Hoạt động của thƣơng nhân Pháp ở Đàng Trong thế kỷ XVII X

Một phần của tài liệu Hoạt động thương mại của người phương Tây ở Đàng Trong thế kỷ XVI- XVIII (Trang 75)

XVIII

Trong số các thương nhân phương Tây đến Đàng Trong, Pháp là người đến sau nhưng chuẩn bị rất chu đáo. Để tranh giành thuộc địa với Anh, thương nhân Pháp đến Đàng Trong mang theo cả kế hoạch xâm lược và điều tra thêm tình hình để bổ sung cho dự án xâm lược đó.

Năm 1664, nước Pháp mới thành lập công ty Đông Ấn Độ (Compagnie des Indes Orientales, viết tắt là CIO). Theo lời yêu cầu của giám mục Pallu, công ty này còn có mục đích giúp việc cho truyền giáo, nghĩa là đưa các giáo sĩ đến truyền giáo ở Viễn Đông. Các thương nhân Pháp phối hợp hành động rất chặt chẽ với các giáo sĩ của Hội thừa sai Pari (MEP) khi đến buôn bán ở phương Đông và Đại Việt. MEP và CIO được coi như hai phương diện mở rộng và bành trướng hiệu quả nhất cho quá trình xâm nhập về kinh tế và truyền giáo của Pháp vào Đại Việt. Đây không chỉ là sự hợp tác của hai tập đoàn theo đuổi mục đích khác nhau mà còn là hai mặt phân công liên hệ chặt chẽ với nhau để phục vụ lợi ích của một lực lượng duy nhất là chủ nghĩa tư bản đang lên. Trương Bá Cần cho rằng từ năm 1665 đến cuối thế kỷ XVII, công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong chủ yếu do thừa sai Pháp thuộc MEP thực hiện, đóng góp của linh mục Việt Nam chưa nhiều [13; tr.231- 237].

Các giáo sĩ khi đi truyền giáo đã quan sát, ghi chép tỉ mỉ về điều kiện buôn bán ở Đại Việt nói chung và Đàng Trong nói riêng, trong đó các giáo sĩ đặc biệt quan tâm tới nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Đàng

Trong. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes - người chủ mưu sáng lập hội Hải ngoại truyền giáo – từng viết rằng: người Đại Việt rất giàu có vì đất đai phì nhiêu; xứ ấy có hai mươi bốn con sông, vô cùng thuận tiện để đi đường thủy đến khắp nơi trong xứ, khiến buôn bán và du lịch rất dễ dàng… [45; tr.49]. Ở Đàng Trong có mỏ vàng, rất nhiều hồ tiêu do người Trung Quốc đến mua, rất nhiều tơ được dùng để làm lưới đánh cá và làm giấy thuyền. Họ có nhiều đường đến nỗi chỉ bán 2 xu một cân, họ gửi sang Nhật Bản nhiều lắm [3; tr.601]. Những ghi chép của các giáo sĩ càng thôi thúc giới thương nhân đến khám phá thị trường Đàng Trong.

Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Pháp bắt đầu có những kế hoạch lâu dài về thương mại ở Viễn Đông. Sau những hoạt động thiếu hiệu quả tại Đàng Ngoài, CIO chuyển trọng tâm thương mại vào Đàng Trong. Sự chuyển hướng này phản ánh một thực tế là Pháp không giành nhiều thắng lợi trong việc buôn bán với Trung Quốc. Kế hoạch của người Pháp là muốn xây dựng thương điếm ở Đàng Trong và phá vỡ thế độc quyền buôn bán của người Hà Lan. Dự án thương mại đầu tiên của Pháp là việc xâm chiếm Côn Đảo (Poulo Condore) – là địa điểm đầu tiên mà người Pháp chú ý tới trong kế hoạch tìm kiếm một vị trí đứng chân của CIO ở Đàng Trong. Năm 1686, đại diện thương quán Pháp ở Xiêm là Véret đã đi tìm một nơi thuận tiện để lập một thương quán ở Đàng Trong. Sau chuyến khảo sát, Véret đề nghị chiếm Poulo Condore vừa là nơi thuyền bè qua lại nhiều, vừa là nơi có thể buôn bán, mua hàng thổ sản của các nước một cách dễ dàng. Theo Véret: “phải nói rằng, các thương thuyền của Trung Quốc, Đàng Ngoài, Macao, Manila, Đàng Trong… muốn buôn bán ở Ấn Độ phải đi ngang qua đảo này, cũng như tàu thuyền ở Ấn Độ muốn sớm đi đến Trung Quốc phải đi ngang qua đó, lối qua ấy cũng thuận lợi như eo biển La Sunde hay Malacca… Vả lại, phải tính rằng việc buôn bán với Cao Miên và Ai Lao là quan trọng vì ngoài những hàng hóa như

của Xiêm, hai nước ấy còn có vàng, an tức hương, xạ hương, hồng ngọc, ngà voi, trầm hương và nhiều món hàng quý khác” [64; tr.151].

Dự án thương mại đầu tiên này của Pháp ở Đàng Trong không thực hiện được vì sự ngăn cản người Anh. Như đã đề cập ở phần trên, năm 1702, người Anh chiếm Côn Đảo nhưng chỉ ba năm sau đã thất bại do người Macassar đồn trú ở đó nổi dậy giết chết người Anh. Đến năm 1721, Công ty Đông Ấn Pháp phái một nhân viên là Renault đến nghiên cứu lại việc đặt một cơ sở ở Côn Đảo. Năm 1723, Renault báo cáo rằng Poulo Condore nghèo, không giàu tài nguyên, khí hậu không thuận lợi, khiến người châu Âu không làm việc được. Ông đưa ra luận cứ là người Anh đã tỏ ý không muốn quay trở lại và quả quyết rằng sẽ phải cần đến rất nhiều thời gian, tiền bạc và nhân lực để đạt được kết quả mong manh, rằng địa điểm này “thuộc loại đáng bỏ hơn là đáng chiếm” [64; tr.153]. Công ty nên xem xét lợi ích rút ra được nhờ một chi điếm như thế có tương xứng với những chi phí cần phải bỏ ra để thành lập nó, duy trì nó, giữ gìn nó hoặc trong thời bình hoặc trong thời chiến. Do đó, CIO đã từ bỏ kế hoạch đánh chiếm Côn Đảo.

Trong nửa đầu thế kỷ XVIII, Công ty Đông Ấn Pháp đã hoạt động tích cực để đặt quan hệ buôn bán với Đàng Trong. Thái độ kiên trì của thương nhân Pháp lúc ấy có thể phần nào giải thích được là do điều kiện khó khăn của chi điếm Quảng Châu. Thương nhân phương Tây bị quan lại Trung Quốc bó buộc nhiều điều, phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt, một phần lãi rơi vào tay những người Trung Quốc đứng ra làm trung gian. Thực tế này thôi thúc các thương nhân ngoại quốc tìm một nơi khác dễ chịu hơn để buôn bán như Hạ Môn, Ninh Phố… còn người Pháp chủ yếu hướng tới Đàng Trong. Một số thương gia Pháp ở Quảng Châu đã nhờ người tiến hành những cuộc vận động đối với chúa Nguyễn để xin quyền được buôn bán, những người khác chỉ thảo ra kế hoạch đặt chi điếm [63; tr. 88].

Năm 1744 De Rothe, thương gia ở thành phố Quảng Châu đã thuê một chiếc tàu Bồ Đào Nha, ủy thác cuộc lữ hành cho Friell đi Đàng Trong. Bản thân De Rothe cũng kiếm được một món tiền kha khá ở đây một phần nhờ vào thuyền Trung Hoa đi tới Đàng Trong. Friell được ủy nhiệm điều tra về những điều kiện kinh doanh, xin phép hàng năm được cử tàu sang; xin giảm bớt thuế cư trú cho một số nhân viên. Friell được chúa Nguyễn Thế Tông niềm nở đón tiếp, ban cho một giấy phép được đến giao dịch, buôn bán với người Đàng Trong, cho đất xây kho hàng; mặt hàng vàng đã đem lại 33,5% lãi, cau và vỏ sò gần 80% và đường sẽ đem lại hơn 100%. Friell cho rằng đáng ra ông còn được nhiều kết quả hơn thế nếu có những thông ngôn và những người trung gian khôn khéo. Ông đã bắt buộc phải học tiếng Đàng Trong và nhà chúa đã giao cho ông hai thanh niên là Hiếu và Lương để dạy họ tiếng Bồ Đào Nha. Ông đề nghị với Công ty tổ chức việc buôn bán ở Đàng Trong [63; tr.89].

De Rothe phấn khích với triển vọng đó nhưng vì không có tàu Pháp để sử dụng nên bèn cử Friell sang Pondichery để hỏi xin Dupleix ứng tiền cho một chuyến đi mới. Dupleix, tổng chỉ huy các cơ sở của người Pháp tại Ấn Độ từ 1742 đã không từ bỏ những công cuộc mà ông tiến hành ngay từ ngày là giám đốc chi điếm Chandernagor; ông tiếp tục tiến hành công việc buôn bán của mình theo kiểu “từ Ấn Độ đến Ấn Độ”. Dupleix tán thành ngay kế

hoạch này và sai sửa soạn một chiếc tàu để phái đi [45; tr.438- 439].

Đúng lúc này cuộc chiến tranh về vấn đề thừa kế cương vị ở Áo xảy ra, Anh, Pháp tham chiến nên việc buôn bán của Pháp từ Ấn Độ Dương đến Trung Quốc bị đình đốn. Kế hoạch sang Đàng Trong vì thế phải gác lại. Năm 1748, chiến tranh chấm dứt, Duipleix mới sai một nhân viên là Dumont sang xứ Đàng Trong. Dumont đề nghị cần phải chiếm Cù Lao Chàm trước cửa

khẩu Hội An. Nhưng lúc ấy ở Paris người ta cũng định kế hoạch sang buôn bán ở vương quốc họ Nguyễn.

Năm 1748, triều đình Pháp cử Piere Poivre (1719- 1786), một nhà truyền giáo, một thương nhân có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong vùng Viễn Đông - đến Đàng Trong để điều tra tình hình. Bề ngoài Poivre giữ nghi lễ ngoại giao, nhưng ông đã thâm nhập thực tế và trình bày một bản báo cáo tỷ mỉ về vị trí, chính trị, thuế khóa, phong tục, tôn giáo, sản vật, việc thương mại của Đàng Trong. Ngoài những mối lợi về thương mãi, hàng hóa bán được, sản vật mua được cũng giống như những nhà khảo sát khác, Poivre rất chú ý đến Hội An. Thương cảng này sâu nên tàu thuyền cập bến dễ dàng và an toàn. Hội An - địa điểm thương mại quan trọng nhất Đàng Trong - có gần 6.000 người Trung Hoa là những nhà buôn lớn nhất. Thương nhân có thể dễ dàng thuê nhà làm thương quán, nhà lớn nhất giá thuê độ 100 đồng cho suốt mấy tháng gió mùa [63; tr.91].

Poivre nhận định rằng: “Đàng Trong không giàu cũng không khéo buôn bán. Người Trung Quốc chở đến cho họ hàng hóa gì thì họ dùng hàng hóa đó. Những hàng nhập từ Trung Quốc là kẽm trắng, đồng, chì, đồ gốm, sứ thuốc lá, giấy tranh, vải... Những thuyền từ Hạ Môn hay Ninh Ba đến thường mua theo hàng của Nhật Bản: đồng đỏ, lưỡi gươm. Ngoài ra có hàng hóa từ Cao Miên, Xiêm La mang đến. Người Trung Hoa mua vàng, ngà voi, trầm hương, đường, cau, gỗ, vàng, hồ tiêu, xạ hương, cá khô, yến sào, sừng tê, cánh kiến… Tác giả còn nói rằng, đến xứ này còn những lợi ích quý báu và thiết thực hơn là có thể đưa về những thợ làm tơ lụa, làm đường, thợ cày, thợ làm sườn nhà…. [5; tr.74]. Cũng theo Poivre, việc buôn bán hàng hóa châu Âu ở Đàng Trong khá thuận lợi “nhiều vật không ra gì ở Pháp lại rất quý ở xứ Đàng Trong (đồ sắt, pha lê, vải mỏng màu tươi); tất cả những thứ hột bóng, kim tuyến, ngân kim tuyến đều bán rất đắt nhưng không nên chở nhiều đến. Có thể lãi nhiều với

đồng, diêm sinh, thuốc… Nhiều hàng hóa Pháp khác đối với người Đàng Trong thì đắt quá” [63; tr.92]. Tuy vậy, “người ta có thể đem sang một số nhỏ bán sẽ chạy ví như một vài tấm vải Lyông hoa vàng và bạc người Đàng Trong dùng nó làm túi đựng trầu, đựng thuốc. Còn có thể mang đến một số vải đỏ tươi, một số thảm, một số vải Betagne… Trong những hàng sắt, chớ nên quên những vòng tay và hoa tai mạ” [3; tr.602].

Giữa năm 1748, Poivre trở về Paris và tiếp xúc với công ty Đông Ấn Pháp. Ông viết một bản báo cáo lạc quan với những lời ca ngợi đã được trình lên vua Louis XV. Ông nhấn mạnh đến lợi ích và tiềm năng to lớn của Đàng Trong và kết luận rằng “nước Pháp nên mở ở đây một cơ sở thương mại” [18; tr. 58]. Trước đó, công ty đã tiếp nhận những đề nghị của Friell chuyển đến nhưng có người sĩ quan ở Ấn Độ cho biết rằng Friell sẽ không được chúa Nguyễn tiếp đãi tử tế vì anh ta không dạy cho hai thanh niên Hiếu, Lương như chúa Nguyễn đã nhờ cậy mà lại dùng làm đầy tớ để sai khiến và những lời than phiền này đã tới tai chúa. Vì vậy, công ty đợi Poivre về. Những người đứng đầu của Công ty nghiên cứu kỹ lưỡng những lời trình bày của Poivre, rồi phái ông sang Viễn Đông với hai mục tiêu rõ ràng: 1) mở quan hệ thương mại với xứ Đàng Trong và lập một thương quán; 2) đoạt độc quyền mua bán hương liệu làm gia vị như quế, tiêu, gừng, hồi hương của người Hà Lan (việc buôn bán các món này rất lợi, người ta sai Poivre tìm những hạt giống và cây con để đem sang trồng ở đảo France, giống và cây con ấy người Hà Lan cấm xuất cảng, ai trái lệnh thì bị tội nặng).

Tháng 10 năm 1748, Poivre rời Pháp đi tàu đến đảo France, rồi từ đó, viên Toàn quyền đảo này được lệnh đi một chiếc tàu khác đến Viễn Đông. Nhưng tàu này không đi xa được nên phải ghé Pondichéry. Toàn quyền Dupleix lấy làm bất bình vì không được chính phủ hỏi ý kiến về việc này và kế hoạch do mình đặt ra thì nay lại giao cho người khác thực hiện. Do đó,

Friell không chịu trao những tài liệu thu thập được về Đàng Trong cho Poivre và đòi một số tiền lớn mới nhường lại giấy phép đến buôn bán ở đất Đàng Trong mà chúa Nguyễn đã cấp. Poivre không đưa số tiền nên không lấy được giấy phép. Cuối cùng, Dupleix cũng không dám trái lệnh bề trên nên sai một chiếc tàu đưa Pierre Poivre đi [45; tr.441].

Poivre khởi hành từ Pondichéry trên tàu Machault đến Đà Nẵng. Sau đó, ông ra Huế xin yết kiến chúa Nguyễn, dâng lên chúa nhiều tặng phẩm. Chúa tiếp Poivre tử tế và tỏ ý muốn xem các món hàng đem bán. Poivre đưa đến trình chúa xem, chúa mua vài món và trả lại nhiều mặt hàng khác nhưng vì qua nhiều người quá nên chỉ còn lại một nửa. Hàng hóa chúa mua chúa cũng viện nhiều lý do không trả tiền… Rốt cuộc Poivre chỉ bán được 300 quan. Ông muốn mua sản vật để chở về nhưng đã quá mùa nên hàng xấu và rất đắt “hàng hóa toàn là loại ế thừa, khó khăn lắm mới tìm ra được một vài tấm lụa loại kém nhất, 300 hay 400 tạ đường loại hai mà phải trả giá đắt hơn cả loại 1 lúc đang mùa. Poivre thấy việc giao dịch với Đàng Trong gặp nhiều khó khăn vì chính sách của nhà nước, tệ tham ô, nhũng nhiễu của quan lính, sự cạnh tranh của giới thương nhân nước ngoài... Điều đó khó có thể tiến hành kinh doanh thuận lợi [63; tr.95].

Trong tờ trình lên công ty, Poivre nói rằng: “Việc mua bán đôi thứ hàng hóa quý giá như vàng, trầm hương, ngà voi, tơ lụa không được tự do, muốn mua được phải lập mưu mẹo hoặc có quan quyền che chở, chính thể của nước và cách cai trị xấu, chúa tham lam, dốt nát, đó là những trở ngại lớn cho sự mở mang thương mại. Vả lại, dân chúng cũng không dựa vào việc này mà không có dân chúng thì không thể có những giao thiệp vững chãi lâu bền được. Vậy nếu muốn thu được ít nhiều kết quả thì ta cần phải có những đặc ân để cho mua bán được tự do và dễ dàng, tránh những nhũng nhiễu của giới quyền quý, phân biệt công ty Pháp với thương nhân Tàu, Bồ, các điều ấy thì

không thể trông mong ở Đàng Trong được…”. Đồng thời, ông kết luận: “một công ty muốn đứng được ở xứ Đàng Trong và có thiết bị chắc chắn để buôn bán có lợi thì phải có phương tiện để khiến người ta phải kiêng nể và kính trọng. Những phương tiện ấy có thể có được trong địa thế chung của xứ ấy và nhất là trong vịnh Đà Nẵng là nơi rất dễ thiết bị vũ trang. Một pháo đài rất nhỏ cũng có thể nắm được uy quyền bằng cách cắt đứt giao thông từ tỉnh này sang tỉnh khác” [45; tr.441-442]. Ý định dùng vũ lực chiếm đất để buôn bán của thương nhân Pháp không phải là chuyện úp mở gì nữa. Những dự án xâm lược của Pháp ngày càng được bổ sung và trở thành thực tế lịch sử vào thế kỷ sau đó, khi chúng cho bắn loạt đại bác đầu tiên vào Đà Nẵng mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta.

Năm 1749, Poivre lại được cử đem một chiếc tàu chở hàng hóa của Pháp sang buôn bán ở Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Khoát lúc này muốn thúc đẩy ngoại thương phát triển đã mời chào người Pháp mở thương điếm “Tôi không cần hỏi xin phép chúa đặt một thương điếm trong xứ, chính chúa thúc giục tôi đặt thương điếm đó”. Kinh nghiệm của những chuyến buôn bán trước cho Poivre biết rằng việc buôn bán với vua chúa và quan lại gặp nhiều khó

Một phần của tài liệu Hoạt động thương mại của người phương Tây ở Đàng Trong thế kỷ XVI- XVIII (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)