Tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Chương trình Quản lí hành chính Nhà nước và quản lí ngành Giáo dục và Đào tạo (Trang 42)

I. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN GIẢI QUYẾT TRONG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HIỆN NAY

1.Tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay

a. Thành tựu

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù đất nước còn nghèo và có chiến tranh liên tiếp, sự nghiệp GD – ĐT nước ta đã đạt những thành tựu quan trọng.

Thực hiện Nghị quyết các Đại hội VI, VII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa VII, trong những năm gần đây, GD – ĐT có những mặt tiến bộ:

– Mạng lưới trường học phát triển rộng khắp. Hầu hết các xã trong cả nước, kể cả các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã có trường, lớp tiểu học. Phần lớn các xã ở vùng đồng bằng có trường trung học cơ sở. Hầu hết các huyện có trường trung học phổ thông. Các tỉnh và nhiều huyện đồng bào dân tộc đã có hệ thống trường dân tộc nội trú.

– Đã ngăn chặn được sự giảm sút quy mô và có bước tăng trưởng khá. Giáo dục mầm non, nhất là mẫu giáo 5 tuổi, đang phát triển. Công cuộc chống mù chữ được triển khai trong cả nước. Năm 2000 đã phổ cập tiểu học trong cả nước. Số học sinh phổ thông và số sinh viên đại học không ngừng tăng. Tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học đã giảm nhiều. Giáo dục sau đại học đã đào tạo được số lượng đáng kể cán bộ có trình độ cao mà trước đây chủ yếu phải dựa vào nước ngoài. GD – ĐT đã góp phần quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ lao động có trình độ học vấn tiểu học, trung học và đội ngũ cán bộ đông đảo phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng. Trong nông nghiệp, công nghiệp và một số ngành khác, đội ngũ cán bộ và công nhân nước ta có khả năng nắm bắt và ứng dụng nhanh chóng một số công nghệ mới.

– Chất lượng GD – ĐT có tiến bộ bước đầu trên một số mặt về các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật, ở bậc phổ thông và đại học hệ tập trung. Số học sinh khá giỏi, số học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế ngày càng tăng.

– Trong GD – ĐT đã xuất hiện một số nhân tố mới. Ở nhiều nơi đã hình thành phong trào học tập sôi nổi của cán bộ và nhân dân, nhất là thanh niên. Các loại hình trường lớp, từ phổ thông đến đại học, đa dạng hơn, tạo thêm cơ hội học tập cho nhân dân. Đã huy động được thêm các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để phát triển GD – ĐT. Các gia đình, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội đã chăm lo cho giáo dục nhiều hơn trước. Các phương tiện thông tin đại chúng đã xây dựng các chuyên mục phục vụ GD – ĐT. Hợp tác quốc tế về GD – ĐT bước đầu được mở rộng…

Nguyên nhân của các thành tựu nói trên là:

– Do đường lối GD – ĐT đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, chính sách đổi mới, trực tiếp là chính sách đổi mới trong GD ĐT, thể hiện tập trung ở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII).

– Truyền thống hiếu học của dân tộc ta được phát huy, nhu cầu học tập của nhân dân không ngừng tăng lên. Nhân dân đóng góp rất nhiều công, của xây dựng trường lớp và chăm lo sự nghiệp giáo dục.

– Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục và số đông học sinh, sinh viên có những cố gắng rất lớn; đại bộ phận thầy, cô giáo có tâm huyết, gắn bó với nghề. Các giáo viên ở vùng cao, vùng câu, vùng xa nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh…

– Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nhận thức rõ hơn về vai trò của giáo dục đối với tương lai của đất nước, đã khắc phục những khó khăn, tích cực tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục.

– Những thành quả phát triển kinh tế, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân qua mười năm đổi mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục.

b. Yếu kém

GD – ĐT nước ta còn nhiều yếu kém bất cập cả về quy mô, cơ cấu, và nhất là về chất lượng và hiệu quả; chưa đáp ứng kịp những đòi hỏi lớn và ngày càng cao về nhân lực của công cuộc đổi mới kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Hiện nay nước ta còn khoảng 7% dân số mù chữ; chưa phổ cập được giáo dục THCS; tỉ lệ sinh viên trên dân số còn thấp; tỉ lệ lao động qua đào tạo mới đạt hơn 22%; nền kinh tế quốc dân còn thiếu nhiều lao động và cán bộ có tay nghề và trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ cao.

– Cơ cấu ngành nghề, trình độ, cơ cấu xã hội và cơ cấu vùng của đội ngũ sinh viên, học sinh các trường đại học và chuyên nghiệp chưa hợp lí. Mấy năm gần đây ở một số ngành rất cần thiết cho sự phát triển đất nước lại có quá ít học sinh đăng ký theo học. Giáo dục chuyên nghiệp, nhất là đào tạo công nhân kỹ thuật có lúc suy giảm mạnh, mất cân đối lớn về cơ cấu trình độ trong đội ngũ lao động ở nhiều ngành sản xuất. Quy mô đào tạo nghề hiện nay vẫn quá nhỏ bé; trình độ, thiết bị đào tạo lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH.

– Đáng quan tâm nhất là chất lượng và hiệu quả giáo GD - ĐT còn thấp. Trình độ kiến thức, kỹ năng thực hành, phương pháp tư duy khoa học, trình độ ngoại ngữ và thể lực của đa số sinh viên còn

yếu. Ở nhiều học sinh ra trường, khả năng vận dụng kiến thức vào sản xuất và đời sống còn hạn chế. Số đông sinh viên tốt nghiệp chưa có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng trong ngành nghề và công nghệ. Đặc biệt đáng lo ngại là trong một bộ phận học sinh, sinh viên có tình trạng suy thoái đạo đức, mờ nhạt về lí tưởng, theo lối sống thực dụng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp vì tương lai của bản thân và đất nước. Đào tạo chưa gắn với sử dụng. Một số sinh viên tốt nghiệp không chịu đi làm việc ở những vùng khó khăn, trong khi ở các thành phố còn nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hoặc làm không đúng nghề đã được đào tạo.

– Có những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục:

Dạy thêm và học thêm tràn lan, tốn nhiều thời gian và tiền bạc của học sinh, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của học sinh và quan hệ thầy trò. Nhiều trường đã tăng quy mô tuyển sinh vượt quá khả năng đào tạo, mở quá nhiều lớp tại chức ở các địa phương mà không thực hiện đúng quy chế, đúng chương trình, không đảm bảo chất lượng đào tạo. Tệ nạn xã hội, ma túy đang thâm nhập một số trường học.

– Chưa thực hiện tốt công bằng xã hội trong giáo dục. Cụ thể: Con em gia đình nghèo gặp nhiều khó khăn khi muốn học lên cao; ở các trường đại học, tỉ lệ sinh viên là con em nhà nghèo, con em xuất thân công nông, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn ít.

– Đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu. Năm học 1995 –1996 cả nước còn thiếu gần 120.000 giáo viên phổ thông. Nhìn chung, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển GD – ĐT trong giai đoạn mới. Ở bậc đại học, tỉ lệ giáo viên có trình độ sau đại học còn thấp và trong những năm trước mắt sẽ có tình trạng hẫng hụt, thiếu người thay thế cho các cán bộ có trình độ cao sắp nghỉ hưu.

Nguyên nhân của những yếu kém nói trên là:

– Công tác quản lý GD – ĐT có những mặt yếu kém, bất cập.

Chủ trương đổi mới về giáo dục, chưa được nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, tổ chức thực hiện có nhiều thiếu sót. Mở rộng quy mô và phát triển nhiều loại hình GD – ĐT nhưng có nhiều thiếu sót trong việc quản lí chương trình, nội dung và chất lượng. Công tác thanh tra giáo dục còn, thiếu những biện pháp hữu hiệu để kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, đặc biệt là đối với các hình thức trường “mở”, bán công, dân lập, tư thục và không tập trung. Chậm phát hiện và xử lí các biểu hiện tiêu cực.

Cơ chế quản lí của ngành GD – ĐT chưa hợp lí, chưa phát huy quyền chủ động và trách nhiệm

của địa phương và nhà trường.

Nội dung GD – ĐT vừa thừa, vừa thiếu, nhiều phần chưa gắn với cuộc sống.

Phương pháp GD – ĐT chậm đổi mới, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.

– GD – ĐT chưa kết hợp chặt chẽ với lao động sản xuất nhà trường chưa gắn với gia đình và xã hội. Hoạt động GD – ĐT chưa gắn mật thiết với các hoạt động sản xuất và nghiên cứu khoa học. Gia đình và các tập thể, cộng đồng xã hội chưa phối hợp chặt chẽ với nhà trường giáo dục thế hệ trẻ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Các chính sách chưa đủ khuyến khích nghề dạy học và giáo viên đến dạy ở những vùng khó khăn, chưa động viên được những giáo viên dạy giỏi và giảng viên có trình độ cao. Hệ thống các trường sư phạm tuy đã được quan tâm đầu tư hơn trước nhưng vẫn chưa đủ sức làm tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Phương tiện dạy và học của các trường nhìn chung chậm được cải thiện.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan cũng cần thấy những nguyên nhân khách quan như tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội từ những năm trước, tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường.

Hiện nay sự nghiệp GD – ĐT đang đứng trước mâu thuẫn lớn giữa yêu cầu vừa phải phát triển nhanh quy mô GD – ĐT, vừa phải gấp rút nâng cao chất lượng GD – ĐT, trong khi khả năng và điều kiện đáp ứng yêu cầu còn nhiều hạn chế. Đó là mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Định hướng chiến lược phát triển GD – ĐT trong thời kỳ CNH, HĐH, đặc biệt là những chủ trương, giải pháp từ nay đến năm 2010 phải được thực hiện với tinh thần cách mạng sâu sắc để giải quyết có hiệu quả mâu thuẫn nói trên.

Một phần của tài liệu Chương trình Quản lí hành chính Nhà nước và quản lí ngành Giáo dục và Đào tạo (Trang 42)