Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu Đánh giá các tác động kinh tế - xã hội và môi trường của sự gia tăng nhu cầu nước cấp đô thị ở thành phố Huế (Trang 35 - 37)

Từ thập niên 1970, các nhà quản lý nước cấp đô thị Hoa Kỳ đã tiên phong chuyển sang hướng quản lý nhu cầu nhằm đối phó với nguy cơ giảm sút nghiêm trọng các nguồn tài nguyên nước ngọt do biến đổi khí hậu và do tác động của con người. Kể từ đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương thức quản lý này, điển hình có thể kể:

+ Thành phố Melbourne, Australia đã quyết định trong 50 năm sắp đến, tất cả các nhà máy cấp nước mới được xây dựng phải thực hiện phương thức quản lý nhu cầu nước đô thị (Renzetti, 2003).

+ Khuyến khích sử dụng toa lét hai nút xả, mua lại hạn ngạch cấp nước của các ngành công nghiệp, sử dụng máy giặt trục đứng. Ước tính những giải pháp này chỉ tiêu tốn khoảng 1/3 so với chi phí dự định bỏ ra để cung cấp thêm lượng nước và đã tiết kiệm được hàng năm hàng chục ngàn USD cho các đối tượng sử dụng (Brandes & Ferguson, 2005).

+ Kế hoạch quốc gia của Thái Lan lần thứ 9 về quản lý nước (2002-2006) đã quyết định kể từ năm 2003, tất cả các đô thị của quốc gia này sẽ phải lồng ghép quản lý nhu cầu trong công tác quản lý nước cấp đô thị... (FAO Corporate Document Repository, 2002).

+ Đối với vấn đề đảm bảo sự bền vững của nguồn nước, sau khi nhận ra rằng việc bảo tồn thác nước sẽ đỡ tốn kém hơn là việc xây dựng thêm các nhà máy khai thác nước mới để phục vụ cho toàn dân trên địa bàn, thành phố New York đã có một đột phá sáng tạo bằng cách bảo tồn những khu rừng ở quanh các thác nước Catskill Mountains.

Trên thực tế, thành phố Huế cũng như tất cả các tỉnh thành khác của Việt Nam hiện đang quản lý nước cấp đô thị theo phương thức cung, nghĩa là chỉ mới chú trọng đến việc gia tăng lượng nước cấp để đáp ứng nhu cầu. Quy hoạch tổng thể về cấp nước cấp đô thị của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và 2020 cũng chỉ tập trung cho các kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng thêm nhà máy cấp nước, hệ thống ống cấp nước, các chỉ tiêu gia tăng lượng nước sử dụng đầu người, … Căn cứ chủ yếu trong các quy hoạch tổng thể về cấp nước là khả năng sẵn có của nguồn nước chứ hoàn toàn chưa chú trọng triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Do vậy, thành phố Huế cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố vừa và nhỏ ở các quốc gia trên thế giới để thực hiện một chiến lược tổng hợp, dài hạn nhằm tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

4.4.2. Đề xuất các giải pháp khả thi

Những tác động tiêu cực của việc gia tăng nhu cầu sử dụng nước cấp đô thị trên đây cho thấy đã đến lúc thành phố Huế cần phải thực hiện một chiến lược tổng hợp và dài hạn nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước cấp đô thị. Bên cạnh những thành tích đã đạt được rất đáng khích lệ về năng lực cung cấp và chất lượng nước cấp, thành phố Huế cần phải chú trọng áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm nguồn nước cấp đô thị thông qua quản lý nhu cầu. Phương thức quản lý này sẽ giúp cho thành phố ứng phó chủ động với các sự cố thiếu nước trong tương lai, đồng thời góp phần hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường của thành phố.

Kinh nghiệm thực hiện quản lý nhu cầu nước đô thị rất thành công ở các thành phố vừa và nhỏ trên thế giới cho thấy để đạt được hiệu quả cao trong phương thức quản lý này, thành phố Huế cần áp dụng đồng thời ba nhóm giải pháp chính sau đây:

- Nhóm giải pháp kinh tế bao gồm cách tính giá nước (tính đủ và tính đúng, tính theo giá nước lũy tiến, theo chi phí và lợi nhuận biên,...), các chương trình trợ giá nhằm khuyến khích tiết kiệm nước ...

- Nhóm giải pháp chính sách và xã hội bao gồm các chương trình hướng đến cộng đồng như nâng cao nhận thức, quảng bá thông tin, các chương trình giáo dục nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm nước cho các đối tượng sử dụng, các chính sách về sử dụng tiết kiệm nước, hạn chế về sử dụng nước trong thời điểm xảy ra hạn hán, ...

- Nhóm giải pháp kỹ thuật và công nghệ bao gồm việc lắp đặt các thiết bị sử dụng nước hiệu quả (các loại toa lét, máy giặt, vòi nước ... tiết kiệm nước), áp dụng các kỹ thuật tưới vườn tiết kiệm nước, các công nghệ tái chế và tái sử dụng nước trong ngành công nghiệp và thương mại-dịch vụ, sản xuất sạch hơn, ...

Một phần của tài liệu Đánh giá các tác động kinh tế - xã hội và môi trường của sự gia tăng nhu cầu nước cấp đô thị ở thành phố Huế (Trang 35 - 37)