khả năng tạo callus của Lan hài hồng
Để gia tăng hiệu quả của quá trình nhân nhanh các loại cây từ các mẫu đã tái sinh thì giai đoạn tạo callus là một trong những bước khá quan trọng đáp ứng cho mục tiêu này. Có thể nói rằng callus chỉ được hình thành trên môi trường có bổ sung auxin với nồng độ cao [4], trong đó 2,4D là chất thường được dùng để tạo callus đối với đa số các loại mẫu thực vật. Đối với cây Lan hài, nhiều tài liệu cũng cho thấy hoạt chất này cũng có khả năng tạo callus nhưng hiệu quả tác động của hoạt chất này sẽ thể hiện cao hơn nếu nó được phối hợp với NAA hoặc TDZ và hiệu quả nhất chính là sự phối hợp với TDZ [10], [11], [12], [13]. Trong thí nghiệm này, chúng tôi cũng sử dụng kết hợp giữa 2,4D và TDZ ở các nồng độ khác nhau để tạo callus cho cây Lan hài hồng và kết quả ghi nhận được trình bày ở Bảng 3.5.
Từ kết quả nhận được ở Bảng 3.5 cho thấy rằng 2,4D là tác nhân chính trong quá trình hình thành callus ở cây Lan hài. Khi môi trường không bổ sung 2,4D thì không xuất hiện hình thành callus ở tất cả các mẫu mặc dù hàm lượng TDZ có bổ sung đến 1mg/l. Hoặc khi sử dụng 2,4D ở nồng độ thấp thì mẫu callus được tạo thành với tỉ lệ khá thấp (< 50%).
Nồng độ bổ sung của 2,4D từ 5mg/l trở đi có tác dụng rõ đến sự hình thành callus của Lan hài. Điều thú vị ở đây là khi bổ sung phối hợp của chất này với TDZ không chỉ có tác dụng gia tăng tỷ lệ mẫu hình thành callus so với nghiệm thức không phối hợp và đồng thời còn làm cho mẫu không bị nâu vàng. Cũng từ kết quả ở Bảng 3.5 cho thấy nồng độ bổ sung của 2,4D là 10mg/l phối hợp với 0,1mg TDZ cho kết quả hình thành callus là cao nhất đối với cây Lan hài hồng và ở nồng độ tối ưu này thì tỷ lệ mẫu hình thành callus là 96% . Các kết quả nhận được nêu trên cũng khá phù hợp với kết quả đã công bố của một số tác giả khi nghiên cứu trên đối tượng Paphiopedium khác trước đây [9], [13], [20].
Ngoài ra chúng tôi cũng đã tiến hành sử dụng mô lá cây Lan hài để tạo callus nhưng tất cả các mẫu lá cấy trên môi trường đều bị chết sau 1-2 tuần nuôi cấy. Như
vậy đối với cây Lan hài hồng (Paphiopedilum delenatii) thì lá không phải là mẫu ban đầu thích hợp cho quá trình nuôi cấy tạo callus.
Bảng 3.5. Nghiệm thức ảnh hưởng các chất ĐHST ảnh hưởng đến khả năng tạo callus Lan hài hồng
Nghiệm thức 2,4D, mg/l TDZ, mg/l % mẫu tạo callus % mẫu tạo PLB % mẫu chết C1 0 0 0 97 3 C2 0 0,1 0 95 5 C3 0 0,5 0 93 7 C4 0 1,0 0 96 4 C5 1,0 0,1 50 47 3 C6 1,0 0,5 44 52 4 C7 1,0 1,0 42 53 5 C8 5,0 0,1 52 46 2 C9 5,0 0,5 54 42 4 C10 5,0 1,0 56 39 5 C11 10 0,1 96 2 2 C12 10 0,5 82 12 6 C13 10 1,0 80 12 8
Qua thí nghiệm này chúng tôi cũng nhận thấy rằng so với nhiều đối tượng khác thì việc tạo callus Lan hài là rất khó khăn, không chỉ yêu cầu điều kiện nuôi cấy tối mà thời gian hình thành callus của Lan hài cũng khá dài (khoảng 90 ngày).
Các mẫu callus được hình thành trong các thí nghiệm trên được chuyển sang môi trường khoáng MS không bổ sung ĐHST thì kết quả cho thấy hầu hết các mẫu đều hình thành PLB trong khoảng thời gian 8-12 tuần khi nuôi cấy trong điều kiện có ánh sáng.
Như vậy từ các kết quả nhận được nêu trên có thể kết luận rằng nồng độ bổ sung của 2,4D với hàm lượng 10mg/l phối hợp với 0,1mg/l TZD là thích hợp nhất cho quá trình tạo callus từ mẫu PLB ban đầu của cây Lan hài hồng (Paphiopedilum delenatii).
Hình 3.2. Sự hình thành callus của cây Lan hài