Phương pháp phân tích mẫu

Một phần của tài liệu đánh giá hiện trạng chất lượng nước sinh hoạt vùng bán sơn địa huyện quảng trạch, tỉnh quảng bình và đề xuất giải pháp quản lý (Trang 39)

4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

2.3.3.Phương pháp phân tích mẫu

Phân tích các thông số về chất lượng nước tại phòng thí nghiệm Tài nguyên sinh vật & Môi trường, khoa Sinh học - Đại học Khoa học Huế.

Các phân tích về hàm lượng kim loại nặng trong mẫu nước được thực hiện tại trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ Phẩm, Dược phẩm Thừa Thiên Huế trên máy quang phổ Analyst 800 của hãng Perkin Elmer - Mỹ.

- Xác định pH: bằng giấy đo pH - Indikatorpapier

- Xác định độ đục: đo bằng máy Hach DR890 cầm tay

- Xác định oxy hóa học (COD): bằng phương pháp chuẩn độ KMnO4

Nguyên tắc: Đun nóng mẫu thử trong nồi cách thủy với một lượng KMnO4 và axit H2SO4 đã biết trong khoảng thời gian nhất định (10 phút). Khử phần KMnO4 trong mẫu bằng chất có khả năng oxy hóa và xác định lượng KMnO4 đã dùng bằng việc thêm dung dịch axit Oxalic dư, sau đó chuẩn độ với KMnO4. Kết quả tính ra mgO2/lít [34].

- Xác định độ cứng theo CaCO3: bằng phương pháp chuẩn độ EDTA

Nguyên tắc: Chuẩn độ tạo phức canxi và magiê với dung dịch nước của muối dinatri của EDTA ở pH 10. Dùng Eriochrome Black T làm chỉ thị. Chỉ thị này tạo hợp chất màu đỏ hoặc tím với ion canxi và magiê.

Trong quá trình chuẩn độ, EDTA trước hết phản ứng tạo phức với các ion canxi và magiê tự do, sau đó ở điểm tương đương phản ứng với các ion canxi và magiê đã liên kết với chất thỉ thị, giải phóng chỉ thị và làm màu dung dịch đổi từ đỏ sang tím sang xanh [44].

- Xác định sắt tổng số: bằng phương pháp so màu với thuốc thử phenaltrolin Nguyên tắc: Đun nóng mẫu thử trong nồi cách thủy với một lượng hydroxyamin trong môi trường acid để chuyển Fe (III) có mặt về Fe (II) và lên màu với thuốc thử 1,10 - phenantrolin ở pH từ 3,2 đến 3,3. Một ion Fe(II) sẽ kết hợp với 3 phân tử 1,10 - phenantrolin để hình thành phức có màu đỏ

cam. So màu bằng máy quang phổ ở bước sóng 510nm cho phép xác định được nồng độ sắt trong mẫu.

Kết quả mật độ quang đo được về hàm lượng sắt tổng số được tính theo phương trình đồ thị chuẩn, từ đó tính được hàm lượng sắt tổng số có mặt trong nước [44].

- Xác định amoni (NH4+): bằng phương pháp Nessler

Nguyên tắc: Ion amoni (NH4+) trong môi trường kiềm phản ứng với thuốc thử Nessler tạo thành phức có màu từ vàng tới nâu, phụ thuộc vào hàm lượng amoni có trong nước. So màu bằng máy quang phổ ở bước sóng 420 nm - 425 nm.

Kết quả mật độ quang đo được về hàm lượng amoni được tính theo phương trình đồ thị chuẩn, từ đó tính được hàm lượng amoni có mặt trong nước [44].

- Xác định coliform: bằng phương pháp MPN (Most Probable Number)

Nguyên tắc: Dựa theo đặc tính của nhóm vi khuẩn coliform là lên men đường lactose và sinh hơi ở 37oC trong 24 giờ. Tổng số Coliform được xác định bằng số ống nghiệm dương tính sau khi nuôi cấy vào môi trường BGBL (Brilliant Green Bile Lactose) và sử dụng bảng MPN để tính kết quả [9], [33].

- As được phân tích bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử AAS (Atomic Absorption Spectrometers)

Nguyên tắc của phương pháp AAS: Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử dựa trên sự hấp thụ chọn lọc các bức xạ cộng hưởng của nguyên tử ở trạng thái tự do của nguyên tố cần xác định. Đối với mỗi nguyên tố vạch cộng hưởng thường là vạch quang phổ nhạy nhất của phổ phát xạ nguyên tử của chính nguyên tử đó [44].

Một phần của tài liệu đánh giá hiện trạng chất lượng nước sinh hoạt vùng bán sơn địa huyện quảng trạch, tỉnh quảng bình và đề xuất giải pháp quản lý (Trang 39)