Thực trạng thiết bị kỹ thuật và công nghệ trong các làng nghề ở Bắc Ninh hiện nay cho thấy năng lực công nghệ nội sinh của các làng nghề còn rất lạc hậu, hạn chế. Sự tồn tại lâu dài các thiết bị, công nghệ lạc hậu đã làm cho năng suất, chất lượng giảm và làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chuyển giao công nghệ là con đường chủ yếu hiện nay nhằm giúp các làng nghề đổi mới trang thiết bị sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thời gian quan việc chuyển giao công nghệ ở các làng nghề của Bắc Ninh chủ yếu được tiến hành theo hướng nhập khẩu máy móc thiết bị từ nước ngoài hoặc thu mua máy móc thiết bị thải loại từ công nghiệp đô thị. Cần phải hiểu rằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến rất có thể làm mất đi yếu tố truyền thống, độc đáo trong các sản phẩm của làng nghề. Do đó trong khi chuyển giao công nghệ nên thực hiện theo trình tự từ thô sơ đến hiện đại. Trước mặt chỉ nên áp dụng công nghệ hiện đại ở những khâu có thể tiến hành sản xuất hàng loạt nhằm tiết kiệm các nguồn lực. Đối với sản phẩm phục vụ tiêu dùng (mỳ, bún, bánh, rượu…) cần đặc biệt chú ý áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với những sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu cần tích cực ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên cơ sở kế thừa kỹ thuật cổ truyền nhằm tạo ra những sản phẩm có độ đồng đều và chính xác cao đáp ứng được đòi hỏi của thị trường quốc tế. Đối với những khâu sản xuất mà trong chất thải có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng tới
sức khoẻ của người lao động và người dân thì nên nhanh chóng lựa chọn công nghệ phù hợp thay thế cho con người nhằm giảm thời gian tiếp xúc của người lao động với các chất thải sản xuất. Trong chuyển giao công nghệ cần nghiên cứu tình hình cụ thể của từng làng nghề để có cách thức tiến hành phù hợp, hiệu quả.