Bảng 3.4. Mức độ nhiễm ký sinh trùng ở cá tầm Nga giống theo tháng
KST Tỷ lệ nhiễm % (theo tháng thu)
T11 T12 T2 T3 T4
Trichodina nigra 16,7 18,2 24,0 16,0 15,4
Gyrodactyrus sp. 3,3 4,5 8,0 8,0 11,5
Ichthyophthirus multifiliis 6,7 9,1 12,0 8,0 7,7
Bảng 3.5. Mức độ nhiễm ký sinh trùng ở cá tầm Siberi giống theo tháng
KST Tỷ lệ nhiễm % (theo tháng thu)
T11 T12 T2 T3 T4
Trichodina nigra 21,7 14,3 20,0 12,5 12,0
Gyrodactyrus sp. 0,0 0,0 8,0 8,3 8,0
Ichthyophthirus multifiliis 0,0 0,0 8,0 4,2 12,0
Ceratomyxa sp. 4,3 4,8 0,0 0,0 0,0
Trichodina nigra được bắt gặp trên cả cá tầm Nga và cá tầm Siberi ở tất cả các tháng trong thời gian nghiên cứu. Với tỷ lệ nhiễm giao động từ 15,4 – 24,0% ở cá tầm Nga, 12,0 – 21,7% đối với cá tầm Siberi. Trichodina spp. có phạm vi phân bố rộng, sinh sản quanh năm. Theo Đỗ Thị Hòa và cs (2004) loài T. nigra sinh sản trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ giao động từ 22 – 280
C nên dễ dàng tìm thấy loài này ký sinh trên cả 2 loài cá tầm này từ tháng 11 đến tháng 4. Tỷ lệ nhiễm nhìn chung tương đối đồng đều trong các tháng. Mohamed (1999), nghiên cứu tỷ lệ nhiễm của Trichodina sp. trên cá rô phi cho thấy, 49,6 % cá bị nhiễm ký sinh trùng này, tỷ lệ nhiễm cao nhất rơi vào những tháng mùa xuân, đông (62,9 và 56,3%) tiếp theo là mùa thu, hè (41,3 và 35,0%). Cá chết khi nhiễm với cường độ cao kèm theo những điều kiện bất lợi như nuôi mật độ cao cá bị ức chế, khí độc cao (NH3 >0,8mg/l), oxy hòa tan thấp, cá thiếu dinh dưỡng mà Trichodina sp. là tác nhân cơ hội (Ahmed, 1976; Paperna, 1980) .
Gyrodactyrus sp. và Ichthyophthirus multifiliis cũng tìm thấy trên hai loài cá tầm với tỷ lệ tương đối đồng đều trong các tháng 2 – 4. Riêng đối với cá tầm Siberi, không thấy xuất hiện hai loài ký sinh trùng này ở tháng 11 – 12, bởi trong thời gian nghiên cứu, mẫu được thu ở các địa điểm nuôi khác nhau, nguồn nước đưa vào ương nuôi cũng khác nhau, điều kiện sinh thái khác nhau. Do đó, đã bắt gặp trùng trên cá ở vùng này nhưng vùng nuôi khác thì không tìm thấy ký sinh trùng.
Ceratomyxa sp. bắt gặp trên cá tầm giống ương nuôi tại Lâm Đồng từ tháng 11 – 12 với tỷ lệ nhiễm thấp (3,3% – cá tầm Nga, 4,3 – 4,8% – cá tầm Siberi). Từ tháng 2 – 4 không tìm thấy loài này gây bệnh trên cá tầm. Tuy nhiên, hiện nay hiểu biết về vòng đời, về sinh thái của các loài thuộc giống này còn hết sức hạn chế, hơn nữa nghiên cứu này chưa xác định được loài cụ thể, do đó chưa thể giải thích được sự thay đổi đột ngột về tỷ lệ nhiễm trên cá tầm giống.
Thành phần loài ký sinh trùng tìm thấy trên cá tầm Nga và cá tầm Siberi giống tại các thời điểm thu mẫu tại Lâm Đồng là khác nhau. Một số loài được tìm thấy trong suốt thời gian nghiên cứu, một số loài lại bắt gặp ký sinh trên cá ở những thời điểm nhất định, hay trong cùng một thời gian thu, bắt gặp loài KST này nhưng lại không thấy trên đối tượng cá khác. Sự khác nhau không quá rõ rệt về thành phần và mức độ nhiễm giữa các tháng thu mẫu. Trichodina spp. gặp nhiều và thường xuyên trên cá cũng như phổ biến trong các thời điểm khác nhau trong năm, điều này được nhiều tác giả đưa ra Đỗ Thị Hòa 2004; Võ Thế Dũng và cs, 2011, 2012; Snieszko và cs, 1971; Lom, 1962). Thời tiết thay đổi, nguồn nước vẩn đục, giàu chất hữu cơ, cá không được cung cấp đủ dinh dưỡng kèm theo ức chế do mật độ ương nuôi dày là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân cơ hội ký sinh gây bệnh cho cá.
Quản lý điều kiện môi trường nuôi tốt cũng như chăm sóc sức khỏe đàn cá góp phần giảm thiểu khả năng gây bệnh của các tác nhân là ký sinh trùng. Mặc dù, vẫn chưa thấy những tác hại đáng kể nào của ký sinh trùng đối với đàn cá tầm giống trong nghiên cứu này, nhưng sẽ mang đến những tác hại lớn trong tương lai nếu không có những giải pháp kiểm soát kịp thời cho đối tượng nuôi. Một số biện pháp phòng trị bệnh được một số tác giả đề xuất.
Read và cs (2007) khi nghiên cứu Trichodina spp. trên cá silver Perch (Bidyanus bidyanus) giai đoạn giống, đã đưa ra một số giải pháp trị bệnh Trichodinosis như tắm nước muối (NaCl) với liều lượng 10 ppt trong 60 phút, hay tắm formalin 25 ppm liên tục trong 8 giờ không cho ăn, sục khí liên tục. Đồng thời tác giả cũng đề ra một số giải pháp
phòng bệnh như định kỳ tắm NaCl (2 – 5 ppt), duy trì chất lượng nước tốt, kiểm soát chế độ cho ăn, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cá. Đối với Gyrodactyrus sp., tác giả đề xuất ngâm formalin 30 ppm, kèm theo sục khí, không cho ăn hoặc tắm cho cá giống bằng formalin 150 ppm trong 30 phút; trichlorfon 0,25 ppm tắm không thời hạn; tắm với nước muối (15 ppt) trong 1giờ, lặp lại hằng ngày. Đồng thời, kết hợp với biện pháp quản lý chất lượng nước và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đỗ Thị Hòa (2004) cho biết, có thể điều trị bệnh do Trichodina spp. trên cá ở Việt nam bằng cách tắm nước muối 2 – 3% trong 5 – 15 phút, CuSO4 (3 – 5 ppm) tắm cho cá trong 5 – 15 phút cũng có hiệu quả tốt.
Đối với bệnh do Ichthyophthirus multifiliis, Đỗ Thị Hòa (2004) khuyến cáo nên cách ly đàn cá bị bệnh với đàn cá khỏe để tránh lây nhiễm theo trục ngang. Để trị bệnh trùng quả dưa cần chú ý đến 2 giai đoạn trong chu ký sống gồm giai đoạn bào nang bơi lội tự do trong môi trường nước và giai đoạn dinh dưỡng (ký sinh). Đối với giai đoạn bơi lội tự do trong nước, có thể sử dụng thuốc diệt trùng để xử lý nguồn nước nuôi, diệt trùng ở giai đoạn này là hiệu quả nhất, giai đoạn sống ký sinh (dinh dưỡng) của trùng quả dưa thường khó điều trị hơn, nếu sử dụng thuốc diệt trùng thì cần lặp lại 2 – 3 lần mới có hiệu quả. Việc điều trị trùng quả dưa có thể sử dụng phương pháp tăng nhiệt độ lên giới hạn không thích hợp cho trùng như: tăng nhiệt độ lên 320
C duy trì trong 5 ngày có thể giảm đáng kể trùng ký sinh trên cá (Hoffman và cs, 1974). Ichthyophthiriosis có thể được kiểm soát bằng cách giữ cá ở bể có dòng nước chảy mạnh trong 10 ngày ở cá hồi vân (Svobodova và cs, 1995). Tắm bằng formalin với nồng độ 60 – 250 ppm trong 20 – 60 phút trong 4 ngày hoặc có thể tắm chung với acetic acid, peracetic acid hay H2O2 (nồng độ 10 ppm trong 25 – 40 phút trong 4 – 6 ngày); hoặc có thể tắm CuSO4 với nồng độ 250 – 500 ppm trong 30 giây cũng cho hiệu quả tốt đối với trị bệnh do Ichthyophthirus gây ra cho cá giống.