Tổng quan về Khách sạn quốc tế Bảo Sơn

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ tại bộ phận bàn của khách sạn quốc tế Bảo Sơn, Hà Nội (Trang 25 - 27)

2.2.1.1. Giới thiệu về Khách sạn quốc tế Bảo Sơn

* Quá trình hình thành và phát triển của khách sạn Bảo Sơn

Ngày 27-3-1991 bộ trưởng Đặng Vũ Chu đã kí văn bản chính thức số 1588CLN- TCLD đề nghị ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định chuyển đổi công ty may mặc, xuất nhập khẩu và dịch vụ thành công ty TNHH dịch vụ đầu tư và du lịch Nghi Tàm. Theo quyết định số 2085/QĐ - UB của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp ngày 16-10-1991 công ty TNHH dịch vụ đầu tư và du lịch Nghi Tàm chính thức được thành lập – tiền thân Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn.

Và đến cuối năm 1993, công ty TNHH dịch vụ đầu tư và du lịch Nghi Tàm đã đầu tư xây dựng khách sạn Quốc Tế Bảo Sơn tại địa chỉ số 50 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Khách sạn được hoàn thành vào tháng 12-1995, và hoàn thiện lần cuối vào tháng 12-1997 với tổng diện tích 5000m2 nằm trong quy hoạch tổng thể đã được kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt với kiến trúc hiện đại gồm 2 đơn nguyên nhà 8 tầng có dạng hình chữ T. Khách sạn có 95 phòng nghỉ được trang bị các thiết bị hiện đại, khách sạn đã thu hút một lượng khách không nhỏ cả quốc tế và nội địa. Hiện nay khách sạn đang nâng cấp và tu sửa một số công trình để phục vụ khách du lịch tốt hơn.

* Các lĩnh vực kinh doanh của khách sạn Bảo Sơn

- Lĩnh vực lưu trú là lĩnh vực kinh doanh quan trọng và hiệu quả nhất của khách sạn Bảo Sơn. Doanh thu từ hoạt động này chiếm gần 50% tổng doanh thu của khách sạn. Phòng nghỉ được thiết kế đẹp, trang trí nội thất có tính thẩm mỹ cao. Dịch vụ lưu trú được khách hàng đánh giá khá cao, công tác tổ chức phục vụ tại phòng ăn, giặt là được thực hiện tốt.

- Lĩnh vực ăn uống: Đây không phải là thế mạnh của khách sạn Bảo Sơn. Tuy nhiên trong những năm gần đây doanh thu kinh doanh từ ăn uống đã chiếm tỷ trọng đáng kể. Nguồn thu chủ yếu của hoạt động này là do kinh doanh tiệc cưới mang lại. Gồm có 3 nhà hàng:

Bảng 2.1: Địa điểm, sức chứa các nhà hàng của khách sạn Bảo Sơn

Nhà hàng Địa điểm Sức chứa Giờ mở cửa

Nhà hàng Thủy Tinh Cung Sảnh 250 khách 6h – 22h Nhà hàng cà phê Rose Garden Sảnh 100 khách 6h – 24h Nhà hàng Bora Bora Tầng 2 120 khách 6h – 24h

(Nguồn: Khách sạn Bảo Sơn)

- Lĩnh vực từ dịch vụ bổ sung

+ Dịch vụ vui chơi giải trí: những dịch vụ này của khách sạn còn chưa đầy đủ, quy mô còn nhỏ, bao gồm các hoạt động Bi-a, tập thể hình, massage sauna, casino…

+ Dịch vụ cho thuê văn phòng, hội thảo: có 6 phòng hội thảo lớn nhỏ, có sức chứa hơn 300 khách, mặt khác phía trước phòng hội thảo có khu vực tiền sảnh tiện lợi cho việc sử đón tiếp và phát tài liệu cho các đại biểu, có sự hỗ trợ về vấn đề tài liệu và mạng.

+ Các dịch vụ khác: nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, giúp cho khách hàng thuận lợi, thoải mái khi tới khách sạn, khách sạn đã trang bị thêm các dịch vụ khác: dịch vụ đưa đón khách, dịch vụ giặt là, dịch vụ tổ chức du lịch, lữ hành, khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền…

* Cơ cấu bộ máy tổ chức của khách sạn Bảo Sơn

Qua hình 2.1 về cơ cấu tổ chức của khách sạn Bảo Sơn (xem phụ lục 3), ta thấy cơ cấu của khách sạn Bảo Sơn được xậy dựng theo mô hình cấu trúc trực tuyến - chức năng. Theo kiểu cơ cấu này, giám đốc khách sạn chính là người nắm quyền quyết định và chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh của khách sạn, đảm bảo nguyên tắc một thủ trưởng. Giám đốc thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của các phòng ban chức năng trong việc ra quyết định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quyết định, đồng thời mọi mệnh lệnh được truyền đi theo hướng quy định. Lãnh đạo và phòng ban chức năng không có quyền ra lệnh trực tiếp đối với các bộ phận ở các tuyến. Tuy nhiên trong kiểu cơ cấu này đòi hỏi giám đốc khách sạn thường xuyên giải mối quan hệ chặt chẽ giữa các phòng ban chức năng và các bộ phận trực tuyến.

2.2.1.2. Kết quả hoạt động kinh doanh của khách sạn Bảo Sơn

Qua bảng 2.2 về kết quả hoạt động kinh doanh của khách sạn Bảo Sơn (xem phục lục 4) ta thấy:

- Tổng doanh thu năm 2012 tăng 2.358 triệu đồng tương ứng tăng 4,6% so với năm 2011. Tổng doanh thu của khách sạn tăng là do doanh thu của dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, mặc dù doanh thu các dịch vụ khác giảm nhưng không đáng kể.

- Do việc đầu tư nâng cấp chất lượng phòng và mua sắm trang thiết bị đã làm cho năm 2012 so với năm 2011 tổng chi phí của khách sạn tăng 718 triệu đồng tương ứng tăng 2,0%. Tốc độ tăng của chi phí so với doanh thu không cao khiến cho tỷ suất chi phí giảm 1,7%. Chi phí này bao gồm các chi phí về nâng cấp, sửa chữa, khấu hao tài sản cố định…

- Lao động trong năm 2012, số lao động giảm 20 người tương ứng giảm 8,3% so với năm 2011.

- Vốn kinh doanh năm 2012 tăng 500.000 triệu đồng tương ứng tăng 10,0% so với năm 2011, do sự tăng vốn lưu động, vốn cố định. Trong đó:

- Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2012 tăng 546,7 triệu đồng tương ứng tăng 6,4% so với năm 2011, tỷ suất lợi nhuận sau thuế tăng 0,3 %, điều đấy chứng tỏ khách sạn kinh doanh có hiệu quả so với năm 2011.

Qua phần phân tích trên, ta thấy hoạt động kinh doanh của khách sạn khá tốt, cho thấy khách sạn quản lí tốt về mặt tài chính làm cho tốc độ doanh thu năm 2012 so với năm 2011 tăng 1,1%. Bên cạnh đấy, khách sạn rất chú trọng tới vẫn đề nhân lực, thực hiện giảm số lượng lao động phù hợp với quy mô kinh doanh của khách sạn, và nâng cao chất lượng lao động để tăng năng suất lao động và tăng hiệu quả kinh doanh của khách sạn. Cơ cấu vốn kinh doanh hợp lý, làm cho khách sạn sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, điều đấy giúp đem tới cho khách sạn lợi nhuận tương đối (tăng 6,4% so với năm 2011).

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ tại bộ phận bàn của khách sạn quốc tế Bảo Sơn, Hà Nội (Trang 25 - 27)