7. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Yếu tố dân gian dân tộc trong tiểu thuyết lịch sử
Vào giữa thập niên 20 của thế kỷ XX, tiểu thuyết gây tiếng vang trên văn đàn là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời thì Trúc Khê Ngô Văn Triện mới bắt đầu chính thức viết báo, vậy mà nếu sau này khi tổng kết về tiểu thuyết,
đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử, chúng ta không thể nào không nhắc đến tên tuổi Trúc Khê Ngô Văn Triện.
Năm 1929 khi phải về ở quê, nhà văn đã nuôi ý định đem toàn bộ lịch sử nước nhà viết thành tiểu thuyết. Và ý định ấy đã được hiện thực hóa bằng
Hùng Vương diễn nghĩa, rồi đến Thục An Dương Vương, Mai Thúc Loan, Bên nước bên tình, Trăm lạng vàng. Cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên Hùng Vương diễn nghĩa [18; 22-140], mặc dù còn đậm tính chuyện kể còn đậm nét nhưng sự hấp dẫn của tác phẩm làm sáng tỏ về mười tám đời vua Hùng mà trước đấy nhiều người muốn biết vẫn còn chưa tỏ tường. Hành trình lịch sử của nước và của dân suốt mười tám đời vua được khơi dậy sống động. Những câu chuyện về Thánh Gióng dẹp giặc, chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung, chuyện Mai An Tiêm được được thuật kể bằng giọng văn giản dị. Chuyện các vua Hùng hiền đức, thương dân như Hùng Hy Vương, ngài là người thường ra ngự khích lệ nông dân cày nương, ngư dân đánh cá. Vua Hùng Tuyên Vương thích đi tuần thú bốn phương để tìm hiểu dân chúng. Trong các tác phẩm này, Trúc Khê diễn tả phong tục khá dễ tiếp nhận và nhiều thú vị.
Câu chuyện con trai Trần Nhật Duật là Văn Hiến hầu cho Trần Nhạc một trăm lạng vàng để xui vu cáo cho Trần Quốc Chẩn mưu phản, khiến ông bị vua Minh Tôn cấm ăn mà chết. Sự việc này xảy ra khi Lệ Thánh hoàng hậu không có con khiến triều thần chia làm hai phe. Trần Khắc Chung lập hoàng tử Vượng là con bà thứ làm thái tử, trong khi đó Trần Quốc Chẩn lại muốn chờ hoàng hậu có thái tử… Câu chuyện lịch sử không mấy hấp dẫn.được ghi lại trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Với tiểu thuyết Trăm lạng vàng, Trúc Khê làm cho tác phẩm sinh động và nhiều sức hút vì có diễn biến tâm trạng các nhân vật. Việc Dương Tuần truyền bá đạo Nho sang đất Chiêm Thành và sự kiện Chế Bồng Nga chiếm Nam Việt được khéo lồng vào câu chuyện kể về mối tình nhiều trắc trở của ông vua nước Chiêm Thành này với cô gái Nam Việt là con gái của Dương Thuần. Tiểu thuyết lịch sử của Trúc Khê có sử dụng nhiều cứ liệu lịch sử quý giá.
Niềm tự hào dân tộc là cội nguồn sáng tạo của Trúc Khê: “Viên Tản non cao, Mê Kông rộng lớn, non sông một dải, đất nước ba kỳ, vui vẻ thay anh chị em hơn hai mươi triệu đồng bào ta ngày nay được cùng nhau sinh tụ trên một dải nước non hoa gấm… nhờ các bậc tiền dân của dân tộc ta trải qua mấy trăm nghìn năm, đã từng tưới dội biết bao nhiêu giọt máu đào mới tô bồi nên một cõi đất xinh đẹp tốt tươi cho chúng ta ngày nay đó”. Và tính dân tộc trong các tiểu thuyết lịch sử rõ nét từ cách chọn các nhân vật lịch sử để tự hào. Chủ trương viết tiểu thuyết lịch sử của Trúc Khê có mục đích rõ ràng: “Làm cho người đọc sinh lòng nhớ nước cũ, có mối cảm thắm thiết với chủng tộc, giang sơn...[42]. Cách nghĩ và cách làm ấy của Trúc Khê là tình yêu đến mức lý tưởng với đất nước thời vong quốc. Theo ông: “Tôi nghĩ muốn cho người ta mến yêu đất nước, trước hết cho người ta hiểu biết lịch sử. Thế mà chính sử thì khô khan, không có sức quyến rũ người đọc. Chỉ có cách lợi dụng cái tính ham đọc tiểu thuyết của quần chúng, đem quốc sử viết thành tiểu thuyết mới có thể đạt được ý muốn. Vậy, cái chủ trương của tôi là đem lịch sử viết ra, cốt cho người đọc nhân xem tiểu thuyết mà hiểu được quốc sử” [42]. Cách nghĩ ấy, cách làm ấy vẫn thời sự và có thể là bài học cho các cây bút viết văn chương, các bộ phim lịch sử hôm nay tiếp bước. Bác Hồ nói: “Dân ta phải biết sử ta”, vậy tìm cách “phổ cập” sử bằng các tác phẩm văn học thực hữu ích. Các nhà nghiên cứu đều hay nhắc đến thành công của Trúc Khê trong các tiểu thuyết lịch sử viết về Nguyễn Trãi làm sáng lên vị anh hùng tài đức vẹn toàn, Trúc Khê viết về Trần Thủ Độ trong bài toán vì lợi ích cho cả dân tộc và Cao Bá Quát là con người khí phách và tài hoa. Khi viết về những nhân vật trên dù dựa trên các tư liệu quý nhưng bàn tay sáng tác, phục dựng thế thời một cách thuyết phục, Trúc Khê đã khiến tác phẩm không chỉ là biên khảo mà đó thực sự được xứng là những tiểu thuyết lịch sử. Trong tình cảnh đất nước là thuộc địa của ngoại bang, đường ngôn luận bị cấm đoán, trước năm 1930. Cuốn Lịch sử khôi phục quốc quyền của ba nước Đông Phương: Nhật Bản, Tiêm La, Thổ Nhĩ Kì do ông biên khảo đã bị chính quyền đương thời tịch thu.
Trúc Khê canh cánh nỗi niềm tình dân nghĩa nước, trải tâm, huyết của mình vào những trang viết, đánh thức niềm tự hào dân tộc của đồng bào.
Lịch sử Nam tiến là một trong những cuốn sách mà nhà văn tỏ lòng trân trọng từng tấc đất của cha ông giao lại. Điều đáng quý là ông trân trọng di sản thiêng liêng của tổ tiên, nhưng ông có lòng cảm thông vô hạn đối với dân tộc tiêu vong. Người đọc hôm nay xúc động chia sẻ với ông niềm u hoài: “Ta chép đến đây luống những vì người Chiêm mà phàn nàn ái ngại. Trông người để ngẫm đến ta. Tại vì dân họ không biết tự cường tự phấn, vì họ chịu ở dưới cái chính thể chuyên chế, việc nước hay dở đều mặc kệ lũ vua quan. Thế mà vua quan về sau chỉ thấy sản xuất những mặt đớn hèn” [22]. Trúc Khê có được sự công bằng lịch sử đó bởi ông yêu nước, lòng yêu nước sâu nặng nhưng đớn đau, vì nước đã mất. Ông khẳng định và truyền niềm tự hào vì đất nước ta có chủ, có nhà nước từ 4000 năm trước.
Cuốn Hùng vương diễn nghĩa xuất bản năm 1930 được tác giả ghi là lịch sử tiểu thuyết, đã trình bày có lớp lang hệ thống, dễ đọc dễ hiểu. Một thời huyền sử của dân tộc từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, cho đến 18 đời vua Hùng kéo dài từ năm 1879 trước công nguyên với bao nhiêu sự tích huyền thoại về trầu cau, về bánh trưng, bánh dầy, về Chử Đồng Tử, về Sơn Tinh Thủy Tinh... Bạn đọc phổ thông ba thập niên đầu của thế kỷ trước, qua cuốn truyện này, hiểu được cội nguồn dân tộc, tuy mới là truyền kỳ với nhiều chi tiết ước lệ và còn thiếu cả các chú thích có căn cứ khoa học để gải thích. Đóng góp ấy của Trúc Khê là một đóng góp tình cảm vun đắp lòng yêu nước.
Với nhân vật Trần Thủ Độ, Trúc Khê bộc lộ một năng khiếu thẩm định lịch sử. Ông sớm có cái nhìn biện chứng và cái tâm của người trọng lợi ích dân nước. Gần chục thế kỷ lùi sau Trần Thủ Độ, nhưng người đời dường như vẫn chưa đủ độ lùi để thây tầm vóc của ông. Người ta đứng trên lợi ích của một dòng họ để phê Trần Thủ Độ phế Lý lập Trần, coi ông là người gian hùng, mưu mẹo. Trúc Khê nhìn rộng hơn, ông lấy các quy luật để giải thích những tình cờ lịch sử. Ông có lý khi nhận định họ Lý đã suy vong mà còn cứ
giữ ngôi vua là hại cho đất nước. Phải có nhân vật mới gánh cho ông vua già Huệ Tông thiếu trách nhiệm, thay cho cô vua nhỏ 7 tuổi Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ là một đáp ứng của lịch sử cho lịch sử. Ông dựng triều Trần và triều Trần đã dựng đất nước, ba lần đánh tan xâm lược Nguyên Mông, mở ra một thời kỳ lịch sử thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Những dòng của Trúc Khê viết về bà Trần Lý (vợ Huệ Tông, sau là vợ của Trần Thủ Độ) cho thấy ông có cái nhìn thoáng, tiến bộ, công bằng. Ông vượt qua các tiêu chí nhỏ bé của các bậc hủ nho chi hồ giả dã mấy trăm năm luẩn quẩn trong những dây dợ tam cương ngũ thường. Quan điểm của chúng ta hôm nay về Trần Thủ Độ không khác của Trúc Khê 70 năm trước.
Những nhận xét đánh giá của Trúc Khê về thơ văn Nguyễn Trãi và Cao Bá Quát đến nay vẫn còn giá trị. Nghiên cứu đơn thương độc mã mà hơn nửa thế kỷ sau vẫn gặp những tri kỷ trong công chúng rộng lớn, Trúc Khê quả có con mắt xanh với thơ văn của tiền nhân. Hai tập truyện ký Nguyễn Trãi và Cao Bá Quát vừa có tính truyền thuyết, vừa có tính khảo cứu giúp cho sự thấu hiểu tác phầm được dễ dàng, hợp với trình độ chung của đồng bào, bạn đọc đông đảo lúc ấy, là việc làm sáng tạo và có ích.
Riêng đối với cuốn Cao Bá Quát, một lãnh tụ nghĩa quân chống triều Nguyễn, ở thời điểm ấy viết dưới chế độ thuộc Pháp, những tư liệu chân thực của họ Cao rất khó kiếm. Về sự việc họ Cao, cũng do hạn chế của thời cuộc, của chính sự lúc ấy, Trúc Khê chưa có điều kiện để thấy hết tầm vóc lớn lao của Cao Bá Quát qua cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, chưa đánh giá đúng được “Thánh Quát”. Nhưng đối chiếu với những luận điệu bôi nhọ Cao Bá Quát của nhà Nguyễn khi ấy, quả là Trúc Khê chiêu tuyết cho họ Cao, đã dựng lại diện mạo tài hoa tài tử cho họ Cao.
Với Nguyễn Trãi, để dựng thân thế vị công thần, nhà văn hóa nhân, trí, dũng và vụ án oan khốc Lệ Chi Viên, Trúc Khê đã kết hợp chính sử với truyền thuyết và hư cấu. Một không gian lịch sử huyền thoại và hợp lý bao phủ lên một cuộc đời ở xa ta năm thế kỷ là việc chấp nhận được. Trúc Khê đã đánh
thức trí tưởng tượng của người đọc, giúp vào sự hình dung ra ngày tang tóc của Thăng Long khi mái đầu bạc Nguyễn Trãi rơi dưới tay đao phủ. Phần đóng góp chủ yếu của tác phẩm này là phần luận bàn thơ văn Nguyễn Trãi. Việc làm của Trúc Khê lúc ấy mang tính chất khai mở. Lần đầu tiên người đọc ý thức được di sản đồ sộ và tầm vóc kì vĩ của văn tài Nguyễn Trãi. Tài dịch thuật của Trúc Khê đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải tinh hoa của ngòi bút Ức Trai qua thơ văn, chiếu biểu tới bạn đọc hiện đại.
Trúc Khê không lấy văn chương làm mục đích. Mục đích của ông là ích dân lợi nước. Ông khảo cứu dịch thuật, biên soạn, phóng tác hay sáng tác đều nhằm mục đích ấy. Ông không phân vân vì nghệ thuật hay vì nhân sinh mà lương tâm đã định một cách viết như vậy. Tiểu thuyết lịch sử của Trúc Khê góp phần không nhỏ để các nhà nghiên cứu, bạn đọc các thế hệ có thể tìm hiểu về lịch sử nước nhà. Đi sâu vào cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông “Nguyễn Trãi” [18; 201-344] thấy sự hấp dẫn giản dị kiểu kể chuyện nhưng lại sâu rõ nét bình phẩm: “Năm Canh Thân (1380) niên hiệu Xương Phù thứ 4 đời vua Đế Nghiễn triều nhà Trần. Một hôm trong dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán ở kinh đô Thăng Long, có tiếng trẻ khóc oe oe. Đó là tiếng chào đời đầu tiên của đứa tiểu nhi cháu ngoại Trần tướng công, mà sau đây, đứa tiểu nhi ấy trở nên một nhân vật quan hệ lớn lao cho lịch sử của nước Nam Việt.”
Cách dẫn dắt khi kể câu chuyện lịch sử của Trúc Khê rất khái quát, xâu chuỗi được nhiều nhân vật lịch sử và gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng. Đơn cử như: “Trần Nguyên Đán hiệu là Băng Hồ, một vị tôn thất nhà Trần, cháu bốn đời của Chiêu minh vương Trần Quang Khải (người con thứ ba của vua Trần Thái Tông, chức đến thượng tướng, có công đánh phá giặc Nguyên ở đời vua Nhân Tông). Thời vua Duệ Tông và vua Đế Nghiễn, Nguyên Đán làm Quốc thượng hầu, tức là ở vào ngôi Tể tướng. Song triều Trần lúc ấy đã đương đi dần vào thời kỳ suy bĩ. Láng giềng phía nam là nước Chiêm Thành, đương do một vị hùng chúa là Chế Bồng Nga trị vì, làm cho nước ấy cường thịnh lên, rồi vì mối thế thù, luôn năm kéo quân ra cướp phá
nước Việt, khiến binh tài của ta ngày dần hư hao. Ngoài biên cương như thế; trong triều thì từ khi Thượng hoàng Nghệ Tông tin dùng Hồ Quý Ly, Quý Ly nắm hết chính quyền, chuyên đoán mọi việc. Không những thế, y còn có chí tự lập vây cánh để mưu đồ kia khác… Vậy mà Nghệ Tông vẫn một mực tin dùng, không ai can nổi, có người vì can mà lại phải tội nữa. Băng Hồ tướng công biết cơ nghiệp Trần tất sẽ có ngày rất gần phải đến nghiêng đổ, nhưng không có kế gì cứu vãn, nên vẫn muốn cáo quan lui về.”
Đối với nhân vật mà nguyên mẫu là nhân vật lịch sử sống trước tới hơn 5 thế kỷ, việc thể hiện nhân vật cần hết sức cẩn trọng và không thể hư cấu tùy cảm hứng, nên những trang văn cần mang màu sắc lịch sử thông qua từ ngữ, tình tiết. Tuy nhiên tính chất truyện đậm nét khi tác giả kể về gia cảnh của Nguyễn Trãi: “Nguyễn Ứng Long cùng Thái tiểu thư khi đã thành hôn, sau vài lần sinh không nuôi được, đến lần thứ ba sinh ra một hài nhi như mở đầu chương này đã nói, đó chính là đứa trẻ sẽ mang cái tên Nguyễn Trãi (1380- 1442) và là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam sau này” [18; 210].
Chúng ta biết rằng có những chi tiết lấy từ sử sách, cũng có những chi tiết do tác giả lắng nghe và tìm đọc những tác phẩm ghi lại những lưu truyền trong dân gian. Thế nên chất dân tộc ẩn trong niềm tự hào sử xưa đầy trang trọng lại được khéo léo đan cài, hài hòa với những lời lẽ dân gian dung dị, khách quan: “Nguyễn Trãi mới sinh ra, mặt mũi phương phi, thân thể tròn trĩnh, đôi mắt tinh tú đặt ở dưới vầng trán vuông tượng tuy rằng hơi hẹp, nhiều người đã khen là một tướng mạo khác phàm. Băng Hồ tướng công yêu quý không biết ngần nào, thường bế ẵm nâng niu và nói: “Nghiệp Trần nghiêng xiêu, khó lòng chống vững, cái vận mệnh tương lai của người hoàng phái chưa dễ liệu trước được. Nhưng ta có thằng cháu ngoại này, cũng được hả lòng đôi chút. Vì xem khí vũ nó, chắc không phải người hèn hạ. Nó sẽ có thể trở nên một nhân vậy kỳ kiệt, may ra cũng để thơm lây đến ngoại gia được một đôi phần” [18; 210]. Khi tìm hiểu cuốn Nguyễn Trãi, người đọc nên lưu tâm đến cách sắp xếp các chương của cuốn tiểu thuyết lịch sử. Lối viết này làm cho tác phẩm
trở nên sắc nét rõ ràng vì tính chất khắc họa theo nhân vật. Câu chuyện văn sử bất phân cũng như tiếp nối ở đây. Nhưng chất văn vẫn đậm hơn. Nếu như thời sau này, người ta ưa phóng tác lịch sử trong các sáng tác của các nhà văn hậu thế thì thời đầu thế kỷ XX, nhắc đúng, kể hay sử xưa đã là vô cùng quý giá. Theo tâm lý độc giả cũng như theo thế thời, việc xa rời gốc sử trong thăng giáng sáng tạo là chưa phù hợp. Ngoài ra, với những nhà nho bước sang thời kỳ mới thì việc truyền kể sử là một tâm nguyện có cội rễ là lòng yêu nước. Trong “mưa Âu gió Mỹ”, vẫn hanh hao nhớ heo may và hướng đến tiết xuân nồng của cha ông ngày xưa đó.
Nếu chương đầu tiên thể hiện Trần Nguyên Đán (ông ngoại của Nguyễn Trãi), thì chương hai, tác giả viết về danh sĩ Nguyễn Phi Khanh -