khẳng định công lao mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa, Quảng Nam vào đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII. Công cuộc khai phá với những chính sách và biện pháp tích cực của chính quyền chúa Nguyễn đã biến vùng Thuận - Quảng còn hoang sơ vào giữa thế kỷ XVI trở thành một vùng kinh tế phát triển làm bàn đạp cho công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam. Các nghề thủ công, quan hệ hàng hóa tiền tệ trong nước và quan hệ mậu dịch với nước ngoài đều phát triển nhanh chóng. Một loạt đô thị - thương cảng ra đời thu hút nhiều thuyền buôn và thương gia nước ngoài, kể cả các công ty tư bản phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… trong đó nổi lên các cảng thị Phú Xuân - Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn… Các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan… có công lớn trong sự nghiệp khai phá và phát triển vùng đất mới, mở rộng lãnh thổ về phía Nam bao gồm cả các hải đảo ven bờ và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông. Đó là những đóng góp không nhỏ của các chúa Nguyễn đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.
1.3. Chính sách kinh tế thƣơng mại của các chúa Nguyễn Đàng Trong Trong
Trong bối cảnh Đại Việt thế kỉ XVI- XVII, cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn được xem như một trong những nhân tố kích thích sự nỗ lực của chính quyền hai bên tìm mọi cách phát triển quan hệ giao thương với các nước bên ngoài. Cả chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều nhận thấy những mối lợi trong cuộc thông thương: trước hết là thuế và nguồn thu từ độc quyền mua bán, tiếp đến là cơ hội thu mua khí tài phục vụ chiến tranh, sau cùng là thiết lập các liên minh quân sự với người phương Tây để giành ưu thế trong cuộc nội chiến. Xuất phát từ thực tế đó, các
chúa Nguyễn ở Đàng Trong chủ động mở rộng quan hệ buôn bán nhằm xây dựng một nền kinh tế hàng hóa vững mạnh, tăng cường tiềm lực tổng thể để đối trọng với sức mạnh của Đàng Ngoài. Ngược lại, các nước bên ngoài cũng tận dụng tình hình xung đột của Đại Việt để thâm nhập thị trường nội địa một cách dễ dàng và thu nhiều lợi nhuận hơn.
Bên cạnh đó, vùng đất Thuận - Quảng có nguồn tài nguyên và lâm thổ sản phong phú, những cảng biển nổi tiếng đã từng thu hút thương khách nước ngoài trong nhiều thế kỷ trước đó. Nguyễn Hoàng đã biết tận dụng và phát huy những tiềm năng đó của xứ Thuận - Quảng để có khả năng đảm bảo cho một tương lai chính trị mà thuở ra đi ông đã bắt đầu toan tính. Do đó, các chúa Nguyễn đã không ngừng đưa ra những chính sách giao thương tích cực, cởi mở, dùng giao thương làm đòn bẩy để phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh và tiềm lực quốc gia.
Thứ nhất, chúa Nguyễn đã chú trọng sản xuất, giao thương nội địa làm
cơ sở giao thương với nước ngoài. Thực hiện âm mưu cát cứ, xây dựng một giang sơn riêng để chống lại họ Trịnh, Nguyễn Hoàng và những người nối nghiệp như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần… một mặt củng cố việc phòng thủ đất Thuận- Quảng, mặt khác đẩy mạnh việc khai hoang, mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam đặc biệt vùng châu thổ sông Đồng Nai và Cửu Long. Họ đã “chiêu mộ những dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cho dời tới đây, phát chặt mở mang, hết thảy thành bằng phẳng, đất nước màu mỡ, cho dân tự chiếm, trồng cau và làm nhà cửa” [59; tr.345]. Đầu thế kỉ XVII, giáo sĩ C.Borri đến Đàng Trong đã nhận xét: “Đất đai màu mỡ và sinh lợi… mỗi năm họ gặt ba lần, thu được lượng thóc lúa dồi dào đến mức không phải làm gì thêm để kiếm sống…” [11; tr.147]. Vào thế kỷ XVII - XVIII, vùng đồng bằng sông Cửu Long là một vựa lúa của Đàng Trong với năng xuất gấp tới 100, 200, 300 lần như Lê Quý Đôn
đã ghi chép. Ngoài ra, nông dân còn trồng khoai, ngô, hạt bo bo (tức ý dĩ), vừng (gọi là mè) và các cây ăn quả gồm mãng cầu (na), mít, xoài, chuối; các loại rau. Mỗi vùng đều có đặc sản riêng như hồ tiêu ở Quảng Nam, Hà Tiên, mía ở Bình Thuận và Quảng Nam, dâu ở Thuận Hóa, Quảng Nam, bông ở Quảng Ngãi, quế ở Quy Nhơn, Thăng Hoa, Điện Bàn... Những đặc sản này cũng trở thành những thương phẩm của Đàng Trong trao đổi với lái buôn nước ngoài. Nền kinh tế nông nghiệp Đàng Trong một thời gian dài phát triển tương đối ổn định. Đó chính là cơ sở kinh tế vững chắc tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và cũng là cơ sở cho kinh tế thương nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Các chúa Nguyễn đã cho lập các quan xưởng đúc súng, tiền, đóng thuyền… chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu của nhà nước, hàng hóa làm ra không đem trao đổi buôn bán nên bộ phận chủ yếu làm nên sự hưng thịnh của kinh tế hàng hóa là các nghề thủ công trong dân gian. Thời kì này ở Đàng Trong đã hình thành một số trung tâm sản xuất gốm sứ lớn. Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn trở thành mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Từ thế kỷ XVI, đã có rất nhiều đồ gốm sứ của Đàng Trong xuất khẩu qua cảng Hội An đến nhiều nước Đông Á, nhiều nhất là Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Hasebe Gakuji nhận xét: “Kỹ thuật sản xuất đồ gốm ở Nhật Bản vào thế kỷ XVI còn kém xa so với kỹ thuật Đại Việt” [26; tr.205].
Nghề kéo tơ dệt lụa cũng phát triển tương đối mạnh. Thương nhân Pierre Poivre đã nhận xét: “Tơ của họ rất đẹp…họ có thể cung cấp nhiều hơn nữa nếu Đàng Trong có thị trường tiêu thụ…” [69; tr.151]. Cùng với gốm sứ, tơ lụa, mía đường cũng là một mặt hàng xuất khẩu khá nổi tiếng của Đàng Trong. Nghề trồng mía đường đã có từ thời Bắc thuộc, nhưng đến thế kỉ XVII, XVIII mới phát triển rộng rãi, đặc biệt là ở vùng Quảng Nam,
Quảng Ngãi… Mía đường làm ra không chỉ cung cấp trong nước mà còn là một mặt hàng ưa thích của các thương nhân phương Tây: “Năm 1637, một chiếc tàu Hà Lan cập cảng Hội An đã mua gần 2.000 cân đường chở về Batavia” [69; tr.151]. Bên cạnh các nghề thủ công truyền thống như gốm, dệt vải, mía đường… các nghề khác như làm giấy, rèn sắt, đúc đồng, dệt chiếu, làm nón… cũng có những bước phát triển vượt bậc, cung cấp những sản phẩm phong phú và đa dạng, phục vụ cho kinh tế thương nghiệp.
Đối với nội thương, việc buôn bán giữa các miền phát triển mạnh, nhất là buôn bán lúa gạo từ Nam ra Thuận Hóa để phục vụ triều đình và quân đội. Mạng lưới trao đổi ven sông phát triển rộng khắp từ miền biển đến tận đầu nguồn để triệt để khai thác các thế mạnh núi rừng nhất là các loại gỗ quý, trầm hương, kỳ nam, sơn sống, quế… cùng các đặc sản nông nghiệp của các vùng miền, trong đó nổi bật là hồ tiêu, mật mía. Nội thương cũng tích cực phục vụ ngoại thương bằng việc tập trung nguồn hàng để xuất khẩu [26; tr.42].
Thứ hai, các chúa Nguyễn chủ động mời gọi thương nhân nước ngoài
đến buôn bán với Đàng Trong. Đây cũng là biện pháp được các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài sử dụng. Nhưng sự khác nhau giữa hai chính quyền là tính chủ động trong việc đề ra các chính sách đối với ngoại thương. Ở Đàng Ngoài, chính quyền Lê- Trịnh tiếp nhận những tác động của hoạt động ngoại thương một cách khắt khe. Các điều luật như cấm người nước ngoài đến lưu trú tại Thăng Long, không cho thương nhân trực tiếp buôn bán với người bản xứ, không cho mở thương điếm ở Thăng Long… vẫn được thi hành. Chỉ đến khi thương nhân phương Tây rất kiên trì dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, luồn lách… các điều luật này mới được nới lỏng. Các thương nhân phương Tây không được hưởng những ưu đãi đặc biệt như các thương nhân Trung Quốc khi đến buôn bán ở đây. Chính những yếu tố bảo thủ trong hệ thống
chính sách kinh tế của chính quyền Đàng Ngoài đã hạn chế phần nào sự phát triển của hoạt động ngoại thương. Ở Đàng Trong, cũng dựa trên nền tảng cơ bản ấy, các chính sách được thực thi một cách linh hoạt và mềm dẻo hơn. Chính quyền đã chủ động dùng ngoại thương làm đòn bẩy để phát triển kinh tế tăng sức mạnh và tiềm lực cho quốc gia. Theo C. Borri: “chúa Đàng Trong không đóng cửa với một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ. Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một quốc gia nào trên thế giới” [11; tr.148]. Các triều đại phong kiến Đại Việt trước đây cũng như nhiều triều đại phong kiến phương Đông khác có chính sách hạn chế ngoại thương một phần lí do xuất phát từ nhu cầu tự vệ để ngăn ngừa do thám của nước ngoài, mặt khác, do ảnh hưởng của tư tưởng “trọng nông - ức thương”, “dĩ nông vi bản” của Nho giáo, muốn gắn chặt người nông dân với đồng ruộng, không cho họ rời quê hương đi buôn bán. Vì thế, các triều đình phong kiến thường “đóng cửa” ngoại thương hoặc có những biện pháp kiểm tra ngoại thương rất chặt chẽ. Tuy nhiên, sang thế kỉ XVI, “do tác động của luồng thương nghiệp thế giới và các nước trong khu vực, do yêu cầu xây dựng tiềm lực kinh tế - quân sự - chính trị lớn mạnh để mưu định nghiệp lớn, chúa Nguyễn, trước tiên là Nguyễn Hoàng, sau đó được kế tục bởi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thực thi một chính sách ngoại thương “mở cửa”, sẵn sàng mời gọi thương nhân nước ngoài đến đầu tư buôn bán. Nhờ vậy mà ngoại thương Đàng Trong phát triển cực kỳ rực rỡ…” [47; tr.19]. Đúng như lời nhận xét của C. Borri: “Họ dễ dàng cho người ngoại quốc vào hải cảng của họ và họ thích thú thấy người ta tới buôn bán trong lãnh thổ của họ, không những từ những nước và tỉnh lân cận mà từ những xứ rất xa. Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước
một quốc gia nào, Ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả các người ngoài quốc” [11; tr.88].
Vào các thế kỉ XVI - XVIII, Đàng Trong vẫn tiếp tục duy trì quan hệ buôn bán với các bạn hàng truyền thống ở châu Á như Trung Quốc, Mã Lai, Giava, Xiêm… Trong số những nước này thì quan hệ với buôn bán với Nhật Bản và Trung Quốc là mật thiết hơn cả. Không chỉ mời gọi các thương nhân trong khu vực, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong còn có nhiều chính sách ưu đãi với thương nhân phương Tây. Nói về chính sách của các chúa Nguyễn với các thuyền buôn phương Tây, giáo sĩ Banddinoti - người dẫn đường cho các thuyền buôn Bồ Đào Nha viết: “Đoàn chúng tôi vừa đến nơi thì được giáo sĩ Giulio Palani đưa vào chầu chúa. Chúa tiếp đãi chúng tôi rất niềm nở, khoản đãi chúng tôi một bữa tiệc có nhiều món ăn, lại hứa với chúng tôi là khi cần đến, chúa sẽ hết sức giúp đỡ…” [74; tr. 32]. Năm 1613, thương gia người Bồ Đào Nha là Ferdinand Costa đến Dinh Cát để yết kiến chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Nhân cơ hội này, chúa Sãi nhờ Ferdinand Costa vận động thương nhân người Bồ đến buôn bán ở dinh của chúa. Theo Borri “Chúa Đàng Trong vẫn tỏ ra thích để cho người Bồ buôn bán ở nước ngài một cách lạ lùng” [11; tr.336]. Thậm chí, sự chủ động của chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn đẩy lên khi giống người Hoa và người Nhật, chúa Nguyễn cũng cấp đất cho người Bồ xây dựng thành phố với tất cả những gì cần thiết. Việc chúa Nguyễn xác lập và tận dụng quan hệ với người Bồ từ đầu không nằm ngoài mục đích mua vũ khí như súng đồng của Bocarro ở Macao chống lại họ Trịnh: “chúa thấy có lợi trong việc duy trì quan hệ tốt với người ngoại quốc này, họ có thể chống chọi với kẻ địch, những tặng phẩm của họ tâng bốc lòng hiếu kỳ và tính ham lợi của ngài” [63; tr.23]. Không những thế, các giáo sĩ Dòng tên đã được các chúa Nguyễn tin dùng, mặc dù chỉ trong lĩnh vực y học. Dù thể hiện sự thực dụng, song điều này
cũng cho thấy thái độ cởi mở, tầm nhìn khoáng đạt của chính quyền Đàng Trong.
Tuy biết Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đã có ý định quan hệ với Đàng Ngoài, chúa Nguyễn vẫn rất muốn mời tàu Hà Lan đến Hội An buôn bán. Trong các năm 1617- 1618, chúa Nguyễn gửi thư cho công ty Đông Ấn Hà Lan ở Batavia mời sang Đàng Trong buôn bán. Trong thư gửi toàn quyền Batavia, chúa Nguyễn viết: “Tôi tha thiết mong mọi người đến buôn bán ở các bến cảng nước tôi. Nếu chúa không lấy làm phiền, xin cứ cho người tới nước tôi buôn bán. Điều đó làm tôi dễ chịu cũng như tôi buôn bán với các nước khác…” [47; tr. 32]. Đến năm 1633, việc buôn bán giữa người Hà Lan và Đàng Trong được thực hiện thông qua việc thiết lập một thương điếm ở Hội An.
Các chúa Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần đã nhiều lần trực tiếp đón các phái đoàn thương mại của Hà Lan, Anh ở thương cảng Hội An, vào các năm 1636, 1638, 1684... Sự hiếu khách và chính sách ngoại giao khôn khéo của các chúa Nguyễn đã giúp Đàng Trong tạo nên một đường hướng giao thương tích cực, hiệu quả với các quốc gia Đông Á và phương Tây. Đây là tiền đề rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn làm cho người Đàng Trong trở nên năng động và có nếp văn hóa- kinh doanh định hình khá sớm. Thái độ mời chào của chúa Nguyễn chứng tỏ nhà nước đã thấy được việc mở rộng quan hệ buôn bán với các nước sẽ đem lại lợi ích về nhiều mặt cho quốc gia. Mối lợi đó đã che lấp mối lo ngại về sự dòm ngó của nước ngoài. Triều đình phong kiến chỉ còn lo tận dụng tới mức tối đa sự chi viện về quân sự và tìm cách bóc lột có hiệu quả nhất [79, tr.479].
Thứ ba, để tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động thương mại với người nước
ngoài, các chúa Nguyễn chú trọng xây dựng hệ thống các thương cảng dọc ven biển. Theo quan sát của C. Borri: “Còn về hải cảng thì rất lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn 60
cảng, tất cả đều thuận lợi để cập bến và trên đất liền. Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam” [11; tr.91]. Từ đầu thế kỉ XVI, do lệnh “hải cấm‟ của nhà Minh bãi bỏ, chính sách mở cửa của Mạc phủ, các thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản đến Đàng Trong buôn bán tấp nập hẳn lên. Thương cảng Hội An (Faifo) nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại hàng đầu của Đàng Trong, thu hút thương khách nhiều nước. Thông thường, mùa buôn bán tập trung trong 6 tháng đầu năm; đến cuối mùa hè các thuyền căng buồm đi về phía Bắc (Nhật Bản, Đài Loan…). Trong nửa năm còn lại, Hội An thường vắng lặng. Trước tình hình đó, phủ chúa cho thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc chọn một nơi gần thương cảng Hội An để lập phố buôn bán và cư trú lâu dài. Từ đó ở Hội An đã hình thành hai khu phố tự trị của người Nhật và người Hoa. C. Borri mô tả đô thị Hội An như sau: “Vì cho tiện việc hội chợ, chúa Nguyễn cho phép người Trung Quốc và Nhật Bản làm nhà cửa theo tỉ lệ người của họ để dựng nên một đô thị, đô thị này gọi là Faifo và nó khá lớn. Chúng tôi có thể nói có hai thành phố, một của người Trung Quốc và