kinh nghiệm xuất khẩu của Thái Lan với Việt Nam
Tăng kim ngạch xuất khẩu sẽ góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng cao và nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Muốn vậy, nhất thiết cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cần phải được thay đổi theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ. Cần tìm tòi và phát hiện những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế so sánh để chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu. Và để thực hiện những điều trên chúng ta cần có những biện pháp cụ thể và đồng bộ.
Về phía Nhà nước: Để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu thì vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng. Trong tình hình hiện nay, Nhà nước cần làm tốt các công việc sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần ưu tiên và dành nguồn vốn để tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt là tại các cửa khẩu, cũng như đường bộ,
đường sắt dẫn tới biên giới, cảng biển, cảng sông và các phương tiện liên quan. Trong đó, cần chú ý tới một số cửa khẩu lớn giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia... từ đó nối với Thái Lan, Myanmar... để khai thác tốt hơn những thỏa thuận về thương mại trong khu vực tiểu vùng sông MêKông. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường áp dụng các quy trình quản lý chất lượng công việc và chất lượng các thủ tục hành chính công, thường xuyên giám sát, quản lý hiệu quả chất lượng của các thủ tục hành chính cũng như dịch vụ công.
Thứ hai, cần quan tâm đúng mực hơn hoạt động, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở cấp chính phủ, phát triển thương mại điện tử để giảm chi phí tiếp thị. Nhà nước và các bộ liên quan sớm thay đổi cơ bản các chương trình xúc tiến xuất khẩu theo hướng thiết kế các chương trình xúc tiến chuyên ngành đối với từng mặt hàng mới (hoặc mặt hàng cần hỗ trợ), tập trung vào một số thị trường mới (hoặc thị trường cụ thể cần ưu tiên phát triển); triển khai thực hiện các chương trình để quảng bá hình ảnh quốc gia, sản phẩm của Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài; nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao và đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, để làm cầu nối giúp doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thông tin, thâm nhập thị trường.
Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài để tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào những lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế về năng lực thực hiện; phải đổi mới cơ chế, chính sách tín dụng liên quan đến xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện cấp tín dụng cho đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, hướng tới các dịch vụ tín dụng phục vụ người mua, thay vì chỉ phục vụ nhà xuất khẩu trong nước; khuyến khích sự tham gia của các ngân hàng thương mại vào hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, chuyển từ hình thức cho vay thương mại sang tài trợ cho dự án sản xuất vì mục đích xuất khẩu. Nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của người Việt ở nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đồng thời có các chính sách phù hợp để khuyến khích các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam tiêu thụ sản phẩm qua mạng lưới thi trường sẵn có của các công ty này.
Nhanh chóng đổi mới đồng bộ các chính sách tài chính, đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Bên cạnh đó cần đào tạo, phát triển nguồn lao động có chất lượng cao, nhất là phải có đội ngũ kỹ sư. chế tạo giỏi cho các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu. Cải cách thủ tục hải quan và thuế (hoàn thuế) nhanh gọn, rút ngắn thời gian tiến hành các thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tiếp tục khuyến khích xuất khẩu và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải dành sự quan tâm thích đáng đến việc xuất khẩu dịch vụ. Xu hướng chung của nền kinh tế thế giới là dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong GDP và thương mại dịch vụ là một trong những nội dung cơ bản của của thương mại hiện đại theo quy định của WTO. Ở nước ta, việc xuất khẩu dịch vụ thời gian qua chưa được thực sự chú trọng, mà chúng ta có khá nhiều tiềm năng để phát triển. Chính vì vậy, chú trọng phát triển dịch vụ xuất khẩu có thể góp phần làm tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, đem lại thu nhập và tạo nhiều công ăn việc làm.
Về phía các doanh nghiệp: Doanh nghiệp là một nhân tố hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Một điều rất quan trọng là phải tập chung mọi nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ mà tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, các tổ chức và doanh nghiệp phải cùng nhau thực hiện. Về phía doanh nghiệp, cần chú ý thực hiện các biện pháp sau đây:
Các doanh nghiệp phải chủ động tiến hành khảo sát, đánh giá thị trường, năng lực tài chính, năng lực sản xuất của mình; chú ý tận dụng hiệu quả chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với những sản phẩm, ngành hàng nằm trong định hướng phát triển của cả nước trong giai đoạn tới để xác định cho mình chiến lược phát triển mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, chiến lược phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới và chương trình cụ thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tiềm năng. Các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình chiến lược mở rộng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm hợp lý hóa, chuyên môn hóa, hợp tác hóa
sản xuất trên cơ sở thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, mở rộng sức sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp hóa và công nghiệp hóa, nâng cao năng suất lao động, qua đó gián tiếp giảm chi phí hoạt động, có chương trình cụ thể về đào tạo, tuyển dụng và thường xuyên đào tạo lại nguồn nhân lực; nhanh chóng tiếp cận và tiếp thu, áp dụng những kỹ năng quản lý và sử dụng nguồn nhân lực; nhanh chóng hợp lý hóa các quá trình sản xuất - kinh doanh, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tăng cường triển khai các hệ thống quản lý sản xuất - kinh nhằm giảm rủi ro, giảm tỷ lệ sản phẩm kém chất lượng, tiết kiệm chi phí; khai thác hiệu quả những tiện ích của công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp cần đẩy mạnh mối liên kết giữa người sản xuất - cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào với doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu khoa học, tổ chức hiệu quả chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất nguyên liệu, vật liệu đầu vào đến khâu tổ chức sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại như tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm, ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài... Đối với các ngành liên quan đến thị hiếu, tính sáng tạo, cần tập trung cải thiện khả năng thiết kế, sáng tạo mẫu mã sản phẩm cho đẹp và phù hợp với nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Về vấn đề này, cần học tập kinh nghiệm của các nước khác.
Trong nông nghiệp, cần tăng cường xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, có chất lượng cao, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm mới lạ, dựa trên việc áp dụng khoa học - kỹ thuật; tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, đồng thời không ngừng phát triển xuất khẩu ra các thị trường mới; chú ý áp dụng khoa học - công nghệ tiến bộ trong nông nghiệp; tập chung vào khâu giống, phương pháp nuôi trồng; đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, công nghệ trong khâu chế biến, thu hoạch sản phẩm; phát triển mạnh công nghiệp chế biến để hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao và giảm bớt những thiệt
hại cho nông dân.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu và dự báo nhu cầu thị trường từ phía các doanh nghiệp để các doanh nghiệp luôn chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, đồng thời có quyết sách phù hợp với cơ hội và thách thức mang lại từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Một vấn đề hết sức quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu nói riêng và hàng hóa của Việt Nam nói chung đó là vấn đề thương hiệu. Hầu hết các sản phẩm của Việt Nam hiện nay đều chưa được đăng ký thương hiệu, sản phẩm được tiêu dùng dưới nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Việc không có thương hiệu hàng hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu sản phẩm và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu. Do vậy, bên cạnh các hoạt động trên, các doanh nghiệp cần chú ý xây dựng cho mình một thương hiệu riêng, một đặc trưng riêng.
Về phía các hiệp hội ngành hàng: Các hiệp hội ngành hàng cần nhanh chóng khiến cho toàn bộ máy tổ chức, mô hình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa, thực hiện tốt vai trò là người hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, nguồn nguyên liệu, giúp liên kết các doanh nghiệp với nhau nhằm mở rộng năng lực sản xuất; là đại diện hữu hiệu để phản ánh yêu cầu của doanh nghiệp tới chính phủ; cần tổ chức, thu thập, phân tích và xử lý thông tin về thị trường, về yêu cầu của nhà nhập khẩu, về chính sách nhập khẩu của thị trường nhập khẩu, về đối thủ cạnh tranh để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tiếp cận thị trường, tổ chức sản xuất và xuất khẩu.
KẾT LUẬN
Hội nhập kinh tế quốc tế và khi gia nhập WTO đã, đang đặt ra nhiều vấn đề với Việt Nam trong phát triển và mở rộng kinh tế đối ngoại, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu, để xuấ khẩu thực sự trở thành động lực cho sự tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hội nhập và phát huy lợi thế so sánh đất nước trong phát triển. Thái Lan là nước có nhiều thành công trong mở cửa nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu của Thái Lan đã đóng vai trò tích cực đối với tăng trưởng kinh tế để Thái Lan chuẩn bị ra nhập hàng ngũ các nền kinh tế công nghiệp mới. Do vậy, nghiên cứu về hoạt động xuất khẩu của Thái Lan sẽ có ý nghĩa về cả lý luận và thực tiễn với Việt Nam hiện nay, theo đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa, quan hệ kinh tế đối ngoại và hội nhập có ý thức, có lựa chọn vào đời sống kinh tế quốc tế hiện nay.
Qua nghiên cứu đề tài “Chính sách xuất khẩu của Thái Lan trong hội nhập kinh tế quốc tế, kinh nghiệm và khả năng vận dụng với Việt Nam” học viên đã góp phần làm rõ thêm cơ sở lý luận về hoạt động xuất khẩu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Khóa luận cũng đã làm rõ quá trình điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa của Thái Lan và ảnh hưởng của nó đến hoạt động xuất khẩu. Từ đó, khóa luận đi sâu phân tích hoạt động xuất khẩu của Thái Lan qua hai giai đoạn 1972 đến 1977 và từ 1998 cho đến nay. Nội dung nghiên cứu được tập trung vào các chính sách và giải pháp có ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, đồng thời chỉ ra những kết quả và hạn chế trong xuất khẩu của Thái Lan. Nghiên cứu thực trạng hoạt động xuất khẩu của Thái Lan, khóa luận đã rút ra bốn bài học kinh nghiệm có ý nghĩa tham khảo với Việt Nam đó là: Hoàn thiện khung pháp lý góp phần thúc đẩy xuất khẩu trong hội nhập kinh tế quốc tế; Đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường gắn với phát huy lợi thế so sánh; Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu; Chính sách điều hành tỷ giá. Thêm nữa, khóa luận đã khái quát về chính sách và tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong những năm đổi mới và làm rõ kết quả, hạn chế trong xuất khẩu hàng hóa. Khóa luận cũng làm rõ một số điểm tương đồng và khác biệt về điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam với Thái Lan là cơ sở
cho việc vận dụng có chọn lọc những kinh nghiệm về hoạt động xuất khẩu của Thái Lan với Việt Nam hiện nay, khi Việt Nam đã là thành viên của WTO với những cơ hội và thách thức mới trong môi trường.
Do thời gian nghiên cứu và hiểu biết có hạn nên trong quá trình hoàn thành khóa luận còn mắc nhiều thiếu sót, em rất mong được sự góp ý của các thầy cô giáo.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ), trong quá trình hội nhập và giải pháp thực hiện, Bộ Thương mại 2001.
2. Báo cáo tổng kết thương mại hàng năm, giai đoạn 1986 - 2005, Bộ Thương mại.
3. Trương Duy Hòa (1995), “Kinh tế Thái Lan năm 1995: Thành tựu và triển vọng”; Báo Việt Nam - Đầu tư nước ngoài, số 28/1995, Hà Nội.
4. Trương Duy Hòa (2001), “Thái Lan điều chỉnh chính sách khuyến khích đầu tư”, Tạp chí Đông Nam Á, số 2/2001, Hà Nội.
5. Trương Duy Hòa (2003), “Các quy chế thương mại hướng về xuất khẩu của Thái Lan từ giữa những năm 70 thế kỷ XX đến nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội.
6. Trương Duy Hòa (2003), “Chính sách thương mại hướng về xuất khẩu của Thái Lan”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, Hà Nội, số tháng 6/2003. 7. Kết quả và bài học kinh nghiệm xuất khẩu của nước ta 10 năm qua (1991 - 2000), Chuyên đề khoa học cấp Bộ, Bộ thương mại, 2001.
8. Luật Thương mại năm 1997. 9. Luật Thương mại năm 2005. 10. Niên giám thống kê.
Các Website dùng tham khảo và tìm kiếm tư liệu:
1. http://www.vietnam.gov.vn: Trang tin điện tử Chính phủ. 2. http://www.mof.gov.vn: Bộ Tài chính
3. http://www.mpi.gov.vn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 4. http://www.industry.gov.vn: Bộ Công Nghiệp.
5. http://www.customs.gov.vn: Tổng cục Hải quan Việt Nam. 6. http://www.gso.gov.vn: Tổng cục Thống kê.
7. http://www.ciem.org.vn: Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 8. http://www.worldbank.org.vn: Ngân hàng Thế giới (WB)