Nếu phố phường với đèn điện sáng trưng, nhà cửa san sát, biển hiệu hàng hóa ăm ắp làm nên cái sang trọng cho thủ đô hoa gấm thì sự hài hòa của thiên nhiên nơi đây tạo nên chất lãng mạn mộng mơ, sự thanh sang tao nhã cho chốn kinh kì đô hội.
Sự hài hòa ở đây nên chăng hiểu là trong sự đa dạng phong phú của thiên nhiên ấy có sự hòa quyện, cộng hưởng một cách tự nhiên hợp lí giữa cỏ cây hoa lá, đất trời. Tất cả sự hòa quyện ấy không chỉ đem lại sự dễ chịu, thoải mái mà còn có khả năng khơi gợi những cảm xúc tế vi nhất trong mỗi con người.
Sự hài hòa thiên nhiên của Hà Nội là sự hài hòa của hương thơm hoa lá với tiết trời, của bầu trời ánh trăng với sóng nước Hồ Gươm, Hồ Tây, của âm thanh và màu sắc…Nhưng trước hết phải nói đến không gian Hồ Gươm, Hồ Tây:
Hồ Gươm chính là viên ngọc mà thiên nhiên đã ban tặng cho thủ đô Hà Nội. Suốt bao đời, Hồ Gươm đã chứng kiến sự đổi thay của lịch sử dân tộc, sự đổi thay của bao kiếp người. Hồ cứ lặng lẽ đi bên cạnh cuộc đời mỗi người để rồi trở thành cái gọi là “vô thức hồ”. Bởi vậy, trong những trang kí viết về Hà Nội, có rất nhiều trang viết về Hồ Gươm như: Ngày trở về Hà Nội – Hoàng Cầm, Đêm nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ngắm Hồ Gươm, Hà Nội một thuở – Anh Đức, Hồ Gươm – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồ Gươm đảo ngọc – Trần Lê Văn, Hồ của người Hà Nội – Nguyễn Việt Hà, Con hồ thủ đô – Nguyễn Tuân.
Có lẽ không phải vô lí khi Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: “mọi con đường ở thủ đô Hà Nội đều qui về Hồ Gươm”…mọi nỗi nhớ về Hà Nội đều tụ lại ở Hồ Gươm. Bởi vậy, với mỗi người con Hà thành, khi trở về sau những ngày dài xa cách “nhìn Hồ Gươm như nhìn thấy lại linh hồn mình…”
Với Hoàng Cầm: “Hồ Gươm như chiếc gương thần mang trăm nghìn kỉ niệm của tuổi hoa niên và thời trai trẻ”. Điều này lí giải vì sao phút đầu tiên trở lại, Hồ Gươm lại gây nên nỗi niềm xúc động lớn lao cho người chiến sĩ dạn dày sương gió đến thế. Hồ Gươm đã khơi ngay lập tức hai dòng nước mắt từ từ ứa ra rồi dào dạt chảy. Mắt khóc mà miệng lại cười, trong lòng như ngấm một thứ men kì diệu của tình yêu thời trai trẻ.
Hồ Gươm cứ thế trầm mặc uy nghiêm, với tình yêu say đắm Hồ Gươm, Nguyễn Minh Châu còn cảm nhận được cả “chất người” trong đó…Với Nguyễn Minh Châu, Hồ Gươm là sinh thể - một công dân đất Việt. Cũng
xao động lo lắng trước bước chân kẻ thù, sống hết mình với Tổ quốc. Làn nước Hồ Gươm này dường như cũng nghe thấy được cái tiếng bước chân của giặc ngoài bờ cõi, làn nước Hồ Gươm dường như bao giờ cũng sống hết mình với những ngày đầy nghiêm trọng của vận mệnh đất nước.
Với Anh Đức – trong con mắt người dân Nam bộ, cái nhìn đầu tiên là cái nhìn Hồ Gươm, bởi đó là biểu tượng, linh hồn của Hà Nội, là chứng nhân lịch sử bao đời – cũng chính là yếu tố tạo nên sự dịu dàng, duyên dáng cho thủ đô xinh xắn. Anh Đức lặng nhìn Hồ Gươm – tháp Rùa trong sự ngưỡng mộ và thành kính, Hồ Gươm khiến tác giả ngỡ ngàng trong say đắm: “cảnh sắc đẹp hơn hình vẽ, đẹp hơn sách tả và đẹp hơn sự tưởng tượng của tôi nhiều. Đây không phải là vẻ đẹp sâu kín, lộng lẫy mà là vẻ đẹp của niềm an tỉnh. Sự dịu dàng nơi giữa phố phường nhiều cây xanh, hồ biếc và tháp cổ trông tự nhiên, tự tại và làn nước hồ se sẽ gợn gợn nghĩ, đó là những nếp răn suy tư của lịch sử bao đời cứ không ngớt lô xô trườn nhẹ vào bờ cát”
Và đây nữa, Hồ Gươm với cầu Thê Húc, với đài Nghiên, tháp Bút, với đền Ngọc Sơn hiện than cho khí phách của kẻ sĩ Bắc Hà và “ba mươi sáu phố phường, với ngôi nhà cổ 13 Hàng Đào có mái ngói lô xô, có vườn cây, giếng nước, bàn thờ, có khoảng trời mây kéo không gian lại gần, có vẻ đẹp thầm kín, giàu chất trữ tình chứa trong long nó cả nghìn năm văn hiến”
Hồ Gươm là nơi lưu giữ kỉ niệm, sẻ chia những tâm sự về nỗi nhọc nhằn của cuộc sống đời thường, thấy lòng mà không tiện nói ra. Hồ gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Người ta lạc nhau ra hồ để dễ liên lạc, người ta thường hẹn gặp nhau ở Bờ hồ, và trong muôn nghìn mẩu chuyện góp và các tin tức vụn vặt hàng ngày ta cũng thấy nhắc đến hồ: “hôm nọ tôi đi tàu điện thấy chị ngồi ở Bờ hồ nhưng không tiện gọi”, “hôm vừa em uống nước xe mía Bờ hồ nhưng đông người quá nên không tiện
gọi”.. Hồ lặng lẽ đi vào tâm thức người Việt rồi găm chặt vào chỗ sâu kín nhất của tâm hồn. Bởi vậy, một số người vì thân mật quá mà dửng dưng với hồ, chỉ đến “một đêm kinh hoàng nằm mơ thấy kẻ khổng lồ kia đổ lấp kín Hồ Gươm, đóng cọc tre làm móng nhà cửa cho nó, dôi thêm diện tích xây dựng của Hà Nội mới, trên mặt hồ đã thành một bãi ngổn ngang thùng vôi, gạch vụn, đá răm, xe bò…thì mới ý thức hơn với một cảnh hồ nằm giữa lòng thủ đô xinh xinh như hạt bích ngọc Ê-mơ-rốt”. Phải chăng chính “vô thức hồ” đã khơi dậy nỗi nhớ, tình cảm nằm sâu trong tâm thức của người Hà Nội.
Đâu chỉ có hồ Gươm mà hồ Tây cũng vậy. Dưới con mắt cư dân và du khách là nơi cảnh trí lãng mạn, thơ mộng như một bức tranh diễm ảo. “ Hồ Tây như thực, như mơ giữa ban mai hay khoảng hoàng hôn tím hồng hoặc một đêm trăng in trên mặt nước…Từng thời khắc, Hồ Tây nhuộm sắc cầu vồng, hiện lên trong tâm tưởng mỗi người như một bản nhạc không lời thiết tha gợi nhớ.(…) Hồ Tây, đó là một khoảng trời mơ mộng, một không gian tự do, để con người cá nhân sống dậy, con người vũ trụ, của thời gian, không gian, của nghệ thuật, trí tuệ, triết học và tình cảm …Hồ Tây còn là một vùng văn hóa phật giáo, giúp con người tìm về với đời sống tâm linh. (Tinh hoa Hà Nội –Mai Thục). Hồ Tây không chỉ đơn thuần là những cảnh trí thiên nhiên mà còn tang ẩn gốc tích hằng bao nhân vật tài hoa từ thuở nảo thuở nào. Chúng ta nối gót Mai Thục đến Doi đất nhoi ra giữa Hồ Tây lộng gió, lắng nghe Thánh mẫu Liễu Hạnh cùng với trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xướng họa thơ ca với nhau trong cuộc hội ngộ đầy huyền thoại vào nửa sau thế kỉ XVI ở Phủ Tây Hồ. Hay ghé qua Cổ nguyệt đường, cám cảnh thân phận Hồ Xuân Hương, bi kịch lớn của phụ nữ Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Đó là bi kịch khất vọng sống cá nhân đối lập với thiết chế xã hội. Hay đặt chân lên lối xưa xe ngựa , trong
nỗi niềm chạnh nhớ về Nghi Tàm tìm bong thi nhân, để cuối cùng xót xa nhận thấy nay còn đó chỉ là “một hồn thơ tạc vào mặt nước, trời mây” mà thôi, phần mộ của bà huyện Thanh Quan nằm sát Hồ Tây đã “bị sụt lở mất tăm tích tự bao giờ”
Hà Nội sẽ ra sao nếu không có Hồ, không gian hồ?
Với Băng Sơn, thiên nhiên Hà Nội còn đặc trưng bởi hương đêm trên phố vắng “mùa nào, Hà Nội cũng có riêng một thứ hương đêm, giống như người phụ nữ biết trang điểm, mỗi thời điểm biết dùng một loại phấn son riêng để ánh nắng, để gió mát…hài hòa cùng màu sắc, nâng nhan sắc lên gấp nhiều lần” (Hương đêm Hà Nội – Băng Sơn). Trong không gian lắng đọng, yên tĩnh, chỉ còn gió, mây, đất trời, bỏ đằng sau những ồn ào hối hả của ban ngày, nhiều bông hoa đua nhau tỏa hương hòa lẫn với gió “dạo chơi” khắp con đường ngõ phố, thấm sâu vào lòng Hà Nội. Đó là thứ hương thơm nồng nàn của “hoa dạ hợp trắng muốt vừa tỉnh khỏi một cơn mộng khi những ngọn đèn đường sắp thức dậy”. Đó còn là “những con sóng hương hoàng lan thoảng nhẹ và hương ngọc lan như ngón tay tháp bút trắng muốt sắc sảo hơn, khiêu khích hơn ở khu biệt thự trên đường Phan Đình Phùng. Có lẽ ấn tượng hơn cả là hương hoa sữa mùa thu. Sương thu, gió thu hòa quyện vào nhau cứ ướt đẫm tóc những đôi người. Dường như hương sữa ấy còn là những bà mối xe duyên cho bao nhiêu lứa đôi, là chứng nhân cho những mối tình lãng mạn, mộng mơ. Để rồi “đã có những em bé ra đời sau đêm hoa sữa của người yêu nhau say đắm và trong sạch”.
Dường như hương đêm của mùa thu đã giăng mắc trong tâm hồn của những người con xa xứ. Bởi “có biết bao tâm hồn đã thao thức khắc khoải khi nhớ về Hà Nội có hoa sữa đêm thu, có hoàng lan, ngọc lan man mác. Dù ở phương trời nào, hương ấy chẳng mất đi, chẳng tan ra mà nó cứ đọng lại, đậm lại như khối ngọc Trương Chi”. Người ta nhớ về hoa sữa, hoàng lan,
ngọc lan như tưởng niệm thời học trò, tuổi yêu đương, những tháng năm mơ mộng.
Hương đêm Hà Nội là món quà thanh sạch của thiên nhiên, trời đất gửi cho người. Là thứ nước hoa tự nhiên tôn thêm vẻ đài các, yêu kiều cho Hà thành dấu yêu. Không phải ngẫu nhiên Băng Sơn thốt lên cảm xúc “không uổng phí nếu phải thức những đêm dài để đi dạo trên những con đường ngan ngát của Hà Nội thanh lịch”.
Thiên nhiên Hà Nội trở thành một chất men say đắm bao lòng người. Mỗi người đứng trước thiên nhiên ấy như được thanh lọc tâm hồn, được sẻ chia và giao cảm, nhưng như trên đã thấy, mỗi người sẽ có cách cảm, cách nghĩ khác nhau trước thiên nhiên Hà Nội. Sẽ không quá khi nói rằng: những trang văn hay nhất, đẹp nhất về thiên nhiên Hà Nội phải là những trang văn của Vũ Bằng.
Thiên nhiên Hà Nội thật đẹp trong cái nhìn lãng mạn của Vũ Bằng với
Thương nhớ mười hai, thiên nhiên nơi đây thật trong trẻo. Thiên nhiên ấy giống như những mối tình đầu. Hình ảnh bầu trời xuất hiện khá nhiều và được tác giả so sánh với những đối tượng mang phẩm chất tươi mới, tinh khiết. Đấy là bầu trời “trong như ngọc”, những lúc “trời nắng ấm trông cứ như ngọc lưu ly”. Có khi bầu trời lại hiện ra “trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh”. Tuyệt diệu nhất là bầu trời lúc bình minh “trên nền trời trong có những làn sóng hồng rung động như những cánh con ve sầu mới lột”. Hoặc “những buổi bình minh như nạm vàng, mở mắt ra nhìn lên cao thì thấy mây bay thon thả như trời khảm bằng xà cừ…cả trời đất trong như pha lê”.
Ngay cả những khi màn đêm buông xuống, vào đêm không mưa “trời sáng lung linh như ngọc”
Hình ảnh trăng cũng vậy. Trăng tháng giêng vừa trong trẻo đến lạ kì: ánh trăng “không vàng mà trắng như sữa, trong như nước ôn tuyền”, vừa non tơ mỡ màng “như người con gái mơn mởn đào tơ…cái đẹp của trăng tháng giêng là cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng vén màn hoa ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỉ”. Trăng tháng tám thì “lung linh kì ảo. Vợ chồng dắt nhau đi vào trong ánh trăng, lúc ấy cảm thấy mình đi trên trần mà dường như có cánh ở dưới chân, không bước mà có cái gì đẩy nhẹ chân đi nhè nhẹ vào trong cõi mê li thần thoại” (Thương nhớ mười hai). Trần mà như thế thì kém gì tiên! Mà hơn cả cõi tiên, vì tiên làm gì có cảnh “vợ chồng dắt nhau đi vào trong ánh trăng”.
Sự hòa hợp giữa con người và trời đất như ba cạnh của một tam giác vàng. Bằng cái nhìn lãng mạn của một người con trong nỗi sầu xa xứ, Vũ Bằng đã làm sống dậy những vẻ đẹp thanh tân, e ấp của đất Hà thành :Liễu ở Hồ Gươm thì “xanh mươn mướt”, cây lá nơi nơi thì “sạch bong ra lóng lánh như ở trong một phim ảnh màu tuyệt đẹp”. Những ruộng mạ thì “mơn mởn xanh màu cốm giót”. Trái đào thì “mình ửng hồng”, có sợi lông tơ óng ánh. Đấy là nhan sắc của thiên nhiên, cảnh quan Hà Nội.
Thiên nhiên ấy còn vô cùng quyến rũ bởi hương thơm của nó. Với người xa xứ, mùi hương của cố hương đã trở thành nỗi ám ảnh. Ấy là con đường bách thảo “thơm nức mùi lan tây”. Và đêm đêm khắp các phố “hoa sấu rụng thơm lên, trong đêm xanh mùi thơm dìu dịu man mát, chua chua. Hương cỏ ở mạn Láng đã đi vào kí ức, thành kỉ niệm ngọt ngào của tình vợ chồng: “nhớ những buổi tối cùng vợ đi xe giờ về mạn Láng, nằm trên nệm cỏ thơm, ngửa mặt lên trời xem mây bay, cùng ăn trái vải đầu mùa…”. Mà đâu chỉ có vậy, là cái nôi của một miền đất có nền văn minh lúa nước lâu đời, Hà Nội còn được bao bọc trong một hương vị đặc biệt, hương vị của cốm vòng “thơm ngào ngạt mùi đất nước quê hương”.
Không chỉ hương thơm mà biết bao thanh âm trong trẻo ngọt ngào của cố hương đều hiển lộ trong tâm trí nhà văn. Từ tiếng kêu của những chú ve được nhà văn cảm nhận như “một giàn nhạc tuyệt vời…một bản nhạc kì diệu”, rồi bản hòa tấu những tiếng hót của chim khuyên, chim chào mào, chim chích chòe, chim cu…đến tiếng reo của mây, của cây lá và nhất là tiếng reo của gió “gió rì rào như kể chuyện xa xưa và giục người xích lại gần nhau cho ấm cõi lòng hơn một chút…”. Ngay cả những tiếng rạo rực nhựa trong cành mai, gốc đào, chồi mận mà nhà văn còn nghe thấy…phải là người biết sống “sống như nhập hồn mình vào trời đất quê hương” (Miếng ngon Hà Nội) mới “nghe thấy đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động”. “Tiếng trăng thủ thỉ thì thầm” khi mùa xuân về, mới “nghe thấy từng cái lá rụng ngoài vườn”, thậm chí “nghe thấy hình như ở xa có tiếng nhạc từ trời rơi xuống”. Những âm thanh vừa hiện hữu vừa mơ hồ của trăng, của ve, của mùa xuân, của vũ trụ, Vũ Bằng đã nghe được không chỉ bằng thính giác mà bằng cả tâm hồn với tình yêu rất mực với Hà Nội. Vũ Bằng còn cảm nhận được muôn tiếng huyền dâng lên từ thế giới thiên nhiên và không gian quanh mình, đặc biệt là những lúc giao mùa. Ngòi bút Vũ Bằng thật là tài tình, khơi dậy hồn đất nước, hồn dân tộc đang giăng mắc trong những sự vật, sự việc tưởng như nhỏ nhặt mà ông gọi là “khúc nhạc hồn non nước”.
Nỗi nhớ miên man dẫn Vũ Bằng đi cùng năm tháng để ngòi bút cứ lần lượt khơi dậy bao vẻ đẹp của thiên nhiên Hà Nội. Nhưng nhìn một cách tổng quát thì có thể thấy đó là một thiên nhiên hữu tình. Và trước Hà Nội nói chung, thiên nhiên ấy nói riêng, Vũ Bằng hiện lên như một tình nhân, còn cảnh sắc Hà Nội hiện lên với sự thuần khiết, vẻ đẹp diễm tình thanh tân. Những “sắc” (cây lá thì “xanh mươn mướt”, “tươi hơn hớn”, “xanh mơn mởn”…hoa thì “đỏ chói”, “rực rỡ”, “trắng xóa”…), những “hương” (thơm phức, mang nhịp thở êm ái thơm ngọt ngào mùi đất nước), những
“thanh” (như “núi thì thầm cùng mây, mây tâm tình với gió”, “nghe tiếng nước suối ở xa xa thì thầm thủ thỉ”…) là minh chứng hùng hồn cho một thiên nhiên Hà Nội hữu tình, căng tràn sức sống, lung linh đến kì ảo. Ta hiểu vì sao Vũ Bằng rất hay sử dụng cái mô tuyp tương quan giữa thiên nhiên và người đẹp. Hàng loạt những hình ảnh so sánh ví von thiên nhiên với vẻ đẹp mĩ nhân khiến cảnh quan Hà Nội trở nên vô cùng gợi cảm, vừa sang trọng lại vừa rạo rực nhựa sống: “trăng tháng giêng non như người con gái mơn mởn đào tơ. Có thể ví tháng giêng ấy với một cô gái có sắc