Để tìm hiểu sâu sắc tác phẩm văn học ta cần tìm hiểu điểm nhìn nghệ thuật bởi lẽ để miêu tả, trần thuật nhà văn buộc phải xác định, lựa chọn điểm nhìn hợp lí. Trong văn học điểm nhìn trần thuật được hiểu là vị trí người trần thuật quan sát, cảm thụ và miêu tả, đánh giá đối tượng. Người ta có thể nói đến điểm nhìn qua bình diện tâm lí( điểm nhìn bên trong hay điểm nhìn bên ngoài), qua trường nhìn ( của tác giả hay của nhân vật). Trong tác phẩm, việc tổ chức điểm nhìn trần thuật bao giờ cũng mang tính sáng tạo cao độ. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp giá trị của tác phẩm bắt đầu từ việc nhà văn cung cấp cho người đọc một cái nhìn mới về cuộc đời. Mặt khác thông qua điểm nhìn trần thuật người đọc có dịp đi sâu tìm hiểu cấu trúc tác phẩm và nhận ra đặc điểm phong cách của nhà văn.
Đến với các sáng tác kí sau 1945 về Hà Nội, một đặc điểm dễ nhận thấy là hầu hết điểm nhìn trần thuật thường gắn với cái tôi ngôi thứ nhất. Cái tôi ấy chính là tác giả trực tiếp tham gia vào quá trình trần thuật, phân tích, đánh giá sự kiện. Do đó trong tác phẩm thường nhân vật “tôi” đồng nhất với tác giả và là người tự bộc bạch, tự phơi bày tâm trạng hoặc tự kể lại , hồi tưởng lại những điều mình chứng kiến và trải qua
* Trong Chuyện cũ Hà Nội nhân vật “tôi” kể về thời niên thiếu của mình với “ bẫy chim, chơi chim” “’ khám ghẻ ”…về những người thân ruột thịt: ông ngoại, bác cả, người u, dì Năm…, về cuộc sống ở quê nhà- vùng
ngoại ô Hà Nội :Nghĩa Đô, về nội thành đa đoan, lắm chuyện, về những món ăn, thức uống , lễ hội của Hà Nội xưa và nay…
Cái tôi tác giả cho phép xuất hiện những dòng hồi tưởng miên man như bất tận. Người đọc như được trở về một vùng quê quen thuộc với căn nhà, mảnh vườn tươi tốt, góc phố, hàng cây, khu chợ…kí ức xa xưa tưởng chừng như chưa hề phai nhạt, người đọc như cảm thấy đó là sự vật, con người của hôm qua, hôm kia mà thôi…Ta hãy thử đọc một đoạn hồi tưởng tươi rói kỉ niệm của sắc màu, của gió, của mưa được nhìn qua con mắt trẻ thơ: “Mùa xuân đến, có mưa bụi. Mưa bụi như phấn trắng dây khắp chân trời. Trong bụi mưa, từng đàn chim nho nhỏ ríu rít bay về vườn cây trước sân. Tôi đã nhận ra những tiếng ánh ỏi khác nhau của con chim sâu và chim khuyên. Hạt mưa đọng đầu cành, mép chiếc lá non, trong lòng đào phai, giọt sương long lanh cánh chim lướt qua. Hạt rơi xuống như sương sa. Không biết đấy là hạt sương hay bụi mưa đọng. Tôi thích nghe tiếng hót chim vành khuyên trắng ngần ”.
Với Thương nhớ mười hai Vũ Bằng đưa người đọc về những kỉ niệm ngọt ngào thơ mộng của tình vợ chồng qua những dòng hồi tưởng: “vợ chồng dắt nhau đi vào trong ánh trăng, lúc ấy cảm thấy mình đi trên trần mà dường như có cánh ở dưới chân”, “nhớ những buổi tối cùng vợ đi xe giờ về mạn Láng, nằm trên nệm cỏ thơm ngửa mặt lên trời xem mây bay cùng ăn trái vải đầu mùa”. Nhớ về cơn mưa riêu riêu Hà Nội, về hương đêm ngào ngạt trên phố vắng…Dòng hồi tưởng miên man trôi về quá khứ, dường như đây là lúc cái tôi bộc lộ sâu sắc nhất tình cảm sâu kín của mình.
Còn Nguyễn Tuân qua cái tôi nghĩ suy về những người nông dân trồng hoa bao đời đã thể hiện bao tình cảm chân thành của mình với nỗi khổ không chỉ của người trồng hoa mà của người nông dân lao động nghèo khổ nói chung: “Tôi còn nhớ đến bao nỗi khổ tình thương của những chị trồng hoa
cho nhà địa chủ Ngọc Hà,Hữu Tiệp. Đêm đêm, một bong một đèn góc vườn vắng. Giọt sương khuya đọng trên hoa lá, có khác chi muôn nghìn giọt nước mắt nhỏ ra từ tròng mắt những người làm vườn xảy chân vào nhà địa chủ. Tâm hồn người nghèo nhiều cái cao quý vậy thay! Biết hoa nở đến đâu là địa chủ ăn hết, biết mình chẳng dự phần vào đấy, nhưng vẫn nâng niu chăm bón từng cánh hoa, gốc hoa, trân trọng cái lành, cái đẹp trong trời đất”( Làng hoa- Nguyễn Tuân). Nhưng đặc biệt ở Nguyễn Tuân là sự tài hoa uyên bác vì vậy cái tôi của Nguyễn Tuân qua một số kí về Hà Nội thường thể hiện một sự hiểu biết sâu rộng. Ví như nói về Phở, ông lí giải ngọn nguồn từ cái tên phở, đến cách đặt tên cửa hàng phở, rồi ngày nay người ta còn sáng tạo thêm những loại phở mới: chữ phở bắt nguồn từ chữ “ngưu nhục phấn” và ta đã Việt Nam hóa chữ phấn thành chữ phở”; cách đặt tên cửa hàng phở thường chỉ dùng một tiếng; người ta không chỉ làm phở bò mà còn có cả phở vịt, phở xá xíu, phở chuột, phở ngầu pín, phở gà…nhưng theo Nguyễn Tuân đã là Phở thì phải là phở bò là - đó là nguyên tắc cơ bản của phở.
Không chỉ kể, tả lại những sự kiện mình trực tiếp chứng kiến mà cái tôi còn được bộc lộ cảm xúc của chính mình. Đó có thể là cảm xúc buồn vì cái gì sắp mất “còn tôi thì thấy nao nao buồn vì dự cảm đến một ngày không xa nữa, không còn được nếm những hạt cốm non ngọt hương vị đòng đòng, thơm như sữa mẹ, gợi nhớ đến đất dai, cây cỏ, tổ tiên, dòng giống…đến tận đáy lòng này nữa. Tôi còn buồn một nỗi cứ hô hào giữ gìn truyền thống văn hóa của ông cha, nhưng lại không giữ được mảnh đất đã sinh ra dòng sữa, hương thơm, cội nguồn của văn hóa cổ truyền, tinh hoa của dân tộc trước sự xâm thực ồn ào như vũ bão của lối sống bon chen” (Làng Vòng- Mai Thục); một tâm trạng thảng thốt “Mỗi khi chợt nghĩ lại,tôi vẫn còn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy. Hình như bỗng một hôm ai vét đi hết
gạo, gạo chợ lên vùn vụt. Người ta chạy quanh , nháo nhác(Chết đói- Tô Hoài). Nhớ lại ngày ấy, những khi buồn bã mưa dầm gió bấc, không hiểu tại sao chỉ thấy nhớ ban đêm- (Tiếng rao đêm- Tô Hoài)
Như vậy quan điểm trần thuật tham dự khiến cho cái tôi của nhà văn có dịp bày tỏ, được bộc bạch phơi bày tâm trạng của mình. Người đọc như được dẫn dắt qua những chặng đường phiêu lưu, chứng kiến những vui buồn của nhân vật và thái độ tình cảm của nhà văn trước diễn biến của sự việc.
Điều đặc biệt hấp dẫn những trang kí giai đoạn này không phải chỉ là luôn tôn trọng tính xác thực mà trong khi kể còn đan xen những dòng liên tưởng, những liên tưởng này đã đem lại chất trữ tình cho các tác phẩm kí : Vũ Bằng có những liên tưởng thật thú vị : “Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở, thật là cả một bài trí nên thơ”. Còn đây là quang cảnh hàng phở bò qua cái nhìn cận cảnh cũng thật đẹp, sinh động và nên thơ: “Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm…Một làn khói tỏa ra khắp làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu về những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu”.
Từ một món ăn quen thuộc của Hà Nội mà ta như được chiêm ngưỡng một bức tranh thanh tao trang nhã đậm ý vị thiền phật, bảng lảng sương khói của cõi mơ hồ của những tiên ông trong rừng thu xa vắng. Cảnh trần mà đẹp như tiên, thực mà như ảo.
Nhờ sự so sánh liên tưởng mà mùa thu Hà Nội hiện lên đầy sắc tình mời gọi. “Mùa thu Hà Nội mang trên mình những nét yêu kiều diễm ảo nhất- như cô gái đã bước qua tuổi thiếu nữ chưa phát triển hết, bước vào tuổi
thanh niên rực rỡ nhưng hơi đáng sợ, và cô gái cũng chưa bước vào tuổi thiếu phụ ở dốc bên kia thấp thoáng ánh tà. Ôi sắc đẹp của tuổi vừa đủ độ chín của mặn mà đằm thắm, nây tròn như quả chín cây”. (Hương đêm Hà Nội – Băng Sơn). Trăng tháng tám: trăng ơi, sao trăng khéo đa tình, cứ đi hoài theo chân cô gái tuyết trinh và lẻn cả vào phòng the.
Sự liên tưởng trong kí của Nguyễn Tuân độc đáo, đặc sắc. Khi đang ngồi tránh máy bay trong hầm Hồ Gươm bất chợt nhìn thấy hoa lộc vừng thế là nhà văn liền kể một đoạn dài về loài hoa này. ..Từ cây lộc vừng tác giả nhớ về hai mươi bảy năm năm trước khi Pháp- Nhật đánh nhau tác giả cũng ngồi dưới hầm như thế nào … rồi đột nhiên quay trở lại hiện tại kể về máy bay thủ đô đánh Mỹ. Sự liên tưởng này giúp người đọc hiểu nhân dân Việt Nam đánh Mỹ nhưng vẫn hào hoa, lãng mạn, trong tư thế chính nghĩa: bình tĩnh, tự tin khác hẳn với mấy chục năm trước.
Hay khi đang nói về lũ giặc lái bị bắn rơi trên miền Bắc, đột nhiên tác giả trích dẫn một đoạn dài kể về lí lịch của tổng giám mục Xit-pen-man của quân đội Mỹ. Thực chất ngài là ai? dưới quyền ngài có bao nhiêu cha tuyên úy? Xưa ngài làm ngề gì? Ngài ăn lương chính ở đâu? Sự liên tưởng này đâu phải là sự lan man mà qua đó tác giả muốn cho nhân dân ta hiểu rõ hơn chân tướng của đức cha “đáng kính” này: lột tẩy bản chất giả dối, xảo trá của y, để từ đó có quyết tâm tiêu diệt kẻ thù
Rồi khi đang mô tả cái bộ dạng nhếch nhác, thảm hại của bon tù Mỹ, chợt nhìn thấy đôi dép Thái Lan của chúng. Vậy là tác giả liền quay sang nói chuyện Thái Lan là nước nào, có quan hệ với Mỹ ra sao…Dụng ý muốn người đọc hiểu rõ về Thái Lan và các nước đồng minh
Còn Băng Sơn khi đang miêu tả về món xôi vò lại có thể tạt sang lòng người vì hành động được gợi ra từ tên gọi hai loại xôi “vò”, “xéo”: “ Xôi vò đựng trong cái đĩa nhỏ xíu, chỉ mấy nhúm ngón tay đã hết. Từng hạt xôi
tưởng như rời rạc mà lại quyện vào nhau khi ta nhai với cảm giác ngọt ngào êm ấm. Cái hạt xôi vò kì lạ, mềm mà không nát, khô mà không cứng, đỗ xanh phủ mỏng ngoài còn bên trong là hạt gạo nếp căng phồng như cái bụng con ong non. Một chút xôi chè ấy ăn vào buổi trưa, thật đúng là Hà Nội. Xôi xéo lại khác, từng cục to nhỏ khác nhau là món ăn sáng. Thì ra “vò” với “xéo” khác nhau lắm nhỉ? Còn con người, khi tấm lòng bị vò, bị xéo chắc cũng chẳng khác nhau lắm”
Tác giả là người trực tiếp tham gia vào quá trình trần thuật, tự bộc lộ cảm xúc. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng là trần thuật độc thoại mà điểm nhìn trần thuật có sự dịch chuyển sang đối thoại. Có nghĩa là không chỉ có nhà văn là người có quyền ban bố chân lí áp đặt tư tưởng mà sự việc sẽ được miêu tả từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Trong Tiếng phách Nhị Hà đó là một cuộc đối thoại nối tiếp nhau giữa tác giả và nghệ nhân Quách Thị Hồ. Ở đây tác giả để cho nhân vật của mình tự bộc lộ cảm xúc, nghĩ suy sau một kiếp đời long đong, nhiều đa đoan:
-Bà ơi, bà có buồn không? -Sao lại không buồn.
Giọng bà xa xôi, se sắt: Tôi ngồi tôi ngẫm cái thân tôi rằng, tôi không phải vì đẹp, không phải vì tài giỏi mà kiêu kì không yêu ai. Tôi chưa được yêu, gần chết rồi mà vẫn chưa được yêu...”
Như vậy điểm nhìn nghệ thuật theo quan điểm người tham dự đem lại cảm xúc chân thực, sống động cho bài kí, phải chăng đó cũng chính là điểm hấp dẫn cho người dọc muôn đời.