Những tác động tích cực

Một phần của tài liệu Islamism trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 60 - 64)

Trước hết, cần thống nhất rằng, toàn cầu hóa là một hiện thực, đã và đang tác động lên đời sống của hầu hết các cá nhân, các cộng đồng, và các nhà nước. Song, hiệu ứng mà toàn cầu hóa tạo ra lại đưa đến những kết quả không đồng nhất, thậm chí đối nghịch.

Tùy thuộc vào cấu trúc của mỗi chủ thể, tùy thuộc vào không - thời gian tương tác, mà chủ thể chịu tác động sẽ khai thác những thuận lợi của toàn cầu hóa hay bị chính những thách thức của toàn cầu hóa cản trở sự phát triển. Toàn cầu hóa là "đồng xu hai mặt", do vậy, "tốt" hay "xấu", "thuận lợi" hay "khó khăn"; "cơ hội" hay "thách thức", lại phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tiếp cận của từng chủ thể riêng biệt.

Nếu xem cộng đồng Muslim là chủ thể và toàn cầu hóa là khách thể nhận thức thì sự tác động của toàn cầu hóa đến thực thể tôn giáo này đã đưa lại những kết quả không đồng nhất. Sự trỗi dậy của Islamism (với hai trào lưu chính thống và cực đoan) diễn ra mạnh mẽ ở khu vực Trung Đông là điều có thể lý giải được trên giác độ này.

Do vậy, toàn cầu hóa tác động lên các nền văn minh là như nhau; song, với cộng đồng này, toàn cầu hóa là cơn gió lành, với cộng đồng khác, nó là trận bão, muốn cuốn phăng, càn quét tất cả. Trong hoàn cảnh đó, Islam đang tỏ ra khó khăn trong cách thức tiếp cận toàn cầu hóa. Dù gì đi nữa, những thuận lợi, tích cực mà toàn cầu hóa mang lại là không thể phủ nhận, kể cả người Muslim.

Đối với những người Muslim, toàn cầu hóa mang lại thông tin liên lạc

được thuận tiện, di chuyển dễ dàng, cho đến việc được hưởng lợi từ những

thành quả của khoa học, công nghệ… tất cả đều đã và đang ảnh hưởng lên

đời sống của các cá thể và cộng đồng Muslim.

Mặt khác, toàn cầu hóa đã đem đến những cơ hội để khuếch trương ảnh hưởng của Islam: internet, các tri thức khoa học kỹ thuật, cộng đồng các tín đồ phát tán; đó là những nguồn tài chính và sức mạnh mà Islam có được, do toàn cầu hóa mang lại. Đã có nhiều trang web của Islam và các tổ chức Islam được thiết lập; đã có các bình luận về Qur’an và toàn tập Hadith sẵn trên các trang web này. Một trong những sức mạnh và thành quả của toàn cầu hóa là công nghệ và thông tin liên lạc, cũng được cộng đồng Muslim

tận dụng như: điện thoại, truyền hình, vệ tinh, internet và các trang mạng, đã kết nối hơn một tỉ tín đồ cùng trong một sự “quy phục” với Allah. Sự kết nối toàn cầu này đã củng cố ý thức cho các tín đồ Islam - rằng họ thuộc về một cộng đồng - Ummah.

Không những thế, toàn cầu hóa còn làm gia tăng các sản phẩm văn hóa trên khắp bề mặt địa cầu; do đó, trong công cuộc bảo tồn và khuếch tán các giá trị của bản thân, Islam có cơ hội nhận được sự hậu thuẫn từ các tín đồ phát tán khắp nơi. Và đó là một thứ sức mạnh chính trị mà những cộng đồng văn hóa khác trên thế giới không thể không tính đến. Các quốc gia Islam thế tục như Thổ Nhĩ Kỳ, Inđônêxia, Malayxia… là những hình mẫu cho những quốc gia năng động, biết tận dụng mọi cơ hội để gia nhập toàn cầu hóa.

Tại Ai cập, toàn cầu hóa đã làm sống lại nhiều phong trào cải cách Islam. Đáng kể là sự kết hợp giữa Muhammad Abduh và Jamal Al-din al Afghani tạo ra Chủ nghĩa liên Islam (Pan - Islamic); đó là sự đoàn kết giữa các quốc gia Islam để thách thức quyền uy phương Tây.

Tại Ấn Độ, Syed Ahmad Khan thành lập trường Cao đẳng, sau đó là Đại học; với phương châm ủng hộ khoa học và cải cách tôn giáo. Ông cũng là người sáng lập tờ báo có uy tín Tahzibal al - Akhlaq.

Cũng nhiều nhà tư tưởng ủng hộ những cải cách đối với Luật Islam cho phù hợp với thời đại như: Justice Amir Ali, Maulavi Chiragh Ali, Maulano Mumtaz Ali Khan, Mohammad Iqbal… Họ thừa nhận những thách thức của toàn cầu hóa, song bản thân họ lại thấy có lợi, khi chính nó là nguyên nhân tạo ra những đợt sóng ngầm trong tư tưởng của giới trí thức Islam.

Cho đến ngày nay, họ vẫn đang tận dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ để làm nên một diện mạo mới, thậm chí tạo ra sức ép - sự đối trọng với phương Tây và phần còn lại của thế giới (như vấn đề hạt nhân của Iran).

Và trong số họ, những quốc gia Islam, vẫn có siêu quốc gia thuộc thế giới phát triển; những tòa cao ốc vĩ đại mới xây, những con đường cao tốc,

máy điều hòa không khí… và sau bức tường cao ngất kia, các hoàng tử và công chúa đang cởi bỏ tấm khăn trùm của họ, khoác lên người những bộ trang phục từ Pari, và đàn ông có thể đi uống rượu ở các hộp đêm [63, tr.149,151].

Và một điều lạ lùng nữa, tại quốc gia in rõ dấu ấn của các giáo sĩ cực đoan dòng Wahhabi này, Vua Abdullah vẫn mở trường Đại học Khoa học và Công nghệ Abdullah; trong khuôn viên của trường, mọi quy định của Islam đều không có hiệu lực.

Để chỉ ra vai trò của toàn cầu hóa đối với cộng đồng Islam giáo, có thể mượn quan điểm của Benazir Bhutto: radiô, tivi và internet đã góp phần làm cho họ trở nên gắn kết hơn; góp phần duy trì bản sắc của một cộng đồng tôn giáo… và đối với những kẻ cực đoan và cuồng tín nhất, những kẻ luôn bài xích khoa học, kỹ thuật, lại là những kẻ sẵn sàng đón nhận khoa học và công nghệ, y tế [101, tr.78-79].

Hơn thế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Islam còn có thể trở thành một động lực về văn hóa - tôn giáo tuyệt hảo giúp duy trì sự đoàn kết giữa các sắc

tộc tại Trung Đông. Do vậy, Islam giáo tại Trung Đông có thể trực tiếp tham gia vào công việc vãn hồi cộng đồng truyền thống trước các làn sóng “xâm thực”

của các nền văn hóa bên ngoài (đặc biệt là văn hóa Âu - Mỹ) [85, tr.262].

Ở phương diện này, Thomas L. Friedman cho rằng, trong điều kiện toàn cầu hóa, sự thành công hay thất bại của nhiều quốc gia phụ thuộc vào yếu tố văn hóa. Theo ông, có hai khía cạnh của văn hóa liên quan đặc biệt đến thế giới phẳng. Thứ nhất là, văn hóa của bạn hướng ngoại như thế nào? Mức độ mở của nền văn hóa trước ảnh hưởng và ý tưởng nước ngoài như thế nào? Khả năng tiếp nhận văn hóa ra sao? Và thứ hai là, văn hóa của bạn hướng nội như thế nào? [25, tr.593]. Bởi vì, điều này cũng giúp giải thích vì sao nhiều nước Islam phải vật lộn hết sức khó khăn trong thế giới ngày càng phẳng [25, tr.594].

Tóm lại, toàn cầu hóa là một hiện thực, và hiện thực đó đã và đang tác động lên các nền văn minh, các quốc gia với tần suất như nhau. Trong sự

tương tác với toàn cầu hóa, các cộng đồng Muslim cũng nhận được nhiều cơ hội thuận lợi để khẳng định bản sắc và khả năng khuếch trương các giá trị tôn giáo Islam.

Tuy nhiên, đứng ở phương diện khác, toàn cầu hoá còn đem lại cho Islam cả những thách thức, những trở ngại đối với lý tưởng về một ngôi nhà chung Islam.

Một phần của tài liệu Islamism trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)