Quy hoạch các làng nghề ở Bắc Ninh là vấn đề đầu tiên để các làng nghề ổn định, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất. Quy hoạch phát triển làng nghề phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước hết cần rà soát, đánh giá lại các làng nghề từ đó chọn ra các làng nghề cần phát triển. Tập trung xây dựng và thực hiện quy hoạch cho các ngành nghề cần ưu tiên. Giải quyết mặt bằng cho phù hợp với quy mô sản xuất nhưng đồng thời trong quy hoạch cũng cần quan tâm gắn với việc xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề. Đặc biệt việc hình thành và phát triển các nghề mới, làng nghề mới. Tỉnh Bắc Ninh đã có những quy hoạch phát triển nghề và làng nghề với chủ trương là tách khu vực sản xuất ra khỏi khu dân cư để tập trung sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường. Một số cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động như: Cụm công nghiệp làng nghề chuyên sản xuất sắt thép Châu Khê-Từ Sơn, cụm công nghiệp làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Quang-Từ Sơn, cụm công nghiệp làng nghề chuyên sản xuất sắt thép Lỗ Xung, Mả Ông –Từ Sơn, cụm công nghiệp làng nghề giấy Phong Khê-Thành phố Bắc Ninh.
Phát triển làng nghề theo hướng làng nghề sản xuất tập trung sẽ mang lại nhiều lợi ích:
- Tạo ra mặt bằng thuận lợi cho các hộ gia đình, từ đó có điều kiện đầu tư kỹ thuật công nghệ, phát triển mở rộng sản xuất, tạo việc làm trong khu
vực, đa dạng hoá các hình thức sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn.
- Thông qua việc xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, hệ thống cơ sở vật chất như: điện, nước, đường giao thông sẽ được đầu tư đồng bộ nhằm hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
- Từ việc tập trung sản xuất các làng nghề vào các khu vực nhất định sẽ khiến cho việc xử lý các chất thải từ sản xuất được thuận lợi, áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến và như vậy vấn đề ô nhiễm môi trường mới có thể được giải quyết triệt để.