Trong những năm gần đây, công tác xúc tiến đầu tư đã tác động quan trọng vào việc thu hút và sử dụng hiệu quả vốn FDI, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
3.9.1 Thực trạng công tác xúc tiến đầu tư ở Việt Nam
Từ chỗ chỉ được coi là công tác xúc tiến dự án trước cấp phép, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động xúc tiến đầu tư dần được mở rộng và bao quát cả công tác thúc đẩy triển khai và mở rộng dự án sau cấp phép.
Nhằm tạo thuận lợi cho công tác xúc tiến đầu tư, ngoài việc đưa hoạt động này vào phạm vi điều chỉnh của hệ thống luật pháp về đầu tư nước ngoài, Chính phủ còn ban hành nhiều văn bản khác có liên quan như Chỉ thị 56/1988 về kinh tế đối ngoại, Chỉ thị 163/1989 về phương hướng gọi vốn đầu tư nước ngoài.
Hệ thống tổ chức thực hiện công tác xúc tiến đầu tư từ trung ương đến địa phương cũng dần được hoàn thiện. Cho đến nay, hầu hết các địa phương đã thành lập các trung tâm chuyên trách về xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, Việt nam đã thiết lập được hệ thống chân rết về xúc tiến đầu tư năng động ở nước ngoài, đó là các cơ quan đại diện ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam ở nước ngoài. Sắp tới, các bộ phận chuyên trách về xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm sẽ thành lập.
Bên cạnh việc mở rộng quy mô, công tác xúc tiến đầu tư ngày càng được triển khai chuyên nghiệp, chủ động hơn ở cả cấp địa phương và quốc gia như liên tiếp tổ chức các đoàn công tác, các hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, trong đó hướng tới một số đối tác trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, các nước ASEAN; mở rộng các chương trình hợp tác song phương cũng như hoàn thiện việc ký kết hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với nhiều nước. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 51 hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, trên 40 hiệp định tránh đánh thuế trùng và tham gia vào nhiều công ước, hiệp định đầu tư khu vực khác.