7. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Dân gian-dân tộc trong văn học giai đoạn mất chủ quyền
Rõ ràng một tác phẩm có tính dân tộc là tác phẩm thể hiện được “tính cách dân tộc và cái nhìn dân tộc đối với cuộc đời”. Tính cách dân tộc là “những nét phẩm chất lặp đi lặp lại tạo thành bộ mặt tinh thần của dân tộc” cũng được thể hiện rất rõ ở tinh thần tôn vinh lịch sử. Cảm hứng của Trúc Khê Ngô Văn Triện thể hiện rất rõ và đậm điều này. Có thể thống kê các chi tiết đau lòng xót dân tiếc nước ở khắp mọi trang văn, bài báo.
Bàn về tính dân tộc trong văn học nghệ thuật, nhà văn người Nga A.Tôn xtôi đã từng nhận định "Nghệ thuật dân tộc là nghệ thuật mang mùi hương đất đai, trong tiếng mẹ đẻ mỗi từ dường như có hai lần ý nghĩa nghệ thuật…"[58]. Nhận xét này rất đúng bởi vì tác phẩm văn học nghệ thuật là sản phẩm riêng của cá nhân nghệ sĩ, nhưng đằng sau mỗi người nghệ sĩ bao giờ cũng mang bóng dáng của dân tộc, giai cấp mà họ đang sống. Vậy nên tinh thần dân tộc luôn thấm đẫm trong từng câu chữ, trong cách cảm cách nghĩ của mỗi nhà văn, nhà thơ. Và cũng chính đặc thù của đời sống dân tộc đã mang lại cho văn học của dân tộc ấy một bản sắc riêng độc đáo được bảo tồn lưu giữ qua nhiều thế hệ.
GS.TS Nguyễn Xuân Kính cũng đã bàn về văn hóa cổ truyền và truyền thống văn hóa. GS. khẳng định: “Nếu văn hoá truyền thống là khái niệm dùng để chỉ một cấu trúc văn hoá, chỉ văn hoá của các xã hội nông nghiệp truyền thống, thì truyền thống văn hoá là khái niệm dùng để chỉ sự tồn tại của những yếu tố không thay đổi của văn hoá. Những khái niệm này thường được gọi là
những hằng số văn hoá, là bản sắc văn hoá, là hệ giá trị. Tất cả những cái gọi là hằng số văn hoá, đặc trưng bản sắc văn hoá, hệ giá trị văn hoá nêu trên chính là truyền thống văn hoá của người Việt.” [56]. Theo những nhận định trên, có thể thấy con người và văn của Trúc Khê Ngô Văn Triện mang sâu sắc hằng số văn hóa của dân tộc. Ông sống hài hòa, khiêm nhường, ông viết với tinh thần đấu tranh khi liên quan đến cộng đồng và mềm mại, sâu xa khi diễn tả tình cảm cá nhân. Hệ thống tác phẩm của Trúc Khê cho thấy một trục xuyên suốt là tinh thần dân tộc. Nhà văn đã chọn các danh nhân lịch sử và danh nhân tiêu biểu cho văn hoá của mọi thời kỳ làm nguồn cảm hứng sáng tác, biên khảo và dịch thuật.
Nhà văn, dịch giả, nhà báo Trúc Khê Ngô văn Triện là một tác giả có những sắc thái riêng. Có người cho rằng Trúc Khê không quá nổi bật nhưng đã xác lập một thế vững vàng trong dòng tư tưởng chung của các bậc nhân sĩ trí thức thời đó. Thời của Trúc Khê là thời chống chọi lại với những xâm lược có nguy cơ hòng thôn tính của văn hóa ngoại lai, là thời cần tôn vinh, bảo vệ văn hóa của cha ông là yêu nước, yêu giống nòi. Thế nên với người sáng tạo có lòng tự tôn cội nguồn thì yếu tố dân gian và dân tộc là một khối rất khó tách rời. Nhận định văn học trong ba thập niên đầu của thế kỷ XX mà nói tác phẩm nào mang tính dân tộc mà lại không hàm chứa trong đó yếu tố dân gian nào thì là sẽ không thuyết phục. Từng câu chuyện về danh nhân lịch sử, dù có được sử sách hoặc có những bút tích ghi dấu lại thì cũng đã từng là những ghi chép những chuyện kể trong dân gian, cũng đã qua “bộ lọc” của phương thức lưu truyền trong dân gian. Chính vì thế mà trong không ít trường hợp dân gian dân tộc hai mà là một.
Trong cuốn Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương đã nêu: “Xã hội tư sản hóa đòi hỏi hàng loạt những phẩm chất mới, không quen thuộc trong trường hoạt động của các nhà nho, dẫu đó là nhà nho tài tử” [ 35; 167]. Chính vì thế môi trường mới đã đem đến những yêu cầu hiện đại hóa và hòa nhập mạnh mẽ của những con người Nho gia. Trúc Khê
Ngô Văn Triện cũng hòa nhập bằng cách riêng và có sự chậm mà chắc nhất định. Ông xông xáo, mạnh mẽ khi viết báo nhưng vẫn bình tâm từ tốn với văn chương và dịch thuật. Chất nhà Nho không khi nào mờ nhạt hẳn ở ông. Cho dù tình hình xã hội đã biến chuyển đến đâu.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã nêu: “Ở các thành thị càng ngày càng đông đảo những con người mới, sống hoàn toàn khác trước, có những nhu cầu văn học hoàn toàn khác trước.” [ 7; 426 ]. Và khi đã có nhu cầu là có cung ứng, tuy rằng trong văn hóa không mau lẹ như hàng hóa vật chất nhưng rõ ràng sự thay đổi trong khát vọng thưởng thức mới ấy cũng tạo ra lớp nhà văn mới. Để hiểu hơn về nhận định này, người viết luận văn này đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp GS. Hà Minh Đức - vị giáo sư nghiên cứu văn học và báo chí của nước nhà để trao đổi về nghề báo Việt Nam trong thời kỳ đầu phát triển. Theo ông, thời kỳ mà Trúc Khê Ngô Văn Triện sống và sáng tác là giai đoạn làm tiền đề cho sự nở rộ của báo chí và văn học sau này, là nơi dòng chảy mỗi lúc mỗi mạnh mẽ của nghề báo Việt Nam. Giáo sư khẳng định rằng từ ngày đó, các tờ báo đều cần có mục tiêu xã hội. Ông cho biết nguyên nhân chính khiến nghề báo, nghề văn bắt đầu phát triển mạnh và có mối quan hệ với nhau trong những thập niên đầu của thế kỷ XX là vì đó là thời kỳ hưng thịnh của văn học và của báo chí. Thời kỳ này có nhiều biến động lớn, nhiều sự kiện lịch sử. Đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản, là phong trào Mặt trận dân tộc dân chủ sôi động, đời sống thành thị phát triển, công chúng của báo chí và của văn học trở nên đông đảo và rộng mở hơn. Những người viết văn làm báo rất đông đảo, đã có những nhà báo sống bằng nghề. Báo chí ngoài mục đích hoạt động của mình, còn hỗ trợ văn học đăng tải dài kỳ các tiểu thuyết trên báo. Thực tế bấy giờ không dễ gì in được một cuốn tiểu thuyết. Có nhiều tác phẩm đăng báo trước, hai ba năm sau mới xuất bản thành sách như Tắt đèn
của Ngô Tất Tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.
Khi được hỏi về điểm khác nhau giữa văn chương và báo chí thời đó là gì, GS. Hà Minh Đức cho biết: “Thời kỳ đầu từ 1932 trở đi văn học lãng mạn
phát triển mạnh nhưng báo chí thì không có báo chí lãng mạn. Cho dù có những tờ báo đăng tải nhiều tác phẩm văn chương song cũng không sa vào lãng mạn, mộng tưởng. Các tờ báo đều có mục tiêu xã hội. Tờ Phong Hóa nổi lên với tên tuổi Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo cũng có mục tiêu xã hội của họ. Có lúc tờ báo chạy theo yêu cầu và thị hiếu của xã hội như trong thời kỳ Mặt trân dân chủ. Hoàng Đạo là người trấn giữ loại bài chính luận, gần gũi và áp sát thời cuộc. GS.Hà Minh Đức nhấn mạnh, tuy nhiên điều đặc biệt là các nhà báo hết mình, hết lòng vì nghề. Mấy chục năm đầu thế kỷ XX, trên các báo xuất hiện các tên tuổi nổi tiếng: Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng… Trong đó có Ngô Tất Tố, trước khi bước vào văn chương ông chủ yếu hoạt động báo chí. Văn và báo của ông đều tái hiện sống động, đầy cảm thương về nông thôn trước cách mạng. Vũ Trọng Phụng viết về thành thị với sự thâm nhập vất vả với cuộc sống thị thành. Vũ Trọng Phụng cũng thành công trước ở các thể phóng sự rồi mới đến tiểu thuyết. Với hàng loạt phóng sự như Kỹ nghệ lấy tây, Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô..., Vũ Trọng Phụng đã được mệnh danh là “Ông vua phóng sự đất Bắc.” Sau đó mới có các tiểu thuyết đặc sắc như Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê… Cùng Vũ Trọng Phụng, còn Tam Lang - Vũ Đình Chí nổi tiếng với Tôi kéo xe.
Để viết tác phẩm này ông cũng từng lăn lộn với việc kéo xe một thời gian…Vũ Bằng thiên về hoạt động báo chí nhiều. Ông có cuốn Bốn mươi năm nói láo mà thực ra đó là nói một cách chính xác và chân thực về 40 năm làm nghề báo… Qua đó có thể thấy rõ là bài học thâm nhập thực tế của người làm báo thời trước là rất hết mình, hết lòng vì nghề”.
Nếu nói về nỗi khổ của các nhà báo thời trước, Giáo sư Hà Minh Đức đã kể ra những cản trở và hạn chế đối với việc làm nghề: Viết báo thời trước Cách mạng không thuận lợi, vì chế độ kiểm duyệt hết sức khắt khe. Kể cả thời thực dân Pháp xâm lược hay thời Nhật chiếm đóng cũng vậy. Tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Tuân có tên Chém treo ngành, kết truyện có tả cơn gió thổi lật mũ của viên công sứ mang ngụ ý của nhà văn đã bị
kiểm duyệt bắt cắt bỏ. Tác phẩm Thiếu quê hương bị buộc bỏ chữ Thiếu chỉ còn Quê hương...
Theo nhà văn Vũ Bằng, phát xít Nhật kiểm duyệt cũng rất gắt gao. Một tờ báo đăng tin ôtô cán chết một con chó Nhật. Cảnh sát Nhật đòi kiểm tra thời gian, nơi xảy ra chuyện xem có chính xác không. Thời đó nhiều nhà văn, nhà báo cũng bị chính quyền đô hộ trừng trị bằng nhiều cách: treo bút, tống giam… Một khó khăn nữa của các nhà báo, các chủ bút thời đó là họ tự mình phải lo cho tờ báo hoạt động và rất hiếm có tổ chức nào hỗ trợ. Việc đăng quảng cáo trên báo là cách làm phổ biến để có thêm kinh phí cho tờ báo hoạt động. Đời sống của nhà báo vất vả, nhất là ở các tờ báo nhỏ. Áp lực từ mọi mặt khiến thời đó các nhà báo bấy giờ không biết trước được công việc lâu dài của mình. Thời kỳ ấy cầm bút viết trước hết là để đảm bảo cuộc sống. Không thể gọi là nhà báo mà viết ít hoặc không viết.
Trong dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh của nhà văn Vũ Trọng Phụng (20/10/2013), chúng tôi đã đến thăm mộ phần của nhà văn - nhà báo Vũ Trọng Phụng, người được mệnh danh là “Ông vua phóng sự đất Bắc” tại làng Giáp Nhất, Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Chúng tôi được xem những bức ảnh cùng những món đồ kỷ niệm đơn sơ mà vô giá do ông để lại mới thấu hiểu sự lăn lộn vì nghề để sống và viết của Vũ Trọng Phụng. Ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã kể về người cha vợ mà ông đã và đang hết lòng tôn vinh văn nghiệp của nhạc phụ: "Ông cụ nhà tôi là người có tài mà rất vất vả. Ông không viết văn, làm báo để chơi văn chương bao giờ. Khi viết, ông luôn nghĩ đến mục đích xã hội. Đó là cất tiếng nói bảo vệ điều gì, lên án những thói xấu nào trong xã hội đương thời. Ông viết văn để kiếm sống, để nuôi mẹ, nuôi vợ và mụn con gái duy nhất là nhà tôi - bà Vũ Mỵ Hằng. Sinh thời ông đã sống rất nghèo nhưng hết sức tình nghĩa. Xem những giấy tờ ông để lại không thể không cảm động vì tình bạn của các nhà văn, nhà báo thời đó. Họ cùng nghèo khổ mà vẫn bao bọc lẫn nhau lắm. Khi ông Vũ Trọng Phụng cưới vợ, khi vợ sinh con thì bất cứ
ai mừng, ai tặng, ai cho cái gì ông cũng ghi lại chi tiết và đầy đủ. Ghi kỹ như lời tự nhắn nhủ trả nghĩa về sau”.
Trên phần mái của ngôi mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng có một câu nói của nhà thơ Tố Hữu được kẻ bằng sơn: "Vũ Trọng Phụng không phải là cách mạng nhưng cách mạng phải cảm ơn Vũ Trọng Phụng". Từ trường hợp của Vũ Trọng Phụng, chúng ta có thể thấy Trúc Khê Ngô Văn Triện cũng đã viết lên những nhức nhối thời cuộc, những trăn trở muốn đổi đời và đó cũng là phần góp công của cây bút này cho đất nước. Đó là nuôi giữ niềm tự hào dân tộc. Nếu trở lại thời văn học còn chịu nhiều kiểm duyệt gắt gao mới thấu tài và tâm của những người cầm bút thưở trước.
Chúng ta hiểu rõ báo chí đăng tải văn chương là tăng sức lan tỏa của văn chương tới nhiều người. Tiếp nhận văn học là khâu quan trọng trong đời sống văn học, nhờ có tiếp nhận văn học mà tác phẩm mới đi vào khâu hoàn thành cuối cùng. Hoạt động tiếp nhận sôi nổi sẽ có những tác động tích cực trở lại người sáng tác để từ đó người nghệ sĩ ngôn từ viết được những tác phẩm hay hơn nữa. Chính vì tác giả viết văn rồi đăng báo ngay nên các tác phẩm ra đời đến đâu được tiếp sức bằng sự đón nhận của công chúng đến đấy. Sau khi đọc dài kỳ trên báo, độc giả yêu văn lại có nhu cầu mua cuốn sách đó. Thế nên sách ra đời được người ta mua về để thưởng thức trọn vẹn. Cũng vì báo thường có trích đăng những tác phẩm văn học nên người đọc mua báo để đọc truyện và còn xem các thông tin khác nữa. Thế nên, báo giúp văn và văn lại khiến nhiều người đọc báo. Không hiếm trường hợp, ban đầu chỉ là một thông tin, một bài nhỏ trên báo, thấy độc giả hưởng ứng nên nhà văn kiến tạo thành một tác phẩm dài hơi.
Chúng tôi đề cập đến mối quan hệ giữa văn chương và báo chí là vì Trúc Khê Ngô Văn Triện cũng như nhiều nhà văn cùng thời đều làm báo song hành với viết văn. Và hai mảng này cũng có quan hệ biện chứng với nhau. Tuy rằng chúng tôi không định xếp các bài báo vào thành một bộ phận của văn nghiệp của Trúc Khê nhưng như đã trình bày ở trên, đó là mối liên quan khá
hữu cơ giúp khi đề cập càng hiểu thêm trăn trở và tấm lòng của tác giả với thời đại mình sống, với đất nước và nhân dân. Những bài viết thể hiện nỗi đau phận nước của ông thường mạnh mẽ và phẫn uất. Ông kể lại việc chứng kiến một tên cảnh sát Tây đánh một người Việt Nam rất dã man đăng trên Tri tân số 185 ngày 10/5/1945 với cái tít: Con vật hung tàn. Và lời kết bài viết về việc mắt thấy tai nghe ấy là: “Hôm ấy ở sở Cẩm hàng Đậu về, lòng tôi tê tái nghĩ đến cái nhục của nòi giống”.
Với tư cách nhà báo, Trúc Khê đã có những bài viết sắc sảo. Dường như con người nho nhã đã thoắt biến thành con người mạnh mẽ đấu tranh. Chúng ta nhớ Mân Châu trong bài Văn chương trên Nam Phong tạp chí số 30 năm1919: “Mỗi khi cầm lấy quản bút thì trước hết phải nghĩ đến những điều lợi ích cho quốc gia, tạo phúc cho xã hội…”. Vì cần đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn mà trong tranh luận học thuật, Trúc Khê đã thể hiện một bản lĩnh đáng nể. Ông chọn cách nói bình dị, phổ thông, ít thuật ngữ, không dông dài. Trúc Khê nói thẳng vào điều cần nói và nói vừa đủ để đối phương và bạn đọc hiểu vấn đề. Tránh cao đàm khoát luận và không áp đặt những tư tưởng học thuật. Mội đôi câu châm biếm rất đúng lúc, đúng chỗ, làm sinh động bài văn. Cái cách ông dùng “gậy ông đập lưng ông” rất khéo mà sắc như ở bài tranh luận với Phan Khôi về Chủ nghĩa duy vật của Các Mác. Một số nhìn nhận của Trúc Khê từ gần 80 năm trước đến nay vẫn nguyên giá trị. Với khát vọng đổi mới quê hương, Trúc Khê đã vạch rõ mặt trái của làng xã trong bài báo Ta nên phá bỏ cái làng cũ đi như sau: “Đó là cái làng tế lễ, là