Đối với người không theo Islam, việc đầu tiên nên và có thể làm được đó là tìm hiểu và nhận thức đúng về Islam và Islamism "đúng như nó là".
Việc nhận thức đúng về các hiện tượng Islam chính thống và cực đoan hiện nay góp phần vào việc ứng xử đúng giữa các tôn giáo và các quốc gia. Đó là dành sự tôn trọng với Islam ôn hòa, thế tục; phản đối những hành động cực đoan và bạo lực, khủng bố.
Luận án tiếp cận thuật ngữ Islamism, chỉ ra bản chất của hiện tượng Islamism, so sánh nó với nền văn minh Islam, cũng là một cách nhằm tôn vinh những giá trị mà nền văn minh Islam đã đạt được trong lịch sử và khoanh vùng chủ nghĩa chính thống, cực đoan Islam. Điều này góp một phần nhỏ vào việc nhận diện đúng những trào lưu Islam chính thống và cực đoan, khi coi chúng là những xu hướng đi ngược lại những gì mà nhân loại và Islam đã đạt được và hướng đến.
Đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, những động thái trong nhận thức và hành động trong quan hệ với Islamism nói riêng và thế giới Islam nói chung, cần nghiêm túc xem xét lại và nên thay đổi.
Trước hết nên bắt đầu từ giới học giả có uy tín và các nhà chính trị, chuyên gia về Trung Đông, họ là những người tham dự vào chiến, sách lược ứng phó với hiện tượng Islam của phương Tây và Mỹ. Vì vậy, nhận định sai lầm có chủ đích của họ là một nguyên nhân gây gia tăng Islam cực đoan, khủng bố. Hệ quả dẫn đến sự kiện 11/9, là bài học đau thương cho hơn ba nghìn người ngoại đạo vô tội ở Mỹ.
Nếu chính quyền Mỹ còn lo sợ sự lớn mạnh của Islam sẽ đe dọa vị trí hôm nay của họ, và họ ngăn chặn điều chưa xảy ra ấy bằng mọi cách, mọi thủ đoạn, thì lúc đó, xung đột và khủng bố vẫn còn lý do để tồn tại.
Nếu chính quyền Mỹ còn tham vọng về một xứ sở đầy dầu lửa, nguồn cung cấp khổng lồ cho nhu cầu năng lượng của Mỹ, để Mỹ bắt tay với các chính phủ độc tài, tham nhũng và cực đoan, thì khi đó, Islam cực đoan, khủng bố còn hầm trú ẩn an toàn, và Trung Đông sẽ luôn là chảo dầu sục sôi những bất ổn.
Nếu phương Tây và Mỹ vẫn còn những nhậnđịnh sai lầm có chủ đích: Islamism cũng là Islam, và xung đột giữa các nền văn minh, tôn giáo mang tính quy luật không thể tránh khỏi, hay buộc các nước phải thừa nhận giá trị phương Tây, giá trị Mỹ là phổ quát thì khi đó, phương Tây và Mỹ vẫn vừa là bệ đỡ, vừa là nạn nhân cho các tư tưởng và hành động cực đoan, bạo lực và khủng bố gia tăng.
Nếu người dân ở các nước phương Tây và Mỹ không phản đối các nhà cầm quyền của họ tài trợ cho các chính quyền độc tài, cực đoan, kích động, gây chia rẽ nội bộ thế giới Islam, thì khi đó, những người dân phương Tây và Mỹ sẽ vẫn là những con mồi béo bở cho cực đoan, khủng bố nhân danh Islam.
Nếu Mỹ giúp đỡ những người Palestine thành lập quốc gia độc lập và dùng tiền xuất khẩu vũ khí quân sự thu được sang Trung Đông để nâng cao đời sống nhân dân khu vực này, thì khi đó, người dân Mỹ sẽ không phải lo về hiểm họa khủng bố.
Sau những thất bại to lớn của quyền lực cứng, phương Tây có thể tạo ảnh hưởng tốt hơn bằng cách thừa nhận những gì xứng đáng thuộc về Islam và khuyến khích mở rộng những thành tựu đó; bằng cách hãy tôn trọng Islam với tư cách là một nền văn minh.
Cho đến nay tất cả những vấn đề trên vẫn còn mở ngỏ cho các sáng kiến của những người có lương tri và quan tâm đến số phận chung của toàn nhân loại. Nhưng trong khi chờ đợi những giải pháp khả dĩ cùng những hành động thực tế đi kèm với chúng từ phía các nhà nước, dân tộc và cộng đồng
trên khắp thế giới, nhân dân tiến bộ đã không thể phó mặc số phận của mình cho hiểm họa “xung đột giữa các nền văn minh”. Mọi người đều hiểu rằng, dù khách quan đến đâu đi chăng nữa, thì toàn cầu hóa vẫn là hiện thực mang tính người, và do đó, những xung đột nảy sinh từ nó là có thể kiểm soát, nếu như tất cả đồng lòng. Chính vì nghĩ như vậy, nên những đường nét chính của một phương án “chung sống hòa bình và cùng nhau phát triển” đã được Liên hiệp quốc (thay mặt cho các cộng đồng và nhân dân thế giới) - vạch thảo; và cũng bởi thế, Liên hiệp quốc đã lấy năm 2001 là năm “đối thoại văn hóa” -
với hy vọng về một tương lai chung tươi sáng.
Tiểu kết chương 4
Islamism (với hai trào lưu được xem xét trong luận án) là khuynh hướng hoặc bảo thủ về lý thuyết, hoặc cực đoan về động cơ, phương tiện. Dù xét trên phương diện nào, nó cũng đều đi ngược lại với xu thế vận động của lịch sử nhân loại và của nền văn minh Islam.
Sự đi chệch khỏi giáo lý truyền thống và hành động cực đoan, khủng bố của Islamism đã khiến họ không còn là những tín đồ đi theo con đường “chính đạo” mà Allah đã dẫn dắt. Vì thế, họ không thể nhân danh Allah, càng không thể đại diện cho hơn một tỷ tín đồ Islam để định đoạt số phận của tôn giáo này.
Nhưng để nhận diện được điều này, lên án nó, cô lập và phong tỏa các hành vi cực đoan, bạo lực và khủng bố của Islamism, trước hết đòi hỏi động thái tích cực của chính những người Islam ôn hòa. Đây là sứ mệnh lịch sử mà người Islam phải giải quyết trong những thập niên này. Cuộc nội chiến của một nền văn minh chỉ có thể được chấm dứt, nếu tất cả các bên học cách đối thoại, dung chấp sự khác biệt và hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho Islam và cộng đồng thế giới.
Cùng với sự phát triển của lịch sử nhân loại, liệu nền văn minh Islam có thể đóng góp tích cực vào toàn cầu hóa, để lái xu hướng này đi theo véc tơ nhân bản và tiến bộ không?
đẩy mạnh những nỗ lực nhằm đạt đến hoà bình, thịnh vượng chung cho khu vực Trung Á bằng cách đứng ra giải quyết những xung đột sắc tộc (mà chủ yếu là mang màu sắc tôn giáo) bên trong các quốc gia cũng như giữa các quốc gia trong khu vực này.
Mặt khác, Islam sẽ cùng những tôn giáo lớn khác trên thế giới thúc đẩy thái độ đối thoại, dung chấp và tôn trọng những giá trị nhân loại mang tính phổ quát.
Trong suốt toàn bộ lịch sử, các nền văn minh đã trưởng thành, đơm hoa kết trái bằng con đường đối thoại và trao đổi với nhau, học hỏi ở các nền văn hoá khác nhau và được các nền văn hoá đó cổ vũ tìm kiếm tri thức và sự hiểu biết.
Đối thoại giữa các nền văn minh là hòn đá tảng của lời giải toàn cầu cho mọi cuộc xung đột và bạo lực, đặc biệt là cho những gì dựa trên chủ nghĩa cuồng tín và cố chấp. Vì sự đối thoại này bao trùm tất cả các phần của trái đất nên đối lại những lời hô hào chiến tranh sẽ là những lời kêu gọi thoả hiệp. Đối lại hận thù là khoan dung. Đối lại bạo lực sẽ là lòng quyết tâm. Sự đối thoại giữa các nền văn minh là câu trả lời tốt nhất của loài người cho những kẻ thù hung bạo nhất của mình [2, tr.2].
KẾT LUẬN
Islamism là khuynh hướng chính trị tôn giáo phát sinh từ thực tiễn xã hội Islam ở cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Hiện tượng Islamism trong những thập kỷ gần đây đã trở thành điểm nóng trong đời sống chính trị, tôn giáo quốc tế. Khuynh hướng này đã thu hút một lượng lớn các học giả trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu. Song, việc nghiên cứu những vấn đề nổi lên hiện nay của Islamism trong các công trình nghiên cứu ở Việt Nam vẫn là lĩnh vực còn để ngỏ. Hiện chưa có công trình khoa học hữu quan nào đề cập đến bản chất của hiện tượng mang tên Islamism một cách hệ thống, trên cả phương diện lý thuyết và thực tiễn.
Để góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn về hiện tượng này, luận án nỗ lực trình bày một cách hệ thống những vấn đề lý luận của Islamism, đó là việc cố gắng làm rõ những thuật ngữ: Islamism, trào lưu Islam chính thống (Islamic Fundamentalism), trào lưu Islam cực đoan (Islamic Extremism), chủ nghĩa khủng bố… Để từ đó, chỉ ra được những tư tưởng cơ bản của hai trào lưu cơ bản của Islamism là Islam chính thống và Islam cực đoan, đó là gắn liền với bảo thủ và cực đoan trong các vấn đề về chính trị, tôn giáo và mọi mặt của đời sống xã hội.
Trên cơ sở hiện thực mang tính người là toàn cầu hóa, luận án đã đặt các phong trào Islam vào trong sự tương tác với các nhân tố cơ bản của toàn cầu hóa như kinh tế, dân chủ, thế tục và hiện đại hóa để làm rõ tính bất khả thi trong các chương trình nghị sự chính trị hay tôn giáo mà Islamism nhân danh.
Về mặt lý luận, luận án căn cứ trên Kinh điển Islam để phân tích, so sánh và làm rõ những luận điệu mà Islamism đưa ra, áp đặt lên thế giới Islam là hoàn toàn không có căn cứ, cơ sở theo Ý Chỉ của Allah và đi ngược lại những gì mà Nhà Tiên Tri đã rao giảng.
Theo đó, bằng việc dẫn ra những bài viết, quan điểm, mục tiêu của Islamism; kết hợp với việc điểm tên và hành động của những nhóm, tổ chức
Islam bảo thủ, cực đoan, khủng bố, luận án luận chứng cho tham vọng thâu tóm quyền lực tôn giáo, chính trị của nhóm, tổ chức này trong thế giới Islam là đi ngược lại với tinh thần của Thiên Kinh và trái với quy luật phát triển chung của nhân loại.
Islamism cực đoan, bảo thủ hoàn toàn đối lập với xu thế dân chủ, thế tục, hiện đại hóa. Hơn nữa, với phương thức hành động khủng bố, bạo lực, Islamism không bao giờ nhân danh hay đại diện cho hơn một tỷ tín đồ mang niềm tin Islam.
Một trong những nỗ lực của luận ánlà đã cố gắng làm rõ những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự xuất hiện của Islam chính thống và Islam cực đoan. Ở đó, luận án chỉ ra, sự xuất hiện của Islamism là tổ hợp của nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trong chính nội bộ thế giới Islam và nguyên nhân bên ngoài - đến từ phương Tây và Mỹ. Trong đó, phải nhấn mạnh đến những gốc rễ bên trong của các khuynh hướng này, và đó cũng là những nguyên nhân đã, đang cản trở sự phát triển của đa phần các quốc gia Islam, và gây ra bạo lực, bất ổn, xung đột kéo dài trong thời gian gần đây.
Cuộc nội chiến của nền văn minh Islam bắt nguồn từ sự giằng co giữa quá khứ và hiện đại, giữa dân chủ, thế tục và bảo thủ, cực đoan. Islamism đã chọn cách thứ hai làm tôn chỉ cho những hành vi của nó.
Nguyên nhân đến từ bên ngoài dù không đóng vai trò quyết định nhưng lại là chất xúc tác khiến chảo lửa Trung Đông và thế giới Islam gia tăng bạo lực và xung đột; khiến cho mùa xuân còn lâu mới về trên bán đảo Ả rập. Vết nhơ của thực dân phương Tây trong quá khứ và sự can thiệp có chủ đích của Mỹ trong hiện tại đã góp phần đẩy Islam và mảnh đất của Allah vào vòng xoáy tranh giành quyền lực chính trị và thẩm quyền tôn giáo.
Hệ quả tất yếu của hai nguyên nhân này là số phận của một nền văn minh chưa nhìn thấy lối thoát (cho đến thời điểm hiện nay).
Trên cơ sở của những phân tích này, luận án đã đề cập đến một số giải pháp để giảm thiểu những bất ổn, xung đột trong thế giới Islam và trên thế
giới. Đó là việc cần thiết phải thay đổi từ cả hai phía, phía những người Islam và phía những người không theo Islam (Non- Muslim). Giải pháp cho vấn đề này sẽ bắt đầu từ thái độ nhận thức đúng đắn về Islamism, lên án trào lưu chính thống, cực đoan và khủng bố Islam; đặt ra lằn ranh giới giữa Islam ôn hòa và cực đoan. Những động thái này sẽ do chính người Islam ôn hòa nỗ lực thay đổi, vì một nền văn minh và một tôn giáo lớn hàng thứ hai trên thế giới.
Giải pháp tiếp theo sẽ phụ thuộc vào những người không theo Islam. Trong đó, đặc biệt là nhận thức và hành động của phương Tây và Mỹ. Vì một thế giới đại đồng, vì hòa bình và thịnh vượng chung cho người Mỹ và phương Tây và phần còn lại của người ngoài Islam, nhận thức và chính sách của Mỹ cần phải thay đổi. Từ việc gọi đúng bản chất của Islamism, đến chấm dứt ủng hộ và tài trợ cho Islam chính thống và cực đoan ở các nước Islam; tránh can thiệp có chủ đích và tấn công quân sự vào các quốc gia Islam.
Việc thừa nhận và dung chấp những giá trị của văn minh Islam cũng là một động thái nhằm làm giảm thiểu những xung đột và bất ổn đang ngày càng gia tăng giữa Islam cực đoan và phần còn lại của thế giới.
Tóm lại, nếu sự xuất hiện của Islamism là tổ hợp các nguyên nhân, thì giải pháp của vấn đề Islamism cũng sẽ phải bắt đầu từ việc xóa bỏ các nguyên nhân tạo ra nó. Điều đó chỉ có thể đạt được nếu cả hai phía các tín đồ Muslim và phương Tây, Mỹ phải thay đổi chính động cơ hành động của họ. Có như vậy, tình trạng hiện nay trên bán đảo Ả rập mới được thay đổi theo chiều hướng tích cực và nhân loại cũng không phải chứng kiến vụ 11/9 lần thứ hai.