Trong các thế kỷ XVI-XVIII, hoạt động giao thương sôi động với các nước phương Tây kích thích các hoạt động kinh tế trong nước phát triển, tạo nên một sức sống mới cho xã hội Đàng Trong thời phong kiến.
Những thương phẩm chính của Đàng Trong mà hầu hết các thương gia nước ngoài, đặc biệt là người châu Âu, hướng tới trong thế kỷ XVI-XVIII là tơ lụa và đường. Li Tana trong tác phẩm của mình dẫn lời các lái buôn Hà Lan cho rằng: “hàng năm tại đây sẽ sản xuất từ 1.500 đến 1.600 picul tơ sống (900- 960 tạ) và từ 5.999- 6000 súc vải tơ [60; tr.109]. Do đó, các luồng thương mại đã tạo nên những vùng chuyên canh nông nghiệp dâu tằm, quế, mía đến từ Thuận Hóa đến Quy Nhơn. Sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà một bộ phận nông phẩm thành hàng hóa lưu thông trong và ngoài nước. Cả vùng Thanh Điện xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và ven các dòng sông, hầu như làng nào cũng trồng dâu, nuôi tằm. Trồng dâu ngày càng phát triển và mang tính chất chuyên canh lớn dưới hình thức hộ chuyên nghiệp. Những hộ chuyên này có vai trò lớn trong việc cung cấp những nguyên liệu cho sản xuất tơ phục vụ xuất khẩu. Giáo sĩ C. Borri đã có những ghi chép chi tiết về nghề trồng dâu, dệt lụa ở Đàng Trong. Theo ông thì nguồn cung cấp tơ lụa ở đây “rất nhiều và dư thừa đến nỗi người Đàng Trong không những đủ dùng riêng cho mình mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang vương quốc Lào, để rồi người ta lại chuyển đến Tây Tạng. Thứ lụa này không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Trung Quốc” [11; tr.32].
Nếu như ở Đàng Ngoài, số lượng sản xuất tơ nhiều hơn thì ở Đàng Trong, hàng hóa xuất khẩu chính, bên cạnh tơ lụa, là đường. Việc dùng đường và bán đường phát triển mạnh đã tạo ra những vùng lớn của phủ Thăng Điện, Quảng Ngãi, Quy Nhơn chuyên canh mía và chế biến đường. Nghề trồng mía và nấu đường phát triển ở những vùng khô. Đường có nhiều chủng loại: đường phèn, đường cát, đường phên… Quảng Ngãi là nơi có nhiều đường nhất và tốt nhất. Theo thống kê của Li Tana, lượng đường có xuất xứ từ Đàng Trong và Đàng Ngoài vào thị trường Nhật Bản chỉ riêng trong năm 1663 đã có con số rất lớn: 72.269 Jin (36.130 kg) đường trắng, 145 000 Jin (72.500 kg) đường phổi,
1.050 Jin (525 kg) đường phèn. Tác giả cho biết rằng, việc sản xuất ra loại
hàng này đã được khuyến khích bởi nền ngoại thương phát triển rất nhanh [60; tr.130].
Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cho rằng Đàng Trong đã quá hăng say đối với việc sản xuất tơ và đường cho thị trường Nhật Bản đến độ dành nhiều diện tích trồng trọt cho cây dâu tằm và mía thay cho cây lúa. Khi lợi nhuận thu được rất lớn, người dân Đàng Trong đã khá thờ ơ với việc trồng cây lương thực vốn là truyền thống của mình, chuyển hầu hết đất đai sang chuyên canh mía và dâu tằm. Do đó, khi những người đàn ông khỏe mạnh ngày càng bị chi phối bởi nghĩa vụ quân sự, phụ nữ và những người đàn ông không bị nhập ngũ ngày càng lôi cuốn vào nền thương mại và sản xuất theo nhu cầu thị trường thì một phần lớn dân số sống bằng gạo nhập cảng, nhất là những người dân sống ở gần kinh đô trong vùng Thuận Hóa. Tình trạng này kéo dài đến tận thế kỷ XVIII, khi gạo do đồng bằng sông Cửu Long sản xuất ra rẻ và dư dật đến độ người dân ở kinh đô không cần phải “làm lụng vất vả trên đồng ruộng” [60, tr.133]. Như vậy, hoạt động buôn bán trao đổi với người phương Tây không những thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Đàng Trong đi
theo hướng chuyên môn hóa mà còn khiến cho người sản xuất thay đổi cả cơ cấu cây trồng.
Quế là mặt hàng nông lâm quý, vốn là sản phẩm tự nhiên của rừng núi, công việc khai thác đã thực sự tạo ra những vùng chuyên canh ở miền núi trung du của các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn. Dưới thời các chúa Nguyễn, hàng năm cảng thị Hội An đã bán cho nước ngoài 2.000 tấn quế các loại. Thương nhân người Hoa cho rằng quế ở Đàng Trong rất tốt. Quế không chỉ được xem là một loại thần dược mà còn được sử dụng trong văn hóa ẩm thực. Quế xuất khẩu ở Hội An trước đây được đựng trong các thùng bằng gỗ do thợ mộc Kim Bồng đóng [50; tr.9].
Thương mại với người phương Tây không những mở rộng quy mô sản xuất của một số ngành thủ công nghiệp đã có sẵn mà còn sáng tạo ra một số ngành thủ công nghiệp mới ở Đàng Trong đồng thời trên cơ sở này truyền nhập kỹ thuật mới. Trước hết là nghề dệt tơ vải của Quảng Nam có nhiều sản phẩm như nhung the, lụa, lãnh sa. Lê Quý Đôn ghi: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam và xứ ấy phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc, lãnh sa, hoa màu khéo đẹp chẳng khác người Quảng Đông” [27, tr.337]. Giáo sĩ A. Rhodes đã nhận xét: “Đàng Trong rất nhiều tơ, nhân dân dùng cả tơ để làm lưới đánh cá và bện dây thuyền” [74; tr.31]. Lái buôn Bori cũng đồng quan điểm khi viết: “ở Đàng Trong có rất nhiều tơ lụa, đến nỗi những người lao động và hạ lưu dùng thường xuyên, hàng ngày” [69, tr.151]. Khối lượng sản phẩm sản xuất ra ngày càng lớn, ngay từ đầu thế kỷ XVII, theo P. Poivrơ: “Tơ của họ rất đẹp, từ nay họ còn cung cấp nhiều hơn nữa nếu như Đàng Trong có thị trường tiêu thụ”. Về kỹ thuật dệt, theo Poivrơ: “máy dệt của họ na ná giống máy của ta, hơi đơn giản hơn… Tôi có nói với người thợ dệt về hàng tơ dệt của Trung Quốc và của chúng ta, vừa mềm mại, vừa đẹp, tốt… và hỏi người ấy có làm được
không. Người ấy trả lời: làm được” [69; tr.151]. Poivre cho biết thêm “tơ lụa ở Đàng Trong so với tơ lụa Trung Quốc thì hơn hẳn về phẩm chất và tinh tế. Tơ đẹp nhất là của Quảng Ngãi, người Trung Quốc mang rất nhiều và kiếm lãi từ 10 - 15%” [93; tr.236].
Đồng thời, ngoại thương cũng đã thúc đẩy quá trình chuyên biệt hóa trong hoạt động thủ công nghiệp ở Đàng Trong. Kỹ nghệ đường đã phát triển một hệ thống sản xuất theo hộ được chuyên biệt hóa với các hộ chuyên trồng mía, hộ chuyên mua mía ép lấy nước, hộ chuyên đốt lò đun nước mía ép và tinh chế đường. Theo Bori, đường Đàng Trong thuộc loại “đẹp nhất Ấn Độ”, “Đường trắng và mịn, đường phên tinh khiết, trong suốt, chất lượng tốt” [93; tr.238]. Bên bờ sông Faifo (Hội An) có nhiều hộ làm đường “chỉ mới gần đây thôi, người Đàng Trong mới cố gắng tăng số lượng đường, trước đó họ mới chỉ làm đủ dùng trong xứ nhưng vì các lái Trung Quốc đã đem lại cho họ thị trường tiêu thụ nên họ không ngừng tăng sản lượng” [93; tr.239].
Bên cạnh đó, trong thủ công nghiệp còn xuất hiện các công trường thủ công. Tiêu biểu là các công trường khai thác vàng. Theo Lê Quý Đôn, xứ Quảng Nam có nhiều núi sản xuất vàng. Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho lập các công trường khai thác vàng sa khoáng với số lượng hàng ngàn nhân công. Đồng thời, họ Nguyễn đặt hộ đãi vàng ở các phủ gọi là thuộc Kim hộ… Số kim hộ và những người làm nghề khai thác, buôn bán vàng ở Quảng Nam, Quy Nhơn, Phú Yên lên tới hàng chục nghìn người. Địa phương có người tên là Giang Huyền mua riêng một núi tự khai thác lấy đem bán các nơi. Số vàng đem “đến phố Hội An bán cho các nhà buôn khách hàng năm không dưới một nghìn hốt” [27; tr.227]. Vàng ở xứ Quảng Nam mua vào thời gian không có hội chợ quốc tế thì rẻ đem về Quảng Đông bán có thể lời 100% [50; tr.13]. Ngoài ra, sự hình thành nhiều trung tâm sản xuất thủ công gắn với sự chuyển hóa của các làng nghề từ kiêm nghiệp sang chuyên nghiệp. Thế kỷ
XVI- XVIII ở Đàng Trong xuất hiện nhiều làng thủ công chuyên nghiệp có năng lực sản xuất và tổ chức khá cao như làng dệt, gốm (Mỹ Thiên, Lộc Thiên, Mỹ Cương, Mỹ Xá, Thanh Hà…). Sự phát triển của các làng nghề trong các vùng thôn quê đã làm thay đổi thậm chí phá vỡ tính chất thuần nông của không ít vùng quê truyền thống [52].
Việc sản xuất đường gia tăng cũng kéo theo sự ra đời và phát triển của một nền kỹ nghệ địa phương mới là sản xuất chum, vại để đựng nước mía. Thợ mộc Kim Bồng ngoài việc xây dựng nhà cửa, làm các hàng gia dụng… còn làm hai mặt hàng quan trọng là thùng đựng quế, đường và ghe bầu. Gốm Thanh Hà xuất hiện sớm từ giữa thế kỷ XVI - đến lúc này thì phát triển thêm nhiều mặt hàng đặc biệt là hàng gốm sứ dụng trong nghề làm đường. Ngoài những mặt hàng như nồi niêu thì những loại lon vại đựng cho người sản xuất đường và thương gia chiếm khối lượng lớn.
Một nghề thủ công mới xuất hiện ở Đàng Trong được du nhập từ phương Tây vào là nghề làm đồng hồ. Từ thế kỷ XVII, XVIII, các giáo sĩ Tây phương đã dùng đồng hồ làm món quà quý dâng các chúa. Một người ở xã Đại Hào huyện Đăng Xương (Thừa Thiên Huế) tên là Nguyễn Văn Tú được sang Hà Lan 2 năm để học nghề làm đồng hồ và nghề nấu pha lê. Nguyễn Văn Tú không chỉ học mà còn biết cải tiến kỹ thuật của nghề này. Cả gia đình ông từ con trai, em trai, con rể đều biết nghề làm đồng hồ, song vẫn không tạo ra được một phường chuyên để có thể phát triển hơn nữa, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho tầng lớp quý tộc, quan lại. Ông đã từng chế tạo nhiều đồng hồ lớn đặt ở đài Thiên Văn (Đàng Trong) quanh phủ chúa hoặc ở các sở tàu vụ. Ở Thuận Quảng, ở mỗi tuần sở trông nom cửa biển, có đặt một cái đồng hồ đứng, phần nhiều là do Nguyễn Văn Tú chế tạo [69; tr.152]. Nhìn chung, thủ công nghiệp nhân dân ở các thế kỷ XVII- XVIII vừa mở rộng, vừa phát triển,
đáp ứng ở một mức độ nhất định nhu cầu của nhân dân trong nước và nhu cầu của thương nhân nước ngoài, đi sâu hơn vào nền kinh tế có tính quốc tế.
Sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển theo xu hướng của nền kinh tế hàng hóa đã mang lại sự khởi sắc cho thương nghiệp. Nội thương phát triển không còn hạn chế trong vài đơn vị hành chính phủ huyện, không chỉ trong hai phủ Thăng, Điện mà lan tỏa ra cả Đàng Trong. Bên cạnh mạng lưới chợ nhỏ dày đặc ở các địa phương, mỗi phủ thường có 4-5 chợ lớn. Đặc biệt ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã xuất hiện những tụ điểm công nông thương tín ở những vị trí giao thông thuận lợi vừa buôn bán, vừa sản xuất và dịch vụ gọi là thị tứ đã góp phần đáng kể vào việc phát triển sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Lúc này, Hội An, Gia Định đã trở thành những trung tâm thương mại lớn. Thời kỳ này xuất hiện những luồng lưu thông buôn bán rộng lớn giữa các vùng, buôn bán ngược xuôi, đem lâm sản miền núi về đồng bằng và vận chuyển những hàng hóa từ đồng bằng lên miền núi. Lâm sản miền Tây từ xứ Quảng đến Tây Nguyên được chuyển về Hội An. Nguồn gỗ quý, ngà voi, sừng tê, sáp ong luôn là thương phẩm có nhu cầu cao, sức cuốn hút kỳ diệu với thuyền buôn ngoại quốc… Thông qua những mối liên hệ thương mại hai chiều giữa miền ngược và miền xuôi, giữa chính quyền Đàng Trong với khu vực cư trú của người Thượng đã dẫn đến sự phát triển năng động của khu vực Trường Sơn- Tây Nguyên, thu hút họ vào các hoạt động giao thương. Những luồng hàng đã nâng cao năng lực thiên nhiên và con người, đưa sức sống kinh tế xã hội của cả vùng đất mới phát triển nhanh chóng về một số mặt nào đó còn mạnh hơn cả vùng đất Đàng Ngoài [46; tr.366].
Như vậy, hoạt động ngoại thương đã có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung và sản xuất hàng hóa Đàng Trong nói riêng. Việc mở rộng quan hệ ngoại thương đã kích thích một số nghề thủ công trong nước phát triển, đặc biệt là những nghề ươm tơ, dệt, gốm, làm đường.
Các sản vật tự nhiên trong nước được xuất khẩu nhiều và có giá trị cao hơn. Sự khởi sắc của nền kinh tế hàng hóa làm cho sản xuất thủ công và sản xuất nông nghiệp ở Đàng Trong bớt đi tính tự cấp, tự túc, lạc hậu. Việc mua bán, trao đổi với người nước ngoài cũng đẩy nhanh sự lưu thông hàng hóa trong nước, thúc đẩy hoạt động và tăng thêm vốn liếng, kinh nghiệm cho thương nhân người Việt. Tiếp xúc với chủ nghĩa tư bản phương Tây còn làm cho thị trường trong nước trở nên sôi động, các đô thị, bến cảng hoạt động sầm uất, ngày càng có dáng dấp hiện đại hơn.
Thương mại Đàng Trong phát triển đã tác động trở lại đối với hoạt động buôn bán của người phương Tây. Nhờ thiết lập được quan hệ buôn bán ở Hội An mà Bồ Đào Nha và Hà Lan duy trì được mạng lưới buôn bán thương mại nội Á trong suốt hơn một thế kỷ từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII. Đây là một trong những đóng góp hết sức quan trọng của chính quyền Đàng Trong trong quan hệ với các nước phương Tây thời Trung đại. Mặt khác, hoạt động thương mại của Bồ Đào Nha và Hà Lan đã góp phần phá vỡ nền kinh tế tự cung tự cấp của Đàng Trong, thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa của Đàng Trong phát triển mạnh mẽ cũng như tạo điều kiện để Đàng Trong tham gia vào quá trình hội nhập thương mại quốc tế.