Thực trạng về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Một phần của tài liệu so sánh môi trường đầu tư của việt nam và một số nước trong khu vực (Trang 44)

Việt Nam bắt đầu tham gia với cộng đồng quốc tế về vấn đề SHTT khá sớm. Từ năm 1949, Việt Nam đã tham gia Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá. Đến năm 1976, Việt Nam tham gia công ước Stockholm về thành lập tổ chức SHTT thế giới. Nhưng quá trình tham gia và xác lập quyền SHTT của Việt Nam mới đi vào thực chất kể từ khi nền kinh tế Việt Nam tích cực hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam bắt đầu thực hiện tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo đó, nhiều các văn bản, quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm hiện thực hoá việc xác lập quyền SHTT trong điều kiện Việt Nam. Bộ Luật Dân sự năm 1995 đã dành phần IV với 61 điều đề cập đến vấn đề SHTT và chuyển giao công nghệ, tiếp đó là hàng loạt các văn bản pháp quy về SHTT đã được ban hành. Ví dụ như Nghị định 63/CP của Chính phủ ban hành ngày 24/10/1996 về việc bảo hộ sáng chế, các giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cũng như xuất xứ hàng hoá; Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 nhằm giải thích các quy định nêu tại phần IV bộ Luật Dân sự; Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3/10/2000 quy định về việc bảo hộ bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp; Nghị định 6/2001 bổ sung các quy định về đăng ký quyền đối với sở hữu công nghiệp (kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, các phát minh, sáng chế, tên gọi xuất xứ hàng hoá); Nghị định 13/2001/NĐ-CP ngày 20/4/2001 về bảo hộ giống cây trồng mới; Công ước Berne chính thức có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam từ 10/2004,…

Với tư cách là thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã và đang tiêu chuẩn hoá và thực hiện các cam kết về khung pháp luật bảo vệ quyền SHTT. Trong đó có 2 vấn đề cơ bản mà Việt Nam phải thực hiện trong hoạt động này đó là: (i) phải có một khung pháp lý về SHTT hoàn thiện, đầy đủ và đạt tiêu chuẩn theo quy định của Hiệp định TRIPS và tham gia một loạt các điều ước quốc tế khác như bản quyền, sử dụng tín hiệu vệ tinh,…; và (ii) Việt Nam phải có một hệ thống thực thi quyền SHTT hiệu quả.

Cho đến hiện nay, nếu so với yêu cầu của TRIPS thì về cơ bản hệ thống bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam đã được hình thành tương đối đầy đủ, Luật SHTT được ban hành năm 2005, có hiệu lực từ 01/7/2007 đã thay thế toàn bộ các Nghị định và văn bản hướng dẫn về từng lĩnh vực của SHTT trước đó, đồng thời cũng thống nhất và tập hợp các quy định riêng lẻ đó vào trong Luật SHTT với sự phân định rõ ràng thành 3 lĩnh vực: bản quyền, sở hữu công nghiệp và giống cây trồng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi quyền SHTT còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền SHTT còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn nhiều vấn đề cần xem xét,… dẫn đến trình trạng vi phạm, xâm phạm quyền SHTT đang diễn ra khá phổ biến. Hầu như mọi chủng loại sản phẩm hàng hoá đều có hàng nhái, hàng có chứa yếu tố vi phạm quyền sở hữu,... Do vậy, vấn đề đặt ra là cần có một định hướng rõ ràng, hiệu quả nhằm nâng hiệu lực của việc thực thi quyền SHTT trong thực tế.

Một phần của tài liệu so sánh môi trường đầu tư của việt nam và một số nước trong khu vực (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(54 trang)
w