Phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp giáo dục

Một phần của tài liệu Chương trình Quản lí hành chính Nhà nước và quản lí ngành Giáo dục và Đào tạo (Trang 55)

III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

2.Phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp giáo dục

a. Phát triển đội ngũ nhà giáo

Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng GD – ĐT, vì vậy cần thực hiện các biện pháp để huy động tối đa tiềm lực của đội ngũ giáo viên hiện có và từng bước phát triển đội ngũ giáo viên với số lượng, cơ cấu phù hợp, chất lượng đảm bảo.

Sử dụng hợp lí đội ngũ giáo viên hiện có, tạo động lực cho người dạy

– Hoàn thiện định mức lao động, chế độ làm việc của giáo viên khuyến khích giáo viên giỏi dạy ở nhiều trường, nhiều cấp để tiết kiệm việc đào tạo giáo viên mới, xây dựng kế hoạch sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có.

– Từng bước xây dựng chế độ trả lương theo giờ dạy và chất lượng dạy học. Ở các vùng khó khăn, tăng phụ cấp khu vực, phụ cấp sư phạm (tổng phụ cấp có thể gấp 2 – 3 lần lương cơ bản). Đảm bảo cho thu nhập giáo viên trên mức trung bình ở từng địa phương.

– Có chính sách thu hút những người làm việc ngoài ngành GD – ĐT tham gia giảng dạy tại các trường học, nhất là các trường đại học, THCN và dạy nghề.

Bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo yêu cầu chức danh ở các cấp bậc học, ngành đào

tạo. Sử dụng phương pháp sư phạm tương tác trong việc bồi dưỡng giáo viên, tăng cường năng lực tự nghiên cứu, tự đào tạo của người học. Chú trọng bồi dưỡng giáo viên để thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp GD - ĐT

Củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của hệ thống các trường sư phạm

– Xây dựng một số trường Đại học sư phạm trọng điểm vừa đào tạo giáo viên có chất lượng cao, vừa nghiên cứu khoa học giáo dục đạt trình độ tiên tiến. Phát triển mô hình các trường Cao đẳng Sư phạm đa cấp, đa hệ ở các địa phương.

– Phát triển mô hình đào tạo giáo viên đa hệ, đa cấp và nhiều môn để tăng cường khả năng thích ứng của giáo viên theo yêu cầu công việc.

– Ổn định và từng bước tăng quy mô đào tạo của hệ thống các trường sư phạm, phát triển mạng lưới các khoa sư phạm, trung tâm sư phạm trong các trường đại học và chuyên nghiệp; tăng cường sự liên thông, liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp trong công tác đào tạo giáo viên.

– Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các trường sư phạm. Chuẩn bị đội ngũ giáo viên để đưa tin học vào nhà trường. Đào tạo và nâng cấp trình độ đội ngũ giáo viên ngoại ngữ để làm cho việc dạy học ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

– Phân cấp quản lí công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn cho địa phương bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông, chuyên nghiệp, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm cho các trường đại học đa lĩnh vực trong việc bồi dưỡng giáo viên đại học.

– Có chính sách thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm, thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và nhập đội ngũ giáo viên các trường này. Tạo điều kiện biên chế để các trường đại học có thể giữ học sinh giỏi ở lại trường.

– Tăng 10% biên chế (hoặc 10% quỹ lương) cho các trường để giáo viên được luân phiên bồi dưỡng nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức, kỹ năng dạy học – giáo dục.

– Thực hiện chương trình xây dựng đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm.

b. Đổi mới phương pháp giáo dục

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp GD – ĐT để làm tăng tính tích cực chủ động của người học, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy – học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học. Phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân.

– Xây dựng một số trung tâm phương pháp trong phạm vi ngành và ở các cơ sở GD – ĐT để thiết kế việc thay đổi phương pháp dạy học - giáo dục, biên soạn tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn lực lượng nòng cốt trong việc thay đổi phương pháp.

– Thay đổi cách đánh giá của các cấp quản lí đối với trường, đối với giáo viên, của giáo viên đối với người học để giải phóng sức sáng tạo của người dạy, người học, tạo điều kiện để thay đổi phương pháp dạy học giáo dục.

– Tăng cường vai trò và thay đổi cách giảng dạy các môn tâm lí học, giáo dục học, phương pháp giảng dạy bộ môn ở các trường, khoa sư phạm, làm cho các môn đó có tác dụng thiết thực đối với phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá của những giáo viên tương lai.

– Nhanh chóng thiết lập hệ thống GDTX và sử dụng hệ thống GDTX để phổ biến nhanh các chủ trương và huấn luyện kịp thời việc đổi mới phương pháp dạy học – giáo dục.

– Thực hiện chương trình đổi mới phương pháp GD – ĐT để hỗ trợ và thúc đẩy nhanh chóng công việc này.

– Giáo viên mầm non: Đào tạo giáo viên mầm non đáp ứng nhu cầu giáo viên cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập, tiến tới chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non. Xây dựng chính sách đối với giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

– Giáo viên phổ thông: Điều chỉnh cơ cấu đội ngũ giáo viên phổ thông, tăng cường giáo viên nhạc họa, thể dục thể thao, nữ công gia chánh, giáo viên hướng nghiệp và dạy nghề để đa dạng hóa việc học và hoạt động của học sinh trong quá trình tiến tới học 2 buổi/ ngày. Nâng cao dần tỉ lệ giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng. Phấn đấu đến năm 2005 tất cả giáo viên THCS đều có trình độ cao đẳng trở lên, trong đó những giáo viên trưởng, phó các bộ môn có trình độ đại học. Nâng tỉ lệ giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ lên 10% vào năm 2010. Đặc biệt chú trọng đầu tư cho việc xây dựng đội ngũ giáo viên cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Giáo viên được thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ.

– Giáo viên các trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp: Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp theo chuẩn, bổ sung giáo viên cho một số lĩnh vực ngành nghề mới, thực hiện luân phiên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo chu kỳ 5 năm 1 lần. Nâng tỉ lệ giáo viên trung học chuyên nghiệp có trình độ sau đại học lên 10% vào năm 2010. Phát triển đội ngũ giáo viên thỉnh giảng, bao gồm các công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ trình độ cao

trong các doanh nghiệp, các giảng viên của các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu côn nghệ.

– Giảng viên đại học, cao đẳng: Khẩn trương đào tạo, bổ sung và nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng để một mặt giảm tỉ lệ sinh viên 1 giảng viên trung bình đang quá cao hiện nay (30) xuống khoảng 20, trong đó 10 – 15 đối với các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, 20 – 25 đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, các ngành kinh tế mặt khác, đón đầu sự phát triển giáo dục đại học những năm sắp tới: Tăng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bổ sung nhân lực trình độ cao cho các trường đại học, cao đẳng. Tăng tỉ lệ giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ lên 40%, có trình độ tiến sĩ lên 25% vào năm 2010. Chú trọng đào tạo giảng viên nữ có trình độ cao. Giảng viên được tạo điều kiện để tiếp cận với tri thức và các thành tựu khoa học – công nghệ mới của thế giới.

Lựa chọn các sinh viên giỏi bổ sung nguồn giáo viên cho các trường đại học, cao đẳng và tiếp tục đào tạo trong và ngoài nước. Ưu tiên gửi giảng viên đại học, cao đẳng đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác. Mời và tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lí, các doanh nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng.

– Hoàn thiện định mức lao động, chế độ làm việc, chế độ chính sách đối với nhà giáo: từng bước xây dựng chế độ trả lương theo số lượng và chất lượng dạy học. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, giáo dục các đối tượng đặc biệt. Nhà nước có chế độ, chính sách ưu đãi về lương đối với nhà giáo. Mở rộng diện tuyển giáo viên, giảng viên theo chế độ hợp đồng dài hạn.

– Tăng cường năng lực đào tạo và đổi mới chương trình đào tạo của các trường sư phạm và các khoa sư phạm: Thành lập mới các khoa sư phạm, các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong một số trường đại học và cao đẳng khác. Tập trung xây dựng 2 trường sư phạm trọng điểm vừa đào tạo giáo viên có chất lượng cao, vừa nghiên cứu khoa học giáo dục đạt trình độ tiên tiến. Ưu tiên đào tạo giáo viên người dân tộc và giáo viên biết tiếng dân tộc cho các cơ sở giáo dục ở vùng có nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số.

Một phần của tài liệu Chương trình Quản lí hành chính Nhà nước và quản lí ngành Giáo dục và Đào tạo (Trang 55)