Sự hiện hiện và hoạt động của người phương Tây không chỉ có tác động lớn tới chính trị, kinh tế, quân sự… mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hóa, xã hội, tín ngưỡng…ở Đàng Trong.
Chuyển biến văn hóa – tín ngưỡng sâu đậm nhất là sự thâm nhập của đạo Thiên Chúa và sự ra đời của Quốc ngữ. Khi người phương Tây không ngừng mở rộng các hoạt động buôn bán và chinh phục các vùng đất ở phương Đông, Thiên chúa giáo cũng trở thành một phương tiện thâm nhập hết sức quan trọng của họ. Các giáo sĩ Thiên chúa giáo thuộc nhiều dòng tu khác nhau: Hội truyền giáo Dòng tên, Hội truyền giáo hải ngoại Paris mà chủ yếu là các giáo sĩ người Bồ Đào Nha và người Pháp. Đầu năm 1615, tổng giám mục các giáo đoàn Bồ Đào Nha ở Viễn Đông đóng trụ sở ở Ma Cao cử phái đoàn Dòng Tên đến Hội An để lập ra giáo đoàn Đàng Trong.
Việc Nhật Bản cấm đạo đã khiến cho nhiều giáo sĩ tòa giám mục Ma Cao phải đổi hướng đi truyền đạo, đáng lẽ đi sang phía Đông hay phía Tây theo kế hoạch dự kiến thì họ phải đi xuống phía Nam, đến đảo Hải Nam, Đại Việt, Xiêm… Đó cũng là trường hợp của giáo sĩ người Pháp Alechxdre de Rhodes sau một năm chờ đợi và học tiếng Nhật ở Macao cuối cùng được phái vào Đàng Trong (1624). Ông là người có vai trò rất quan trọng trong quá trình truyền bá đạo Thiên chúa vào Đại Việt. Dựa vào sự suy thoái của Nho giáo ở Đại Việt nói chung, cuộc sống khổ cực của nhân dân vì chiến tranh, đói kém, quan lại nhũng nhiễu, các giáo sĩ phương Tây đã truyền bá giáo lý về chúa cứu thế, về tình thương và sự an ủi, về sự bình đẳng của mọi người trước chúa, lại tìm cách giúp đỡ những người nghèo khổ. Vì vậy, số giáo dân ngày càng tăng lên mặc dù các giáo sĩ luôn vấp phải sự phản kháng của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn sùng các thần linh cứu nước, ý thức dân tộc… Sự du nhập của đạo Thiên chúa vào Đàng Trong đã đem lại một số biến đổi trong đời sống văn hóa tinh thần. Khi đạo Thiên chúa du nhập vào, bên cạnh việc
thuyết giảng kinh đạo, các giáo sĩ cũng bắt đầu mở các lớp dạy kiến thức về khoa học tự nhiên. Do đó, một bộ phận người dân Đàng Trong đã sớm tiếp thu được với trình độ mới của nền văn minh phương Tây. Đây cũng chính là cơ sở để tạo nên sự giao lưu văn minh Đông- Tây diễn ra mạnh mẽ ở thời cận đại sơ kỳ.
Để phục vụ đắc lực cho công cuộc giảng kinh và truyền bá kiến thức, các giáo sĩ phương Tây tìm mọi cách để học tiếng Việt và dùng chữ cái Latinh để ghi lại các từ tiếng Việt. Trong lĩnh vực học tiếng Việt và đặt chữ quốc ngữ này, A.de Rhodes có một vai trò đặc biệt mà không ai có thể phủ nhận. Ông không những thực hành được tiếng Việt mà còn là người châu Âu đầu tiên dấn thân vào công việc học thuật vô cùng khó khăn, đó là việc nghiên cứu tiếng Việt. Cuốn từ điển 3 thứ tiếng Việt- Latinh- Bồ Đào Nha và cuốn Latinh- Việt do ông xuất bản ở Rome năm 1651 đã đánh dấu sự xuất hiện thật sự, hiển nhiên của một thứ văn tự mới, dùng mẫu tự Latinh để ghi âm tiếng Việt. Dần dần, do ưu thế có thể phiên âm tương đối chính xác tiếng Việt, hệ thống chữ Latinh ghi tiếng Việt được gọi là “Quốc ngữ” [43; 39].
Nhà nghiên cứu người Pháp Georges Taboubet cho rằng “công việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh, điểm thêm các dấu quy ước là một sáng tạo tập thể mà đóng góp chủ yếu là các linh mục Di Pina, Borri, Gaspar de Amaral, Antonio, Barbosa nhưng linh mục De Rhodes đã có công hệ thống hóa chỉnh lý và phổ biến văn tự mới này” [26; tr.281]. Chữ Quốc ngữ ra đời nhanh chóng trở thành công cụ truyền giáo đắc lực. Các giáo sĩ đã giảng bằng tiếng Việt, viết nhiều sách giáo lý bằng Quốc ngữ. Giáo dân không học chữ Nho mà vẫn có thể học được chữ Quốc ngữ.
Việc hình thành chữ quốc ngữ đã diễn ra trong một không gian xã hội chính trị đặc biệt hoặc là song song, hoặc là thâm nhập đan chéo với những sự kiện chính trị phức tạp, sự xâm lược nước ta của thực dân Pháp, sự thành lập
giáo hội thiên chúa giáo ở nước ta nhưng chúng ta thấy việc sáng chế ra chữ quốc ngữ là hoa quả tốt đẹp của cuộc kỳ ngộ giữa văn hóa dân tộc Việt Nam với văn hóa Latinh của các dân tộc châu Âu. Thành quả to lớn này của các giáo sĩ phương Tây không chỉ có vai trò đối với xã hội Đàng Trong mà còn đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam ngày nay.
Những hoạt động giao thương mạnh mẽ với các nước đã mang lại sự thịnh đạt cho hàng loạt đô thị: Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn… Những đô thị này vốn là trung tâm hành chính, chính trị nay trở thành các đô thị đa chức năng. Các đô thị trở thành trung tâm kinh tế quan trọng điều phối hoạt động chung cũng như của mỗi vùng kinh tế…[52]. Sự hình thành và hoạt động nhộn nhịp của các đô thị- dù dưới hình thức nào đã tác động quan trọng đến tính chất của nền sản xuất cổ truyền nông nghiệp, tự túc và tự cấp của Đàng Trong. Trong đó, Hội An với tư cách là thương cảng lớn nhất của Đàng Trong, lại nằm ở vị trí giao thương quốc tế thuận lợi, đã nhanh chóng trở thành cửa ngõ giao thương và đối ngoại quan trọng nhất với thế giới bên ngoài. Năm 1618, giáo sĩ Borri đã nhận xét: “Hải cảng đẹp nhất Đàng Trong, nơi mà thương nhân ngoại quốc thường lui tới buôn bán là hải cảng thuộc tỉnh Cacciam (tức Quảng Nam)… thành phố đó (Hội An) lớn lắm, đến nỗi người ta có thể nói có hai thị trấn: một của người Trung Quốc, một của người Nhật Bản” [11; tr.91]. Chúa Nguyễn đã đặt Tàu ty ở đây để kiểm tra, đánh thuế thuyền buôn ngoại quốc. Hội An trở thành nơi buôn bán chủ yếu của các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Họ nhập vũ khí, hàng mỹ nghệ, thực phẩm đã chế biến, kẽm, bạc… và mua đi đủ thứ tơ lụa, lâm sản quý, yến sào, nông sản. Thương cảng này đã đóng góp cho ngân sách chính quyền nguồn tài thuế lớn, giúp chúa Nguyễn có được nguồn tài chính vững chắc để xây dựng quân đội, củng cố chính quyền đồng thời đương đầu với các cuộc tấn công của chính quyền Lê- Trịnh. Trong văn hóa vật chất, trải qua
gần 3 thế kỷ, Hội An đã tiếp nhận khá nhiều kiểu sinh hoạt nước ngoài, là nơi nghỉ ngơi giải trí, thưởng ngoạn của các quan lại, kẻ giàu có, một kiểu kiến trúc nhà cửa thương nghiệp độc đáo của chùa chiền, hội quán, cửa hàng, nhà ở, tiểu lầu…
Việc buôn bán hàng hóa ở Hội An còn góp phần tạo ra một số thị tứ: Tam Kỳ, Nước Mặn, Kim Sơn, An Thái… Sự xuất hiện các thị tứ mang kiểu đô thị và nửa đô thị tạo nên một quan hệ vừa có tính chất hỗ trợ, vừa bổ xung thường xuyên với Hội An. Sự mở cửa của Hội An lại được thị tứ này nuôi dưỡng. Hai mặt hội tụ và khai phóng này gắn liền, là sinh mệnh kinh tế lâu dài của Hội An trong các thế kỷ. Hội An và các đô thị ngoại thương khác trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX đã mang những luồng sinh khí mới cho kinh tế và văn hóa vào Đàng Trong. Các chúa Nguyễn có thời biết cách khai thác Hội An để tạo ra nguồn lợi to lớn (vũ khí và phương tiện quân sự) nhưng điều quan trọng hơn là đóng góp của Hội An đã đẩy mạnh những hoạt động kinh tế ở đây.
Thanh Hà, nằm ở tả ngạn sông Hương, gần cửa Thuận thành lập vào năm 1636 khi được phép của chúa Nguyễn. Về cơ cấu kinh tế thương cảng Thanh Hà mang tính chất kết cấu của một nền kinh tế đô thị thời trung cổ, trong đó khu phố phường nội thị và mạng lưới chợ ở các làng thủ công trong vùng đóng vai trò cung cấp hàng và tập kết hàng về cảng Thanh Hà. Còn vùng cửa sông là nơi trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây là nơi lui tới buôn bán của các thương thuyền Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan… Các thương thuyền này thường mang đến các mặt hàng đồ đồng, đồ gốm, sứ, gấm vóc, vũ khí, diêm tiêu, đồ gia dụng đến bán và mua các thứ thổ sản như: hồ tiêu, cau khô, quế, chè, sừng tế, đồi mồi, trầm hương… mang về chính quốc hay đến bán ở các nước khác. Một số nguồn tư liệu khác cho hay: “Một khối lượng hàng hóa rất lớn khác cũng nhằm cung
cấp cho triều đình, nhất là tầng lớp quý tộc quan lại cao cấp, các lái buôn đã nhằm đúng thị hiếu để mang đến các mặt hàng như lụa, gấm vóc, len dạ cho đến đồ sứ, đồ sành, giấy. Thanh Hà đã đi vào lịch sử thương mại Việt Nam và tiến trình phát triển đô thị thời phong kiến như là một trong những mốc son thịnh vượng, tỏa sáng. Một phong cách văn minh đô thị hình thành vừa làm phong phú cho đời sống chính trị- văn hóa, vừa làm giàu và làm đẹp qua sự phát triển kinh tế và giao lưu buôn bán ở trong và ngoài nước” [83; tr.565].
Sự xuất hiện của những người ngoại quốc đã kéo theo sự biến động, dịch chuyển trong đời sống cư dân bản địa. Những nhà trọ được xây dựng, cho thuê trong suốt mùa mậu dịch đã cho thấy thái độ cởi mở với thương mại cũng như với thương nhân ngoại quốc của cư dân Thuận Quảng. Khi đến giao thương tại Đàng Trong, nhà buôn Pháp Poivre đã cho rằng: “khi đến Faifo (Hội An) đã có rất nhiều thương điếm cho thuê bao nhiêu cái cũng được. Nhiều nhà to nhất phường cho thuê một trăm đồng bạc trong suốt vụ gió mùa” [63; tr.95]. Sự xuất hiện của các nhà trọ này mang lại một lợi nhuận rất lớn cho cư dân địa phương đồng thời góp phần vào sự hưng khởi mạnh mẽ của các đô thị Đàng Trong.
Để thu gom đủ thương phẩm phục vụ cho mùa mậu dịch, các thương nhân phương Tây đã lập nên các đại lý trên toàn bộ vùng giao thương của vương quốc để thu mua hàng hóa và giữ chúng sẵn sàng cho tới khi họ đến [102; tr.86]. Những đại lý này giữ vai trò quan trọng trong quá trình thu gom hàng hóa và chuẩn bị cho những chuyến hàng về. Tham gia vào hoạt động của các đại lý này là những thương nhân người Việt. Thương nhân bản địa trở thành người kết nối giữa thương nhân ngoại quốc với các địa điểm sản xuất thủ công chuyên nghiệp trên lãnh thổ của chúa Nguyễn. Để đẩy mạnh và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, những người đàn ông ngoại quốc đã tìm cách kết hơn những người phụ nữ địa phương. Khi đó, những người vợ này trở thành nhà kết nối trung gian, thu mua các nguồn hàng, cung
cấp cho thương nhân khi họ cập bến vào vụ gió mùa. Sự tham gia của những người phụ nữ này đảm bảo chắc chắn cho sự đầy đủ của nhữn chuyến hàng cất đi. Khi đến Đàng Trong năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán đã cho rằng “phần đông phụ nữ coi việc mua bán. Những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại” [76, tr. 154].
Khi các tàu buôn ngoại quốc cập bến, những lực lượng xã hội bản địa lại càng có sự hội nhập mạnh mẽ, họ hoạt động giống như những nhà phân phối trung gian nhỏ vận chuyển thương phẩm từ các thuyền buôn đi vào các thị trường địa phương, rồi theo sự đi lại trên các con sông cung cấp cho những vùng nằm sâu trong nội địa. Mọi lực lượng xã hội đều bị cuốn hút vào hoạt động thương mại “những người phụ nữ, đàn ông, những thú vật và những con thuyền đi lại trên thượng và hạ nguồn của các dòng sông, dọc bờ biển và thông qua những phá, đầm nằm song song với vùng nội địa để thiết lập một nhịp thương mại trong vùng nội địa. Họ phục vụ giống như những người chỉ đường và sửa chữa lại tàu, lực lượng khai mỏ, săn bắn hay thu hoạch” [83; tr.364].
Như vậy, hoạt động của các nhà buôn ngoại quốc đã lôi cuốn hoạt động buôn bán tư nhân của thương nhân người Việt, góp phần tạo nên sự hưng thịnh của thương mại Đàng Trong. Trong mối quan hệ tác động qua lại thì chính sự phát triển mạnh mẽ của hải thương đã lôi cuốn nhiều thành phân cư dân dự nhập vào hoạt động thương mại. Lê Quý Đôn đã cung cấp những tư liệu quý báu về sự tham gia của thương nhân bản địa: “Người thôn Chính Hòa thuộc châu Nam Bố Chính tên là Triều Châu nói rằng trước y đi buôn bán ở phủ Gia Định hơn 10 chuyến, thường đi vào tháng 9, tháng 10, về vào tháng 4 tháng 5, thuận gió không quá 10 ngày đêm là đến. Mỗi chuyến đi thường qua cửa biển Nhật Lệ, trình trấn quan vào cửa eo, trình quan vào tận, lĩnh giấy phép ra biên đến xứ Vũng Tàu. Ở đầu cõi Gia Định là chỗ hải đảo, có dân cư, hạ buồm đậu vào, hỏi thăm nơi nào được mùa, nơi nào mất mùa, biết nơi nào được mùa thì
mới đến ở. Đến chỗ nào thuyền buôn cũng tụ họp, mặc cả thành giá thì người bán tự sai người nhà khuân hàng xuống thuyền. Giá thóc rẻ chưa nơi nào được như thế. Gạo nếp, gạo tẻ đều trắng dẻo, tôm cá rất to, béo không ăn hết. Dân địa phương thường nấu qua, rồi phơi khô để bán” [27; tr.160]. Thông tin thú vị này đã cho thấy hoạt động buôn bán sôi nổi của những thương nhân bản địa tại thị trường Đàng Trong. Một số thương nhân giàu có trở thành các chủ ghe bầu đi Nam về Bắc, mở cửa hiệu buôn bán hình thành khu phố An Nam hoạt động bên cạnh phố Nhật và phố Khách thế kỷ XVII [5; tr.68].
Những cư dân nội địa cũng như ven biển đã tham gia tích cực, chủ động vào hoạt động buôn bán diễn ra mạnh mẽ trên vùng đất Thuận Quảng và nhiều khu vực dưới sự quản chế của chính quyền chúa Nguyễn. Thương mại đã kéo xã hội Đàng Trong vận động mạnh mẽ theo hướng Tây - Đông và ngược lại. Dù tham gia một cách trực tiếp hay gián tiếp thì mọi lực lượng xã hội Đàng Trong từ chính quyền trung ương đến địa phương, từ vùng thượng nguồn đến hạ lưu đều hướng mạnh về biển, về kinh tế hải thương [83, tr.366].
Các tàu thuyền buôn phương Tây không chỉ đến thu mua hàng hóa mà còn đem theo nhiều nguồn thương phẩm mà thị trường Đàng Trong và khu vực cần. Do đó, khi tiếp xúc với người phương Tây, thói quen sinh hoạt của cư dân Đàng Trong cũng có nhiều thay đổi. Có nhiều mặt hàng thông dụng được bán ở Đàng Trong. Phủ Biên kê 51 mặt hàng: hương, vòng, kim xuyến, ngân tuyến, y phục, giầy, kính, quạt giấy, bút mực, các thứ đồ đồng, các thứ đèn lồng… [27; tr.257]. Trong khi vào thế kỷ XVII, mặt hàng xa xỉ chiếm một tỷ lệ quan trọng trong nền thương mại ở Đàng Trong thì vào thế kỷ XVIII, các mặt hàng thuộc loại sử dụng hàng ngày đối với người dân thường chiếm số lượng lớn trong số hàng hóa. Borri cho biết thêm mặt hàng dành cho phụ nữ bán rất chạy: “Lược, kim vòng, bông đeo tai, các đồ lặt vặt khác và các đồ vật lạ dành cho phụ nữ. Và tôi nhớ là có một người Bồ đã mang từ Ma
Cao vào Đàng Trong một hộp kim đẩy giá trên 30 ducat nhưng ông ta đã kiếm được trên 1 ngàn. Ông ta bán ở Đàng Trong với giá 1 real một chiếc, trong khi ở Ma Cao ông chỉ phải trả 1 pence một chiếc”.
Borri cũng có nhận xét, dưới tác động của việc mua bán phồn thịnh mà mỗi phiên chợ kéo dài đến 4 tháng ở Hội An, người dân cũng có khuynh