Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước đang dẫn đến vấn đề cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước. Một khi nhu cầu sử dụng nước cấp đô thị tăng cao thì các nhà máy cấp nước phải nâng công suất khai thác nước cấp là điều tất yếu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hương. Nước ở đầu nguồn không kịp bổ sung, điều tiết kết hợp với các hoạt động khai thác cát sạn sẽ làm giảm dòng chảy và hạ thấp mực nước sông Hương. Sông Hương có lưu lượng sinh thái là 31m3 s-1. Mùa khô diễn ra từ tháng I đến tháng VIII, và tháng IV thường là tháng khô hạn nhất với biên độ dòng chảy dao động trong khoảng 20-60 m3 s-1. Mùa lũ xảy ra từ tháng IX đến tháng XII, và dòng chảy kiệt của tháng X được xác định dao động trong khoảng 30-300 m3 s-1, với Q80 là 70 m3 s-1 (80% thời gian xảy ra lưu lượng bằng hoặc lớn hơn giá trị
Như vậy, dòng chảy của lưu vực sông Hương trong mùa hè rất thấp. Hiện nay, mặc dù thành phố Huế đã và đang xây dựng các công trình hồ chứa để giữ nước và điều tiết nước, tuy nhiên dự kiến các công trình này sau năm 2010 mới đi vào vận hành. Thế nhưng, việc khai thác quá nhiều nước cấp cho đô thị sẽ gây trở ngại cho quá trình điều tiết, muốn làm tốt công tác này thì các cơ quan quản lý có liên quan phải phối hợp với nhau một cách chặt chẽ.
Do đó, xét về thực trạng của công tác cấp nước hiện tại, việc khai thác quá nhiều nước cấp sẽ càng làm cạn kiệt nước sông Hương. Kết quả này sẽ gây ra nhiều tác động có hại cho các hệ sinh thái ở khu vực hạ lưu như vùng cửa sông, hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai ...
Bên cạnh đó, một tác động tiêu cực theo sau vấn đề này là tần suất nhiễm mặn sẽ tăng lên, đồng thời độ mặn của của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cũng sẽ gia tăng. Hệ quả là các hệ sinh thái thủy sinh liên quan sẽ chịu nhiều biến động phức tạp. Trong thời gian qua, sự phát triển mạnh của thực vật thuỷ sinh trên sông Hương – hiện tượng chưa từng diễn ra trước đây – là một điều đáng quan tâm vì nó phản ánh môi trường sông Hương đang dần biến đổi. Điều này cho thấy sự trao đổi nước giữa sông Hương và biển đang kém dần đi. Sông Hương đang thể hiện sắc thái của hệ sinh thái sông chảy chậm và giàu dinh dưỡng. Trên chiều hướng biến đổi này, tình trạng phát triển của cỏ thủy sinh tiếp tục phát triển và chúng rất có thể sẽ trở thành một trong những tác nhân giữ lại các trầm tích, làm tăng sự bồi lắng vùng ven bờ của sông. Nhóm tảo phù du cũng sẽ phát triển mạnh về quần thể làm gia tăng tần suất xảy ra hiện tượng phú dưỡng. Đây cũng sẽ là một trở ngại đối với việc lắng lọc trong quá trình xử lý nước của công ty cấp nước Thừa Thiên Huế (Ban Quản lý dự án sông Hương, 2007).
b. Chất thải
Hiện nay, Huế chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn thành phố. Nước thải chưa qua xử lý hiện đang được đổ thẳng ra các sông, ao và hồ… Thành phố hiện có ít nhất 120 điểm xả nước thải, nước mưa; trong đó có khoảng 50 điểm xả nước thải trực tiếp ra sông mà không qua bất kỳ một hệ thống xử lý nào. Có từ 27- 35,7% số hộ sống ven sông và trên sông Hương thường xuyên đổ trực tiếp xuống sông các chất thải sinh hoạt. Trung bình một ngày, có khoảng 40.000m3 nước từ hàng trăm cống thải lớn nhỏ đổ xuống sông Hương. Lượng nước này cũng như rác thải đều chưa qua xử lý. Ngoài ra còn có rất nhiều cống thải nhỏ gia đình được đặt theo các bờ kè dọc theo sông Hương.
Như vậy, việc gia tăng sử dụng nước cấp đô thị sẽ kéo theo sự gia tăng lượng nước thải và làm tăng thêm mức độ ô nhiễm của các con sông trong thành phố như sông Hương, Ngự Hà, Lợi Nông, Như Ý, Đông Ba, Bạch Yến … Kết quả quan trắc và phân tích của Ban Quản lý dự án sông Hương trong giai đoạn từ tháng 5 đến cuối tháng 9 năm 2008 cho thấy nguồn nước tại các sông nhánh của sông Hương là Như Ý và Đông Ba đã có dấu hiệu ô nhiễm. Đặc biệt là sông Như Ý, các thông số phản ánh sự ô nhiễm chất hữu cơ (BOD5, COD) và chất dinh dưỡng luôn dao động ở mức cao
tại nhánh sông này. Hầu hết các thông số đều không thỏa mãn TCVN 5942 - 1995 đối với nguồn loại A, một số thông số vượt quá TCVN 5942 - 1995 đối với nguồn loại B. Theo một nghiên cứu gần đây của Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế về
“Điều tra, đánh giá chất lượng nước ở một số vùng trọng điểm thuộc thành phố Huế và vùng phụ cận” thì sông Hương đang có hiện tượng phú dưỡng gây ra sự phát triển quá mức của tảo. Nước sông có hàm lượng chất hữu cơ và mật độ vi khuẩn gây bệnh tương đối cao (thông số Coliform tại một số điểm khảo sát trên sông Hương thường cao hơn gấp 5-10 lần so với giới hạn cho phép).
Bên cạnh lượng chất thải sinh hoạt của người dân còn phải kể đến lượng nước thải cũng như rác thải của nhà máy xử lý nước. Quá trình hoạt động của nhà máy sẽ phát sinh một lượng nước thải từ các quá trình thử tải, rửa lọc, thau rửa các bể, tách nước từ bùn,… Lượng nước thải này không phát sinh liên tục, tuy nhiên nước thải rửa lọc và nước thải tách ra từ bùn có nồng độ các chất bẩn đậm đặc (các lớp chất trên vỏ vật liệu lọc, bùn cặn,…), các hợp chất keo tụ,… Những chất bẩn này sẽ làm gia tăng mức nhiễm bẩn của nước thải và gây ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường nhà máy nước Quảng Tế II, với công suất sau khi mở rộng là 82.500 m3/ngày thì nhà máy sẽ thải ra một lượng chất thải như sau:
Bảng 4.4. Lượng bùn ước tính thải ra trong một năm từ nhà máy nước Quảng Tế II
sau khi mở rộng (công suất 82.500 m3/ngày)
Thông số Đơn vị Trung bình
Chất rắn lơ lửng Lượng phèn sử dụng mg/l mg/l 75 6,43 Lượng bùn thải bỏ - Tính theo ngày - Tính theo năm Tấn/ngày Tấn/năm 6,71 2.452
Như vậy, sau khi dự án mở rộng nhà máy nước Quảng Tế II hoàn thành (dự kiến vào cuối năm 2009), với tổng công suất của hệ thống cấp nước thành phố Huế vào khoảng 45.260.000 m3/năm, tồng lượng chất thải rắn do nhu cầu sử dụng nước ở thành phố Huế được ước tính trung bình như sau:
Bảng 4.5. Ước tính lượng bùn thải từ các nhà máy xử lý nước cấp đô thị Huế
năm 2010
Thông số Đơn vị Trung bình
Chất rắn lơ lửng Lượng phèn sử dụng mg/l mg/l 112,7 9,66 Lượng bùn thải bỏ
- Tính theo ngày - Tính theo năm Tấn/ngày Tấn/năm 10,085 3.681
Theo dự báo, để đáp ứng nhu cầu năm 2020, tổng công suất của nhà máy sẽ phải nâng lên tối thiểu là 57.564.726 (m3/năm). Như vậy, lượng bùn thải vào năm 2020 ước tính vào khoảng 4.682 tấn/năm.
Mặc dù lượng bùn thải trên đây đã được công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình Đô thị Huế thu gom,tuy nhiên một phần nhỏ chất thải vẫn thoát ra môi trường qua hệ thống tiêu thoát nước của các nhà máy cấp nước và chảy vào các kênh, mương và sau đó chảy ra các khu vực xung quanh gây những tác động xấu như sau:
• Về mùa khô, lượng bùn tích tụ sẽ xảy ra quá trình phân hủy nhanh chóng tạo mùi hôi thối cho khu vực xung quanh.
• Về mùa mưa, khi có mưa lớn, lượng bùn sẽ thoát ra khỏi hồ chứa, mương nước tràn vào khu vực xung quanh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đi lại của người dân.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý nước cấp, nhà máy cấp nước Quảng Tế còn phải sử dụng một lượng hóa chất keo tụ (PAC) để loại chất rắn lơ lửng. Với công suất cấp nước của nhà máy vào khoảng 82.500 m3/ngày, lượng PAC (thải ra theo bùn) ước tính hàng năm khoảng 193-322 tấn/năm. Như vậy, với tổng công suất cấp nước cho toàn thành phố Huế là 45.260.000m3/năm thì lượng PAC được thải ra tương ứng vào khoảng 387 tấn/năm. Trong môi trường, lượng hóa chất này sẽ gây ô nhiễm môi trường nước cũng như làm gia tăng nguy cơ tích tụ nhôm hydroxit trong đất gây ô nhiễm đất.
Tóm lại, nhu cầu sử dụng nước cấp ngày càng tăng cao sẽ làm gia tăng lượng nước thải từ sinh hoạt của người dân và từ hoạt động của các nhà máy xử lý nước. Nếu không có các hệ thống xử lý nước thải và các phương pháp quản lý thích hợp, tình trạng ô nhiễm ở các sông hồ và nước ngầm sẽ ngày càng nghiêm trọng, khi đó thành phố Huế sẽ không có đủ nước sạch để để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.