Những vấn đề rút ra có ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam trong việc thực hiện chính sách hợp tác kinh tế với Mỹ

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái bình dương giai đoạn 2000 - 2004 (Trang 100)

trong việc thực hiện chính sách hợp tác kinh tế với Mỹ

Việc nghiên cứu chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương nói chung và trong quan hệ với Việt Nam nói riêng cho thấy những khác biệt đặc thù của chính sách này so với chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Đó là sự khác biệt lớn về quy mô và tầm vóc giữa chính sách của một siêu cường duy nhất toàn cầu có những lợi ích toàn cầu, luôn có tham vọng lãnh đạo thế giới và khu vực để thực hiện sự kiểm soát đối với vận mệnh của chính nước Mỹ và chính sách phát triển các quan hệ kinh tế đối ngoại để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá của một nước nghèo, đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế và hội nhập như Việt Nam. Thực tế cho thấy, giữa Mỹ và Việt Nam đang tồn tại những khác biệt sâu sắc trong quan niệm về “sự công bằng” trong các quan hệ kinh tế. Việt Nam hầu như không có quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR) (hay còn gọi là quy chế tối huệ quốc-MFN), thực hiện chính sách thương mại bình đẳng đối với các bạn hàng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử. Trái lại, Mỹ đặc biệt coi trọng về việc sử dụng quy chế MFN để gây áp lực đòi “công bằng” về mức độ mở cửa thị trường. Một khác biệt quan trọng nữa là chính sách kinh tế của Mỹ không chỉ bao hàm những yếu tố, công cụ thuần tuý kinh tế. Mỹ luôn gắn các quan hệ kinh tế với việc thúc đẩy dân chủ, truyền bá các giá trị Mỹ ở các nước đối tác. Những khác biệt có tính nguyên tắc nói trên sẽ chi phối toàn bộ quá trình phát triển quan hệ thương mại Việt - Mỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh những khác biệt nói trên, Mỹ và Việt Nam còn có những mối quan tâm chung và lợi ích cùng chia sẻ lớn hơn. Với tư cách một cường quốc số một thế giới và có những lợi ích toàn cầu, ngoài những lợi ích kinh tế dù hiện còn hạn chế ở Việt Nam, Mỹ còn có những lợi ích

chung với Việt Nam trong những vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường, kiểm soát tăng dân số, chống nghèo đói, buôn bán ma tuý và bệnh dịch nguy hiểm. Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ mối quan tâm về sự phát triển ổn định về kinh tế khu vực và thế giới, về một nền hoà bình lâu dài ở khu vực Đông Nam Á, ngăn chặn sự chi phối một chiều của các cường quốc khác trong khu vực. Bất kể những quan điểm chống Việt Nam của giới bảo thủ, cực hữu trong một nước tự do ngôn luận như Mỹ, trong chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ, “một nước Việt Nam phồn vinh, hội nhập với các thị trường thế giới và các tổ chức khu vực sẽ đóng góp cho sự ổn định khu vực” là phù hợp với lợi ích của Mỹ. Những mối quan tâm chung và những lợi ích cùng chia sẻ này chính là cơ sở cho sự hợp tác Việt - Mỹ, Việt Nam cần tích cực, chủ động khai thác trong đàm phán song phương với Mỹ để thúc đẩy các quan hệ kinh tế - thương mại Việt – Mỹ phát triển trên cơ sở tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích của dân tộc. Điều quan trọng là phải làm cho Chính phủ Mỹ hiểu được những khó khăn và chấp nhận những bước quá độ cần thiết trong thực hiện những cải cách kinh tế ở Việt Nam. Với thực tế đó, trong quá trình hoạch định chính sách thương mại với Mỹ, Việt Nam cần chú trọng đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, với tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới, giữ một vị trí đặc biệt trong nền chính trị thế giới, ảnh hưởng quan trọng đến các mối quan hệ quốc tế, Mỹ luôn là quốc gia có tiếng nói quan trọng và có vai trò chi phối trong các tổ chức quốc tế. Là thành viên (APEC), Việt Nam cần tích cực thông qua diễn đàn này để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các nước thành viên khác của APEC để đẩy nhanh tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam.

Thứ hai, đối với khu vực Đông Nam Á sẽ phát triển theo hướng Mỹ dùng chính sách tự do hoá thương mại, tự do hoá đầu tư để mở rộng ảnh hưởng của mình đối với các nước Đông Nam Á. Để thực hiện các mục tiêu

đó, Mỹ tích cực đẩy mạnh quan hệ song phương. Vì vậy, để có được quan hệ thoả đáng với Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhất là giữa hai nước có sự khác nhau về chế độ xã hội, lịch sử, văn hoá, về trình độ phát triển kinh tế, Việt Nam cần phải tìm ra các điểm tương đồng phù hợp với lợi ích của hai bên, cố gắng vượt qua những khác biệt để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trên cơ sở hợp tác bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau và hai bên cùng có lợi.

Thứ ba, pháp luật Mỹ và pháp luật Việt Nam khác nhau rất nhiều. Hiểu được pháp luật Mỹ, nhất là nắm được hệ thống luật pháp trong tranh chấp thương mại hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Do vậy, Việt Nam cần phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát công phu để một mặt hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam cho phù hợp với những điều mà chúng ta cam kết, đồng thời, có thể nắm bắt được hệ thống pháp luật Mỹ về thương mại hàng hoá, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại, dịch vụ, đầu tư ... để triển khai việc thực thi Hiệp định được tốt hơn, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ.

Thứ tư, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến thương mại và đầu tư nước ngoài cũng như tăng cường thu hút nguồn vốn ODA và FDI của Mỹ cho các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam. Đồng thời có những biện pháp khuyến khích các công ty Mỹ tham gia đấu thầu thực hiện một số dự án lớn qua các hình thức BOT, BT,…Khai thác tốt nguồn ODA của Mỹ, trước hết để hỗ trợ cho đầu tư trực tiếp của Mỹ ở Việt Nam. Tiếp tục phát triển quan hệ với các cơ quan của Mỹ liên quan đến kinh tế và thương mại như: Cơ quan viện trợ Mỹ (USAID), Công ty đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC), Chương trình thương mại và phát triển (TDP), Bộ Thương mại Mỹ, Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ (EXIMBANK).

Thứ năm, trong mục tiêu chiến lược của mình, Mỹ bao giờ cũng gắn mục đích chính trị song song với hoạt động thương mại, do vậy, có thể Mỹ sẽ có những tính toán chính trị, an ninh thông qua thực hiện Hiệp định thương mại song phương. Hơn nữa, thị trường Mỹ cũng như bất kỳ thị trường rộng lớn nào khác và kể cả thị trường chung thế giới, đều có những bước thăng trầm, suy thoái và có những vấn đề riêng ở từng thời điểm. Do vậy, Việt Nam không chỉ dựa vào quan hệ thương mại với Mỹ, mà cần kiên trì và nhất quán thực hiện phương châm đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ thương mại quốc tế và trong tương lai, Việt Nam cần có chính sách giữ cân bằng trong quan hệ thương mại với tất cả các bạn hàng trên thế giới.

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái bình dương giai đoạn 2000 - 2004 (Trang 100)