Quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo hiện còn tồn tại những yếu kém bất cập như: việc thực hiện các mục tiêu giáo dục và quản lí giáo dục còn hạn chế, công tác kiểm tra, thanh tra chưa phát huy hết tác dụng; chức năng, nhiệm vụ quản lí nhà nước quy định thiếu rõ ràng, chồng chéo, quản lí nhà nước vừa ôm đồm vừa buông lỏng…
Để khắc phục những vấn đề yếu kém bất cập nêu trên cần quán triệt tinh thần thực hiện đổi mới trong giáo dục và đào tạo và cải cách hành chính để đổi mới các hoạt động quản lí nhà nước về giáo dục. Đối với cấp Bộ, Sở, Phòng cần sắp xếp lại tổ chức, đổi mới công tác cán bộ, đổi mới phương thức chỉ đạo và phong cách làm việc để thực hiện tốt hơn chức năng quản lí nhà nước của mình. Đối với cấp cơ sở (nhà trường), cần có các văn bản hướng dẫn và những văn bản pháp quy về giáo dục để tổ chức thực hiện. Đó là phương tiện quan trọng để tiến hành quản lí nhà nước về giáo dục ở mọi cấp. Phương hướng đổi mới quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo cần tập trung vào những hoạt động chủ yếu sau:
– Đổi mới công tác lập pháp, lập quy.
– Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lí giáo dục các cấp và ở cơ sở giáo dục.
– Xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí theo hướng chuẩn hoá và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng.
– Đổi mới công tác huy động, quản lí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Cải cách nền hành chính là cải cách đồng bộ 3 yếu tố của nền hành chính, đó là: thể chế, bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức. Cải cách hành chính còn được hiểu là tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lí. Như vậy, vận dụng tinh thần cải cách hành chính để đổi mới quản lí giáo dục là vận dụng tư tưởng đổi mới một cách đồng bộ các hoạt động quản lí từ cơ chế quản lí giáo dục cho đến cách thức tổ chức chỉ đạo các hoạt động quản lí nhằm làm cho hoạt động giáo dục bảo đảm trật tự kỷ cương góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của nhà nước một cách có hiệu lực và hiệu quả nhất.
Đối với một cơ sở giáo dục vận dụng tinh thần cải cách hành chính để đổi mới quản lí giáo dục là quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các đối tượng trong tổ chức, có cơ chế phối hợp rõ ràng… Trong hoạt động quản lí vừa bảo đảm chế độ thủ trưởng nhưng phát huy cao độ dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho tập thể sư phạm có thể hoàn thành tốt nghĩa vụ của họ, đồng thời bảo đảm đúng quyền lợi chính đáng cho họ với mục đích cuối cùng là tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lí giáo dục.