chức sản xuất kinh doanh
Đa dạng hoá hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh là biểu hiện cụ thể của nền kinh tế nhiều thành phần. Hiện nay bảo tồn các làng nghề truyền thống và phát triển các làng nghề mới cần dựa trên quan điểm đa dạng hoá các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới tận dụng được các nguồn lực tại chỗ như vốn, lao động dôi dư, thời gian lao động nông nhàn trong nông thôn, đồng thời phát huy được khả năng sáng tạo của các hộ sản xuất và các tổ chức kinh tế nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nay, kinh tế hộ gia đình đóng vai trò chủ yếu trong sản xuất kinh doanh ở các làng nghề Bắc Ninh. Ưu điểm của loại hình kinh tế này là tận dụng thời gian nhàn rỗi, tận dung diện tích nhà ở làm mặt bằng sản xuất, lưu giữ sản phẩm. Hình thức này chỉ nên phát triển ở các làng nghề có quy mô nhỏ, quá trình sản xuất các sản phẩm không đòi hỏi phân công lao động cao, sản phẩm mang tính đơn chiếc như, làm bún, bánh, đan lát. Nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì hình thức sản xuất hộ gia đình đang bộc lộ một số yếu điểm: không có vốn lớn, thiếu kỹ thuật, không có kinh nghiệm tổ chức quản lý, thiế kiến thức kinh doanh… Vì vậy, xu hướng vận động tất yếu là phải có sự liên kết với các hình thức tổ chức kinh doanh khác hoặc các hộ sản xuất liên kết với nhau, hoặc có thể cùng đóng góp vốn để hình thành các công ty TNHH, công ty cổ phần. Việc đa dạng hoá các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra sự liên kết hỗ trợ, bổ sung cho nhau, phá vỡ kiểu làm ăn manh mún ở các làng nghề. Tạo điều kiện để làng nghề đủ sức vươn đến các thị trường rộng lớn, phát huy tiềm năng của làng nghề.