Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: “trong mỗi người Việt chúng ta có một người làm, một người nghĩ, và có thêm một người ham chơi” (người ham chơi). Sự ham chơi ấy chính là làm thế nào cho cuộc sống đẹp hơn, thi vị hơn với những thú chơi, những đam mê, những nét văn hóa đặc sắc, những thuần phong mỹ tục…có lẽ đối với những người viết kí khi đã thấm sâu, thấu suốt đạo lý, cuộc đời không chỉ là chốn mưu sinh, nơi giành giật hay tranh đấu mà còn là nơi để ta thưởng thức chiêm ngưỡng. Khi thưởng thức, chiêm ngưỡng mà tận hưởng được niềm vui thì đó là một cái thú. Nói đến cái thú là nói đến một sở thích, một niềm đam mê đem lại cho con người những khoái cảm thẩm mỹ. Dù nói đến nhiều hay ít thì mỗi thú chơi cũng đều thể hiện sự am tường và sành điệu của người chơi cùng với sự am hiểu kiến thức sách vở họ đã đem tất cả những hiểu biết thông thái và những nét tài hoa nghệ sĩ của mình vào các thú chơi tao nhã ấy. So với các
thú chơi tao nhã khác thì thú chơi hoa có lẽ được bắt nguồn từ bản tính của con người. Theo tác giả Ngô Văn Phú “con người nguyên thủy đã yêu hoa rồi …giở lại các di vật thời đá, thời đồng có tới 90% di vật mang hình hoa. Người trên núi có hoa núi. Người ở bể có hoa bể, người trong làng cũng thường trồng hoa đẹp cho làng. Thành thị lại càng cần hoa hơn bao giờ hết”(Làng hoa- Ngô Văn Phú). Hoa đi vào đời sống con người với tất cả thói quen sinh hoạt hàng ngày: hoa được thắp hương lễ phật trong nhà chùa, hoa có trên bàn thờ gia đình trong gia những ngày lễ tết gia tiên, hoa tươi vui trong ngày chiến thắng quân thù của dân tộc, hoa góp phần tươi đẹp trong các ngày lễ lớn. Yêu hoa, dùng hoa trở thành nét đẹp trong phong tục của người Việt. Nó thể hiện một lối sống đẹp, một tâm hồn đẹp Với người Hà Nội tình yêu hoa được nâng lên mức cao trở thành một thú chơi tao nhã. Nghĩa là tìm hiểu am tường về hoa cũng như tạo ra cách thưởng thức tinh tế cho mỗi loại hoa. Làng Nhật Tân của Hà Nội nổi tiếng về hoa đào, trồng đào không chỉ trồng một loại hoa mà là trồng niềm yêu thích, sự ham mê, gửi gắm niềm hi vọng về cái đẹp. Chính vì vậy người ta hiểu tường tận nguồn gốc của cây hoa đào: “giống đào phai … là giống đào của ta. Còn giống đào bích, đào Mông Tự … nguồn gốc nó từ bên Trung Hoa…Thấy nói từ hồi Bắc thuộc lần thứ hai bọn quan lại cai trị người Tàu ở bên này, chúng có đem một vài cây sang trồng chơi ở ngay trong cung phủ của chúng. Sang thủy thổ khác cây bích đào chỉ có hoa không có quả. Một hôm, có một cành gãy. Người hầu bàn chặt cắm xuống đất. Ít lâu sau cây nảy mầm. Người đó lấy trộm đem về vườn nhà mình trồng. Người ấy chính là quan phường Nhật Chiêu”… Câu chuyện về nguồn gốc cây đào bích ấy thực hư thế nào vẫn là một ẩn số, nhưng câu chuyện ấy vẫn được lưu truyền trong nhân gian tô thắm thêm sự li kì, huyền hồ xa xôi cho đào bích. Cây đào từ nơi xa xôi vào đất Việt trở thành loại hoa không thể thiếu trong ngày
tết cổ truyền của dân tộc. “Nó đem lại cho căn phòng một sức sống dồi dào” phải chăng vì thế mà nó mang ý nghĩa tâm linh trong ngày tết- tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc cho cả năm? Do đó với người Hà Nội cành đào tết phải đạt những tiêu chuẩn nhất định. Tiêu chuẩn của một cành đào tết là “Cành đào dù to, nhỏ, cao, thấp thế nào tùy ý người chơi. Nhưng tiêu chuẩn cơ bản của nó là vào ngày mồng một tết nở bán khai…để chơi cả nửa tháng giêng, lo nhất ngày mùng một tết nụ đào cứ im ỉm như thóc thối. Lo hơn nữa, sớm ngày mùng một tết, hoa đã rã hết cánh, chỉ còn trơ lại phần nhụy, xác sơ như cánh vờ. Phải tránh được những điều đó người ta mới còn giữ được cái thú chơi hoa đào”. Để thỏa mãn tiêu chuẩn ấy thì việc trồng đào cũng là cả một nghệ thuật và người trồng đào như một nghệ sĩ trong nghệ thuật trồng đào. Người trồng đào phải là người cảm được thời tiết để trồng, tỉa, tiếp, hãm để đào chỉ nở vào dịp tết. Các công đoạn ấy phải đòi hỏi sự kiên trì, tinh tế, đặc biệt phải là người yêu hoa và am tường về hoa với niềm đam mê thực thụ. Do đó người trồng đào đôi khi gặp được khách mua sành biết được giá trị của cành đào mình trồng đã cảm thấy hạnh phúc biết chừng nào, tự hào biết bao nhiêu, và dù vị khách ấy có khó tính, hay muốn bớt tiền đi bao nhiêu thì người trồng đào vẫn hỉ hả cõi lòng. Vì vậy ta không ngạc nhiên trước lời tâm sự của bác Lục khi gặp bốn mẹ con bà khách khó tính nhưng đều đồng tình khẳng định cành đào của bác đẹp nhất chợ: “thú thực với chú hết cả bốn mẹ con bà ấy cùng ưng chọn cành đào của tôi, sao trong lòng nó sung sướng thế. Tôi tưởng không còn phần thưởng nào cao hơn. Thật là một lời đã biết đến nhau. Lúc ấy sao tôi mong bà ấy ngỏ lời xin bớt quá đi thôi”.(Đào Nhật Tân- Hoàng Quốc Hải). Người trồng cố gắng tạo nên cái đẹp thì người mua đào cũng quyết tâm tìm được cành đào ưng ý. Cũng bởi vậy mà người Hà Nội rất cầu kì và kĩ tính trong việc chon lựa cành đào. Bà mẹ mua cành đào cần sự đồng ý của những đứa
con sau khi chúng đã đi khảo sát một vòng quanh chợ. Có người đi hết hàng hoa này đến hàng hoa khác, cánh đồng này đến cánh đồng kia cũng chỉ cốt tìm được một cành đào như ý từ hoa cho đến dáng cành. Thế mới biết cái sự chơi hoa, thưởng hoa cũng thật lắm nỗi. Đúng như Vũ Bằng nhận xét “ Đó không phải
Chẳng biết thú chơi hoa có từ bao giờ. Có lẽ từ lâu lắm rồi. Về lại thế giới cổ xưa của Vang bóng một thời ta gặp lại cụ tú Kép làng Mọc- người nguyện đem cái quãng đời xế chiều của một nhà nho phụng sự : “lũ hoa thơm cỏ quý” “mùa xuân cùng vài người bạn tri âm, tri kỉ ngồi thưởng hoa uống rượu ngâm thơ”. Cụ thường nói rằng “ có một vườn hoa là một việc dễ dàng, nhưng có đủ thì giờ mà săn sóc đến hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành, chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không bao giờ biết lên tiếng kia. Như thế mới phải đạo, cái đạo của người tài tử. Chứ còn cứ gây lên một khoảnh vườn, khuân hoa cỏ ở các nơi về mà trồng phó mặc chúng ở giữa trời, đẩy chúng ra mưa nắng với thờ ơ, chúng có trổ bong không biết đến, chúng tàn úa cũng không hay thì chơi hoa làm gì thêm tội. Câu nói của cụ vừa thể hiện tấm lòng yêu hoa đồng thời cũng bày tỏ một quan niệm về thú chơi hoa. Quan niệm của cụ dường như có sự gặp gỡ với lời nhận xét của Vũ Bằng sau này: “Đó không còn phải là một thú chơi tầm thường nữa mà là cả một sự thành kính, cả một sự tôn thờ”(Vũ Bằng-TNMH). Xưa các bậc tao nhân mặc khách lấy việc thưởng nguyệt ngắm hoa làm nên sự thanh tao cho tâm hồn thì nay giữa những xô bồ của cuộc sống, người Hà Nội vẫn thưởng hoa như để giữ mình giữa dòng trong đục cuộc đời. Nói về thú chơi đào thế ở Hà Nội, Nguyễn Hà kết luận “cây đào thế và cuộc chơi đào thế ở Thăng Long sẽ là một cuộc “chạy đua” cái đẹp”(Hà Nội- thú chơi đào thế). Đó không chỉ là những cánh đào đẹp, lạ mà còn trở thành cốt cách tâm hồn Hà nội. . Chẳng biết thú chơi hoa có từ bao giờ, xưa các bậc tao nhân
mặc khách lấy việc thưởng nguyệt ngắm hoa làm nên sự thanh tao cho tâm hồn thì nay giữa những xô bồ của cuộc sống, người Hà Nội vẫn thưởng hoa như để giữ mình giữa dòng trong đục cuộc đời. Ngắm một loài hoa đẹp đâu phải ai cũng thấy hết cái hồn vía của nó vượt ra khỏi ý nghĩa một loài thực vật, nó khơi gợi trong con người những tình cảm cao quý, những suy ngẫm sâu xa: “cẩm cù là hoa của đạo trời là phải là khi hoa đã ngậm được tinh khí của trời đất súc đúc lại trong nhụy của mình thì tính cao quý đã tới cực và cần phát tán cho kì rộng,hành thông trong không gian và trong thời gian”(hoa cẩm cù-Thế Mạc)
Không chỉ chơi hoa mà người Hà Nội còn có thú chơi chim- một thú chơi gắn liền với nét dân giã thôn quê. Thú chơi chim không chỉ riêng ở Kinh Bắc mà có ở nhiều địa phương Bắc Bộ. Đây là thú chơi lắm công phu bởi vì ngoài việc chọn cho được đôi chim quý, đạt tiêu chuẩn còn phải kể đến cả quá trình huấn luyện chim công phu theo ý của mình. Đánh giá về nghề chơi chim Cụ Vị trong bài kí Đào Nhật Tân của Hoàng Quốc Hải- một người sành chơi chim đã nhận xét: “ nghề chơi chim cũng giống hệt nghề chơi hoa”, “chơi chim cũng là cả một nghệ thuật, không kém các thứ nghệ thuật khác. Cũng như hát ả đào, cũng như làm thơ”. Là một người yêu hoa và yêu chim, trong nhà cụ nuôi đủ thứ chim: Bach yến, hồng yến, sẻ Nhật Bản, vẹt Hồng Kông, sáo sậu, chào mào, họa mi…Hàng ngày cụ chăm sóc chúng và hiểu tính nết từng con, từng loại. Loại sẻ trắng của Thái Lan “cái giống này sạch lắm ông ạ. Lạnh sáu bảy độ nhưng cứ đổ nước vào là tắm. Mà lạ, nước cũ, nước đục để mấy ngày mặc kệ, nó không thèm động” còn con Mi của cụ xuống mã là do “con này đang thay lông, nó không chịu ăn. Chỉ mấy hôm nữa cho ăn châu chấu bột với thịt bò tươi lại mỡ màng ngay.
Khi được hỏi tiếng loài chim nào hót hay nhất cụ trả lời rất am hiểu “con mi! chỉ có con mi mới là chúa tể âm thanh của loài chim”. Ông khẳng định
họa mi có thể hót lại được hết tiếng của con sáo, chào mào, liếu điếu…thậm chí còn hót hay hơn nhiều so với chính các loài chim kia. Trong khi nói về họa mi ông còn thể hiện sự am hiểu sâu sắc và tinh tế trong khi cảm nhận các tiếng của các loài chim khác nhau: Giọng ồm oàm như chim bìm bịp, giọng ai oán như chim tìm vịt, giọng độc địa của tiếng quạ kêu ban đêm…”. Phải có lòng say lắm, yêu lắm thì mới có sự cảm nhận hay thế về tiếng hót của loài chim. Cũng bởi vậy mà cụ chơi chim đâu phải để kinh doanh hay do lẩm cẩm mà chỉ bởi “bỏ công ra nuôi nó cốt không nhầm là được. Nó cho mình giọng hót hay, miếng đánh đẹp. Khi cần đánh là nó đánh hết mình. Nó không để cho chủ phải xấu hổ, và anh em trong làng chim vẫn quý mến mình, vẫn cho mình là con người tinh tường tưởng thế cũng là đáng quý lắm rồi”. Cái lí do để ông nuôi chim thật đơn giản, nuôi chim vừa là để thưởng thức một thú vui vừa thể hiện một phần phẩm chất tinh tế lại là sợi dây gắn kết tình bạn bè. Những người chơi chim cùng gặp nhau ở một tấm lòng ngưỡng mộ cái đẹp từ thú chơi chim. Với những chú chim họ đều nâng niu, trân trọng như một niềm đam mê. Điều này lí giải vì sao trong hội thi chim cụ Vị lại thấy như bị xúc phạm trước thái độ lạnh lùng thản nhiên của một người chơi khi thông báo con họa mi chiến thắng năm ngoái ông ta đã để mèo vồ mất. Cụ còn bức xúc hơn nữa trước hành động thô bạo, tàn ác của ông ta sau khi bị thua. Nhìn con mi bị ném độp vào tường nát bét cụ đau đớn thốt lên “ Khốn nạn, lỗi đâu tại con mi kia”. Sau đó cụ thở dài, nét mặt phảng phất nét buồn, lòng dạ se thắt lại. Tâm trạng ấy khiến ta liên tưởng đến ông Trường Thuận trong truyện ngắn “Đôi chim thành” của Kim Lân. Ông Trường Thuận là người sành chơi chim nhất làng phủ. “Các tay chơi sành sỏi đến chơi nhà ông trưởng rất đông”. Vì nể mọi người ông đã mở lồng chim cho mọi người xem. Không may đàn chim của ông bị gió đánh bạt bay đi mất khiến cho Trưởng Thuận phát ốm. Một thời gian sau
đàn chim trở về khiến hai “mắt ông sáng lên vì sung sướng”. Thế mới rõ cái lòng yêu say thực sự của người chơi.
Ngày nay dường như các thú chơi tao nhã dường như cũng đã khác xưa rất nhiều.Thú chơi hoa, chơi chim không còn là một thú chơi cầu kì của cá nhân như trước kia mà nó là một vẻ đẹp chung cho cuộc sống và tinh thần của con người Việt Nam. Cái nhìn đã được mở rộng với tất cả vẻ đẹp của nó. Do đó không chỉ có thú chơi có từ xa xưa mà hiện tại người Hà Nội còn hướng đến những niềm đam mê mang màu sắc hiện đại phù hợp với sự đổi thay, phát triển của xã hội. Nếu các cụ ta xưa có thú thưởng thức chữ đẹp, thì ngày nay ta thưởng thức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái như để tìm về vẻ đẹp nay chỉ còn vang bóng. Theo Nguyễn Tuân họa sĩ Bùi Xuân Phái “vẽ rừng, vẽ sông, vẽ núi, vẽ biển, bãi cát đường rừng, đường làng, hậu trường sân khấu chèo, nhưng nhiều nhất vẫn là phố. Phố thủ đô, góc phố Hà Nội, Hà Nội nội thành”. Mai Thục đánh giá “những chấm phá màu sắc mơ hồ trong tranh Phái như giọt chuông đồng hồ rót nhẹ, buồn tênh, giữ lại thời gian vĩnh hằng của một Hà Nội cổ kính”. Những người yêu Hà Nội, yêu nét xưa cũ của Hà Nội có thể đến quán café Lâm vì nơi đây họa sĩ Phái cùng bạn bè của mình từng nhâm nhi tách café, ngẫm sự đời, cười trong nước mắt vẽ tranh chơi và tặng lại ông chủ Lâm. Với tấm lòng yêu mến cái đẹp, ông Lâm đã gìn giữ những bức tranh đó và ngày nay quán café Lâm trở thành một bảo tang hội họa Việt Nam, “là hiện thân của phố Phái rất yêu thương kính trọng trong lòng người Hà Nội…”. Uống café , thưởng tranh phố phái, đã trở thành một thói quen, một nét sinh hoạt đầy văn hóa của những người yêu nét xưa Hà Nội.
Trong cuộc sống bề bộn hôm nay con người có nhiều thứ để mê mải, để chạy đuổi, có khi đánh mất cả nhân cách thì việc hướng về cái đẹp không chỉ như một niềm hoài vọng mà còn biến nó thành hiện thực cuộc sống quả
là một bản lĩnh sống đáng trân trọng, đáng khâm phục. Nó khiến con người có thể thăng hoa những nội lực sống tiềm ẩn, cho cuộc sống thêm phong phú sắc màu. Chẳng thế mà người trai làng hoa Quảng Bá Vũ Văn Lương trên đường chinh chiến ở bất cứ chỗ nào cũng trồng hoa. Khi trở về quà cho xóm làng là một xe com măng ca đầy hoa lan. Trở về cuộc sống đời thường anh lại say mê trồng hoa, bán hoa với ước vọng làm “mát mẻ cuộc đời”, “mang lại sự bình yên cho người lính sau một đời chinh chiến”. Đến thăm vườn anh quả thật quy tụ nhiều loài hoa quý. “Hoa trà có: Bạch trà, Hồng trà, Thâm hồng bát diện trà. Phong lan của Trường Sơn: Lan tai trâu, Lan ý, Quế lan hương…Đỗ quyên đỏ tím, cây sứ có thể trường tồn, cây vạn tuế, Thiên tuế. Các loại mai: Chi mai, Mai tứ quý, Mai chiếu thủy... các loại hoa như Dạ hương, Mộc lan, hoa Nhài, hoa Hồng Đà Lạt…mỗi thứ cây, mỗi thứ hoa đượm màu sắc hương của mặt đất, con người Việt Nam dồn tụ về đây”. Niềm say mê hoa người Hà Nội được nối từ đời này sang đời khác, nghề