Giai đoạn từ năm 1997 đến nay

Một phần của tài liệu Chính sách xuất khẩu của Thái Lan trong hội nhập kinh tế quốc tế, kinh nghiệm và khả năng vận dụng với Việt Nam (Trang 25)

Trong giai đoạn này Thái Lan có những điều chỉnh về chính sách để thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu

Điều chỉnh chính sách hỗ trợ xuất khẩu

Từ năm 1999 tới cuối năm 2002, Thái Lan đã ngừng những chương trình hỗ trợ xuất khẩu như cấp tín dụng dài hạn. Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ cho vay xuất khẩu khác của Thái Lan vẫn tiếp tục được duy trì. Các chương trình hỗ trợ cho vay xuất khẩu bao gồm: chương trình hỗ trợ cho vay vốn trước khi giao hàng, hỗ trợ cho vay vốn đối với các hợp đồng xuất khẩu, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, v.v... Nói cách khác, việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Thái Lan được thực hiện theo đúng quy định của WTO có tính đến thực tiễn yêu cầu của xuất khẩu trong nước. Cụ thể:

* Đối với ngành nông nghiệp

Để tham gia hiệu quả vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng tăng cường ứng dụng công

nghệ mới, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2005, Thái Lan đã triển khai chương trình quy mô lớn thúc đẩy canh tác công nghiệp hữu cơ. Theo chương trình này, Chính phủ chọn các nông dân tiêu biểu từ 23 tỉnh của Thái Lan để thực hiện thí điểm canh tác nông nghiệp tiên tiến theo phương pháp sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học và cách sử dụng nguồn nước tưới tiêu sạch một cách hiệu quả nhất. Mục tiêu của chương trình này là nhằm nhanh chóng đưa Thái Lan trở thành nước đi đầu trong khu vực về phát triển nông nghiệp sạch, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới về các nông sản canh tác theo phương pháp hữu cơ.

Chương trình này thành công cho phép ngành nông nghiệp Thái Lan tiết kiệm được 2,2 tỷ bạt (tương đương 53,65 triệu USD) tiền nhập khẩu phân bón hóa chất, trong khi lợi nhuận của nông dân tăng 20% và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch tăng 100%/năm. Trong chương trình kế hoạch đến năm 2009, Thái Lan sẽ xây dựng trên phạm vi cả nước các nhà máy phân bón sinh học để góp phần giảm bớt chi phí vận chuyển và cung ứng kịp thời sản phẩm cho nông dân.

Là một nước nông nghiệp, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo số một trên thế giới. Giờ đây, Thái Lan lại điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng tăng cường sử dụng công nghệ sinh học ở trong nước để phát triển ngành nông nghiệp sạch. Đây là chiến lược hội nhập thông minh của Thái Lan dựa trên lợi thế so sánh nhằm tạo cơ sở vật chất vững chắc cho quá trình CNH, HĐH.

* Đối với ngành công nghiệp ô tô

Thuế quan nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng từ 20% đến 33% vào tháng 1 năm 2000. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ô tô thay đổi từ 0% đến 48% tháng 5 năm 2003. Hạn chế nhập khẩu số lượng dưới hình thức giấy phép không tự động được áp dụng cho một số loại máy chạy dầu diesel. Nhập khẩu xe máy và xe con bị cấm trừ một số trường hợp xe công tạm nhập tái xuất. Thái Lan bãi bỏ yêu cầu về hàm lượng nội địa đối với ô tô, trước đó Thái Lan quy định hàm lượng nội địa bao gồm: không ít hơn 54% nội địa đối với xe con, 60% đối với xe tải cỡ nhỏ, 40% đối với xe tải lớn và xe khách, động cơ nội địa là bắt buộc đối với xe máy. Bộ Giao thông và Công nghiệp ban hành các yêu cầu về kỹ thuật trong sản xuất ô tô.

Khoảng 217 công ty trong ngành được nhận chứng chỉ ISO 9000, sáu công ty được nhận chứng chỉ do Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp cấp.

Chính sách tỷ giá

Khi xảy ra khủng hoảng tài chính - tiền tệ vào ngày 2/7/1997, Chính phủ Thái Lan buộc phải thả nổi tỷ giá hối đoái và vào thời điểm cuối năm 1997 đồng bạt bị mất giá ở mức 47,27 bạt ăn một đô la Mỹ. Tình trạng xuống giá không phanh của đồng bạt Thái trong nửa cuối năm 1997 và bi thảm hơn khi bước sang đầu năm 1998 đạt mức kỷ lục 53,7 bạt ăn một USD, đã không còn tạo cho nước này lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu mà còn khiến cho tình trạng hoảng loạn bị đẩy đến cực điểm. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 1998 trở đi, nhờ các can thiệp vĩ mô và sự kiểm soát nguồn vốn khá chặt chẽ của Chính phủ, nên mức độ mất giá của đồng bạt đã được hạn chế chỉ còn khoảng 30% - 40% so với trước khủng hoảng. Mức độ “mất giá cạnh tranh” này đã được coi là đủ để kích thích xuất khẩu, đồng thời giúp không chồng chất thêm nữa những món nợ nước ngoài.

Từ 1999 đến nay, Thái Lan tích cực áp dụng nhiều biện pháp nhằm phục hồi và ổn định kinh tế, trong đó thực thi chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt có điều tiết đã giúp cho việc bình ổn tỷ giá (dao động trong khoảng 31 - 41 bạt ăn một đô la Mỹ), làm tăng khả năng đoán trước được ít nhất là trong tầm trung hạn của tỷ giá, giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh, khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư và tiêu dùng, nhờ đó kích thích tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường năng lực CNH hướng về xuất khẩu.

Điều chỉnh cơ cấu tổ chức hoạt động ngoại thương và cải thiện hoạt động của hệ thống ngành hàng xuất khẩu

Xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế. Nó chiếm tới 70% GDP hàng năm và tập trung vào một số mặt hàng chủ lực, trong đó chỉ riêng 19 mặt hàng đã chiếm 49% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 1996. Từ năm 1995 - 1996, xuất khẩu của nước này đã bị chững lại do giá cả không còn đạt mức cạnh tranh, cơ cấu xuất khẩu không phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong điều kiện khả năng tăng năng suất lao động trong nước trước mắt gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh cơ cấu ngành cần phải có thời gian và nguồn lực nhất định, Chính phủ Thái Lan chủ

trương một mặt giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, mặt khác tăng cường xuất khẩu trên cơ sở khắc phục những trở ngại đang đặt ra cho các hàng xuất khẩu truyền thống, tăng cường xuất khẩu dịch vụ, tìm kiếm mặt hàng mới, thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, tiếp tục tự do hóa để nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, điều chỉnh chính sách và tổ chức theo hướng có hiệu quả hơn. So với các nước châu Á bị khủng hoảng khác, Thái Lan đã ưa thích việc ban hành các chính sách tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy xuất khẩu hơn là các chính sách tác động gián tiếp. Có thể tóm tắt những điều chỉnh cơ bản trong điều tiết hoạt động thương mại quốc tế mà Chính phủ Thái Lan đã thực hiện trong thời gian qua như sau:

* Điều chỉnh định hướng xuất khẩu: Để có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu một cách nhanh chóng, bên cạnh các thị trường truyền thống mà chủ yếu là các nước công nghiệp phát triển, sau khủng hoảng, Chính phủ Thái Lan rất quan tâm đến việc kiếm thị trường mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến thị trường các nước đang phát triển. Ngay từ năm 1998, các nhà lãnh đạo Thái Lan đã xác định thị trường xuất khẩu mới bao gồm 7 nhóm với 127 nước và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu bằng cách tổ chức các chuyến công du ra nước ngoài để khám phá những thị trường này. Bảy nhóm đó là các nước thành viên mới của ASEAN, Trung Quốc, Đông Âu, Trung và Nam Mỹ, Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh, và Caribe, trong đó quan tâm đặc biệt đối với các nước thành viên mới của ASEAN và các nước Mỹ Latinh, mở ra một thị trường rộng lớn, đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhóm nước này sẽ là những địa điểm rất hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan. Để hỗ trợ xuất khẩu sang các thị trường mới, Chính phủ Thái Lan đã áp dụng nhiều biện pháp như: hỗ trợ một phần lãi suất tiền vay với mức bù lãi suất là 5% trong vòng 5 năm cho các nhà xuất khẩu sang các thị trường mới, một số doanh nghiệp còn được trợ giúp tiền để tiến hành các hoạt động xúc tiến xuất khẩu (cho đến cuối năm 1999, khoảng 40 doanh nghiệp đã được trợ giúp 7,7 tỷ bạt).

* Điều chỉnh cơ cấu thương mại quốc tế: Chính phủ Thái Lan tiếp tục đề cao vai trò của khu vực dịch vụ (hiện chiếm khoảng 50% GDP, so với 40% của

khu vực công nghiệp và 10% của khu vực nông nghiệp). Thái Lan đã xác định 5 ngành dịch vụ được ưu tiên xuất khẩu trong thời gian sau khủng hoảng là các nhà hàng món ăn Thái Lan, văn hóa phẩm, khu giải trí và sân gôn, mỹ viện, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế. Thái Lan cũng là nước đề nghị thúc đẩy hơn nữa tự do hóa thương mại dịch vụ trong phạm vi ASEAN. Theo họ, có 7 lĩnh vực dịch vụ nên ưu tiên tự do hóa trong ASEAN là vận tải hàng không, dịch vụ kinh doanh, xây dựng, tài chính, vận tải biển, viễn thông và du lịch.

* Điều chỉnh cơ cấu tổ chức hoạt động ngoại thương: Thái Lan chủ trương điều chỉnh cơ cấu tổ chức, phân định rõ chức năng của các trung tâm và văn phòng thương mại ở nước ngoài. Hiện tại, các trung tâm có nhiệm vụ theo dõi các thị trường và những vấn đề liên quan đến thương mại. Các văn phòng thương mại có nhiệm vụ chính là triển khai chính sách thương mại của Chính phủ Thái Lan ở nước ngoài, báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh và đề ra phương án giải quyết. Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế có nhiệm vụ giám sát các hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế, tăng cường khả năng xuất khẩu thông qua các chuẩn mực sản xuất cao hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường ở nước ngoài. Trong các ngành có tiềm năng xuất khẩu lớn và lâu dài như điện và điện tử, ngành sản xuất trang sức và đá quý, Chính phủ Thái Lan còn đề ra các kế hoạch thành lập các trung tâm xúc tiến xuất khẩu. Trong các trung tâm này, việc thực hiện các quy định hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu được thực hiện đáng kể, việc gắn kết sản xuất với thương mại được quan tâm đặc biệt và có sự phối hợp hoạt động chặt chẽ và phân định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng giữa các cơ quan bộ, ngành liên quan.

* Cải thiện hoạt động của hệ thống ngân hàng xuất nhập khẩu: Trước hết, Chính phủ Thái Lan đã đề ra các nguyên tắc hoạch toán mới. Đó là: 1) không tính lãi đối với các khoản nợ gốc và lãi suất đã quá hạn trả nợ trên 3 tháng; 2) lãi suất lũy kế không được trở thành thu nhập; 3) phân loại vốn vay theo khả năng trả đặc biệt lưu ý (không quá hạn trên 3 tháng), kém chất lượng (không quá hạn trên 6 tháng), nợ khó đòi (không quá hạn trên 12 tháng) và mất (không xác định được khả năng hoàn trả nợ); 4) yêu cầu thành lập quỹ dự phòng để ùn kinh phí cho những

khoản lỗ có thể xảy ra; 5) cơ cấu lại các tài khoản theo phân loại nợ mới; và 6) phải đánh giá tổng quan các danh mục vốn vay và đồ thế chấp, đặc biệt khi thành lập quỹ dự phòng và trong trường hợp khoản nợ được phân loại là kém chất lượng, khó đòi hoặc mất. Song song với việc làm trên, Chính phủ Thái Lan đã trao cho hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện các chương trình hỗ trợ tín dụng xuất khẩu có quy mô lớn như Chương trình bảo lãnh tín dụng xuất khẩu cho Thái Lan.

* Hỗ trợ các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu

Thứ nhất, đối với sản xuất hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may, thực phẩm đông lạnh, một số hàng nông sản, giày dép, đồ nhựa, đồ trang sức, đá quý,... thì Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về vốn và công nghệ cho việc đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh quốc tế, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, máy móc và phụ tùng, giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập, điều chỉnh các chính sách và chiến lược phát triển. Chiến lược mới về nông nghiệp được thông qua với các trọng tâm cơ bản là tăng năng suất, giảm giá thành, khuyến khích tiêu thụ các sản phầm trồng trọt có chất lượng cao gắn phát triển công nghệ với bảo vệ môi trường và quy vùng cho trồng trọt nhằm đạt được tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Thứ hai, Thái Lan tăng cường xúc tiến việc tìm kiếm các sản phẩm xuất khẩu mới bằng việc chuyển mạnh sang các ngành sản xuất sử dụng công nghệ cao và bám sát nhu cầu thị trường.

Thứ ba, tăng cường cải thiện môi trường pháp lý để thu hút FDI, trong đó chú trọng cải cách chính sách thu hút FDI theo phương châm “Trải thảm đỏ”, đổi mới quy chế quản lý ngoại hối, ban hành luật phá sản doanh nghiệp, tăng cường sử dụng công cụ thuế nhằm giúp định hướng cho thương mại và đầu tư.

Một phần của tài liệu Chính sách xuất khẩu của Thái Lan trong hội nhập kinh tế quốc tế, kinh nghiệm và khả năng vận dụng với Việt Nam (Trang 25)