MỘT SỐ GIẢI PHÁP THU HÚT KHÁCH DU LỊCH HÀN QUỐC TẠI THỊ TRƯỜNG DU LỊCH HÀ NỘ
3.2.1. Giải pháp vĩ mô
3.2.1.1. Phát huy vai trò định hướng cho doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu khách du lịch Hàn Quốc
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cần hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội tận dụng lợi thế của Hà Nội như một trung tâm kinh tế chính trị văn hoá của đất nước và một điểm nút trên tuyến đường xuyên Á để vươn lên chiếm lĩnh những vị trí hàng đầu trên các thị trường du lịch quốc tế.
Trước hết, trên cơ sở quy hoạch du lịch của cả nước, Hà Nội cần nhanh chóng hoàn chỉnh chi tiết quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Hà Nội (theo địa giới hành chính mở rộng), từ nay tới năm 2020 - tầm nhìn 2030 hoặc 2050 (phù hợp với qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội).
Bản quy hoạch này sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp du lịch nói chung và lữ hành nói riêng có những định hướng phát triển của mình trên mọi phương diện, từ sản phẩm đến thị trường theo hướng ngày càng phong phú và hấp dẫn.
Trong thời gian xây dựng và thực hiện quy hoạch, đối với các dự án đã được phê duyệt và triển khai như phố văn hoá ẩm thực, làng gốm Bát tràng, xây dựng khu du lịch Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm… cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này và khi hoàn thành cần có phương án quản lý và sử dụng có hiệu quả. Một số dự án đã có chủ trương như tuyến du lịch đi bộ tại khu phố cổ, nâng cấp một số làng cổ gắn với các nghề
truyền thống, khu du lịch Sóc Sơn,… thì cần phải nhanh chóng hoàn tất dự án và có phương án tạo vốn đầu tư nhanh nhất và sớm triển khai thi công.
Theo điều tra các doanh nghiệp lữ hành có hoạt động thu hút khách du lịch Hàn Quốc thời gian qua cho thấy, du lịch vui chơi giải trí trên địa bàn Hà Nội còn khá nghèo nàn hạn chế tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội. Chương trình du lịch cung cấp cho khách mới dừng ở mức tham quan Hà nội với thời gian nửa ngày hoặc cả ngày. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội có thể tổ chức các chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia thông qua các buổi khảo sát để hoàn thiện chương trình. Du lịch Hà Nội cần có những cơ chế huy động mạnh hơn nữa nguồn vốn của khu vực tư nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho họ đầu tư vào những khu vực vui chơi giải trí trọng điểm nhằm vào thị trường khách du lịch Hàn Quốc trong đó Nhà nước kiểm soát chủ yếu thông qua quy hoạch.
Đối với thị trường khách du lịch Hàn Quốc, du lịch Hà Nội nên định hướng vào các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng,…bên cạnh cần phải tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của các sản phẩm du lịch văn hoá. Phương hướng này cần được thể hiện rõ nét trong quy hoạch phát triển du lịch. Duy trì và bảo tồn các tài nguyên văn hoá lịch sử đi đôi với việc tận dụng cơ hội đưa các tài nguyên văn hoá trên địa bàn vào phục vụ du lịch. Tăng cường hơn nữa các hoạt động lễ hội tại các khu di tích có sự tham gia của những người đến tham quan.
Để có thể lưu giữ khách du lịch lâu hơn nữa tại Hà Nội, cần mở rộng các điểm du lịch lân cận của Hà Nội với cảnh quan đẹp, trong đó các làng nghề truyền thống giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Theo điều tra đây là một trong ba điểm du lịch khách du lịch Hàn Quốc ưa thích khi đi du lịch Hà Nội. Làng gốm Bát Tràng là một ví dụ thành công trong việc thu hút khách du lịch.
Tuy vậy, phần lớn các làng nghề khác chưa thật sự quan tâm đến hoạt động này, chưa coi việc đón nhận khách du lịch quốc tế là phương thức xúc
tiến có hiệu quả nhất cho sản phẩm của mình. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cần kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành lập các nhóm công tác tới các cơ quan quản lý địa phương các làng nghề để tạo lập quan hệ, xây dựng cơ sở pháp lý và đóng góp ý kiến cho việc phát triển sản phẩm du lịch tại các làng nghề truyền thống này.
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010 là một sự kiện trọng đại, là cơ hội để đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu nhằm nâng cao vị thế, tầm vóc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cần sớm xây dựng «Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm», để là căn cứ định hướng các doanh nghiệp lên kế hoạch nghiên cứu, xây dựng một số sản phẩm, chương trình du lịch và tổ chức các sự kiện, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch hướng tới Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
3.2.1.2. Triển khai đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch Hàn Quốc
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cần tổ chức đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của du lịch Hà Nội phục vụ khách du lịch Hàn Quốc để có chương trình hỗ trợ và liên kết đào tạo tiếng Hàn cho những nhân viên của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội, và các chương trình bồi dưỡng về kiến thức văn hóa, lịch sử và nghiệp vụ du lịch cho những nhân viên đã có bằng ngoại ngữ tiếng Hàn Quốc.
Một trong những khó khăn hiện nay đối với thị trường Hàn Quốc là hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên tiếng Hàn Quốc thực sự là yếu và rất thiếu. Tốc độ phát triển của khách du lịch Hàn Quốc đến Hà Nội như hiện nay so với số lượng hướng dẫn viên Hàn Quốc của du lịch Hà Nội là một cản trở rất lớn cho các doanh nghiệp có thể cung cấp đủ hướng dẫn viên
phục vụ khách Hàn Quốc. Thời gian mở các khóa đào tạo Tiếng Hàn nên tập trung vào các tháng 6, 7, 8 và 9, đây là thời điểm các đoàn khách Hàn Quốc sang Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng với số lượng ít. Các khóa học nên có sự liên kết giữa Trung tâm Tư vấn Đầu tư Phát triển Du lịch Hà Nội với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khách Hàn Quốc để các hướng dẫn viên được doanh nghiệp sắp xếp bố trí thời gian hợp lý theo học. Trong thời gian tới du lịch Hà Nội vẫn phải tiếp tục duy trì đội ngũ nhân viên là người Hàn Quốc làm tiếp thị, điều hành tour, khai thác thị trường, phiên dịch... trong doanh nghiệp Việt Nam nhưng không được hành nghề hướng dẫn viên. Đối tượng này bắt buộc phải thông qua khóa đào tạo kiến thức lịch sử - văn hóa - xã hội - pháp luật tại các cơ sở do Tổng cục du lịch phối hợp đào tạo.
Hộp tham khảo 3.1. Bài học” tiếng Hàn”
Năm 2007 có hơn 450.000 lượt khách du lịch Hàn Quốc đến VN, đứng thứ hai sau khách Trung Quốc, nhưng chỉ khoảng 50 HDV biết tiếng Hàn. Với số khách trên, phải có 800-1.000 HDV mới đủ đáp ứng nhu cầu. Không ít HDV và nhân viên du lịch người Hàn Quốc đã qua VN làm “chui” để lấp vào chỗ thiếu hụt này, dẫn đến tình trạng lộn xộn. Khi Tổng cục Du lịch chấn chỉnh, nhiều công ty phải tháo lui, kéo theo sự tụt giảm lượng du khách du lịch Hàn Quốc. Đến nay dù đã liên tục đào tạo nhưng số HDV, nhân viên biết tiếng Hàn vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Theo Tuổi trẻ online, Thứ Bảy, 27/09/2008, 05:24
Theo kinh nghiệm một số quốc gia Đông Nam Á đã cho phép người nước ngoài hành nghề hướng dẫn viên như Singapore đã chính thức cho phép người nước ngoài làm hướng dẫn viên. Malaysia, Campuchia không cụ thể hoá bằng văn bản pháp quy nhưng vẫn để công dân một số nước công khai hành nghề hướng dẫn viên. Với thị trường khách đang có tốc độ
tăng chững lại trong hai năm gần đây do thiếu hướng dẫn viên nên chăng cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thí điểm cho phép người Hàn Quốc được hành nghề hướng dẫn viên tại Việt Nam sau khi đã trải qua các kỳ thi sát hạch hướng dẫn viên. “Tạo điều kiện cho người Hàn Quốc tham gia sâu hơn vào hoạt động lữ hành là một phần quan trọng trong kế hoạch đồng bộ mà Việt Nam đang bắt đầu thực hiện nhằm giành lại thị trường khách du lịch Hàn Quốc”, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch đã phát biểu.
3.2.1.3. Tăng cường hoạt động xúc tiến sang thị trường Hàn Quốc
Tuyên truyền, xúc tiến du lịch tại Hàn Quốc: Cùng với Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phải là cơ quan chính tăng cường các hoạt động xúc tiến cho du lịch Hà Nội đến thị trường gửi khách du lịch Hàn Quốc. Trước hết, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cần tiếp tục nhân rộng uy tín và hình ảnh của Hà Nội - Thành phố Hoà bình của châu Á, thành phố có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, đây là một công cụ quảng bá có ý nghĩa rất to lớn trên các thị trường quốc tế trọng điểm trong đó có Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Tuần văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Hàn Quốc trong hai năm 2007, 2008 đã để lại ấn tượng tốt đẹp nơi người dân Hàn Quốc, là cơ hội để giới thiệu về đất nước con người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đến thị trường khách du lịch Hàn Quốc và tiến tới nên trở thành một chương trình tổ chức định kỳ hàng năm. Hoạt động trên cũng là dịp giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, củng cố mối quan hệ Việt - Hàn trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó tích cực chủ động tham gia hội nghị, hội chợ triển lãm du lịch tại Hàn Quốc là kênh thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất để hình ảnh du lịch Việt Nam và du lịch Hà Nội để lại ấn tượng rõ nét đối với thị trường Hàn Quốc.
Thông qua những chương trình văn hoá, giao lưu, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội hơn để quảng bá sản phẩm tới thị trường và phát triển những đối tác Hàn Quốc. Các mối quan hệ song phương giữa các cơ quan du lịch quốc gia hoặc thành phố là nhịp cầu nhanh nhất và thuận tiện nhất cho các doanh nghiệp du lịch phát triển thị trường và các kênh phân phối sản phẩm. Tổng cục Du lịch Việt Nam hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội có thể tiến hành giới thiệu các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội với các đối tác gửi khách tiềm năng và đây chính là sự hỗ trợ có hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Tuyên truyền, xúc tiến du lịch trong nước: Trong thời gian qua Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã xây dựng nội dung và market cho 02 ấn phẩm sẽ phát hành phục vụ công tác tuyên truyền và quảng bá cho ngành du lịch Hà Nội là Bản đồ Du lịch Hà Nội và Sách hướng dẫn du lịch
“Hanoi need to know”. Cuốn sách trên mới ở dạng song ngữ Việt Anh, thời gian tới cần nhanh chóng biên soạn một cuốn sách bằng 3 - 4 thứ tiếng trong đó có tiếng Hàn Quốc và cũng cần được phát không cho khách du lịch. Chi phí in ấn và phát hành có thể bù đắp một phần nhờ vào thu phí quảng cáo của các doanh nghiệp. Tiến tới có thể phát cho khách cuốn cẩm nang này dưới dạng đĩa CD - ROM. Ngoài việc phát hành tại các trung tâm thông tin, các nhà hàng, khách sạn, Hà Nội cũng nên cung cấp cuốn cẩm nang du lịch đó cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn để phát hành tại các hội chợ du lịch quốc tế.
Chương trình festival du lịch Hà Nội được tổ chức hàng năm đã tạo ra sự quan tâm của khách du lịch và đối tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều công ty còn khá bị động vì thời gian tham gia do lịch báo trước quá muộn, hiệu quả thu hút khách và ký kết hợp đồng với đối tác còn hạn chế.
Trong thời gian tới, khi tiến hành các liên hoan du lịch Hà Nội cần phải chú trọng tới các khía cạnh sau đây. Thứ nhất, là tăng cường các hoạt động quảng bá cho các liên hoan này. Kế hoạch và chương trình của liên hoan cần phải được gửi trước khoảng 5 - 6 tháng tới các doanh nghiệp lữ hành để các doanh nghiệp có đủ thời gian đưa vào trong các chương trình du lịch. Thông báo rộng rãi chương trình liên hoan tới các khách sạn trên địa bàn. Quảng cáo trên truyền hình, báo chí là hết sức cần thiết. Thứ hai, là cần chú trọng phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên địa bàn, đại diện của Vietnam Airlines, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, v.v… để mời đại diện của các công ty lữ hành gửi khách từ các thị trường gửi khách quốc tế đến tham dự liên hoan. Những công việc này phải được chuẩn bị ít nhất là 6 tháng trước khi tiến hành tổ chức liên hoan. Có thể nói lượng công ty lữ hành trong nước và nước ngoài sẽ quyết định tới uy tín của liên hoan. Chính vì vậy, liên hoan du lịch cũng cần được hoàn thiện cả về nội dung và hình thức tổ chức, cần tăng cường những hoạt động mà có thể thu hút đông đảo nguời tham dự liên hoan. Kết hợp tổ chức các buổi tham quan khảo sát với các buổi giao lưu gặp gỡ giữa các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội với các doanh nghiệp lữ hành gửi khách.
3.2.1.4. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, quản lý doanh nghiệp kinh doanh du lịch
Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, du lịch Hà Nội. Thế nhưng trên thực tế, các công ty du lịch đang phải khoanh tay nhìn du khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam thông qua những hãng lữ hành hoạt động "chui".
Thanh tra Tổng cục Du lịch cho biết, có ba kiểu kinh doanh du lịch "chui" tại Việt Nam: Thứ nhất, các công ty không có chức năng kinh doanh lữ hành nhưng vẫn tự tổ chức bán tour cho khách để trốn thuế; Thứ hai, là
hướng dẫn viên tự "đánh quả" hoặc người trong các khách sạn tự tìm khách; Cuối cùng, là núp bóng các công ty nước ngoài để hoạt động. Kiểu kinh doanh này đã khiến cho hình ảnh du lịch Việt Nam, hình ảnh du lịch Hà Nội bị biến dạng trong con mắt du khách du lịch Hàn Quốc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và Luật Du lịch của nước ta. Những doanh nghiệp kinh doanh có đăng ký trong nước khó cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp hoạt động "chui". Họ vừa có nguồn khách sẵn lại vừa trốn thuế nên bán tour với giá rẻ hơn các doanh nghiệp trong nước". Một hạn chế nữa là các doanh nghiệp du lịch Hà Nội quá thiếu hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Hàn Quốc.
Lầu đầu tiên sau bốn năm tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam đột ngột giảm 2,5% so bốn tháng cùng kỳ năm ngoái. Đây là hệ quả việc thanh tra kiên quyết xử lý các văn phòng đại diện chui hoặc núp bóng của Hàn Quốc tại Việt Nam, bởi các đơn vị này đang chi phối thị trường khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam. (xem Phụ lục 8)
Để kiểm soát chặt các doanh nghiệp lữ hành chui, thời gian tới Thanh tra Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cần thông báo công khai tên doanh nghiệp lữ hành “chui” trên trang web của