Căn cứ vào các mục tiêu thiên niên kỷ về cung cấp nước sạch và các chỉ tiêu đô thị loại 1 của Bộ Xây dựng, tình hình cấp nước ở thành phố Huế đến năm 2010 phải đạt được 100% dân số dùng nước sạch, với tiêu chuẩn 165 lít/người/ngày và đến năm 2020 là 180 lít/người/ngày. Ngoài ra, “Quy hoạch tổng thể về nước cấp đô
thị” của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và 2020 đã đưa ra các mục tiêu sau:
• 74,4% dân số trong tỉnh sẽ tiếp cận được với nước cấp đô thị vào năm 2010 với tổng lượng nước cấp là 198.379 m3/ngày.
• 92,9% dân số của tỉnh sẽ tiếp cận được với nước cấp đô thị vào năm 2020 với tổng lượng nước cấp là 333.156 m3/ngày.
Hiện nay, tổng lượng nước cấp đô thị của riêng hệ thống cấp nước thành phố Huế là vào khoảng 69.000 m3/ngày, và của hệ thống cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế vào khoảng 105.000 m3/ngày. Để đạt được các mục tiêu đề ra trên đây, COWASU đã dự tính cần phải đầu tư 450,302 tỷ đồng từ năm 2002 đến 2010 và 542,926 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2020.
Từ năm 2002 đến nay, công ty bắt đầu trả nợ gốc và lãi đối với khoản vay 35 triệu FRF (5.334.190,36 EUR) vốn vay ODA để thực hiện dự án nâng cấp mở rộng
hệ thống cấp nước giai đoạn 1996 – 2000. Ước tính mỗi năm công ty phải trả hơn 10 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Từ năm 2001 đến tháng 9/2007, chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ đã làm phát sinh trên 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty mới phân bổ được 22 tỷ đồng, còn lại 26,1 tỷ đồng vẫn chưa giải quyết được (COWASU, 2008).
Bên cạnh đầu tư chi phí cho việc mở rộng hệ thống cấp nước, thành phố Huế và COWASU còn phải đầu tư cho chi phí xử lý nước thải do lượng nước thải cũng sẽ tăng lên tương ứng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước cấp. Để cải thiện chất lượng môi trường nước cũng như bảo vệ nguồn nước sông Hương, thành phố Huế hiện đang triển khai dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải với tổng mức đầu tư 24,008 tỉ yên Nhật (tương đương 3.560 tỉ VND). Hiện nay, thành phố đang tổ chức đấu thầu việc triển khai thi công giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của dự án sẽ kết thúc vào năm 2020, khi đó 85% nước thải của thành phố Huế sẽ được thu gom và xử lý.
Như vậy, nếu nhu cầu sử dụng nước cấp đô thị trong thực tế cứ một ngày càng tăng cao vượt mức dự báo thì những con số trên đây không chỉ dừng lại ở đó. Đây thực sự là một thách thức rất lớn về vốn đầu tư và chi phí xử lý nước thải cho ngành cấp thoát nước của thành phố Huế.