4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.1.3. Nhận xét chung
Sau khi điểm qua một số công trình chủ yếu như trên, chúng tôi có một số kết luận sau:
Các nghiên cứu về đặc điểm cấu trúc rừng, tái sinh rừng, hình thái, sinh thái,… của rừng mưa nhiệt đới đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu từ rất lâu. Những kết quả đạt được cung cấp đầy đủ cơ sở lý luận cũng như thực tiễn cho việc thực hiện định hướng nghiên cứu của đề tài. Tuy nhiên, tài nguyên thực vật rừng nhiệt đới là rất đa dạng, phong phú. Do đó, các công trình nghiên cứu chuyên sâu về đặc tính sinh học, sinh thái cho từng loài cây cụ thể, đặc biệt là những loài cây quý hiếm để có biện pháp bảo tồn vẫn đang là hướng nghiên cứu hết sức cần thiết và cấp bách.
Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái cho từng loài cây cụ thể cũng rất được quan tâm nghiên cứu và đã có những kết quả đáng kể và góp phần cung cấp cơ sở cho việc gây trồng, bảo tồn nhiều loài cây gỗ quý hay bản địa như Lim xanh, Lát hoa, Pơ mu,… Tuy nhiên, tài nguyên rừng hiện nay đang ngày càng bị đe dọa nghiêm
trọng bởi sự khai thác quá mức của con người dẫn tới nhiều loài cây gỗ quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, số lượng loài bổ sung vào sách đỏ Việt Nam ngày càng nhiều. Do đó, nếu chúng ta không có biện pháp bảo tồn cấp bách thì tương lai không xa nguồn gen quý hiếm của các loài cây này sẽ biến mất ngoài tự nhiên.
Họ Ngọc lan (Magnoliaceae) là họ nguyên thủy và đóng vai trò quan trọng đối với khoa học phân loại và tiến hóa trong việc hình thành khái niệm về hoa đầu tiên của thực vật Hạt kín (Angiospermae). Nhiều taxon trong họ mang những đặc điểm phân loại quan trọng trong việc phân tách giữa các chi, trong đó có loài Kiêu hùng (Alcimandra cathcartii (Hook.f. & Thomson) Dandy). Kiêu hùng là loài cây gỗ trung bình đến lớn, gỗ tốt, thơm, vân gỗ đẹp, được nhân dân dùng đóng đồ dùng gia đình, làm đồ mỹ nghệ, chạm khắc, văn phòng phẩm. Loài được Sách đỏ Việt Nam (2007) [4] ghi nhận là loài có nguồn gen rất hiếm và độc đáo, và được xếp hạng CR B1+2b,e - Loài rất nguy cấp. Ở Việt Nam, loài này mới chỉ được ghi nhận bắt gặp ở dãy Fanxipan với số lượng cá thể rất ít. Nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng khó tránh khỏi nếu môi trường sống bị phá hủy hoặc bản thân cây bị khai thác (Sách đỏ Việt Nam, 2007) [4]. Tuy vậy, ở Việt Nam hay trên thế giới chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về Loài trên phương diện các đặc tính sinh học hay sinh thái học nhất là cấu trúc, tổ thành, tái sinh,… Xuất phát từ thực tiễn đó, đề tài nghiên cứu được đặt ra là cần thiết và cấp bách.