Thực trạng nguồn lao động của Việt Nam

Một phần của tài liệu so sánh môi trường đầu tư của việt nam và một số nước trong khu vực (Trang 26)

Việt Nam có nguồn lao động trẻ, chất lượng của nước ta ngày càng được cải thiện, giá cả sức lao động rẻ hơn so với nhiều nước trên thế giới. Chỉ số phát triển nguồn nhân lực ở

Việt Nam đạt mức cao hơn trình độ phát triển kinh tế, phản ánh những điểm nổi trội của chất lượng nguồn nhân lực, lao động có khả năng tiếp thu công nghệ mới phục vụ nâng cao hiểu quả sản xuất.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến nhiều quốc gia chưa thực sự muốn thúc đẩy cho tiến trình tăng vốn đầu tư vào Việt Nam là do chất lượng lao động còn quá nhiều bất cập và trình độ quản lý nguồn nhân lực còn yếu. Họ lo ngại về sự thiếu hụt trầm trọng của đội ngũ lao động trình độ cao tại Việt Nam. Điều này làm giảm đi lợi thế về giá nhân công rẻ và nguồn nhân lực dồi dào tại nước ta. Theo đánh giá thì lao động Việt Nam còn có nhiều vấn đề trong ý thức chấp hành kỷ luật lao động và năng suất lao động cơ bản. Trong khi đó công tác đào tạo nghề cho lao động phổ thông còn nhiều bất cập. Mạng lưới cơ sở dạy nghề tuy đã hình thành và phát triển nhưng đa số các cơ sở đều có quy mô nhỏ bé, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiết bị máy móc lạc hậu, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chất lượng còn hạn chế. Việc đào tạo trong nhà trường mang nặng tính lý thuyết, lao động rất ít được thực hành, ít được cọ xát với thực tế nên khi ra làm việc tại công ty họ luôn ở thế bị động.

Theo kết quả điều tra dân số đến tháng 12/2010, Việt Nam có gần 87 triệu người. Điều này phản ánh nguồn nhân lực của Việt Nam đang phát triển dồi dào. Nguồn nhân lực Việt Nam được cấu thành chủ yếu là nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ và nhân lực của các ngành, nghề. Trong đó, nguồn nhân lực nông dân có gần 62 triệu người, chiếm hơn 70% dân số; nguồn nhân lực công nhân là 9,5 triệu người (gần 10% dân số); nguồn nhân lực trí thức, tốt nghiệp từ đại học, cao đẳng trở lên là hơn 2,5 triệu người, chiếm khoảng 2,15% dân số; nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp khoảng 2 triệu người, trong đó, khối doanh nghiệp Trung Ương gần 1 triệu người,... Sự xuất hiện của giới doanh nghiệp trẻ được xem như một nhân tố mới trong nguồn nhân lực, nếu biết khai thác, bồi dưỡng, sử dụng tốt sẽ giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay ở Việt Nam đang hình thành 2 loại hình nhân lực: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Nhân lực phổ thông hiện tại vẫn chiếm số đông, trong khi đó, tỷ lệ

nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo số liệu thống kê năm 2010, trong số 20,1 triệu lao động đã qua đào tạo trên tổng số 48,8 triệu lao động đang làm việc, thì chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chiếm khoảng 40%. Cơ cấu đào tạo hiện còn bất hợp lý được thể hiện qua các tỷ lệ: Đại học và trên Đại học là 1, trung học chuyên nghiệp là 1.3 và công nhân kỹ thuật là 0.92; trong khi trên thế giới, tỷ lệ này là 1-4-10.

Ngoài ra, theo Nhóm nghiên cứu PCI năm 2010, 40% doanh nghiệp nước ngoài cho biết phải đầu tư để đào tạo tại chỗ cho người lao động trước khi bắt tay vào làm việc tại công ty, điều này đã tiêu tốn 8% tổng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, sau khi được đào tạo chỉ có 65% người lao động tiếp tục ở lại làm việc cho doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, lao động Việt Nam không rẻ như kỳ vọng ban đầu của các nhà đầu tư. Đây cũng là lý do chỉ có 18% doanh nghiệp FDI cảm nhận tích cực về chất lượng giáo dục lao động phổ thông tại Việt Nam.

Hiện nay, theo Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) số ra ngày 14/3/2012 cho rằng Việt Nam đang mất dần lợi thế lao động giá rẻ trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản. Ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản mở rộng cơ sở sản xuất tại các nước châu Á nhằm tận dụng lợi thế lao động giá rẻ. Tuy nhiên, đến nay lợi thế này đang mất dần và Việt Nam là một ví dụ. Ông Kazuto Yachi, Tổng Giám đốc Công ty HAL, chi nhánh sản xuất duy nhất đặt ở nước ngoài của tập đoàn Hiroshima Aluminum, cho biết: “Làn sóng các công ty Nhật đổ xô vào Việt Nam tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa họ trong việc thu hút nhân tài. Chúng tôi ngày càng khó tìm được lao động có tay nghề”. HAL ra đời tại Việt Nam tháng 12-2002, đặt tại khu công nghiệp (KCN) Thăng Long, nhà máy chỉ có hơn 300 công nhân nhưng ông Yachi cho biết họ sẵn sàng ra đi nếu tìm được công việc với mức lương cao hơn.

Có thể thấy, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có các đặc điểm sau:

- Nguồn nhân lực khá dồi dào, nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức; chưa được quy hoạch, khai thác; chưa được nâng cấp; chưa được đào tạo đến nơi đến chốn.

- Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa lượng và chất.

- Sự kết hợp, bổ sung, đan xen giữa nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức,… chưa tốt, còn chia cắt, thiếu sự cộng lực để cùng phối hợp thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Báo chí nước ngoài thường bình luận người Việt Nam thông minh, rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt và tiếp thu cái mới. Tiếc rằng nguồn nhân lực này lại chưa được khai thác đầy đủ, đào tạo chưa bài bản, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam.

Một phần của tài liệu so sánh môi trường đầu tư của việt nam và một số nước trong khu vực (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(54 trang)
w