Trong những năm tháng chiến tranh chống Pháp, đặc biệt là chống Mỹ, nhiều bạn bè quốc tế khi được hỏi về ấn tượng của họ đối với Hà Nội đều cho rằng đó là: Chiến tranh và Hòa Bình. Chiến tranh là gian khổ, thiếu thốn, là tâm trạng lo âu phấp phỏng, thậm chí là đau thương chết chóc đó là hiện thực, là sự thật mà người dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng đã trải qua. Nhưng khi tận mắt chứng kiến cuộc sống thường nhật của người dân thủ đô thì dường như tất cả đau thương hoảng loạn của chiến tranh đều mờ khuất sau tư thế ung dung, sự bình thản hiếm thấy ở bất cứ dân tộc nào phải trải qua chiến tranh ác liệt như vậy.
Trong chiến tranh, cuộc sống tuy có căng thẳng hơn nhưng người Hà Nội vẫn sinh hoạt bình thường: đi chợ, làm việc…không chút kinh hoàng sợ hãi. Đặc biệt họ vẫn giữ thói quen rất đẹp, rất sang của riêng Hà Nội. Đó là thói quen đi dạo quanh hồ Gươm, hồ Tây, hay những con đường rợp bóng cây mát rượi của Cổ Ngư. Nhiều người nghĩ rằng : chiến tranh nổ ra, bom đạn liên miên, loạn li sơ tán, người Hà Nội sẽ phải bỏ thói quen này. Nhưng ta vẫn thấy vào mỗi buổi sáng sớm hay buổi chiều “cho xe đạp tua một vòng hồ, ấy là thói quen của khá nhiều người thủ đô mở ra khép lại một ngày lao động xã hội chủ nghĩa của mình” (TTNT.T3.Tr18). Không vì chiến tranh mà họ bỏ thói quen của mình. Thậm chí “có những ngày đường quanh hồ đông như hội chợ, mặc dù là còi báo động nổi lên tắt đi, lại nổi lại tắt hàng ba bốn lần”(TTNT.T3.Tr18). Nếu không đi dạo quanh hồ, họ có thể tụ tập nhau tại quán bia ở bên hồ vào mỗi buổi chiều. Hôm nào “càng báo động nhiều thì những quán bia càng đông, càng có nhiều người tới để trò chuyện”. Bom đạn không làm cho người Hà Nội phải chui vào hầm mà lại làm cho họ đi ra ngoài phố, tới các quán bia. Ở đây họ có thể bàn luận về mọi thứ chuyện. Song nhiều nhất có lẽ là những câu chuyện xoay quanh bọn giặc lái Mỹ bị bắt sống, tàu bay Mỹ bị bắn hạ…Ở đây ai
cũng có thể tham gia vào câu chuyện bất luận già, trẻ lớn, bé…Với người Hà Nội, tụ tập nhau lại đây là cách để chia sẻ niềm vui chến thắng của thủ đô với nhau. Một cách ăn mừng bình dân văn minh thể hiện tinh thần đoàn kết và lối sống cộng đồng của dân Việt nhưng cũng rất đặc trưng Hà Nội. Thói quen này đến nay vẫn được người Hà Nội giữ, mỗi khi có sự kiện vui họ lại túa ra đường cùng hò reo ăn mừng như một đại gia đình.
Một thói quen nữa của người thủ đô là thói quen đọc sách. Đọc sách là một thói quen rất văn hóa của người Hà Nội. Thói quen này phù hợp với với những ai không ưa sự ồn ào của phố phường . Họ muốn trầm tĩnh, suy tư bên những trang sách để mà ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái. Bởi vậy đọc sách cần phải có thời gian cần thiết, không gian yên tĩnh. Trong điều kiện chiến tranh những yêu cầu khi đọc sách thật khó có thể thực hiện được, người đọc sách sẽ ít đi, vậy mà “các hiệu sách cả cũ lẫn mới vẫn ùn ùn người tiến vào lục sách cả xưa lẫn nay”(TTNT.T3,Tr21 ). Trong chiến tranh người Hà Nội vẫn thói quen thưởng thức những món quà Hà Nội. Ngay sau khi Ních xơn mở chiến dịch B52 ném bom xuống Hà Nội, Khi mà “kinh thành chưa nhạt khói trận, trăng cuối tháng chạp vẫn soi lên tội ác B52, những vệt trăng kéo dài hàng cây số miệng núi lửa thời đồ đá Nichxon “thì người ta vẫn thấy bà cụ bán bún thang xuất hiện đều đặn không nghỉ buổi nào, càng gần tết càng ngon lành, lại có cà cuống cay nữa”. Dường như chiến tranh không làm cho người Hà Nội bỏ thói quen hàng ngày của họ. Bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn bình tĩnh thư thái. Lúc nào đánh giặc thì họ đánh, lúc nào không họ có thể làm việc, đi lại, ăn uống bình thường. Những tên lính Mỹ khi được tận mắt nhìn thấy tác phong của Hà Nội phải thốt lên:
“ lúc nào bắn súng thì họ bắn, lúc ngừng bắn vào dịp tết thì họ cầm vào hoa mùa xuân. Thật là một sự năng động có loogic và thật là có văn minh”.
Cứ mỗi ngày qua đi, dù phải chiến đấu, cảnh giác với máy bay địch suốt ngày đêm nhưng họ dường như không biết mệt mỏi, lo lắng. Họ có đủ thời gian để làm những việc cần thiết mà không phải vội vàng, đặc biệt là việc đi chợ hoa, chọn hoa. Cuộc sống của họ luôn luôn là như thế. Giữa những ngày oanh tạc của bom B52, phố phường Hà Nội tan hoang … thì giữa thủ đô vẫn diễn ra một đám cưới giữa chị xạ thủ số 1 sử dụng nòng 14 ly 5 vào loại không vừa và anh trung đội trưởng một đại đội tự vệ pháo tầm cao của công nhân khu Đóng Đa. Đám cưới của họ vẫn được tổ chức đầy đủ, chu đáo như bất cứ đám cưới bình thường nào: “trang trí phòng cưới bằng “một màn phông xanh lơ, một thứ màu da trời trong vắt…có chữ triện song hỷ, có đôi chim bồ câu trắng; trang phục của cô dâu, phù dâu cũng đều rất đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc “áo vàng hoàng yến, áo phấn hồng. Ba cô phù dâu đều áo dài tha thướt như cô dâu”(TTNT.T2.Tr564).Chiến tranh là hủy diệt nhưng với Hà Nội chiến tranh lại như thứ nước rửa làm sáng trong hơn hình ảnh con người Hà thành trong cuộc sống sinh hoạt đời thường: điềm tĩnh, hiên ngang thách thức trước bất kì thế lực bạo tàn nào.
Trong chiến tranh người Hà Nội mang vẻ đẹp hiên ngang tự tin của tráng sỹ xưa là vậy, khi trở về với cuộc sống đời thường trong hòa bình họ sống gia giáo, có tinh thần trách nhiệm cao : người già dạy bảo trẻ, trẻ chịu khó học hành, kính trọng các thế hệ đi trước. “ Cụ bà Ba Thành 73 tuổi nhưng vẫn tham gia đóng góp sức mình xây dựng xã hội bằng cách nhận trách nhiệm giáo dục các cháu hư: chú nhỏ nào phì phèo ngậm thuốc ngậm thuốc lá, tỏ ra giáng càn quấy lập tức cụ mời ra góp ý ngay, hay như tốp 14 em hỏ được gọi đến giảng giải ngay”. Sau những lần nhắc nhở ấy những đứa trẻ ấy đã thay đổi, ngoan và nề nếp hơn.
Đó còn là tinh thần hăng say xây dựng cuộc sống mới như cụ Mùi bán chuối, cụ Hoan làm xích lô nghĩ ra cách làm nhà tắm tiện và rẻ nhất, Chị Yến từ cô đào hát cũ trở thành nhóm trưởng và công tác chữ thập đỏ… Sự đóng góp của họ tạo nên hình ảnh Hà Nội dù còn nghèo nhưng thanh bình và mang tính cộng đồng cao (Cống trắng Khâm Thiên –QuangDũng) Họ còn là những người tài hoa, đa tình và lãng mạn luôn ấp ủ khát vọng về một tình yêu lớn. Đến với giới trí thức văn chương nghệ sĩ ta bắt gặp một Ngân Giang- nữ sĩ tài hoa từng vang danh một thưở- với mối tình không tên với văn sĩ Hoàng. Không rõ đó là tình yêu hay lòng cảm mến giữa hai tâm hồn tài hoa và đa tình để rồi giữa họ là những vần thơ đầy ý tình tiếc nuối, chơi vơi:
Mây trắng lang thang mãi cuối trời Gió chiều heo hút khắp nơi nơi. Cung đàn biết mấy dây chùng hẳn Mái tóc bao nhiêu sợi lạnh rồi. Chốn ấy tờ hoa đành lẻ ý
Mùa này chim nhạn có chung đôi?
Thương thay trên quãng đường chia ngả. Thì ngả nào không có lá rơi
(Ta đã làm chi đời ta-Vũ Hoàng Chương)
Một Quách Thị Hồ- nghệ sĩ ca trù mà tên tuổi đã ghi vào sử sách một nghìn phụ nữ huyền thoại, nổi tiếng nhất của nhân loại, day dứt trong một chữ yêu. “Yêu là thế nào? Tôi không biết. Tôi chưa được yêu, gần chết rồi mà vẫn chưa được yêu”. Tâm sự ấy chất chứa bao sầu đau tiếc nuối của một kiếp tài hoa đa đoan, chất chứa bi kịch của một tâm hồn khát vọng tình yêu nhưng đến cuối đời vẫn không thể tìm thấy, vẫn khắc khoải một nỗi cô đơn
thấm vào tiếng hát ca trù.Tiếng hát ấy như mưa rơi, như sương khói, thầm thì, thảng thốt:
“Tài hoa đã chán rơi hàng lệ
Lạnh lẽo trôi vào thấm ruột gan.”
(Tiếng phách Nhị Hà- Mai Thục) Dường như ở nữ sỹ Ngân Giang hay ở nghệ sĩ Quách Thị Hồ đều gợi nhắc đến một Nguyễn Thị Lộ, một Hồ Xuân Hương, một Bà huyện Thanh Quan – những phụ nữ Thăng Long của ngàn năm trước. Dù cách biệt mấy trăm năm nhưng họ vẫn vậy, vẫn tài hoa, thanh tao, ấp ủ một tình yêu lớn. Phải chăng đó là phẩm chất đã được kết tủa bền vững trong tâm hồn người Hà Nội và làm nên cái phong thái riêng đặc trưng cho phụ nữ mảnh đất đế đô muôn đời ?
-Sau 1975 cuộc sống hậu chiến đặt ra hàng loạt những vấn đề khác so với thời chiến tranh. Văn học có ý thức trở về với cái tôi. Đấy là sự vận động đúng hướng của văn học theo đó văn học trở nên đa giọng hơn, phong phú hơn. Những biến động trong đời sống chạm vào từng cá nhân khiến cho cuộc sống người Hà Nội không còn bình yên.
Hà Nội cũng như sự buồn tẻ , hỗn độn linh tinh trong cuộc sống đời thường . Không chỉ hào hoa mà còn có cả sự nhếch nhác bon chen, chỉ có điều ngay cả nhếch nhác bon chen thì người Hà Nội không quá “thô” như người quê mà nó vẫn “tinh” vẫn phảng phất chút phong khí Hà thành
Khi bị hất ra khỏi cuộc sống phong lưu những người Hà Nội chủ trương một lối sống thanh đạm, cố gắng không để cho cái tục lụy vùi xuống. Đây cũng là một cách ứng xử để mọi người hiểu rằng nếp sống của người Hà Nội bao giờ cũng gia giáo, thanh nhã thậm chí có khi cầu kì cho dù đó là thứ cầu kì thanh đạm.