Trong công tác cấp nước đô thị, phương thức quản lý theo truyền thống trên thế giới đa phần chỉ tập trung cho các hoạt động liên quan đến quản lý cung. Ví dụ như nỗ lực tìm các nguồn nước mới, nắn dòng, mở rộng hoặc tăng cường xây đập, hồ chứa nước, các trạm bơm nước ngầm, các nhà máy xử lý nước cấp và nước thải… Tuy nhiên, phương thức quản lý tập trung đáp ứng mức cung như thế này đã bộc lộ khá nhiều bất cập, cụ thể là:
• Chi phí đầu tư cho các công trình là rất lớn,
• Gây nhiều áp lực lên các nguồn nước ngọt có hạn,
• Gây ra nhiều tác động có hại lên môi trường và các hệ sinh thái,
• Bị động đối với nhu cầu sử dụng luôn thay đổi và ngày càng gia tăng, v.v... Ngược lại với quản lý cung (Supply Side Management), quản lý nhu cầu (Demand Side Management) nước cấp đô thị hướng đến mục tiêu sử dụng tài nguyên nước ngọt một cách hiệu quả, tiết kiệm và công bằng. Vấn đề cân đối nhu cầu là sự đánh giá việc sử dụng nước trong các khu vực nhỏ, sự tham gia của những người sử dụng nước, tái cung cấp nguồn nước cho các ngành, giải pháp giải quyết mâu thuẫn giữa những người sử dụng nước, phân phối công bằng chi phí và lợi ích sử dụng nước giữa những người sử dụng hiện tại và những người sử dụng trong tương lai, tăng cường năng lực quản lý.
Phương thức quản lý nhu cầu là sự kết hợp các giải pháp phi công trình bao gồm các biện pháp giáo dục nhận thức, quảng bá thông tin, các chương trình khuyến khích, trợ giá, tái chế, tái sử dụng nước, các giải pháp về công nghệ và kỹ thuật như sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, tưới nhỏ giọt trong nông nghiệp… Mục tiêu quan trọng nhất của quản lý nhu cầu nước cấp đô thị là làm giảm áp lực cấp nước cho các nhà máy nước, qua đó góp phần bảo tồn trữ lượng cũng như chất lượng của các nguồn nước ngọt (Brandes and Ferguson, 2005).