7. Cấu trúc luận văn
3.1. Yếu tố dân gian dân tộc trong các tác phẩm biên khảo
Chúng ta thường hiểu về công việc biên khảo còn gọi là khảo cứu hay nghiên cứu. Nó gần với biên soạn, biên tập. Nghĩa là tham khảo, tra cứu nhiều tài liệu đã có sẵn cùng một đề tài từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó gạn lọc, đối chiếu rồi biên soạn thành một bài ngắn hoặc một tác phẩm dài theo văn phong và góc nhìn của soạn giả. Có thể nói biên khảo là việc làm khoa học và hướng đến đối tượng tiếp nhận rất nhiều. Từ những tìm hiểu của một người tâm huyết và tận tụy mà kết nối đến đông đảo người đọc cùng thông tỏ vấn đề, là việc làm tự thân nó đã mang tính cống hiến cho cộng đồng, qua đó thể hiện một khát vọng phổ biến kiến thức, khát vọng nâng cao dân trí. Nhà biên khảo muốn nhân lên và thỏa mãn mọi cõi lòng hiếu học. Thử hỏi nếu không có tính dân tộc và không hướng đến sự phổ biến những thông tin khảo cứu đó trong dân thì nhà biên khảo làm sao có thể làm được công việc của mình một cách dày dặn và thành công. Đi trả lời câu hỏi về Nhà văn Trúc Khê biên khảo những gì, chúng ta càng có lời đáp xác đáng về yếu tố dân gian – dân tộc trong những lựa chọn khảo cứu, trong cách thức lập luận dẫn dắt, trong chú giải chi tiết… Có thể thấy các tác phẩm biên khảo của Trúc Khê thường theo các nhóm sau: Nhóm phổ biến lịch sử và văn hóa với sâu đậm lòng yêu nước – thể hiện rõ tính dân tộc; nhóm giới thiệu tác giả cùng thơ, văn có nguồn gốc từ Trung Quốc để kéo gần thứ văn chương vốn chỉ dành cho người tinh thông Hán ngữ, xa lạ với quần chúng – ông hướng về dân gian, nhóm tìm chọn và lý giải về các kiến thức khoa học xã hội với những tiến bộ của nhân loại – giúp thấy rõ sự thức thời, tiến bộ của Trúc Khê, một nhà Nho đã nhập công cuộc hiện đại hóa một cách nhiệt tình và thành thực. Nhà văn căm ghét quân xâm lược nhưng ông cũng rất hào hứng trước những thành tựu khoa học kỹ thuật mà người Pháp mang đến, Ấy là khi ông đưa vợ con đi xem cái máy xúc và tả nó một cách rất tán thưởng văn minh. Ông thấy ngay được ích lợi của máy móc là giúp cho người lao động
đỡ cực nhọc, chứ không phải như nhiều nhà nho cho rằng quay lưng với những gì đến từ phương Tây là yêu nước. Điều này được viết trong nhật ký.
Đương thời, Trúc Khê với tư cách nhà biên khảo đã được giới học thuật và bạn đọc tin cậy. Càng về sau, chúng ta càng thấy có lẽ công việc biên khảo được Trúc Khê dành nhiều tâm huyết hơn cả. Mặc dù có những tác phẩm bị thực dân Pháp cấm in hoặc thu giữ mất, lại có ba tác phẩm như Đỗ Phủ, Kinh Thi và Đại Việt thông sử bị cháy khi đang in tại nhà in Cộng lực, thì chúng ta vẫn còn tới vài chục đầu sách biên khảo của Trúc Khê. Từ những bài báo ngắn đăng khắp các mặt báo cho đến các tác phẩm biên khảo in thành sách đều rất nghiêm túc về mặt khoa học và dễ tiếp nhận về mặt văn chương. Đặc biệt là ở đó đều thấm nhuần tinh thần dân tộc. Nói cách khác, phải có tinh thần dân tộc mới làm biên khảo được. Ông muốn đem đến cho đại chúng những tác phẩm mà trước đây nếu không biết chữ Hán thì không thể nắm được. Mà người biết Hán ngữ lại ít. Những giảng giải về văn chương, lịch sử cũng như những nhận thức cần thiết cho người dân đã được tác giả hết mình tìm hiểu, tra cứu. Rồi từ đó, ông nối nhịp cầu dễ tiếp nhận nhất đến với đông đảo người đọc.
Phạm vi nghiên cứu của Trúc Khê tỏa ra khá rộng, từ văn chương, mở sang lịch sử, chính trị tôn giáo, quân sự, xã hội, ngoại giao. Như thể ông có ý định xây dựng một nền tảng tri thức cần thiết, một trang bị trí tuệ cần có để giành quyền độc lập tự chủ cho mỗi công dân. Ông làm việc hối hả và không câu nệ hình thức thể loại, cốt sao chuyển tải được nội dung. Nhiều tác phẩm không rõ ranh giới tiểu thuyết với nghiên cứu; biên dịch với biên khảo. Nhược điểm này lại dẫn tới một ưu điểm là sách ông dễ đọc, hợp với trình độ phổ cập của bạn đọc, do vậy nó đã thật sự là công cụ nâng cao dân trí. Trúc Khê bàn luận rộng và xa, đi vào nhiều lĩnh vực, nhưng bao giờ cũng thiết thực. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy ông không lấy chữ nghĩa làm kế lập thân hay làm mẹo tiến thân.
Trong quá trình biên khảo, nhiều lần Trúc Khê phát hiện những vấn đề bất ngờ và thú vị. Trúc Khê làm cho chúng ta thấy tự hào về kho tàng văn học dân tộc. Ví dụ như nhiều người biết có Chinh phụ ngâm mà chưa biết rằng còn có Chinh phu ngâm của Hình bộ Lang trung Hồng Liệt Bá. Chinh phu ngâm là những lời nhớ thương tha thiết của người lính nơi biên cương với người vợ đang thủy chung và mòn mỏi đợi họ ở quê nhà. Đó là những tâm sự, nỗi niềm của người lính trận mạc, phỏng theo Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Những đoạn song thất lục bát Trúc Khê phiên âm giúp cho người đọc lần đầu tiên được biết đến nỗi lòng người chồng chinh chiến nhớ vợ:
Tiết mưa gió đương khi mờ tối
Giai anh hùng gặp hội chiến tranh… Sầu này giãi với giăng thanh
Thảm kia Chức Nữ thấu tình cho chăng
Trong bài viết Hiệu khám cổ văn, ông xác định: “Hiệu khám là gì? Nghĩa là so sánh, tra xét để chữa sửa những chỗ sai lầm, làm cho cổ văn trở lại thực đúng với nguyên tác… Tôi rất phản đối những người tự tiện lấy ý riêng mình mà sửa chữa văn của cổ nhân. Nếu đem sửa chữa chẳng những có tội với cổ nhân mà còn có tội với quốc dân nữa”. Nói Trúc Khê khoa học và nghiêm túc cũng là bởi vậy. Trúc Khê biết rõ “tương lai buồn” của Hán học nên vào năm 1941 trong bài “Hiệu khám cổ văn” số 127 và 128 đăng trên Nước Nam, ông có ý thức rất rõ ràng: “Việc hiệu khám bây giờ, một là phải cần những bản nôm cổ, hai là phải cần những người biết chữ Nho và chữ Nôm. Hai thứ ấy hiện vẫn còn nhưng cũng không còn bao lâu, rồi phải theo thời gian mà mất dần đi”. Trúc Khê rất quý trọng Hán học song ông cũng tỉnh táo để nhận ra Hán học thực đã hết thời, nhưng thay vì chán nản thì ông ra sức đem sự hiểu biết tinh thông Hán học của mình để giúp cho người sau hiểu hơn về cha ông, tự hào vốn văn hóa dân tộc. Nếu không gọi là tinh thần dân tộc tạo nên yếu tố dân tộc từ trong động cơ làm văn chương thì cũng không gọi được là gì khác.
Trong các bài biên khảo, Trúc Khê rất quan tâm đến danh nhân nước nhà như các bài viết về Bối Khê phu tử, Thiên Mỗ đại vương, quan thiếu sư Nguyễn Đăng Tuân, Hoàng giáp Vũ Quỳnh, phó bảng Nguyễn Văn Siêu, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Tinh thần của Trúc Khê là: “thuật ra để khỏi làm mai một những đoạn sử đẹp đẽ của các bậc tiền bối và để giúp các nhà khảo cứu có thể do đó mà lượm nhặt được ít nhiều tài liệu về lịch sử”. Cái gốc ý thức muốn duy trì, mở đường cho việc khảo cứu tiếp theo chính là một ý thức dân tộc rất mạnh mẽ vượt lên trên cái tôi cá nhân bé nhỏ vì văn hóa, văn học dân tộc. Trúc Khê góp phần khơi gợi niềm trân trọng quá khứ dân tộc. Mà bao giờ cũng vậy, khi người ta thêm yêu, thêm trọng người xưa cũng là thêm trăn trở về thời mình đang sống. Gương báu xưa soi vào thêm rõ bóng mình nay. Trúc Khê cũng từng có bài tán đồng về việc dịch ca dao dân gian mang hồn dân tộc thành chữ Hán như một thú chơi tao nhã của Nho gia. Trong bài “cụ nghè Trần Danh Án”, Trúc Khê đã đưa ra những câu ca dao được dịch khá thú vị. Ví dụ: “Lấy chồng chả biết mặt chồng/ Đêm nằm mơ mẩn ngỡ ông láng giềng” được cụ nghè Trần dịch là: “Bỉ nữ kí giá/ Bất tri kỳ nhân/ Dạ gian mụ mị/ Ý vi kỳ lân”.
Các tác phẩm biên khảo lớn của ông cũng luôn mở ra những hướng nghiên cứu mới. Các khảo cứu dày công về danh nhân như Nguyễn Trãi, Trần Thủ Độ, Cao Bá Quát, Bùi Huy Bích, Phạm Đình Trọng, Chu Mạnh Trinh. Đặc biệt bằng cách diễn đạt sáng rõ, cứ liệu chính xác, Trúc Khê đã giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân nước ta, hun đúc niềm tự hào truyền thống và lòng tự tôn dân tộc. Bùi Huy Bích là cuốn sách hiếm hoi viết về một trong những nhà văn hóa lớn nhất sinh vào thời Lê bại Trịnh vong.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Trúc Khê đã đóng góp cho xã hội chủ yếu nhất vẫn là biên khảo, nghiên cứu, dịch thuật. Ông xuất phát từ cuộc đời để bàn văn chương, lịch sử. Tác giả đã từ lợi ích nhân dân chứ không từ lợi ích của dòng họ Lý hay Trần, nên có lời tôn khen xác đáng với công lao của Trần Thủ Độ. Những quan điểm này cũng giống nhìn nhận của chúng ta bây giờ.
Trúc Khê có cách bàn luận thiết thực. Trong một bài về Đạo giáo, Trúc Khê vừa trình bày lịch sử hình thành, vừa bình luận, biểu dương hoặc phê phán những mặt hay mặt dở của triết lý tín ngưỡng và nghi thức đồng bóng. Bài viết có nhiều cứ liệu chuẩn xác, nhận định khoa học thâm thúy và phù hợp với đạo lý của dân tộc. Trong tình hình mê tín dị đoan phát triển vô lối như hiện nay, bài viết của Trúc Khê vẫn mang tính thời sự.
Trúc Khê nghiên cứu về bà Đoàn Thị Điểm. Hiệu là Hồng Hà Nữ sĩ, quê bà ở làng Hiếu Phạm (còn gọi là Giai Phạm, tên nôm là làng Giữa), ở huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Bà chính họ là Đoàn, nhưng vì bà lấy chồng họ Nguyễn (ông Nguyễn Kiều), nên có sách chép bà là Nguyễn Thị Điểm. Đây là một sai lầm đáng tiếc. Bà sinh năm Ất Dậu (1705), thời nhà Lê Trung Hưng, đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh là Định Vương Trịnh Căn và chúa Nguyễn ở phương Nam là Nguyễn Phúc Chu.
Theo gia phả họ Đoàn, tằng tổ của bà Điểm là ông Lê Công Nẩm, làm quan võ tới chức Thái Thường Thị Thiếu Khanh, được tước phong Thiêm Hào Tử; nội tổ là ông Lê Doãn Vi (có bản viết là Lê Công Vị), người có tài văn học, làm quan đến chức Xã quan; thân phụ là ông Lê Doãn Nghi, từng theo học các Tiến sĩ Nguyễn Hanh (ở Hoa Cầu, huyện Văn Giang), Đoàn Tuấn Hòa (ở Cự Đồng huyện Siêu Loại), đậu Hương cống (Cử nhân) năm 21 tuổi, nhưng rớt kỳ thi Hội ở Thăng Long, bèn kiếm chỗ dạy học ở kinh kỳ để dồi mài kinh sử thêm nữa chờ khóa thi sau. Ông Lê Doãn Nghi nằm mộng thấy một vị thần linh bảo ông đổi sang họ Đoàn thì mới hiển đạt. Do đó, từ đây, ông đổi qua họ Đoàn, gọi là Đoàn Doãn Nghi. Hiện nay ở huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên còn có ngôi thờ nhà họ Đoàn. Năm 1944, Trúc Khê Ngô Văn Triện (người ở ngoại thành Hà Nội) có tới thăm ngôi thờ này và có ghi được đôi câu đối:
Vũ liệt văn khôi quang thế phả, Lê tiền Đoàn hậu ký Thần ngôn
Có nghĩa là:
Võ giỏi văn tài ngời phả họ, Lê xưa Đoàn mới nhớ lời Thần.
Có thể thấy, những khai thác của Trúc Khê sau quá trình đi thu thập tư liệu, mượn gia phả họ Đoàn về “sao” (chép tay) và công bố là đáng quý. Vì cho đến nay, tư liệu về Đoàn Thị Điểm cũng không có gì nhiều hơn.
Đọc các khảo cứu của Trúc Khê nhận thấy tính khoa học rõ nét. Trước khi bắt tay vào biên khảo, dường như ông đều hiểu rõ mục đích và phương thức làm việc của mình. Ông xác định rõ “Hiệu khám là gì” và ông phản đối sửa ý của người xưa. Đặc biệt, lời bình luận của Trúc Khê khách quan và giản dị. lời lẽ mang cách bàn của người trọng về hiệu quả của lời bàn, chứ không lấy tính hùng biện hay tính uyên bác làm mục đích.