Các Lan hài ở Việt Nam có thể chia thành hai nhóm riêng. Các loài của nhóm thứ nhất chỉ phân bố ở các vùng núi đá vôi Bắc Việt Nam. Paphiopedilum aspersum, P. concolor, P. dianthum, P. helenae, P. malipoense, P. micranthum, P. purpuratum, P. tranlienianum và P. vietnamense là các loài mọc trên đá vôi bắt buộc. Chúng gặp các vùng núi đá vôi bị bào mòn mạnh phân bố rộng. Các sườn đá khuất nắng và các vết nứt sâu trên vách đá và các bờ đá vôi rắn dạng cẩm thạch hay các mỏm đá là nơi sống điển hình nhất cho các loài này.
Các loài thuộc nhóm Lan hài thứ hai phân bố ở các vùng núi được tạo thành chủ yếu từ đá axit. Kiểu núi này có ở khắp nơi tại Việt Nam, tuy nhiên phổ biến hơn ở miền Trung và miền Nam.
Cũng như bất cứ nơi nào khác trên thế giới,các loài Lan ở Việt Nam mọc trên đất, trên đá và phụ sinh. Có một số loài đôi khi cũng thay đổi nơi sống ưa thích, nhưng cách mọc chính vẫn là đặc trưng riêng của loài. Khoảng 22% các loài Lan của Việt Nam mọc trên đất, 8% mọc trên đá, 70% còn lại là Lan phụ sinh. Trong số các loài Lan phụ sinh có khoảng 15% là các loài phụ sinh trên mùn, sống ở chạc cành già trên các cây gỗ lớn tích nhiều mùn và lá cây chết. Khoảng 50% các loài phụ sinh sống bám trên thân và các cành cây, khoảng 5% sống trên các cành nhỏ, cành mang lá hay thậm chí trên lá cây trong tán của các cây gỗ lớn. Các loài Lan hài của Việt Nam có thể sống trên đất, bám đá và phụ sinh mùn [2], [3].
Các loài Lan hài sống trên đất thường có khảm những ô hay mảng màu rõ rệt. Chúng thường mọc ở nơi có ít ánh sáng của tán cây rừng, chủ yếu ở sườn núi dốc, trong điều kiện thoát nước tốt. Chúng thường ưa thích các nền đất có nhiều lá rơi đã bị phân hủy mạnh và rất giàu mùn, đôi khi chúng cũng mọc trên đá. Hầu hết các
Lan hài của Việt Nam là các loài mọc trên đá. Chúng thường mọc dưới bóng cây của kiểu rừng ít nhiều không khép tán, chủ yếu trên các mỏm đá và ngay bên dưới các đường đỉnh.
Tại các vùng ở Việt Nam nơi có Lan hài phân bố, lượng mưa lớn kéo theo độ ẩm cao. Tuy nhiên, mưa thường thay đổi theo mùa và như vậy, thực vật ở các vùng này thường phải trải qua giai đoạn khô hạn.
Sự xuất hiện lá dày, dai và mọng nước là hướng thích nghi tốt để cây có thể sống sót qua các đợt khô hạn định kỳ và chúng sẽ phục hồi nhanh chóng khi mùa mưa trở lại.
Các sườn bắc, Đông bắc và Tây bắc của núi chắc chắn là nơi sống ưa thích của các Lan hài trong các vùng rừng đã xuống cấp. Tuy nhiên, trong rừng nguyên sinh chúng phân bố đều nhau ở các hướng sườn. Nhưng dù sao thì Lan hài thường có điều kiện tốt nhất và nở hoa tốt hơn ở các sườn Nam ấm và nhiều ánh sáng hơn. Thường thì Lan hài ngày nay mọc thành những đám nhỏ. Tuy nhiên, trước đây những đám lớn với hàng ngàn chồi nở hoa chắc chắn không phải là hiếm.
Độ ẩm xung quanh rễ, kiểu đất và độ pH, sự có mặt của các nấm rễ, tác nhân thụ phấn phù hợp và cường độ ánh sáng là các nhân tố quan trọng trong việc hình thành và diễn thế của các quần thể Paphiopedilum. Các nơi sống tự nhiên bị phá hủy bởi con người, sự thay đổi các điều kiện môi trường và việc thu hái Lan để bán là nguyên nhân chính gây ra sự tuyệt chủng nhanh chóng của các loài Lan hài trên khắp cả nước ta [3].