THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THU HÚT KHÁCH DU LỊCH HÀN QUỐC TẠI THỊ TRƯỜNG DU LỊCH HÀ NỘ
2.1.3. Nguồn lực tự nhiên, văn hoá và nhân lực
2.1.3.1. Nguồn tài nguyên tự nhiên
Với vị trí nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nổi tiếng, Hà Nội là cầu nối quan trọng giữa các tỉnh trung du, đồng bằng và miền núi. Hà Nội có vị trí địa lý thuận lợi - là đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không nối với các tỉnh, địa phương của Việt Nam và với các nước trong khu vực và thế giới, có điều kiện để phát triển du lịch. Hà Nội hấp dẫn với hệ thống sông ngòi, ao, hồ phong phú, có giá trị như sông Hồng, Hồ Gươm, Hồ Tây, Ao Vua, Khoang Xanh,… là điểm dừng chân và kết thúc của các chương trình du lịch hấp dẫn ở nước ta.
Hà Nội có khí hậu rất phù hợp cho hoạt động du lịch với nhiệt độ trung bình 170C-230C có bốn mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông và đặc biệt hấp dẫn với “mùa thu vàng”. Trung bình hằng năm, nhiệt độ không khí 23,6oC; độ ẩm 79%; lượng mưa 1.245 mm. Mỗi năm có khoảng 114 ngày mưa. Sự luân chuyển của các mùa làm cho khí hậu Hà Nội thêm phong phú, đa dạng và có những nét riêng. Từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa hè: nóng và thi thoảng có mưa rào. Từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa thu. Thời tiết khô ráo, trời cao, xanh. Từ tháng 11 đến tháng 01 năm sau là mùa đông: Thời tiết lạnh, khô ráo. Từ tháng 2 đến tháng 4 là mùa xuân: mùa của những lễ hội truyền thống độc đáo, mở đầu là Tết nguyên đán, lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Việt Nam.
2.1.3.2. Nguồn tài nguyên văn hoá
Trải qua mấy ngàn năm, với truyền thống lịch sử lâu đời, đã để lại trên mảnh đất này nhiều di tích nổi tiếng, nhiều công trình kiến trúc đẹp, nghệ thuật dân gian phong phú đa dạng cả về thời gian và loại hình có giá trị cực kỳ to lớn đối với du lịch.
Nếu so sánh giữa 3 trung tâm văn hoá du lịch lớn của cả nước là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và Thừa Thiên - Huế thì tỷ lệ di tích được xếp hạng của Hà Nội có lợi thế hơn về số lượng các di tích. Trong số các di tích đã được xếp hạng của Hà Nội thì số lượng các di tích kiến trúc nghệ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là di tích lịch sử và di tích nghệ thuật. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều bảo tàng lớn và quan trọng nhất của nước ta, đáng chú ý nhất là Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Địa chất,... Những bảo tàng này phản ánh tập trung nhất, hàm súc nhất và khá đầy đủ những chặng đường phát triển của đất nước và của dân tộc, phản ánh những nét đặc sắc nhất về văn hoá và con người Việt Nam, nên thường là điểm xuất phát đầu tiên của các tour du lịch của du khách đến tham quan Hà nội.
Hà Nội, còn có những di tích có giá trị đặc biệt, có khả năng thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế, cần được coi là lợi thế khi thiết kế các chương trình du lịch.
Đồng bằng sông Hồng mà Hà Nội là trung tâm, còn có nhiều các lễ hội truyền thống cần được khai thác. Những lễ hội dân gian ở Hà Nội bao quát những nét cơ bản của lễ hội cả nước, tuy vậy, Hà Nội cũng có những lễ hội mang tính đặc trưng riêng như lễ hội An Dương Vương ở Cổ Loa (mùng 6 tháng Giêng âm lịch), Hội Chùa Hương (mùng 6 tháng giêng đến rằm tháng 3 âm lịch), Hội Gióng ở Phù Đổng (mùng 9 tháng Tư âm lịch), Hội Đền Hai Bà Trưng (mùng 6 tháng Hai âm lịch), ...
Đến Hà Nội du khách có thể tìm thấy những nghề đặc sắc như nghề làm tranh dân gian (tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ); nghề gốm sứ Bát Tràng; nghề làm giấy gió lụa, dệt tơ tằm ở Bưởi; nghề thêu ở Yên Thái; nghề đúc đồng ở Ngũ Xã; nghề dệt lụa Vạn Phúc; nghề thêu Quất
Động; nghề trạm khảm trang trí (khảm trai Chuyên Mỹ, sơn mài Duyên Thái, mây tre đan Phú Vinh,... nơi đây tập trung nhiều nghề thủ công tinh xảo, và có nhiều thợ thủ công tài ba.
Hà Nội là trung tâm lớn về văn hoá của cả nước, trong quá khứ đã là kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mấy năm gần đây Hà Nội hình thành nhiều trung tâm văn hoá nghệ thuật có sức hấp dẫn lớn như: Nhà hát Múa rối nước Trung ương; Nhà hát Múa rối nước Thăng Long; Nhà hát Chèo Trung ương, Rạp Xiếc Trung ương Việt Nam, ....
Người Hà Nội rất chú trọng đến cách ăn uống và coi đó như là một sự thưởng thức văn hoá. Món ăn Hà Nội phong phú và hấp dẫn, nhiều món ăn dân dã nhưng rất đặc sắc và cầu kỳ trong chế biến như các loại bún (bún ốc, bún riêu cua,...), bánh cuốn Thanh trì, chả cá Lã vọng, bánh tôm Hồ Tây, và đặc biệt các du khách đến Hà Nội không thể bỏ qua món phở và cốm Vòng,...
2.1.3.3. Nguồn nhân lực
Lực lượng tham gia vào hoạt động du lịch ngày càng đông đảo. Toàn thành phố có khoảng 30.000 người trực tiếp tham gia các hoạt động kinh doanh du lịch, tập trung vào các lĩnh vực: lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí và các dịch vụ phục vụ khách du lịch khác. Con số trên chưa kể đến một số lượng lao động lớn đang phục vụ trong các ngành dịch vụ liên quan đến khách du lịch như hàng không, thương mại, giao thông, vận tải, bưu chính, viễn thông...
Theo điều tra trong lĩnh vực lữ hành: các doanh nghiệp nhà nước thường có từ 20 - 30 nhân viên và 10 - 50 cộng tác viên hướng dẫn. Các doanh nghiệp liên doanh thường có từ 15 - 20 nhân viên văn phòng và 100 cộng tác viên hướng dẫn. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thường có từ 5 - 15 nhân viên văn phòng và 20 cộng tác viên hướng dẫn.
Về trình độ nhân lực, phần lớn nhân viên các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và khách sạn lớn có trình độ đại học, sử dụng được ngoại ngữ và các thiết bị thông tin hiện đại như máy tính, kết nối Internet, trao đổi qua thư điện tử, trang Web... Đặc biệt các doanh nghiệp liên doanh có đội ngũ cán bộ trình độ cao, các doanh nghiệp nhà nước có tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lực lượng cán bộ ít và không ổn định.