Xuống chức

Một phần của tài liệu Bài giảng quản trị Nguồn nhân lực _ HVCNBCVT ppsx (Trang 52 - 54)

Xuống chức là việc đưa người lao động đến một vị trí việc làm có cương vị và tiền lương thấp hơn, có

trách nhiệm và cơ hội ít hơn.

Xuống chức thường là kết quả của việc giảm biên chế hay kỷ luật, hoặc là để khắc phục việc bố trí lao động không đúng trước đó (do trình độ của cán bộ không đáp ứng hay do sức khỏe không đáp ứng được yêu cầu của công việc). Xuống chức thường gây ra những bức xúc cho người bị xuống chức. Họ có thể thấy mình bị phản bội, mất sự kính trọng của đồng nghiệp, ngượng ngùng, nổi giận và thất vọng. Do đó cần phải thực hiện một cách thận trọng.

Một cách có thể làm giảm sự thương tổn đối với người bị xuống chức là thiết lập ra một giai đoạn thử việc đối với người được thăng chức choán vào công việc của người bị xuống chức. Xuống chức phải được thực hiện trên cơ sở theo dõi và đánh giá chặt chẽ, công khai tình hình thực hiện công việc của người lao động. Đối với các doanh nghiệp có công đoàn, các thủ tục xuống chức cần được nêu rõ trong thỏa ước tập thể giữa công đoàn và cấp quản trị. Trong trường hợp xuống chức cần thông báo rõ lý do xuống chức cho công đoàn biết.

5.3 THÔI VIỆC

Thôi việc là một quyết định chấm dứt quan hệ lao động giữa cá nhân người lao động và tổ chức. Quyết định đó có thể do các lý do về kỷ luật, lý do về kinh tế/sản xuất kinh doanh hoặc do các lý do cá nhân khác. Dù cho thôi việc xảy ra do lý do gì, thì vai trò của bộ phận nhân sự là phải tìm ra những biện pháp thỏa đáng để sự chia tay giữa người lao động và doanh nghiệp ít gây ra tổn hại nhất cho cả hai phía.

Trên thực tế, thường xảy ra ba dạng thôi việc là: giãn thợ, sa thải và tự thôi việc.

5.3.1 Giãn thợ

Giãn thợ là sự chấm dứt quan hệ lao động giữa người lao động và doanh nghiệp vì lý do sản xuất kinh doanh, chẳng hạn: giảm quy mô sản xuất, thừa biên chế do sáp nhập, tổ chức lại sản xuất, hoặc do tính chất của sản xuất. Tổ chức cần đưa ra các quyết định hợp lý: Ai bị mất việc trước tiên? Ai được gọi lại làm việc trước tiên? Quyết định đó có thể được lựa chọn trên cơ sở thâm niên làm việc hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức có thể đưa ra những cam kết khi ký hợp đồng lao động để giúp người lao động khỏi bị “sốc” khi mất việc làm. Tổ chức cũng cần có các biện pháp hỗ trợ theo luật định và theo khả năng kinh tế của doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn cho người lao động như bồi thường, trợ cấp thôi việc, đào tạo học nghề mới, giới thiệu việc làm mới ở doanh nghiệp khác… Đồng thời, cần phải thông báo cho người lao động theo một cung cách hợp lý.

5.3.2 Sa thải

Có hai dạng sa thải lao động:

- Người lao động bị đuổi việc (sa thải) do lý do kỷ luật lao động. Đây là hình thức cao nhất của kỷ luật lao động. Trong trường hợp này, bộ phận nhân sự và người lãnh đạo trực tiếp của người lao động cần phải thực hiện đầy đủ các bước của quá trình kỷ luật.

- Người lao động có thể bị sa thải vì lý do sức khỏe mà pháp luật không cho phép làm việc tiếp. Sau khi khỏi bệnh, họ sẽ được trở lại làm việc.

5.3.3 Tự thôi việc

Tự thôi việc là dạng thôi việc xuất phát từ phía người lao động. Trong nhiều trường hợp, ngay cả khi công ty nỗ lực tạo một môi trường làm việc tốt, vẫn có những người xin thôi việc. Tự thôi việc ít gây ra các vấn đề phức tạp cho công ty, nhưng tạo ra các vị trí trống. Khi nhân viên tự thôi việc cần phải tìm nguyên nhân tự thôi việc. Nhân viên tự thôi việc vì nhiều lý do khác nhau:

- Họ không thấy cơ hội thăng tiến - Họ là người có cao vọng

- Họ muốn có nhiều lương hơn hoặc phúc lợi nhiều hơn

- Họ không hợp với cấp lãnh đạo về tính tình hoặc cách làm việc - Họ không hợp với một số đồng nghiệp

- Họ chán công việc đang làm

- Họ không hợp với bầu không khí văn hóa của công ty - Họ có những lý do riêng

Khi có nhiều người muốn thôi việc thì cần phải tổ chức nghiên cứu tìm hiểu lý do của vấn đề. Cần phải có các cuộc tiếp xúc và phỏng vấn những người muốn thôi việc và những người đã thôi việc.

Cuộc phỏng vấn cần tiến hành các bước sau: - Thiết lập mối quan hệ

- Ấn định mục tiêu phỏng vấn

- Xem thái độ của họ đối với công việc cũ - Khám phá lý do của cuộc ra đi

- So sánh công việc cũ và công việc mới - Đưa ra các thay đổi theo yêu cầu

5.3.4 Hưu trí

Hưu trí không phải là thôi việc mà là sự chia tay của những người lao động cao tuổi với tổ chức theo quy định về tuổi về hưu của pháp luật, nó cho phép những người lao động cao tuổi được nghỉ ngơi hoặc theo đuổi những sở thích ngoài lao động và đồng thời mở ra những vị trí trống và tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho những người khác. Những người lao động về hưu sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí theo luật định và các phúc lợi theo quy định của doanh nghiệp (nếu có).

CHƯƠNG 6: TẠO ĐỘNG LỰC VÀ ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC

Một phần của tài liệu Bài giảng quản trị Nguồn nhân lực _ HVCNBCVT ppsx (Trang 52 - 54)