2.2.1. Bản chất
Toàn cầu hóa là quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát sinh từ việc trao đổi trên thế giới các sản phẩm, ý tưởng, và văn hóa. Toàn cầu hóa mô tả sự tương tác của các nền văn hóa, của các lực lượng xã hội ở cấp vĩ mô. Các lực lượng này bao gồm: kinh tế, chính trị và tôn giáo. Vì thế, toàn cầu hóa có thể làm xói mòn cũng có thể phổ cập các yếu tố thuộc về bản sắc của một cộng đồng, dân tộc [146].
“Toàn cầu hoá được hiểu như cách thức diễn đạt một cách ngắn gọn cái quá trình mở rộng phổ của các quan hệ sản xuất, giao tiếp và công nghệ ra khắp thế giới. Quá trình này đã làm cho các hoạt động kinh tế và văn hoá đan bện vào nhau” [85, tr.21].
Thật vậy, những phát triển vượt bậc về công nghệ, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng viễn thông, bao gồm cả sự phát triển của Internet, là những yếu tố quan trọng trong toàn cầu hóa, làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau của các
cộng đồng trên tất cả các phương diện cơ bản của đời sống: kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo.
Toàn cầu hóa là chất xúc tác mang tính người, đều đã và đang ảnh hưởng trực tiếp lên mọi mặt của đời sống cá nhân và xã hội, mang lại những hiệu ứng khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Trải nghiệm của mỗi cá thể hay cộng đồng trong chất dung môi nào đó chắc chắn sẽ đem lại những cảm nhận cho họ nhưng không bao giờ là đồng nhất về mặt cảm giác. Toàn cầu hóa là một minh chứng.
Không những thế, toàn cầu hoá còn gây ra những xáo trộn căn bản trong đời sống của cả cá nhân lẫn cộng đồng, từ thể chế kinh tế, thể chế chính trị, đến văn hoá, tôn giáo và đủ các loại ý thức hệ cùng tín điều… từ đời sống cá thể đến đời sống xã hội đều mang hơi thở toàn cầu.
Do vậy, có thể nói, toàn cầu hóa là hiện thực người mang tính toàn vẹn và thống nhất, thể hiện trên cả hai cấp độ cá nhân và cộng đồng, xã hội. Khi bức màn sắt ngăn chia thế giới bằng cuộc chiến tranh lạnh bị phá vỡ, thì các dòng chảy của cơ thể toàn cầu được lưu thông ở mọi cấp độ.
Đối với đời sống cá thể, toàn cầu hóa làm nảy sinh không gian thông tin
toàn cầu, do đó, hoạt động giao tiếp giữa các chủ thể không còn lệ thuộc nhiều vào không gian địa lý và thời gian vật lý; các mạng xã hội đã kết nối tất cả các không gian sống trên khắp bề mặt quả địa cầu. Có lẽ chưa bao giờ đời sống cá nhân của nhân loại lại chứng kiến quá nhiều đổi thay chóng vánh như vậy trong một thời gian ngắn.
Đối với cộng đồng, toàn cầu hóa đã làm cho thế giới trở nên phẳng; nóng
hơn; chật hơn (Friedman). Những biến động và khủng hoảng sâu sắc mang tính toàn cầu: kinh tế, văn hóa, chính trị, môi trường, sinh thái, an ninh… tất cả đã tạo nên một bức tranh đầy lo lắng về cục diện chung của thế giới.
Trong bối cảnh đó, sự gia tăng các hiện tượng và các sản phẩm tôn giáo không phải là điều khó lý giải. Tôn giáo hiện nay đang phục hưng mạnh mẽ để thực hiện chức năng cân bằng tâm lý cho cá nhân và cộng đồng trong một
bối cảnh mà "mọi giá trị bị đảo lộn; lòng trung thành dành cho đất nước của một dân tộc, dành cho tôn giáo của một cá nhân, dành cho thể chế chính trị tại địa phương dường như ngày càng trở nên sai lạc [50, tr.7].
Toàn cầu hóa đã làm cho mọi thứ từ “xác định đến bất định”. Nếu thế kỷ hai mươi đã khởi đầu bằng cái xác định chắc chắn thì nó lại kết thúc bằng cái bất định hỗn độn… Ngày nay, chúng ta đã khôn ngoan hơn và thận trọng hơn. Chúng ta đã biết hoài nghi những kế hoạch lớn và những hứa hẹn toàn cầu. Chúng ta thận trọng xem xét những đề xuất chung chung của các chuyên gia và các nhà chính trị. Chúng ta thưởng thức chủ nghĩa lạc quan vô giới hạn với một nhúm muối mặn" [66, tr.16].
Đã có sự chấn hưng trở lại của các tôn giáo lớn thành những thế lực chính trị - xã hội, để tham gia vào việc điều tiết các cộng đồng đang bị đổ vỡ hoặc biến dạng trước áp lực của toàn cầu hóa.