Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, trung tâm văn hóa chính trị chuyển từ “thủ đô gió ngàn Việt Bắc về Hà Nội. Hà Nội là nơi có Đảng, có Bác mở lối soi đường. Những trang văn thơ viết về Hà Nội, về “miền Bắc thiên đường của các con tôi” đều tràn đầy niềm hân hoan phấn khởi. Từ đây miền Bắc trở thành công trường xây dựng. Các nhà thơ nhà văn hồ hởi niềm vui trước những thành quả mới của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tố Hữu, Huy Cận , Chế lan Viên cũng như thế hệ thi sĩ mới như Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Lưu Quang Vũ …đều có thơ nói về người Hà Nội. Cùng với đó các tác phẩm kí cũng lần lượt ra đời ghi lại chân thực, sinh động công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa đó
Dù chiến tranh hay hòa bình thì người Hà Nội vẫn luôn giữ cho mình một cốt cách, phong thái đặc trưng đó là sự thanh lịch, hào hoa. Vẻ đẹp trí tuệ, thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội trong công cuộc xây dựng gắn với vẻ đẹp khỏe mạnh say mê cống hiến, họ là những người tiên phong đem hết nhiệt tình để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là Giáo sư -Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính- nữ toán học đầu tiên của nước ta, bà đã từ bỏ thủ đô Pa-ri hoa lệ trở về đất nước với mong ước đào tạo thật nhiều cho đất nước những nhà toán học.Giáo sư sinh ra trong gia đình danh sĩ của Hà Nội : Ông nội bà là cụ cử Cót Hoàng Thúc Hội(1870- 1938) quê ở làng Cót, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đậu cử nhân nhưng không ra làm quan, ông nổi tiếng tài, đức và được sĩ phu trọng vọng; thân sinh ra giáo sư là cụ Hoàng Thúc Tấn đỗ tú tài; các bậc cha chú của giáo sư đều đỗ đạt ở các trường Đại học danh tiếng của Pháp. Gia đình của giáo sư là hình ảnh tiêu biểu cho những gia đình trí
thức của Hà thành, bản thân GS là hình ảnh tiêu biểu cho phụ nữ thủ đô,thanh lịch và tài năng, ý chí và nghị lực phi thường. Tuổi thanh niên , quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành nhà toán học giúp bà vượt qua bức tường chắn của sự coi thường phụ nữ trên khắp hành tinh để tốt nghiệp thạc sĩ toán tại Pháp trước sự ngạc nhiên của những người thầy. Tương lai rộng mở với cuộc sống bình yên tại Pa- ri hoa lệ, với gia đình hạnh phúc, vậy mà GS dám từ bỏ tất cả để trở về tổ quốc nghèo khó, chiến tranh. Điều gì khiến Gs ngày ấy có quyết định táo bạo như vậy? Tình yêu tổ quốc mãnh liệt, lí tưởng cách mạng tỏa sáng trong tâm hồn người phụ nữ trẻ khiến Gs không nhìn thấy con đường trước mặt đầy chông gai, hầm hố, bão giông, chỉ đi theo ngọn lửa trong tim và quyết định nhanh, dứt khoát, mạnh mẽ - về tổ quốc. Trở về khi đất nước đang hăm hở đi lên Xã hội chủ nghĩa, điều kiện vật chất còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn, Gs khi ấy vẫn là một cô giáo trẻ giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa đào tạo giáo viên vừa tiếp tục say mê nghiên cứu toán học với ước muốn đào tạo ra những con người biết suy nghĩ, biết ước mơ, và biết hành động chính xác khoa học. Khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, bà cùng với bạn bè đồng nghiệp sáng lập ra trường Đại học dân lập đầu tiên cho Việt Nam. Cả cuộc đời người phụ nữ ấy cống hiến hết mình cho khoa học, cho đất nước. Hình ảnh của bà là tấm gương để thế hệ trẻ ngày nay soi vào học tập: Sống phải có lí tưởng, niềm đam mê, quyết đoán và mạnh mẽ, sống là phải cống hiến “sống là gì?điều cốt yếu là làm gì trong lúc sống”. Không dưới một lần tác giả Mai Thục bày tỏ lòng thán phục ngưỡng mộ của mình với Gs : “nhà toán học nữ đầu tiên… duyên dáng và ý nhị, khiêm nhường và kín đáo, sôi nổi và say sưa, yêu đời, yêu người, yêu giới sinh viên trí thức trẻ”, “ở tuổi 70 Gs Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính vẫn giữ nét trẻ trung, ý nhị, hào hoa”.Giáo
sư Hoàng Xuân Sính mãi là hình ảnh tiêu biểu về người phụ nữ thủ đô cho hôm nay và mai sau.
Đó còn là Nguyễn Tuân, Tô Hoài, những nhà văn tài năng tiêu biểu cho giới văn nghệ sỹ thủ đô đã đóng góp những trang tuyệt bút về Hà Nội góp phần xây nên lâu đài văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội. “Nguyễn Tuân viết về Hà Nội với tất cả ý tốt lời trong, mặn mà sâu sắc, có sức tỏa, sức ngân, có màu sắc, hương thơm và hồn người”. Bằng tài năng và tình yêu với Hà Nội Nguyễn Tuân đã tạo nên những trang văn đẹp chạm khắc trong lòng người đọc hình ảnh về Hà Nội “Một Hà Nội chiến đấu,một Hà Nội thơ” một Hà Nội với tất cả đau thương mà hào hùng, khốc liệt nhưng anh dũng, hào hoa: “bầu trời Hà Nội đánh Mỹ, mặt đất Hà Nội đánh Mỹ. Vườn hoa, bãi chợ, bãi tha ma, ruộng rau,sân thóc, bờ ao,lề đường gác thượng… đều vút lên đường đạn. Mũ rơm, mũ sắt lố nhố năm cửa ô. Hình ảnh cô gái làng hoa “cầm vội súng” bên những bông thược dược, huyết dụ bị thương đang bầm sắc và một tên Mỹ râu ria xồm xoàm, tóc râu ngô lim dim ngủ, đang ngồi chờ hỏi tội. Cảnh tượng pha nét anh hùng cổ đại. Cái bi, cái hùng, cái nhân tính hòa quyện. Đó chính là tâm hồn người Hà Nội qua văn tài của Nguyễn Tuân”. Tài năng Nguyễn Tuân bộc lộ rõ nét trong nghệ thuật tả cảnh. Miêu tả về Làng hoa Hà Nội : hoa đào thắm nở, cúc vàng khoe sắc, quất chín đỏ ối, cúc chi vàng rực, laydơn màu san hô, luống phăng thơm ngát đủ màu xanh đỏ, trắng , tím, vàng, hoa sấu trắng tròn như hạt nếp… Nguyễn Tuân tạo dựng một không gian đầy màu sắc. Qua ngôn ngữ của Nguyễn Tuân, một cánh hoa, một thoáng hương cũng xao xuyến gợi về một Hà Nội vừa đẹp vừa thơm. Nó thức tỉnh cái thiện cái đẹp, đưa con người về với tình yêu Hà Nội. Đọc những trang Nguyễn Tuân viết về Hà Nội, chúng ta càng thêm yêu Hà Nội.(Hà Nội trong nét bút Nguyễn Tuân).
Là người con sinh ra lớn lên Hà thành, Tô Hoài là hình ảnh con người thủ đô biết vươn lên khó khăn,tự hoàn thiện và khẳng định bản thân, say mê cống hiến cho sự nghiệp văn chương nước nhà. Theo tâm sự của Tô Hoài ông phải tự học, vừa đi vừa học, vừa viết vừa học. Không chờ cảm hứng đến mới viết mà ngày nào cũng ngồi vào bàn làm việc “ngồi là viết, viết không hay hôm sau viết tiếp. Cứ viết rồi cảm hứng sẽ đến”. Sự miệt mài cố gắng ấy được đền đáp, nhiều tác phẩm xuất sắc cho văn học như: Vừ A Dính, Kim Đồng, Vợ chồng A Phủ… lần lượt ra đời góp phần cổ vũ tinh thần cách mạng trong quần chúng nhân dân , làm dầy thêm lên nền văn học cách mạng. Tuy nhiên trong những sáng tác đó nổi lên những tác phẩm viết về Hà Nội. Cũng như Nguyễn Tuân yêu tha thiết, gắn bó sâu nặng với mảnh đất kinh kì này, Tô Hoài dành một phần đời văn để viết về Hà Nội. Ông nổi tiếng là nhà văn chuyên viết về Hà Nội. Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Chuyện cũ Hà Nội,bộ ba tiểu thuyết Quê nhà- Quê người- Mười năm là những tác phẩm gây được sự chú ý trên văn đàn. Qua những tác phẩm này, Tô Hoài làm sống lại không gian đời sống người dân làng Nghĩa Đô xưa- làng quê nghèo ven đô với những nhọc nhằn, thiện, ác, bạo lực “tạo ra những mảnh vỡ của tâm hồn, và thân xác, trí tuệ”.Vậy mà con người vẫn thanh thản bước qua, ghép lại những mảnh vụn đó để thăng hoa thành văn chương âm nhạc, hội họa, thơ ca. Vượt qua biên giới của nghệ thuật Tô Hoài còn là người “đứng mũi chịu sào” khi nhận trách nhiệm lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, đại biểu Quốc, tổng biên tập báo Người Hà Nội. Nhưng dù ở cương vị nào Tô Hoài vẫn sống và viết về Hà Nội, xứng đáng là một trong những tác giả tiêu biểu của thơ văn hiện đại.
Đâu chỉ có giáo sư, văn sĩ mà ngay những người con bình thường của Hà Nội cũng luôn ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống, đồng thời xây dựng hình
ảnh Hà Nội – Việt Nam trên trương quốc tế. Đó là Ngân An –người phụ nữ nền nã và sang trọng của Hà Nội góp phần lưu giữ nét đẹp áo dài truyền thống qua bộ sưu tập áo dài mang tên “Hà Nội phố’’, hơn thế nữa còn quảng bá hình ảnh Việt nam , văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Đào thuở nhỏ cô đã có niềm yêu thích mặc áo dài, lớn lên thích tự mình may những chiếc áo dài duyên dáng. Khi mới mười ba tuổi cô đã có thể tự cắt áo dài cho mình. Hơn hai chục năm sau niềm đam mê giúp Ngân An không ngừng tìm tòi và sáng tạo, cắt may những chiếc áo dài hợp ý từ các bà nội trợ đến các quý bà quý cô, các phu nhân Tổng Thống… Ngân An cùng với tà áo dài của mình sang Nhật, sang Mỹ, Sinhgapore để giới thiệu hình ảnh phụ nữ Việt Nam, văn hóa Việt Nam (Tà áo dài Hà Nội – Mai Thục tr128)
Bên cạnh hình ảnh người Hà Nội tinh tế hào hoa các nhà văn có ý thức miêu tả họ với tư cách là những người đi đầu trong mọi lĩnh vực đời sống .GS Tôn Thất Tùng,Tôn Thất Bách –hình ảnh của lương y tài năng, là cây đại thụ của y học nước nhà ( Cha truyền con nối- Mai Thục).Họ còn là những người táo bạo tiếp cận cái mới: GS Nguyễn Tài Thu-người đã đấu tranh kiên cường với thói đố kị của người đời, kiên định theo đuổi cách chữa bệnh mới bằng phương pháp châm cứu.
Công cuộc xây dựng đất nước ấy còn có sự góp mặt của càfe Lâm, là họa sĩ Bùi Xuân Phái, ca sĩ Lê Dung…Tất cả làm nên diện mạo cho người Hà Nội, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, hoàn cảnh nào họ luôn vươn lên và đạt đỉnh cao trong nghề nghiệp của mình. Một trong những động lực để họ vươn lên ấy chính là ý thức trách nhiệm công dân với đất nước nói chung với Hà Nội nói riêng.