Thuyên chuyển

Một phần của tài liệu Bài giảng quản trị Nguồn nhân lực _ HVCNBCVT ppsx (Trang 50 - 51)

Thuyên chuyển là việc chuyển người lao động từ công việc này sang công việc khác hoặc từ địa dư này sang địa dư khác.

Thuyên chuyển có thể xuất phát từ phía tổ chức, đó là việc một nhân viên trong tổ chức có thể được giao nhiệm vụ mới, hay chuyển từ một công việc này sang công việc khác, từ phòng này sang phòng khác, từ nơi làm việc này sang nơi làm việc khác… Cũng có thể việc thuyên chuyên do tự nhân viên đề xuất và được tổ chức chấp thuận.

Từ phía tổ chức, thuyên chuyển có thể được thực hiện do những lý do sau:

- Để điều hòa nhân lực giữa các bộ phận hoặc để cắt giảm chi phí ở những bộ phận mà công việc kinh doanh đang bị suy giảm.

- Để lấp các vị trí việc làm còn trống do các lý do như mở rộng sản xuất, chuyển đi, về hưu, chấm dứt hợp đồng…

- Để khắc phục những sai sót trong bố trí lao động. Từ đó có các dạng thuyên chuyển như:

- Thuyên chuyển sản xuất: do nhu cầu của sản xuất, để điều hòa lao động, để tránh phải giãn thợ. - Thuyên chuyển thay thế: để lấp vào vị trí việc làm còn trống

- Thuyên chuyển để khắc phục những sai sót: Để khắc phục các sai sót trong tuyển chọn hay bố trí lao động.

Xét về mặt thời gian, có hai dạng thuyên chuyển là:

- Thuyên chuyển tạm thời: thuyên chuyển trong một thời gian ngắn để điều hòa lao động, tận dụng lao động tạm thời…

- Thuyên chuyển lâu dài: Thuyên chuyển trong một thời gian dài để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, để khắc phục sai sót trong bố trí lao động, để tận dụng năng lực của cán bộ…

Để quản lý có hiệu quả quá trình thuyên chuyển, tổ chức cần đề ra các chính sách và các quy định cụ thể về thuyên chuyển, trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Cần quy định rõ về người có quyền đề xuất việc thuyên chuyển, người có quyền và chịu trách nhiệm về việc ra quyết định thuyên chuyển. Thông thường, các cán bộ lãnh đạo bộ phận, những người quản lý là người có quyền đề xuất việc thuyên chuyển, phòng nguồn nhân lực có vai trò điều tiết, xem xét các vấn đề cũng như trực tiếp đề xuất việc thuyên chuyển, quyền quyết định thường thuộc về cấp lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp.

- Khi thuyên chuyển, cần đảm bảo sự phù hợp giữa trình độ của người lao động và vị trí làm việc mới, thực hiện các hoạt động đào tạo và phát triển để cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người lao động.

- Khi thuyên chuyển, cần lưu ý mối quan hệ giữa mức tiền công hiện tại của người lao động với mức tiền công ở vị trí làm việc mới.

- Việc thuyên chuyển đối với những “người lao động có vấn đề” cần phải được thực hiện bởi các thủ tục chặt chẽ, phải có các biện pháp giáo dục trước khi thuyên chuyển, phải được người lãnh đạo ở bộ phận mới chấp nhận.

- Việc thuyên chuyển nhân viên đến các nơi làm việc khác nhau đòi hỏi người quản lý phải tính đến yếu tố chi phí, và các vấn đề xã hội kéo theo như cuộc sống của gia đình nhân viên, chỗ ăn ở của họ… Do vậy ngày càng có xu hướng ít khuyến khích di chuyển nhân viên giữa các vùng.

Một phần của tài liệu Bài giảng quản trị Nguồn nhân lực _ HVCNBCVT ppsx (Trang 50 - 51)