Dự báo tình hình phát triển của Tổng công ty Sông Đà giai đoạn 2005-

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện cơ chế quản lý vốn của Tổng Công ty Sông Đà (Trang 70)

2005-2015

Nhận thức tình hình phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới của nước ta, căn cứ điều lệ tổ chức hoạt động của Tổng Công ty Sông Đà, cũng như năng lực và khả năng đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh của Tổ hợp Sông Đà, Tổng Công ty Sông Đà đã đề ra định hướng, mục tiêu phát triển đến năm 2015:

- Xây dựng và phát triển Tổng Công ty Sông Đà trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh đa sở hữu, đa ngành nghề, đa dạng hoá sản phẩm, lấy hiệu quả kinh tế làm động lực để phát triển Tcty bền vững, có tính cạnh tranh cao.

- Tập trung đầu tư mở rộng và phát triển thị trường trong nước, khu vực và thế giới các sản phẩm: xây lắp, sản xuất Công nghiệp, tư vấn, hạ tầng, khu đô thị, điện tử- tin học…, hình thành và phát triển một số Công ty có quy mô và địa bàn hoạt động đa quốc gia.

- Đầu tư và hợp tác đầu tư phát triển các sản phẩm mới: các khu kinh tế, khu Công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, trồng cây Công nghiệp, các dịch vụ: quản lý vốn- tín dụng- ngân hàng, bảo hiểm, du lịch sinh thái, nhà hàng siêu thị…

- Phát huy cao độ mọi nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín và thương hiệu của Tổng Công ty Sông Đà trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Một số chỉ tiêu chủ yếu dự kiến năm 2015:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm khoảng 10%. - Tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt khoảng 33.700 tỷ đồng, tương đương với 2,1 tỷ USD. Trong đó:

•Giá trị kinh doanh sản xuất Công nghiệp chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị sản xuất kinh doanh.

•Giá trị kinh doanh xây lắp chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị sản xuất kinh doanh. Trong nhiệm vụ kinh doanh xây lắp vẫn lấy nghề truyền thống là xây dựng thuỷ điện và xây dựng hầm làm chủ đạo để phát huy năng lực sẵn có của Tổng Công ty.

•Giá trị kinh doanh nhà ở đô thị, khu Công nghiệp, bất động sản chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị sản xuất kinh doanh. Thị trường tập trung đầu tư vào các khu vực thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hà Tây, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Đà Nẵng. Đồng Nai…

•Giá trị kinh doanh dịch vụ khác chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất kinh doanh. Các dịch vụ này gồm có: tư vấn xây dựng, xuất khẩu lao động, hạ tầng, văn phòng cho thuê, quản lý vận hành đô thị, khách sạn, du lịch, sân golf, sân bay dã chiến, quản lý vốn- tiền tệ, bảo hiểm, Công nghệ tin học, điện tử, viễn thông…

- Tổng giá trị doanh thu đạt khoảng 32.000 tỷ đồng, tương đương với 2 tỷ USD.

- Nộp Nhà nước: 1.365 tỷ đồng, tương đương với 85 triệu USD.

- Lợi nhuận trước thuế: 3.444 tỷ đồng, tương đương với 215 triệu USD. - Dự kiến giá trị đầu tư năm 2015 khoảng 9.070 tỷ đồng, tương đương với 570 triệu USD.

- Tổng giá trị đầu tư từ năm 2006- 2015 khoảng: 110.000 tỷ đồng, tương đương với 7 tỷ USD.

- Tổng tài sản năm 2015 khoảng 124.800 tỷ đồng, tương đương với 7,8 tỷ USD.

- Tổng vốn chủ sở hữu: 21.170 tỷ đồng, tương đương với 1,32 tỷ USD. - Thu nhập bình quân tháng 1 cán bộ Công nhân viên khoảng 4,5 triệu đồng.

3.2. Quan điểm, định hướng hoàn thiện cơ chế quản lý vốn của tổng công ty Sông Đà giai đoạn 2005-2015

3.2.1. Quan điểm hoàn thiện cơ chế quản lý vốn của Tổng Công ty Sông Đà

- Chú trọng đến các mục tiêu chiến lược

Hiện nay nguồn vốn huy động của Tổng Công ty Sông Đà được sử dụng với hai mục đích là hoạt động xây lắp, sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Mục tiêu của Tổng Công ty Sông Đà trong chiến lược sử dụng vốn chính là xây dựng kế hoạch phát triển để định hướng cho hoạt động đầu tư dài hạn.

- Tận dụng lợi thế của Tổng Công ty để đồng bộ hóa việc tập trung, điều hòa, sử dụng vốn trong đầu tư.

Tổng Công ty Sông Đà với tiềm lực tài chính lớn và quyền lực chi phối, tác động đến quyết định của các Công ty thành viên, có khả năng tập trung vốn cho đầu tư. Tổng Công ty sẽ chuyển đổi hoàn toàn hình thức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế đầu tư vốn cho doanh nghiệp thành viên. Các doanh nghiệp phải đảm bảo nhận vốn và có trách nhiệm bảo tồn, phát huy vốn đó với hiệu quả cao nhất. Quan điểm về sử dụng vốn của Tổng Công ty là phải tận dụng lợi thế này, tạo ra thế mạnh áp đảo cạnh tranh giữa các thành viên trong Tổng Công ty và cạnh tranh với các đơn vị ngoài, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn.

Tận dụng ưu thế của ngành và chuyển dần sang kinh doanh đa ngành đa nghề

3.2.2. Định hướng hoàn thiện cơ chế quản lý vốn của Tổng Công ty Sông Đà giai đoạn 2005-2015

3.2.2.1. Cơ chế quản lý vốn phải tạo điều kiện tăng cường nguồn lực cho Công ty mẹ, đảm bảo sự lớn nạnh của Công ty mẹ

Công ty mẹ phải có tiềm lực quản lý vốn lớn mạnh, đủ sức đầu tư vào các Công ty con nhằm chi phối những ngành, lĩnh vực kinh doanh quan trọng, đảm bảo thực hiện được chiến lược phát triển chung của toàn tổ hợp. Các nguồn lực tập trung, tăng cường cho Công ty mẹ bao gồm vốn, tài nguyên, đất đai, nhân lực và các nguồn lực khác. Công ty mẹ thực hiện huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính Công ty mẹ và đầu tư vào các Công ty con. Ngoài nguồn vốn sở hữu, vốn kinh doanh của Công ty còn được huy động từ nhiều nguồn hợp pháp khác như: vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ

phiếu,… Chính sách, cơ chế quản lý vốn xác định rõ trách nhiệm đầu tư và phương thức đầu tư vốn của chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty, đồng thời phải có chính sách, cơ chế để Công ty mẹ có thể tự bổ sung vốn kinh doanh bằng các nguồn vốn hợp pháp trong và ngoài nước thông qua các phương thức huy động vốn phù hợp.

3.2.2.2. Cơ chế quản lý vốn phải tạo điều kiện cho Công ty con phát huy cao tính độc lập, tự chủ trong hoạt động kinh doanh

Hoàn thiện cơ chế quản lý vốn suy đến cùng là giải quyết những mối quan hệ kinh tế trong lĩnh vực quản lý vốn nhằm tạo điều kiện cho toàn tổ hợp phát triển một cách có hiệu quả. Qua phân tích một số vấn đề tồn tại ở chương 2 cho thấy việc tăng cường, mở rộng quyền tự chủ quản lý vốn thực sự cho Tổng Công ty cũng như các doanh nghiệp thành viên là một đòi hỏi tất yếu.

Mặc dù, đã có những cải tiến đáng kể nhưng với cơ chế quản lý vốn hiện hành, Công ty mẹ cũng như các doanh nghiệp thành viên còn bị những ràng buộc về nhiều mặt trong các hoạt động như vay vốn, đầu tư vốn, sử dụng vốn, sử dụng các quỹ chuyên dùng, thanh lý, nhượng bán tài sản cố định,… Tất nhiên, không thể duy trì những Công cụ quản lý nhất định để định hướng và kiểm soát các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự can thiệp quá chi tiết và còn mang tính chất hành chính, sự vụ của một số đầu mối quản lý đối với Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên là không cần thiết. Điều này cũng chỉ đúng khi phân tích cơ chế quản lý vốn hiện hành ở nước ta mà còn là kết luận rút ra từ kinh nghiệm của các nước Công nghiệp phát triển. Muốn tăng tính linh hoạt và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phải tạo ra cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động một cách chủ động.

Cùng với việc đề ra tính tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ chế quản lý vốn phải thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của Công ty mẹ đối với Công ty con và ngược lại.

3.2.2.3. Cơ chế quản lý vốn của Tổng Công ty phải đảm bảo tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với Công ty mẹ, của Công ty mẹ đối với các Công ty thành viên

Đối với các Công ty con trong tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con thì Công ty mẹ là đại diện chủ sở hữu đối với số vốn Công ty mẹ đã đầu tư vào Công ty con. Công ty mẹ sử dụng quyền của chủ sở hữu, cổ đông hay thành viên góp vốn để kiểm tra, giám sát hoạt động của các Công ty con. Chính sách và cơ chế quản lý vốn phải thể hiện được quyền hạn, trách nhiệm, nội dung và các phương thức giám sát của Nhà nước đối với Công ty mẹ cũng như quyền hạn, trách nhiệm, nội dung và các phương thức giám sát của Công ty mẹ đối với Công ty con. Nội dung kiểm tra giám sát quản lý vốn bao gồm:

- Kiểm tra giám sát của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu vốn đầu tư và Công ty mẹ. Thông qua kiểm tra, giám sát việc đầu tư vốn của Công ty mẹ, Nhà nước có thể giám sát một cách gián tiếp đối với các Công ty con thành viên.

- Kiểm tra giám sát của Nhà nước với tư cách thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế. Trên góc độ này các cơ quan nhà nước phải thực hiện giám sát chấp hành pháp luật của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

- Kiểm tra, giám sát của Công ty mẹ với tư cách là đại diện của chủ sở hữu số vốn đã đầu tư vào các Công ty con thành viên. Công ty mẹ sử dụng quyền của chủ sở hữu, của cổ đông hay thành viên góp vốn để kiểm tra, giám sát hoạt động của các Công ty con.

- Kiểm tra, giám sát trong nội bộ các đơn vị thành viên, qua đó các đơn vị tự điều chỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

3.2.2.4 Cơ chế quản lý vốn phải tạo lập phải tạo dựng môi trường quản lý vốn lành mạnh, bình đẳng cho mọi doanh nghiệp trong mô hình

Trong tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con, Công ty mẹ và các Công ty con đều là các pháp nhân độc lập, bình đẳng có quyền và nghĩa vụ như nhau trước pháp luật. Vì vậy, cơ chế quản lý vốn không nên tạo ra bất kỳ sự ưu đãi nào cho Công ty mẹ hay Công ty con, kể cả các hoạt động tạo lập vốn, đầu tư sử dụng vốn, phân phối kết quả kinh doanh nhằm tạo sự bình đẳng và xóa bỏ tâm lý ỷ lại, làm mất động lực cạnh tranh cho quá trình phát triển.

quản lý vốn mà thúc đẩy sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong tổ hợp, tạo điều kiện cho từng doanh nghiệp thành viên cũng như toàn tổ hợp phát triển.

3.2.2.5. Cơ chế quản lý vốn phải đảm bảo kế thừa các mặt tích cực của chính sách, cơ chế quản lý vốn hiện hành, đồng thời phải đảm bảo tính tiên tiến và hiện thực, phù hợp với quá trình đổi mới đất nước trong xu thể hội nhập quốc tế

Việc Hoàn thiện cơ chế quản lý vốn phải xuất phát từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tiễn quản lý quản lý vốn nhằm giải phóng sức sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn mô hình. Đồng thời cơ chế quản lý vốn phải đảm bảo tính tiên tiến, có tác dụng định hướng phát triển cho Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

Trong quá trình đổi mới cơ chế kinh tế đất nước và xu thế hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, vận động theo nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Cơ chế quản lý vốn của mô hình phải tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, thúc đẩy nâng cao cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế.

3.3. Các giải pháp chủ yếu nhằm nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý vốn ở Tổng công ty Sông Đà

Trong hoạt động quản lý doanh nghiệp, cơ chế quản lý vốn có vài trò quan trọng, tác động ảnh hưởng đến mọi quan hệ và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ chế quản lý vốn thích hợp sẽ có tác dụng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo các nguồn lực cho sản xuất, tham gia điều phối sản xuât, khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Ngược lại, cơ chế quản lý vốn không phù hợp sẽ có tác động xấu kìm hãm quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Với mỗi mô hình tổ chức doanh nghiệp khác nhau, loại hình sở hữu khác nhau, quy mô và điều kiện khác nhau thì cơ chế quản lý có sự thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy, khi sản xuất phát triển thì cơ chế quản lý vốn cũng cần phải có sự điều chỉnh, thích ứng kịp thời.

Trên cơ sở phân tích thực trạng cơ chế quản lý vốn của Tổng Công ty Sông Đà và các quan điểm cơ bản Hoàn thiện cơ chế quản lý vốn ở trên, để từng bước Hoàn thiện cơ chế quản lý vốn, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện cơ chế quản lý vốn của Tổng Công ty Sông Đà (Trang 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w