Sau khi dự đoán được cung và cầu nhân lực cho thời kỳ kế hoạch, tổ chức cần phải tiến hành cân đối cung và cầu nhân lực trong tổng thể và chi tiết đến từng nghề, từng loại công việc… Kết quả so sánh cung và cầu nhân lực có thể xảy ra ba trường hợp sau:
- Cầu nhân lực lớn hơn cung nhân lực - Cầu nhân lực nhỏ hơn cung nhân lực
- Cầu nhân lực bằng cung nhân lực. Trong mỗi trường hợp, tổ chức phải có các biện pháp cụ thể nhằm khắc phục sự mất cân đối giữ cầu và cung nhân lực.
a. Cầu nhân lực lớn hơn cung nhân lực
Trong trường hợp này, tổ chức cần tìm kiếm các biện pháp nhằm khai thác và huy động lực lượng lao động từ bên trong và bên ngoài tổ chức, đó là:
- Thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng và đào tạo lại những người lao động hiện có để họ đảm nhận những chỗ trống trong tổ chức nhằm làm cho tổ chức hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch mà không cần tuyển thêm nhân viên mới từ thị trường bên ngoài.
- Đề bạt người lao động trong tổ chức, bồi dưỡng để người lao động có thể đảm nhận được công việc ở vị trí cao hơn.
- Kế hoạch hóa kế cận và phát triển quản lý: thu thập và nắm các thông tin về các chức vụ/vị trí công việc sẽ bị trống do người lao động muốn chuyển đi nơi khác hoặc sẽ được thăng chức, về hưu trong thời gian tới. Tiếp theo cần lựa chọn người có đủ tài, đức thực hiện công việc, hoặc người có tiềm năng cho chức vụ đang trống để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, thay thế từng bước và đảm nhận được công việc.
- Tuyển dụng lao động từ bên ngoài tổ chức.
- Ký hợp đồng phụ với các công ty, tổ chức khác để gia công sản phẩm cho công ty mình.
- Thuê lao động làm việc bán thời gian hoặc sử dụng lao động tạm thời để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trước mắt.
- Huy động người lao động trong tổ chức làm thêm giờ, nhưng phải đảm bảo quy định của Bộ luật lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:” Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ nhưng không được quá 4 giờ trong ngày, 200 giờ trong một năm”.
b. Cung nhân lực lơn hơn cầu nhân lực
Cung nhân lực lớn hơn cầu nhân lực (thừa lao động) xảy ra trong trường hợp nhu cầu thị trường về sản phẩm của tổ chức bị giảm sút so với thời kỳ trước, hoặc do tổ chức làm ăn thua lỗ nên phải thu hẹp sản xuất….
Trong trường hợp thừa lao động, doanh nghiệp cần áp dụng những biện pháp sau: - Thuyên chuyển nhân lực trong nội bộ tổ chức
- Tạm thời không thay thế, bổ sung lao động vào những vị trí có người lao động chuyển đi.
- Giảm giờ lao động trong ngày, trong tuần, trong tháng, nhưng phải thảo luận với người lao động và thông báo cho người lao động biết.
- Chia sẻ công việc: hai nhân viên thay nhau cùng làm chung một công việc
- Nghỉ luân phiên, nghỉ không lương tạm thời, khi cần lại huy động. Biện pháp này trước hết thường được áp dụng cho những công nhân mới vào nghề, thâm niên nghề thấp hoặc những công nhân có năng suất thấp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém. Còn đối với cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn kỹ thuật, biện pháp tạm nghỉ không lương hoặc nghỉ luân phiên chỉ áp dụng với các đối tượng có năng lực kém hoặc khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao thường ở mức thấp.
- Cho các tổ chức khác thuê nhân lực: Đưa lao động của tổ chức đi làm việc cho các tổ chức khác có nhu cầu thuê lao động, nhưng vẫn giữ tên họ trong danh sách bảng lương của tổ chức. Biện pháp này thường áp dụng đối với đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao trong giai đoạn tổ chức gặp khó khăn.
- Vận động nghỉ hưu sớm: thường áp dụng đối với những nhân viên còn từ 1 đến 5 năm nữa sẽ đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã có đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Người lao động có thể chấp nhận nghỉ hưu sớm nếu được thêm khoản phụ cấp nào đó ngoài tiền lương hưu.
- Vận động nhân viên về mất sức, tự thôi việc…: Áp dụng đối với nhân viên có sức khỏe yếu không đáp ứng được yêu cầu công việc của tổ chức nhưng bản thân và gia đình họ có thể tự tạo được việc làm hoặc có thể tìm được việc làm phù hợp tại tổ chức khác.
c. Cầu nhân lực bằng cung nhân lực
Trong trường hợp này nhu cầu nhân lực cần thiết để hoàn thành khối lượng công việc, số lượng sản phẩm trong kỳ kế hoạch bằng số lượng người hiện có của tổ chức. Tổ chức cần phải:
- Sắp xếp, bố trí lại nhân lực trong tổ chức cho hợp lý - Thực hiện quy hoạch cán bộ kế cận
- Thực hiện chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động để có thể áp dụng những thành tựu mới của tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh.
- Đề bạt, thăng chức cho nhân viên dựa vào khả năng thực hiện công việc, tiến bộ trong nghề nghiệp và yêu cầu của công việc.
CHƯƠNG 4: TUYỂN DỤNG NHÂN LỰC