4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.1.2.2. Những nghiên cứu về loài Kiêu hùng ở Việt Nam
Ở Việt Nam, những tài liệu đề cập về loài Kiêu hùng là rất hiếm và hầu như chưa có công trình cụ thể và chi tiết nào về loài. Ngay cả các giáo trình về thực vật học hay phân loại thực vật học cũng chỉ đề cập đến một số đại diện khác của họ như những ví dụ cho việc giảng dạy (loài Ngọc lan hoa trắng, hoa vàng hay một số loài mỡ). Thêm nữa, trong các bộ thực vật chí do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chủ trì, thì riêng họ này vẫn chưa được xây dựng. Trong sự hiếm hoi về tài liệu đề cập đến loài Kiêu hùng, chúng tôi đã cố sưu tầm và có thể kể đến một số công trình sau:
Phạm Hoàng Hộ (1991) [15] trong công trình đồ sộ về thực vật “Cây cỏ Việt Nam” và được tái bản cùng tên năm 1999 đã mô tả ngắn gọn cùng hình vẽ của khoảng 12000 loài thực vật có mạch. Đây là công trình để đời và đang được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu và giảng dạy sử dụng như một bộ sách cẩm nang cho phân loại. Trong phần viết về họ Ngọc lan, tác giả đã đưa ra được 50 loài thuộc 8 chi hiện ghi nhận cho hệ thực vật Việt Nam. Loài nghiên cứu Kiêu hùng được tác giả dùng với tên Dạ hợp cachcart và đặt trong chi Ngọc lan (Magnolia) với tên Magnolia cathcartii
(Hook.f. & Thomson) Noot. Tác giả có mô tả sơ bộ đặc điểm hình thái của loài như “đại mộc cao khoảng 10m, đường kính vào 20cm. Lá có cuống dài 1-1,3cm, phiến bầu dục thon, đến 10 x 4cm, có mũi, không lông, láng, gân phụ rất mịn, 14-17 cặp, cách nhau 4-5mm. Hoa đối diện với lá; cọng dài 3cm; phiến hoa cao 3-3,5cm; tiểu nhụy nhiều. Manh nang tròn tròn, rộng 5-8mm, cứng, đơm trên một đế dài, cong cong”. Tác giả cũng chỉ ra rằng loài có phân bố ở đèo Ô Qúy Hồ, Sa Pa, Lào Cai ở độ cao 2000m so với
mặt nước biển.
Nguyễn Tiến Bân (2003) [3] trong công trình “Danh lục các loài thực vật Việt Nam” tập II trong phần viết về họ Ngọc lan đã liệt kê được 46 loài và 3 thứ trong 9 chi của họ, trong đó có chi Kiêu hùng (Alcimandra). Tuy nhiên, công trình chỉ dừng lại ở dạng Danh lục mà chưa đưa ra được các thông tin cụ thể khác về đặc tính sinh học hay sinh thái học loài. Trong công trình này tác giả đã chỉ ra rằng ở Việt Nam loài Kiêu hùng hay Giổi núi cao có phân bố tại Lào Cai (Sa Pa, Ô Qúy Hồ, Fanxi Pan), mọc rải rác tròng rừng thưa hoặc rừng nguyên sinh, ở độ cao 1800-2600m so với mặt nước biển.
Trong Sách đỏ Việt Nam, phần thực vật (2007) [4] đã đề cập đến tình trạng bảo tồn của 8 loài thuộc họ Ngọc lan (Magnoliaceae), trong đó có loài Kiêu hùng (Alcimandra cathcartii). Loài được ghi nhận là có nguồn gen rất hiếm và độc đáo và được xếp hạng CR B1+2b,e - Loài rất nguy cấp. Tài liệu cũng chỉ ra rằng ở Việt Nam, loài này mới chỉ được ghi nhận bắt gặp ở dãy Fanxipan với số lượng cá thể rất ít. Nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng khó tránh khỏi nếu môi trường sống bị phá hủy hoặc bản thân cây bị khai thác (Sách đỏ Việt Nam, 2007) [4].