảnh người tình luôn được “thiêng liêng hóa”:
Em không giữ nổi phép màu Như có bàn tay định mệnh
Bàng hoàng ánh mắt giao nhau…
(Lời anh trên biển)
Nồng nhiệt và tự tin đến ngây thơ, bất chấp những cảnh ngộ thực tế, người đàn bà ấy sẵn sàng cao giọng “thách thức” với mọi thử thách khắc nghiệt của đời sống:
Gian khổ hay cách trở Thương nhau thêm bội phần Và với em khi đó
Tình yêu là phép nhân
(Phép nhân)
Và Lam Luyến với tất cả sự đa cảm và vụng dại của đàn bà, chị “thế chấp” tất cả niềm tin vào tình yêu, cho dù đó chỉ là tình cảm từ một phía và không hề được đền đáp:
Dẫu chẳng được hẹn hò Em cứ đợi, cứ say
Ngâu có xa nhau, Ngâu có ngày gặp lại Kim – Kiều lỡ duyên nhau
Chẳng thể là mãi mãi Em vẫn đợi
vẫn chờ
Dẫu chỉ là huyền thoại một tình yêu
(Huyền thoại)
Dù có thản nhiên, mạnh mẽ và bạo liệt đến đâu thì cũng không tránh khỏi những ngậm ngùi xót xa cho chính mình khi cam chịu là phận đến sau, với nhiều thiệt thòi và đau khổ:
Xưa thì chị, nay thì em
Phải duyên chồng vợ, nối thêm tơ hồng …
Chị thản nhiên mối tình đầu
Thản nhiên em nhặt bã trầu về têm
(Chồng chị, chồng em)
Khao khát sống và yêu đương đến vậy, mà may mắn đâu có mỉm cười với chị, khi hai lần lỡ dở trong tình duyên. Dường như số phận đa đoan luôn gắn với người đàn bà khát yêu này. Thái độ thản nhiên sao mà đau xót biết bao, tận cùng nỗi đau ấy là thế sao? Miếng trầu mà nước cốt của nó, cái vị thơm cay, cái say mê của nó đã thuộc về người đàn bà trước đó rồi còn đâu. Anh chỉ còn là bã trầu mà thôi. Một sự so sánh chua xót biết bao, cũng là thân phận người phụ nữ, cũng có quyền được sống và yêu, sao lại phải chịu nhiều đắng cay, tủi hờn đến thế? Phải chăng đó là duyên số, là định mệnh của chị? Dù sao thì thái độ thản nhiên của Lam Luyến là sẵn sàng chấp nhận? Vui và buồn, buâng khuâng và tỉnh táo chấp nhận. Dẫu muộn màng nhưng nó là duyên nợ của chị, phận của chị đã xong, giờ đến duyên của em – dẫu không bằng người khác nhưng đó là cách em chọn lựa. Đó phải chăng là cái nhìn rất mới, hiện đại về cuộc sống hôn nhân sao? Với Lam Luyến thơ cũng là một cách để chị “tự nghiệm” về cuộc đời không ít xót xa. Người phụ nữ hiện đại này đã dám đạp lên truyền thống mà “lẳng lơ” theo kiểu mặc kệ đời “cứ” như thế đấy – một thái độ bất cần và quyết liệt “Em cứ lẳng lơ Thị Mầu” (Hát theo Thị Mầu).
Những ảo tưởng có thể đem lại ít nhiều thi vị, ngọt ngào trong cảm xúc nhưng chính nó lại là nguyên nhân dễ đến sự đổ vỡ tất yếu khi con người buộc phải đối diện với thực tế. Việc thể hiện các cung bậc cảm xúc của tình yêu được biểu hiện rõ trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến, bởi tình yêu vốn dĩ luôn phức tạp và rất khó lý giải đó có thể là niềm tin mãnh liệt, có nhung nhớ mãnh liệt, hờn giận ghen tuông, trách móc, cưng nựng, khát khao đến cháy lòng….nó đều được thể hiện rõ ràng và sắc nét ở cái tôi trữ tình trong thơ của Lam Luyến – nó như là một nỗi khao khát cho một tình yêu viên mãn.
Đầu tiên là cảm xúc hờn ghen trong tình yêu. Có yêu mới có ghen, bởi ghen là một cảm xúc hết sức tự nhiên, ghen để giữ gìn và bảo vệ cái thuộc về mình. Cũng giống như Nguyễn Bính (Ghen) Lam Luyến đã ghen đến tột cùng dù biết là ghen tuông chứa nhiều sự tự ái hơn là tình ái:
Ghen như sôi và giận như điên
Người đàn bà với trái chín trên tay vừa bị lăn xuống đất Ghen như sôi và giận như điên